MỤC LỤC:
***
Bạn có từng đọc một cuốn sách hay, nhưng khi khép lại, mọi thứ chẳng còn đọng lại gì? Cảm giác “nước đổ lá khoai” khi đọc sách khiến bạn thấy mình lãng phí thời gian, thấy việc đọc thực là vô ích.
Nếu bạn ao ước cách đọc nào đó giúp mình ghi nhớ nội dung đầy đủ, sâu sắc, không bỏ lỡ thông tin quan trọng nào thì đừng bỏ lỡ bài viết về 3 bước đọc sách thông minh dưới đây nhé!
Bước 1: Đọc sách lướt để nắm tổng quan
Chúng ta thường quen thuộc với cách đọc sách từ đầu đến cuối, nhất là đối với tiểu thuyết hay truyện ngắn. Tuy nhiên, với những cuốn sách phi hư cấu (dựa trên sự thật), việc đọc theo cách này có thể khiến bạn cảm thấy các chi tiết rời rạc, thiếu đi cái nhìn tổng quan.
Để tránh cảm giác "mơ hồ", rời rạc, hãy thử áp dụng phương pháp đọc lướt. Nói cách khác, hãy bắt đầu với việc "nhìn" tổng thể, nắm bắt tinh thần chung của cuốn sách trước khi đào sâu vào từng chi tiết.
Đọc lướt là gì?
Đúng như tên gọi, đọc lướt nghĩa là ta đọc một cách nhanh chóng, không tập trung vào chi tiết mà chỉ chú ý tới điểm chính và ý tưởng lớn.
Mục đích của bước này là để nắm bắt nội dung tổng quan, biết cuốn sách nói về chủ đề gì, nội dung có phù hợp với điều mình đang quan tâm hay không, mạch cuốn sách được trình bày theo trình tự như thế nào…
Đây là giai đoạn quan trọng để bạn xác định cuốn sách này có cần thiết dành thời gian để đọc kỹ hay chỉ dừng lại ở đọc lướt. Nếu cần thiết để nghiên cứu tiếp thì nội dung nào là trọng tâm, phần nào là quan trọng cần đọc kỹ và hiểu sâu. Đây là một kỹ thuật tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa việc đọc sách.
Những nội dung nào cần đọc lướt?
Đọc nhanh không đồng nghĩa với việc bạn giở sách loẹt xoẹt, đọc lung tung. Thay vào đó, bạn cần xác định nội dung cần nắm bắt để có cái nhìn tổng thể về cuốn sách.
Dưới đây là những điều cần chú tâm khi đọc lướt:
Tác giả: Ai là người viết cuốn sách? Tác giả có trải nghiệm đặc biệt gì? Tìm hiểu về tác giả, lĩnh vực chuyên môn và quan điểm của họ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nội dung và thông điệp được truyền tải.
Tựa đề: Tựa đề là lời giới thiệu đầu tiên của cuốn sách, ẩn chứa thông điệp và gợi mở những điều thú vị. Khi đọc bạn thử suy ngẫm tựa đề muốn truyền tải thông điệp gì? Nó có gợi cho bạn những câu hỏi về chủ đề sách?
Mục lục: Duyệt qua mục lục để hiểu rõ cấu trúc sách và cách bố trí nội dung. Những chủ đề chính được đề cập là gì? Cách sắp xếp chủ đề có logic không? Trọng tâm cuốn sách nằm ở phần nào?
Suy ngẫm: Cuốn sách muốn giải quyết vấn đề gì? Đây có phải vấn đề bạn quan tâm? Bạn mong đợi tìm được gì từ cuốn sách này?
Tổng quan: Đọc lướt phần mở đầu - nội dung chính - kết luận để nắm bắt khái quát nội dung.
Phần mở đầu giới thiệu vấn đề như thế nào? Phần kết luận khẳng định điều gì? Phần giữa triển khai và phân tích nội dung ra sao?
Xác định ý chạm: Trong quá trình đọc lướt, bạn có bất kỳ ý tưởng nào, câu hỏi nào, hay bất kỳ điều gì thu hút sự chú ý của bạn? Hãy ghi chú lại những "ý chạm" này để bạn có thể theo dõi chúng trong quá trình đọc kỹ.
Trong quá trình đọc, để việc ghi nhớ tốt hơn, bạn nên sử dụng bút để highlight những ý tưởng quan trọng, những điểm chính cần lưu ý. Ở lần đọc này bạn chỉ cần nắm tổng quan, không cần hiểu chi tiết nên bạn không cần cố gắng nhớ hết mọi thứ nhé.
Sau khi hoàn thành việc đọc lướt, tiếp theo sẽ là giai đoạn bạn cần đọc kỹ cuốn sách của mình.
Bước 2: Đọc kỹ nội dung chính
Nếu đọc lướt là chuyến du ngoạn trên cao, chiêm ngưỡng toàn cảnh cuốn sách, thì đọc kỹ là hành trình khám phá từng ngóc ngách, từng chi tiết ẩn sâu bên trong.
Đọc kỹ là gì?
"Đọc kỹ" quá trình bạn dành thời gian để đọc kỹ từng phần của cuốn sách, chú ý đến chi tiết, phân tích thông tin và suy ngẫm về ý nghĩa của nội dung.
Mục đích của việc đọc kỹ là để:
Hiểu sâu hơn về nội dung: Bạn sẽ nắm bắt được những ý tưởng chính, ý phụ, thông tin chi tiết, ví dụ minh họa, và lập luận của tác giả.
Có cơ sở để kết nối thông tin: Bạn có thể phân tích mối quan hệ giữa các ý tưởng, các phần khác nhau của cuốn sách, và liên hệ với kiến thức đã có.
Từ những điều này bạn mới có thể rút ra thông điệp, giá trị về nội dung và ứng dụng vào cuộc sống của mình.
Cần đọc kỹ như thế nào?
Đọc kỹ không còn là lướt qua từng trang giấy, mà bạn cần chậm rãi, tận hưởng và chiêm nghiệm từng chi tiết. Bạn sẽ phải tập trung để chú ý đến từng từ, từng câu, từng đoạn, từng chương, suy ngẫm về ý nghĩa của từng câu văn, cách tác giả trình bày thông tin, và những ẩn dụ, biểu tượng được sử dụng.
Hiểu rõ nội dung của từng phần trước khi tiếp tục đọc sẽ giúp bạn nắm bắt trọn vẹn thông điệp, rút ra những bài học giá trị và tận hưởng trọn vẹn niềm vui của việc đọc sách. Vì vậy nếu có phần nào chưa rõ ràng, bạn nên dừng lại, đọc lại, tra cứu hoặc ghi chú để tìm hiểu thêm.
Ở phần đọc lướt, bạn cũng có những gạch chân ghi chú rồi. Khi đọc kỹ bạn cũng hãy tiếp tục công việc này: sử dụng bút màu hoặc sổ tay để tóm tắt, ghi lại ý chính, những câu văn hay, những ý tưởng mới, hoặc những câu hỏi bạn muốn tìm hiểu thêm. Việc tóm tắt từng đoạn, từng chương sẽ giúp bạn dễ dàng rút ra được toàn bộ nội dung chính có trong cuốn sách.
Bạn có thể sử dụng sơ đồ tư duy, bảng biểu hoặc bất kỳ phương pháp nào bạn cảm thấy phù hợp.
Trong quá trình đọc kỹ, bạn đừng quên liên hệ với kiến thức mình đã có. Việc kết nối những kiến thức đã có với những kiến thức mới giúp bạn hiểu sâu hơn về chủ đề, phát hiện những điểm tương đồng và khác biệt, thậm chí là mở ra những góc nhìn mới mẻ.
Cuối cùng, đừng quên viết lại những gì bạn đã đọc. Viết lại những ý tưởng, thông tin quan trọng theo cách hiểu của bạn là cách tuyệt vời để củng cố kiến thức.
Bước 3: Đúc kết nội dung lõi
Sau khi bạn đã đọc kỹ và tóm tắt nội dung chính của cuốn sách, bạn sẽ không còn khó khăn để rút ra ý cốt lõi. Đây là giai đoạn quan trọng để bạn hiểu rõ mục đích của tác giả khi viết cuốn sách và khám phá những bài học sâu sắc ẩn chứa trong đó.
Để tìm nội dung cốt lõi của cuốn sách, bạn có thể làm như sau:
Liệt kê và phân nhóm ý chính:
Hãy liệt kê lại các ý chính của cuốn sách mà bạn đã ghi chép ở trên. Sau đó, xem xét chúng có liên quan đến nhau như thế nào. Những ý chính này có thể được chia thành các nhóm theo chủ đề không? Việc phân nhóm sẽ giúp bạn nhìn rõ cấu trúc và logic của nội dung.
Xác định thông điệp của tác giả:
Để hiểu trọn vẹn ý nghĩa của cuốn sách, bạn có thể tự hỏi: Tác giả muốn chia sẻ điều gì? Chủ đề chính của cuốn sách là gì? Tác giả muốn bạn đọc rút ra bài học gì? Có thông điệp nào về cuộc sống, con người, xã hội?
Tìm nội dung cốt lõi nhất
Để tìm ra nội dung cốt lõi của cuốn sách, bạn có thể thử xác định ý chính quan trọng nhất. Ý chính này đóng vai trò như thế nào trong việc làm rõ thông điệp của tác giả?
Bạn có thể thử xóa bỏ từng ý chính và xem xét xem thông điệp của cuốn sách có bị thay đổi hay không? Thông tin còn lại có đủ để làm rõ thông điệp chính của tác giả? Hãy tìm kiếm ý tưởng xuyên suốt, điểm chung, thông điệp được tác giả truyền tải một cách rõ ràng.
Bằng cách phân tích, bạn sẽ dần tìm ra nội dung cốt lõi, ý tưởng chủ đạo xuyên suốt cuốn sách.
Vậy là, bằng cách đọc thông minh này, cả một cuốn sách dài được thâu tóm trong một nội dung cốt lõi nhất, được minh họa bởi các từng nội dung cụ thể, chi tiết. Điều này giúp việc ghi nhớ của bạn trở nên dễ dàng hơn, có hệ thống và sự logic.
=>> Bạn có thể nâng tầm thêm khả năng đúc kết sách của mình tại đây: 3 cấp độ đúc kết sách
Lời kết
Cách đọc sách thông minh bằng 3 bước đúc kết như trên sẽ giúp bạn nắm toàn bộ bức tranh tổng quan của cuốn sách, từ đó dễ dàng đi sâu khám phá từng chi tiết nhỏ, thấy được sự liên kết của toàn các bộ các vấn đề.
Khi bạn hiểu sâu sắc nội dung của cuốn sách, việc ghi nhớ và ứng dụng chỉ còn trong tầm tay.
***
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments