top of page
Writer's pictureNhàn Lý

4 BƯỚC KAIZEN - TỪ BƯỚC ĐI NHỎ MANG LẠI THAY ĐỔI LỚN

Updated: Mar 18

Bạn đang cảm thấy mình dậm chân tại chỗ.

Bạn lo lắng mình bị đào thải bởi lớp trẻ năng động hoặc “bại trận” trước đối thủ nặng ký AI đang “làm mưa làm gió” trên mọi nền tảng.

Hoặc đơn giản, bạn muốn thoát khỏi tư duy lối mòn và khao khát mình có thể sáng tạo.

Bạn đang tốt rồi nhưng muốn mình tốt hơn nữa.


Nhưng bạn sợ những thay đổi lớn sẽ đưa đến nguy hiểm, mất mát hoặc bạn đã thử nhiều cách chỉ nhưng có hiệu quả phút ban đầu rồi về sau đâu lại hoàn đó.


Đừng lo, có 1 cách rất an toàn, thoải mái, ít tốn kém, ai cũng làm được nhưng lại tạo ra bước nhảy vọt không ngờ. Đó chính là phương pháp Kaizen.





MỤC LỤC

----

1. Kaizen và sự cần thiết loại bỏ “zen” trì trệ


Ít nhiều trong chúng ta, dù từng thành công, dù có giai đoạn cực kỳ xuất sắc và nổi bật nhưng cũng có những ngày tháng cảm thấy mình đang dậm chân tại chỗ trong sự trì trệ, ngưng đọng. Một trong vũ khí có thể loại bỏ “gen” trì trệ trong ta đó là Kaizen. Vậy Kaizen là gì? Kaizen có đặc điểm như thế nào?


1.1 Kaizen là gì?


Kaizen là thuật ngữ xuất phát từ Nhật. “Kai” có nghĩa là “thay đổi”; “zen” có nghĩa là tốt hơn. Từ đây ta có thể hiểu Kaizen là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục để tốt hơn”

Nói về sự thay đổi, có lẽ không còn ai xa lạ. Sở dĩ phương pháp Kaizen được đề cao bởi nó chứa đựng sự khác biệt so với các phương pháp áp suất, hướng đến những thay đổi vĩ đại như sau:

  • Cải tiến trong Kaizen là những cải tiến nhỏ, mang tính chất tăng dần và quá trình Kaizen mang lại kết quả ấn tượng trong một thời gian dài.

  • Kaizen không đòi hỏi các kỹ thuật phức tạp hay công nghệ mới. Để thực hiện Kaizen, ta chỉ cần các kỹ thuật thông thường, đơn giản đến bất ngờ.




Trên phương diện lý thuyết là vậy. Còn ứng dụng bản thân thì sao? Ta có đang gặp những vấn đề mà Kaizen có thể giải quyết triệt để?


1.2 Ta có đang bị chi phối bởi “zen” trì trệ?


Bạn muốn thức dậy sớm, thể dục.

Bạn mong muốn thăng tiến, thành công trong công việc.

Bạn mong muốn tạo lập thói quen đọc sách, kỹ năng viết lách…

Nhưng đã thử bao nhiêu lần đều thất bại và mất niềm tin?


Không phải ta không chăm chỉ và nỗ lực, cũng chẳng phải ta không có kinh nghiệm. Nhưng hoặc vì ta chỉ “muốn” trong tâm ý mà chưa hành động cụ thể hoặc có hành động nhưng không đổi mới nên 5 năm, 10 năm sau ta vẫn là ta, chỉ khác là già thêm về tuổi tác, yếu hơn về sức lực.


Rất nhiều người trong chúng ta đã từng hăm hở thay đổi chính mình bằng việc đầu năm, đầu quý, đầu tháng đặt cho mình mục tiêu, lập cho mình kế hoạch. Nhưng vì mục tiêu quá lớn, kế hoạch quá chung chung, ta làm hoài không thấy kết quả nên bị chán nản, cảm xúc đi xuống và ta bỏ dở giữa chừng.


Vì hoài nghi, ta thay đổi chiến thuật sang kế hoạch áp suất. Ban đầu cũng hào hứng, quyết tâm và tin tưởng “áp suất tạo kim cương”. Nhưng càng về sau càng thấy áp lực, càng về sau càng cảm thấy không thể gồng mình mãi. Mệt mỏi, đuối sức, không thực hiện được đều đặn rồi sau đó ta lại trở về với “phiên bản” của ngày đầu.


Thất bại nhiều lần, làm hoài chẳng được nên ta ngại thay đổi. Dần dà, thời gian trôi qua, rất nhiều điều mới mẻ đến với thế giới, nhưng ta chẳng buồn tiếp nhận. Ta thấy công nghệ mới sao mà phức tạp, quy trình vừa ra rối rắm… Sợ khó, sợ khổ ta cứ ì ạch một chỗ và tự nói với lòng mình “kinh nghiệm bao năm chắc cũng đủ xài”.





Trong vòng luẩn quẩn đó, ta thấy mình chẳng có gì đặc biệt, vậy làm sao ta có thể thoát lối mòn tư duy và có sự sáng tạo? Làm sao ta có thể chạm đến vinh quang khi ta cứ loay hoay trong vòng xoáy không lối thoát có tên là “một chỗ”? Mặc kệ viển vông, ta từng mong ước “Liệu có cách nào vừa dễ, đơn giản, không tốn kém mà lại hiệu quả nhanh không?”


2. Tại sao Kaizen lại cần thiết và quan trọng?


Có 2 công thức giúp ta thay đổi, đó là:

A = A + 1 (1% mỗi ngày)

A = A + 10 (áp suất tạo kim cương)

Kaizen thuộc công thức thứ nhất, hướng đến những thay đổi nhỏ nhưng đều đặn. Ưu điểm của Kaizen thể hiện dưới những góc độ sau:


2.1 Sự thay đổi lớn và những nỗi sợ


Mỗi người trong chúng ta đều có khát khao được tốt lên từng ngày trong bất kỳ các hoạt động: công việc, sức khỏe, mối quan hệ… Thường khi nhắc đến sự thay đổi ta đều hướng đến sự “lột xác” mà ai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng. Thực tế có nhiều người có những thay đổi mạnh mẽ để trở nên thành công hơn, tốt hơn nhờ những bước tiến nhảy vọt.


Tuy nhiên, đa phần chúng ta ban đầu hào hứng, hăng hái và đầy năng lượng nhưng sau đó lại không giữ được thành quả. Bầu nhiệt huyết nguội lạnh thì ra lại trở về xuất phát ban đầu. Sự thất bại này dần dần làm chúng ta ngại thay đổi, dù trong tâm trí vẫn luôn gặm nhấm về một tương lai tươi sáng.


Điều này không hẳn do ta thiếu nghị lực. Mà do khi đứng trước những thay đổi lớn, não bộ sẽ đánh thức hạch hạnh nhân và ta rơi vào trạng thái sợ hãi, trốn chạy. Sự sáng tạo và thoải mái bị dập tắt. Giống như khi leo dốc, ta có thể bị kiệt sức trước khi lên đỉnh nhưng ám ảnh về quãng đường dài và sự thất bại có thể khiến ta dừng lại từ những bước chân đầu tiên. Chưa kể những thay đổi lớn khiến ta tiêu tốn thời gian, khó thực hiện và kết quả khá xa vời.





Vậy làm sao chúng ta có được sự thay đổi bền vững, đạt được mục tiêu và giữ gìn được thành quả? Làm sao chúng ta vượt qua nỗi sợ thất bại để có thể bắt đầu đặt xuống những bước chân đầu tiên cho sự thay đổi?


2.2 Tầm quan trọng của sự dịch chuyển nhỏ


Phương pháp Kaizen giúp ta leo dốc nhưng không nghĩ mình đang leo dốc, giúp ta vượt qua nỗi ám ảnh thất bại để đặt những bước chân đầu tiên, duy trì và nhìn thấy đích đến.


Đừng coi thường sự dịch chuyển nhỏ. Bởi sự dịch chuyển nhỏ nhờ tích lũy lãi suất kép mà ta sẽ tạo nên những thay đổi lớn, phá vỡ tư duy lối mòn thành những sáng tạo đổi mới.


Những mục tiêu nhỏ tương tự như gấp chăn mỗi buổi sáng hoặc dành 5 phút đi bộ sẽ không làm chúng ta tốn quá nhiều sức lực, thoải mái thực hiện, lại giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ thất bại bởi những mục tiêu này rất nhỏ đến nỗi không thể thất bại được. Từ đó, chúng ta dần cải thiện bản thân từng chút một theo thời gian và rồi khi quan sát lại, chúng ta nhìn thấy bản thân tiến bộ đáng kinh ngạc so với xuất phát điểm ban đầu. Đó chính là sức mạnh của sự tích lũy.


Sự tích lũy này cũng bắt đầu từ con số rất nhỏ (mà ta hay gọi là quy tắc 1%) nhưng “nước chảy đá mòn”, “gieo gió gặt bão”. Từ khởi đầu rất nhỏ ta có thể tích lũy theo thời gian để có thành quả to lớn. Đây là lý do vì sao một thói quen nhỏ tốt lại rất quan trọng. Khi ta làm được nhiều nhỏ bé và đều đặn thì cơ hội thành công của ta sẽ cao hơn trường hợp ta nghĩ đến điều lớn lao nhưng thực hiện ngắt quãng.

Sức mạnh của sự tích lũy còn được thể hiện qua “hiệu ứng hòn tuyết lăn” - triết lý mà tỷ phú Warren Buffett thường nhắc tới. Viên tuyết khi ở đỉnh núi rất nhỏ nhưng trên đoạn đường lăn xuống dốc, nó đã cuốn thêm những viên khác để trở thành hòn tuyết to, đủ sức phá tan những thứ nó đi qua. Từ hình ảnh này, ông đã khuyên chúng ta: Trong cuộc sống hàng ngày, bạn đừng bao giờ xem thường những việc làm nhỏ mà hãy làm tốt những việc nhỏ nhất để có được kết quả vô cùng to lớn sau này.




2.3 Đơn giản, thoải mái và thành công dễ dàng

Nếu áp suất thường dành cho người đã chuẩn bị nội lực vững chắc, dám bị “đánh đập”, dám “đốt thuyền” và không bận tâm quá nhiều đến thất bại, trắc trở thì với Kaizen ta chẳng cần chuẩn bị quá nhiều, càng không cần “hành lý” cồng kềnh. Kaizen có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi với tất cả mọi người. Cả những người bận rộn nhất hoặc yếu đuối nhất, thậm chí trên giường bệnh cũng đều thoải mái và dễ dàng với phương pháp này.


Với phương pháp này, ta chỉ cần đặt ra những mục tiêu nhỏ, dễ thực hiện, cố gắng lặp lại thường xuyên và tăng dần 1% mỗi ngày. Ta sẽ đạt được kết quả khổng lồ mà không bao giờ nghĩ tới. Chẳng hạn trong việc giảm cân, mỗi ngày ta bỏ bớt một miếng đồ ăn; trong việc đọc sách, mỗi ngày ta thêm vài dòng; trong việc dậy sớm, mỗi ngày ta thêm 5 phút…sau vài tháng thôi, ta sẽ có được thói quen tốt mà không cần “áp bức” bản thân hay đẩy mình vào tình thế muốn trốn chạy vì sợ hãi.


Một huấn luyện viên bóng rổ John Wooden - người thành công trong lịch sử bóng rổ các trường đại học Hoa Kỳ từng chia sẻ rằng: “Khi mỗi ngày bạn tự cải thiện một chút, cuối cùng những điều vĩ đại sẽ đến. Khi mỗi ngày bạn tự hoàn thiện mình một chút, cuối cùng sự hoàn thiện lớn sẽ đến. Đừng tìm sự hoàn thiện to lớn, mà hãy từ từ tìm sự hoàn thiện nhỏ. Đó là cách duy nhất để đạt được và thành quả cũng bền vững hơn.”


Một trong những lí do khiến phương pháp này phù hợp với tất cả mọi người, đó là vì ta không tốn nguồn lực để thực hiện. Khi những thay đổi lớn cần có tài nguyên vật chất, tiền bạc, con người…thì với kaizen, ta chỉ cần tin tưởng và thực hiện đều đặn thì dù là cá nhân hay tổ chức cũng đều dễ dàng bắt đầu mà không cần đầu tư quá nhiều.


3. Loại bỏ “zen” trì trệ nhờ 4 bước Kaizen


Kaizen là phương pháp đạt được mục tiêu một cách chắc chắn mà không bị áp lực, đạt được một cách nhẹ nhàng, thoải mái bằng cách thực hiện các bước nhỏ, liên tục.





Dù ta lựa chọn áp dụng Kaizen theo quan điểm của Đạo Phật hay dựa vào nội dung của cuốn sách “The Kaizen way”, để Kaizen hiệu quả thì ta cũng cần thực hiện 4 bước dưới đây:


3.1 Chọn ra vấn đề cần Kaizen


Bước này đòi hỏi ta cần thấu hiểu bản thân, biết mình mạnh - yếu ra sao, có khát khao như thế nào. Từ đó lọc ra trong rất nhiều những mong muốn để xác định điều gì cần ưu tiên, thực hiện trước. Bởi vì dù là phương pháp gì hay giai đoạn nào, ta cũng không thể ôm đồm mà thành công được.


Ta có thể dựa vào bánh xe cuộc đời (Gồm 8 yếu tố: Sức khỏe, phát triển bản thân, mối quan hệ, tài chính, sự nghiệp, giải trí, chia sẻ, tâm linh) rồi đặt những câu hỏi nhỏ để xác định vấn đề mình trăn trở nhất, mong muốn thay đổi nhất.


Muốn Kaizen hiệu quả ta cần luôn thận trọng, tỉ mỉ, 4 kỹ để các vấn đề nhỏ được giải quyết triệt để ngay từ đầu, không phát sinh thành vấn đề lớn. Nếu lỡ chủ quan, thiếu quan sát khiến vấn đề đó trở thành vấn đề lớn rồi, ta sẽ bóc tách ra thành các vấn đề nhỏ sao cho dễ thực hiện, không vấp phải sự hãi hay chống cự.


3.2 Nỗ lực Kaizen


Khi xác định được vấn đề, ta cần sử dụng các thao tác sau:


Sử dụng các CÂU HỎI NHỎ tự do (vì não bộ rất thích câu hỏi) và lặp đi lặp lại tạo dấu vết hồi hải mã để tìm ra các vấn đề nhỏ mình cần giải quyết. Các câu hỏi nhỏ sẽ giúp ta đánh bại nỗi sợ và sự trốn chạy, kích thích ý tưởng nhưng để thực hiện được ta cần có niềm tin. Và cần lưu ý nên sử dụng các câu hỏi nhỏ tích cực thay vì hướng đến điều tiêu cực.


Khi xác định được vấn đề nhỏ mình cần giải quyết, ta sẽ sử dụng SUY NGHĨ NHỎ để chạm khắc tư duy. Thao tác này gần giống với việc ta sử dụng như lý tác ý hoặc lời hứa từ tâm để khắc sâu hành động mình cần thực hiện vào trong tâm trí. Chỉ khác ở đây ta sẽ tưởng tượng ra hành động của mình. Hay nói cách khác, ta giúp bộ não và cơ thể được tập luyện nhiều lần với những tình huống cả tốt và xấu sẽ xảy ra.


Để chạm khắc tư duy bằng suy nghĩ nhỏ, tiến sĩ Robert Maurer hướng dẫn ta cần chọn chỗ ngồi yên tĩnh, nhắm mắt lại, sử dụng tất cả các giác quan để tưởng tượng, lặp đi lặp lại hành động này đến khi mình cảm thấy thoải mái. Sau đó ta sẽ không có sự chống cự hay cảm thấy sợ hãi với vấn đề của mình nữa.





Chẳng hạn ta rất ghét việc thức dậy sớm và việc dậy sớm khiến ta cảm thấy uể oải, buồn ngủ, thiếu năng lượng. Giờ ta sẽ chạm khắc tư duy bằng việc tưởng tượng mình dậy sớm, hít thở không khí trong lành, sự yên tĩnh của thời gian sáng sớm khiến ta an yên, hạnh phúc. Dần dần như vậy ta sẽ thấy việc dậy sớm thật tuyệt.


Sau khi đã xong xuôi phần “suy nghĩ”, tiếp đến sẽ là HÀNH ĐỘNG NHỎ cụ thể. Để không tạo ra áp lực và nỗi sợ, khiến bản thân cảm thấy thoải mái, làm như chơi thì ta sẽ định lượng thời gian cho hoạt động của mình. Định lượng thời gian được xác định cần ngắn đến mức ta cảm thấy mình không thể thất bại (ví dụ 30 giây, 1 phút, 5 phút cho việc ngồi thiền, tập thể dục…). Và quan trọng nhất hành động này cần lặp đi lặp lại, đều đặn hàng ngày.


Trong khi thực hiện hành động nhỏ, ta cần thực hiện với tâm thế biết ơn, trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ. Bởi khi ta tập trung, trọn vẹn ta sẽ nảy sinh ra sự sáng tạo bất ngờ mình không ngờ tới. Tóm lại, trong quá trình nỗ lực Kaizen ta cần thực hiện “đồng bộ” trong nhận thức - suy nghĩ - hành động và luôn quan sát trong quá trình thực hiện để có cơ sở review lại ở bước tiếp theo.


3.3 Review lại


Mục đích của việc review lại để ta quan sát - phân tích - đúc kết, từ đó rút ra ưu - nhược điểm của hành động mình đang thực hiện. Đây là nền tảng để ta có sự cải tiến cho lần “lặp lại” hoặc đổi mới nhỏ tiếp theo.


Vì vậy trong quá trình Kaizen ta rất cần có sự giám sát. Sự giám sát đó có thể là người bạn đồng hành hoặc chính bản thân ta (qua việc quan sát tâm mình). Một cách rất hiệu quả nữa là ta sẽ chia sẻ lại quá trình của mình với người khác hoặc áp dụng bài học của mình để giúp đỡ mọi người và nhận lại phản hồi từ họ. Những giám sát đa chiều này giúp ta ghi nhận được kết quả khách quan, từ đó việc cải tiến trở nên rõ ràng hơn.


Nếu kết quả tốt ta sẽ tiếp tục lặp lại, không quên ban tặng cho mình PHẦN THƯỞNG NHỎ (để tạo động lực duy trì từ bên trong) và nâng dần độ khó. Nếu kết quả chưa khả quan ta sẽ chuyển sang bước tiếp theo. Hoặc ngay cả khi kết quả tốt ta vẫn có thể chuyển sang bước tiếp để trở nên tốt hơn từng ngày.





Thao tác review này cũng nên thực hiện đều đặn. Có thể thực hiện khi ta kết thúc 1 giai đoạn nhỏ Kaizen hoặc ngay trong quá trình Kaizen ta gặp tình huống đặc biệt. Tốt nhất là ta nên duy trì mỗi ngày bằng việc cuối ngày viết nhật ký tâm hoặc đánh giá những công việc - hoạt động mình đã làm.


3.4 Cải tiến 1% mỗi ngày


Đây là giai đoạn để ta có thể tạo sự thay đổi bằng quy tắc tích lũy 1% mỗi ngày, lãi suất kép. Bằng việc xác định vấn đề chưa tốt, ta sẽ đưa ra những cải thiện rất nhỏ và tiếp tục lặp đi lặp lại n lần. Sự chuyển hóa rất nhỏ nhưng diễn ra đều đặn sẽ giống quả cầu tuyết, từ trên đỉnh núi chỉ là một bông tuyết rất nhỏ nhưng lăn xuống chân núi lại là quả cầu tuyết khổng lồ, có sức công phá mạnh mẽ.


Đây là bước cuối cùng trong tiến trình Kaizen để mở ra một giai đoạn Kaizen tiếp theo. Ta cứ lần lượt đi từ tầng 1, tầng 2, tầng 3…đến tầng n. Những tầng tiếp theo sẽ tốt hơn tầng trước (sự phát triển theo vòng xoắn ốc). Cứ như vậy, với những hành động không gây áp lực, không tạo ra thử thách quá lớn nhưng có thể giúp ta biến phế phẩm thành tác phẩm, có thể “làm 1 lần dùng n lần”.


Kaizen không gây tốn kém, lãng phí, ai cũng thực hiện dễ dàng và tạo ra sự thoải mái, thậm chí mang lại những đột phá lớn. Nhưng để có hiệu quả ta cần có niềm tin, sự lạc quan trong từng suy nghĩ. Trong quá trình hành động ta cần tâm thái trân trọng, biết ơn trong từng KHOẢNH KHẮC NHỎ. Ta sẽ “học cách sống một cách hạnh phúc ở thời khắc hiện tại để chạm tới sự bình yên và niềm vui đang sẵn có” (Thích Nhất Hạnh)


4. Kaizen hiệu quả, vậy có cần áp suất nữa không?


Khi phân tích sự hiệu quả của Kaizen mang lại, chắc hẳn sẽ rất nhiều bạn thắc mắc “vậy có cần áp suất nữa không?”.


Câu trả lời là “CÓ, VẪN RẤT RẤT CẦN ÁP SUẤT”

Không phải ai cũng áp suất được bản thân và thường áp suất tạo cho ta nỗi sợ, sự “phản kháng” trong tâm ý nhưng nếu không có áp suất sẽ không có kim cương, không có áp suất sẽ không có những bước tiến vượt bậc trong thời gian ngắn.



Vậy với những người quen thuộc với phương pháp Kaizen thì áp dụng áp suất như thế nào?


Khi ta áp dụng Kaizen thuần thục và tạo ra những thay đổi tốt, những thành quả cũng lớn lớn rồi, công thức A = A +1 đôi khi khiến ta cảm thấy cuộc sống quá đỗi nhẹ nhàng. Lúc này đây, công thức A = A + 10 sẽ tạo cơ hội để ta thử thách chính mình, nâng tầm nội lực ở level cao hơn.


Áp suất sẽ thực hiện trong thời gian ngắn, không thường xuyên. Còn Kaizen ta sẽ thực hiện đều đặn mỗi ngày. Khi ta biết cách kết hợp cả 2 phương pháp này, ta sẽ có những cải tiến mạnh mẽ và bước tiến nhảy vọt để sớm chạm đến đỉnh cao vinh quang.


5. Kết luận


Một cái cây lớn lên trong từng khoảnh khắc mà mắt thường không nhìn thấy. Con người cũng “chuyển hóa” trong từng giây phút và nhờ những đổi thay trong từng sát-na mà 1 năm, 2 năm, 5 năm, 10 năm…ta ngạc nhiên với những thay đổi của đời mình.


Hành trình nào cũng vậy, dù có “vạn dặm” thì cũng bắt đầu từ “bước chân đầu tiên”. Và phương pháp Kaizen sẽ giúp ta dễ dàng, thoải mái, hạnh phúc trong từng bước chân chứ không cần phải chờ đến đích.


Nội dung: Minh Trí

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Nhi hd - Học viên khóa c3g K2


181 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page