MỤC LỤC:
***
Cầm cuốn sách “5 ngôn ngữ yêu thương” của tác giả Gary Chapman vào một buổi chiều thứ 7, tôi bắt đầu đọc những trang đầu tiên và đọc ngấu nghiến những trang sau đó. Cuốn sách viết về một chủ đề không hề xa lạ trong cuộc sống, nhất là với các cặp đôi đã bước vào hôn nhân: “Liệu tình yêu còn tồn tại sau khi kết hôn?”
3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên BKE Shop. Chung tay "góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Là một người đã lập gia đình được gần mười năm, những điều tác giả viết ở phần đầu cuốn sách cũng là những gì bản thân tôi đã từng trải qua. Vợ chồng tôi đã từng có một tình yêu đẹp lúc chưa kết hôn và sau khi kết hôn mọi thứ với tôi đúng như là đang từ trên chín tầng mây rớt xuống vực thẳm.
Trước khi biết đến cuốn sách này, cuộc sống hôn nhân của chúng tôi đã bớt đi những cuộc cãi vã, chiến tranh lạnh với nhau vì tôi đã hiểu phần nào nguyên nhân. Nhưng nội dung chính được đề cập ở phần sau cuốn sách là những kiến thức mới mẻ gây cho tôi những bất ngờ mà bản thân chưa từng được khám phá.
Tôi chắc rằng, nếu bạn cũng như tôi, mong muốn có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì những gì được chia sẻ trong cuốn sách này sẽ giúp bạn thay đổi tư duy rất nhiều.
Trước và sau khi kết hôn - 2 bức tranh với màu sắc cảm xúc trái ngược nhau
Tác giả Gary Chapman là chuyên gia về tâm lý học và tư vấn hôn nhân, ông đưa ra một lý giải rất rõ ràng cho hiện tượng yêu đương cuồng nhiệt của các cặp đôi lúc chưa kết hôn. Đó là một cảm xúc kéo dài được khoảng tầm 2 năm hoặc hơn - với các cặp đôi yêu nhau vụng trộm.
Thời kỳ hẹn hò là lúc cái tôi, cái bản ngã của mỗi người đang bị mờ đi, nhường chỗ cho sự cống hiến và hy sinh tất cả vì người mình yêu. Bởi mỗi người đều tin rằng mình đã gặp được tình yêu lý tưởng của đời mình, tin rằng người kia cũng yêu mình chân thành như mình đang yêu họ.
Khi cảm xúc yêu đương cuồng nhiệt qua đi, những mong muốn hay đòi hỏi của mỗi người lại bắt đầu trỗi dậy.
Thực tế cuộc sống làm mỗi người có cái nhìn khác đi với những thứ trước đây họ cho là đáng yêu, là khác biệt, là thu hút nhau. Hai người từng muốn cam kết bằng cuộc sống hôn nhân thì giờ đây trở nên xa cách. Liệu tình yêu giữa họ đã phai nhạt dần?
Dưới góc nhìn của nhà tâm lý, Gary Chapman xem khoảng cách hôn nhân là hiện tượng “bất đồng ngôn ngữ yêu thương”. Giống như cuộc đối thoại mà một người nói tiếng Anh, một người đang nói tiếng Trung. Người này sẽ không thể hiểu người kia đang nói điều gì dù ra dấu hiệu, hay ngôn ngữ cơ thể hay ngữ điệu.
Dù còn tình cảm với nhau nhưng khi “bất đồng ngôn ngữ yêu thương” thì bạn và người bạn đời càng sống chung lại càng mất kết nối vì không thể đồng cảm lẫn nhau.
Cuộc sống hôn nhân - cùng chung mái nhà nhưng khác biệt về ngôn ngữ yêu thương
Chia sẻ đến đây có lẽ bạn đã có câu trả lời “Liệu tình yêu còn tồn tại sau khi kết hôn". Tình yêu sau khi kết hôn có tồn tại hay không phụ thuộc vào việc mỗi người có hiểu và sử dụng đúng “ngôn ngữ yêu thương” của nửa kia hay không.
Vậy có những loại ngôn ngữ yêu thương nào và đặc trưng của chúng là gì? Làm thế nào để sử dụng đúng và hiệu quả những ngôn ngữ ấy?
Qua quá trình nghiên cứu, phân tích và đúc kết, tác giả đã chỉ ra 5 ngôn ngữ yêu thương mà các cặp đôi sử dụng trong quá trình chung sống với nhau.
Đó là:
Lời nói yêu thương
Lời nói yêu thương có thể là những lời khích lệ, lời tử tế, lời tự khiêm hay những dạng khác tương tự như vậy. Đặc điểm chung là tất cả đều sử dụng lời nói để khẳng định những điều tích cực đối với người bạn đời.
Nếu bạn không phải là người khéo ăn nói hay có thói quen khen ngợi người khác, thì tác giả sẽ chỉ cho bạn cách để bạn khắc phục yếu điểm đó. Chỉ cần bạn muốn học và chịu khó rèn luyện, thói quen nói những lời yêu thương sẽ giúp ích rất nhiều cho việc vun bồi tình cảm giữa bạn và người thương của mình.
Thời gian chất lượng
Dành thời gian chất lượng không đơn thuần chỉ là ngồi cạnh, mà là phải có mặt cho nhau - có nghĩa là tập trung hoàn toàn vào họ. Hai người có thể dành thời gian chất lượng cho nhau thông qua các cuộc trò chuyện chất lượng hoặc các hoạt động chất lượng.
Khác với ngôn ngữ yêu thương thứ nhất, lời nói yêu thương sẽ tập trung vào những gì ta nói, cuộc trò chuyện chất lượng sẽ tập trung vào khả năng lắng nghe. Lắng nghe với tất cả sự đồng cảm. Những lưu ý để phát triển nghệ thuật lắng nghe cũng được tác giả chia sẻ cụ thể trong cuốn sách.
Bên cạnh cuộc trò chuyện chất lượng, chúng ta có thể dành thời gian chất lượng cho nhau thông qua các hoạt động chất lượng. Đó có thể là bất kỳ hoạt động nào mà một hoặc cả hai người đều thích. Quan trọng không phải là cả hai làm gì, mà là lý do để chúng ta làm việc đó - để thể hiện yêu thương với đối phương thông qua việc dành thời gian chất lượng cho nhau.
Quà tặng yêu thương
Quà tặng có thể là bất kỳ một món đồ vật chất nào. Giá trị vật chất của món quà không quan trọng, quan trọng là bạn đã nghĩ đến người đó, quan tâm đến họ và thể hiện tâm tư đó ra ngoài, qua những món quà tặng.
Với nhiều người, sự hiện diện của người bạn đời trong những thời khắc quan trọng hay trong những lúc khó khăn giúp họ vượt qua gian nan chính là món quà tặng mà người bạn đời có thể dành cho họ. Bản thân bạn và sự xuất hiện của bạn trở thành biểu tượng của tình yêu thương bạn dành cho nửa kia của mình.
Nếu với bạn, sự góp mặt của người bạn đời là rất quan trọng thì hãy mau chóng nói cho họ biết điều đó. Đừng kỳ vọng họ có thể đọc được suy nghĩ của bạn.
Hành động chăm sóc
Nói đến hành động chăm sóc, tác giả nói đến những việc mà người bạn đời muốn bạn thực hiện. Bạn làm người ấy vui bằng cách chăm sóc, bày tỏ tình cảm qua những gì bạn làm vì họ. Đó có thể là nấu ăn, dọn dẹp, làm cỏ vườn, bảo dưỡng xe, đưa đón con cái đi học….Những danh sách vụn vặt này đòi hỏi người thực hiện phải suy tính, lên kế hoạch, dành thời gian, sự nỗ lực lẫn năng lượng. Trong trường hợp chúng được hoàn thành với một tinh thần tích cực thì đó đích thị là biểu hiện của tình yêu thương.
Khi lựa chọn học ngôn ngữ yêu thương là hành động chăm sóc, có thể nhiều người sẽ phải thay đổi bản thân để phá vỡ những khuôn mẫu đã và đang bị áp đặt về vai trò của người vợ - người chồng. Tuy nhiên, nếu đó là yếu tố đảm bảo cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc thì việc thay đổi và phá vỡ những khuôn mẫu là điều rất nên làm.
Cử chỉ âu yếm
Trong hôn nhân, cử chỉ âu yếm là một phương tiện biểu đạt tình yêu mạnh mẽ. Chúng rất đa dạng, có thể là những cái nắm tay, ôm hôn, vuốt ve, chuyện chăn gối,…là những cách bày tỏ tình cảm yêu thương giữa vợ chồng.
Sẽ có những cử chỉ âu yếm khiến bạn tốn nhiều thời gian hơn, không phải để thực hiện, mà là để tìm hiểu cách thức biểu đạt một cách hiệu quả. Chẳng hạn như một cái nắm tay, nếu chỉ nắm hờ hững, lỏng lẻo đối phương sẽ không cảm nhận được tình cảm bạn muốn trao cho người ấy. Nó nên là cái nắm tay chặt vừa phải với thái độ nâng niu, trân trọng.
Ngược lại, có những cử chỉ âu yếm cần ít thời gian hơn nhưng đòi hỏi nhiều tâm tư hơn, nhất là khi sự tiếp xúc cơ thể không phải là ngôn ngữ yêu thương chính của bạn, bởi bạn không trưởng thành trong một gia đình có thói quen dùng các cử chỉ âu yếm để bày tỏ yêu thương.
Như một cái ôm trong vòng năm giây, nó không đơn thuần chỉ là vòng tay mình qua vai người ấy ôm qua loa cho xong. Cái ôm cần truyền cho đối phương một sự thoải mái, ấm áp và tin tưởng thì anh ấy hoặc cô ấy chắc hẳn sẽ rất sung sướng khi được bạn ôm.
Một khi ngôn ngữ yêu thương của vợ/ chồng bạn là cử chỉ âu yếm, bạn có thể thỏa sức sáng tạo nhiều cách khác nhau để bày tỏ tình yêu. Nghĩ ra những cách thức và nơi chốn mới mẻ để thực hiện cử chỉ âu yếm xem đối phương phản hồi thế nào cũng là một thử thách thú vị. Chỉ có người bạn đời của bạn mới quyết định được hành vi của bạn có hiệu quả hay không.
Mấu chốt vấn đề là hiểu ngôn ngữ yêu thương của chính mình và người bạn đời thông qua cuốn sách, tại đây!
Thấu hiểu ngôn ngữ yêu thương của chính mình và người bạn đời
Trước khi tìm hiểu ngôn ngữ yêu thương của vợ/chồng bạn thì việc hiểu được ngôn ngữ yêu thương của chính mình là vô cùng cần thiết. Đọc xong cuốn sách "5 ngôn ngữ yêu thương" tôi đã áp dụng ngay vào tự quan sát mình trước tiên. Tôi hiểu rằng nếu bản thân không hiểu được mình, không biết mình thực sự muốn gì thì người bạn đời làm sao có được chút manh mối.
Ban đầu có thể bạn sẽ cảm thấy thật ích kỷ sao lại chú tâm vào nhu cầu của riêng mình thay vì người khác, nhưng nếu thực hành bạn sẽ thấy việc hiểu chính mình là cách để mình hiểu đối phương và biết cách bày tỏ nhu cầu để đối phương hiểu hơn về mình.
Đơn giản như việc, nếu người bạn đời hỏi bạn là bạn thích ăn gì để người ấy nấu hoặc mua cho bạn mà chính bạn còn không biết mình thích món gì thì làm sao người ấy đáp ứng nhu cầu của bạn được.
Sau khi hiểu mình, tôi tiếp tục tìm kiếm ngôn ngữ yêu thương của chồng. Thật thú vị là chúng tôi đều không cùng ngôn ngữ yêu thương - một thách thức với tôi trong việc làm thế nào để chồng hiểu cách tôi muốn được yêu thương và làm thế nào để tôi bày tỏ tình cảm với anh ấy.
Tôi muốn chồng dành thời gian chất lượng cho mình, lắng nghe những câu chuyện và đồng cảm. Tôi còn muốn anh có những hành động chăm sóc như: xoa bóp vai gáy sau một ngày làm việc hay phụ tôi làm việc nhà, nấu cơm, chơi với con, đưa con đi học….Chồng tôi thì thích được khen ngợi và ghi nhận bằng những lời nói yêu thương. Anh còn muốn vợ có những cử chỉ âu yếm nữa.
Thời gian đầu tôi cảm thấy hơi khó khăn với việc thực hiện ngôn ngữ yêu thương của chồng mà không những phải là ngôn ngữ yêu thương của tôi. Tuy nhiên, với mong muốn xây đắp và vun vén cho cuộc sống hôn nhân của mình được viên mãn nên tôi đã luyện tập để thay đổi bản thân.
Biết anh thích được khen ngợi nên thi thoảng khi đến công ty tôi đã gửi những tin nhắn cảm ơn anh vì những việc anh đã làm cho tôi. Ban đầu chồng tôi khá ngạc nhiên khi nhận được những tin nhắn kiểu như thế. Nhưng giờ thì anh đã quen và tỏ vẻ vui mừng vì điều đó. Có những sáng tôi ôm anh trước khi đi làm để anh cảm nhận được tình cảm của mình. Nó khiến cả hai chúng tôi đều hào hứng hơn với một ngày mới.
Về phía anh, anh đã phụ tôi làm việc nhà nhiều hơn - điều mà trước đây dù tôi có phàn nàn anh cũng chẳng bận tâm. Chỉ có điều thời gian anh dành cho tôi là chưa đủ để thỏa mãn tôi - một phần vì khi về nhà anh vẫn phải để ý tới điện thoại do tính chất công việc, một phần chúng tôi cần dành thời gian chăm sóc bọn trẻ hơn là dành cho nhau. Nhưng như thế cũng đã là những tín hiệu rất đáng mừng rồi.
Cá nhân tôi rất thích cách tác giả trình bày những quan điểm, lập luận và khái niệm về năm ngôn ngữ yêu thương này. Nó cho tôi thêm một góc nhìn về nguyên nhân các cặp đôi thường không tìm được tiếng nói chung, cho tôi một gợi ý về cách sống hoà hợp hơn với người bạn đời của mình. Nếu có ai đó phàn nàn về cuộc sống hôn nhân thì tôi sẽ giới thiệu ngay cho họ cuốn sách này để họ có cái hay, cái biết mới về những nguyên nhân và giải pháp.
Tự phản biện về quan điểm trong sách
Mặt khác, tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả ở phần cuối cuốn sách khi nói về việc khẳng định giá trị của bản thân thông qua tình yêu.
Với tác giả thì “Nếu ai đó yêu tôi thì hẳn là tôi có ý nghĩa và quan trọng đối với họ”. Nếu không có tình yêu, có thể tác giả sẽ dành cả đời để tìm kiếm giá trị của bản thân và cảm giác an toàn. Điều này có thể gây ra suy nghĩ tiêu cực cho những người không tìm được một nửa phù hợp, hoặc những người chọn lối sống một mình, rằng họ không có ai yêu thương vì bản thân không có giá trị.
Đồng thời, nó dễ gây ra suy nghĩ chọn đại một người để chung sống dù đó không phải là người mình thật lòng yêu thương, chọn đại để có cái mác tôi là người có giá trị vì tôi có được người khác yêu thương. Quan điểm này chưa khuyến khích mọi người hướng vào bên trong để tìm kiếm những điều tốt đẹp.
Sau khi đọc xong cuốn sách này, dù bạn có đồng tình hay không với những quan điểm của tác giả thì bạn hãy thử cho mình một lần trải nghiệm và chứng thực những điều tác giả đã viết để xem liệu chúng có thực sự có tác dụng trong cuộc sống hôn nhân của bạn không nhé.
Chúc bạn có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bền lâu!
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên BKE Shop thông qua 3goc.vn. Chúng tôi đảm bảo giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Chung tay "góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
***
Nội dung: Hoa Tím - Học viên Content 3 gốc K6
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments