top of page
Writer's pictureHuy Thân

PHẢI BIẾT 7 ĐIỀU NÀY ĐỌC SÁCH MỚI HIỆU QUẢ

Updated: Mar 18

Một cuốn sách có thể thay đổi một cuộc đời.” nghe có vẻ cường điệu, nhưng đó là sự thật!

Bạn vô tình đọc một đoạn văn trong quyển sách, nó giúp bạn tháo gỡ những giới hạn bên trong. Khi mờ mịt về tương lai bạn vô tình chạm được tựa đề sách, nó giúp bạn nhìn rõ hơn con đường của mình.


Sách không phải là kho báu cho bất kỳ ai, sách chỉ có thể là phép màu cho những ai thật sự đã sẵn sàng. Bạn đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng cuộc đời mình chưa, nếu trả lời là có vậy đừng ngần ngại dành thời gian đọc bài viết này nhiều lần nhé.


Mình là Thanh Trang - Học viên lớp Content 3 Gốc. Hy vọng chia sẻ của mình sẽ giúp ích được cho ai đó.





MỤC LỤC



1. Đọc sách là văn hoá hay áp lực

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Mỗi năm, một người Việt Nam đọc bình quân khoảng 1 cuốn sách, 80% người trong độ tuổi 20-30 không đụng đến sách suốt 1 năm.



Văn hoá đọc đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây với nhiều hình thức khác nhau. Nhà sách phối hợp giữa văn hoá đọc với khu vui chơi như Nhã Nam, Phương Nam, Cá Chép…Các lớp học trực tuyến nở rộ triển khai văn hoá đọc trong nhà trường, gia đình điển hình là dự án Trí Tuệ Việt Nam. Nội dung sách được xuất bản dưới nhiều hình thức: sách giấy, sách điện tử, sách nói, sách tóm tắt…


Tuy nhiên, với con số thống kê mới nhất ở trên thì văn hoá đọc ở Việt Nam vẫn còn rất mới, chưa phổ biến như các nước phát triển.


Các đối tượng quan tâm đến sách đã mở rộng hơn từ học sinh, sinh viên, người đi làm, người cao tuổi, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo…Từ những người chủ động đi tìm phương pháp cho mình đến những người đi tìm phương pháp để hướng dẫn lại cho người khác.


Biết là thế, nhưng việc đọc sách hiệu quả hay tự nguyện đọc vẫn còn là rào cản. Nguyên nhân do đâu?




1.1 Người chủ động tìm phương pháp đọc sách

Người trẻ mong muốn phát triển bản thân, họ chủ động tìm đến sách, tìm hiểu phương pháp đọc sách đúng và hiệu quả. Họ chủ động đào sâu khám phá những điều mới từ sách trong nước, sách dịch nước ngoài.


Tuy nhiên, với số lượng đầu sách khổng lồ như hiện nay thì người trẻ gặp phải trở ngại trong quá trình tiếp cận. Vì quá nhiều đầu sách nên họ đọc lan man, nghe ai giới thiệu sách hay họ sẽ mua. Họ mua để không bị bỏ lỡ so với xu hướng chung của xã hội. Sách mua về thường dùng trang trí hơn là một công cụ giúp bổ trợ thông tin.


Một số trường hợp, họ cũng chăm chỉ đọc nhưng không có mục tiêu rõ ràng, không có phương pháp đọc đúng và hiệu quả nên cảm thấy thiếu động lực, bỏ cuộc giữa chừng khi chưa hoàn thành hết cuốn sách. Một số hiếm trường hợp đọc xong nhưng không nắm được nội dung cốt lõi mà tác giả muốn truyền tải; nên không thể chuyển hoá và ứng dụng được vào đời sống thực tiễn.




1.2 Người đi tìm phương pháp đọc sách cho người khác

Một nhóm khác thường là những bậc phụ huynh hay thầy cô giáo nhận biết được tầm quan trọng của việc tạo thói quen đọc sách cho trẻ con. Cho nên họ tìm đến sách để mong có được một phương pháp mang về hướng dẫn lại cho con cái, cho học trò.


Các bậc Phụ Huynh muốn xây dựng văn hoá đọc trong gia đình nhưng lại vấp phải nhiều khó khăn. Họ quá bận rộn với công việc ở cơ quan về đến nhà chỉ muốn nghỉ ngơi, không còn năng lượng kết nối cùng con.


Hay như các thầy cô rất muốn tạo thư viện trên trường để các con có giờ đọc sách, nhưng việc này không phải một vài cá nhân muốn mà có thể làm. Thầy cô chịu áp lực của giáo án, bài vở, quản lớp, trong khi đó tiết đọc sách chưa được Bộ GD-ĐT chính thức đưa vào chương trình chính khoá.


Thêm vào đó, thực trạng đáng báo động là trẻ con, HSSV và giới trẻ đang bị thu hút, lấn át bởi sự bùng nổ công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn quá hấp dẫn.


Dù biết đọc sách mang lại nhiều ích lợi, nhưng việc cầm một quyển sách không thể thú vị bằng một ngày đi chơi, lướt điện thoại, xem một bộ phim…


Rất khó để có thể khuyên ai đó đọc sách, cũng như rất thử thách để khiến một người yêu việc đọc sách nếu như việc đọc không xuất phát từ động lực bên trong.


Cho nên ở đầu bài mình mới nói “Sách chỉ là phép màu cho những ai đã thật sự sẵn sàng, sách không phải là kho báu cho tất cả mọi người”.




2. Động lực nào giúp bạn đọc sách?

Mọi người thường tìm đến sách bằng cách nghiên cứu cách đọc sách hiệu quả. Tuy nhiên bài viết này mình không muốn đề cập đến phương pháp nhiều, mình muốn nói tới một việc quan trọng hơn đó là đi trả lời câu hỏi Why (vì sao), trước khi trả lời How (cách làm).


Vì sao bạn phải đọc sách? Trả lời rõ ràng cho câu hỏi này bạn sẽ tìm thấy được động lực bên trong.


Động lực bên trong là phải từ chính mỗi người, nó không thể từ một ai khác thôi thúc bạn. Động lực bên trong làm bạn khao khát phải cầm quyển sách lên đọc, việc đọc hiểu quyển sách làm bạn thỏa mãn được cảm xúc bên trong - Blog 3 gốc.

Nó chân thật riêng biệt với từng người, cho nên rất quan trọng để bạn tìm ra được điều này.

Mặc dù biết động lực phải đến từ mỗi người, nhưng có một số người mới tìm đến sách họ sẽ chưa biết được lý do. Cho nên dưới đây Trang xin phép đưa ra một vài động lực phổ biến sau khi đã khảo sát thực tế nhiều người trong cuộc sống. Hy vọng một vài gợi ý sẽ chạm được vào bên trong của bạn.



2.1 Thay đổi một cuộc đời

Đọc sách cho phép bạn tiếp cận với những bộ não thông minh nhất, học hỏi từ những người vĩ đại là cách nhanh nhất để trở nên khỏe mạnh, giàu có và khôn ngoan.


Charlie Munger, tỷ phú tự thân, đồng thời là đối tác kinh doanh lâu năm của Warren Buffett, từng nói rằng ông chưa từng gặp người khôn ngoan nào mà không đọc sách. Không, không một ai.


Đạo Bụt có dạy về 5 thức ăn mà mỗi ngày chúng ta đang tiếp nhận bao gồm: Đoàn thực, Xúc thực, Thức thực và Tư niệm thực.


Bỏ qua thức ăn Đoàn thực là nuôi Thân, chúng ta sẽ thấy 4 loại thức ăn còn lại là tập trung nuôi Tâm.

  • Xúc thực là tiếp nhận thông tin qua 5 giác quan

  • Thức thực là những nhận thức mới từ việc tiếp xúc với thông tin

  • Tư niệm thực là hình thành những quan điểm cá nhân để chúng ta suy nghĩ, hành động thuần thục khi quá trình chiêm nghiệm đủ lâu.

Nói về thức ăn của Tâm để chúng ta thấy vai trò quan trọng của Sách. Nếu tiếp xúc nhiều với sách đủ lâu, chúng ta sẽ tiếp nhận những nhận thức mới, sau đó nó sẽ chuyển hoá thành những góc nhìn cởi mở về cuộc sống, tư duy sáng tạo, đúc kết tinh hoa…


Và nếu bạn tiếp cận được tư duy của những người thành công càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt thì theo tiến trình Xúc thực, Thức thực và Tư niệm thực, đến một ngày bạn có thể đem tư duy của những người thành công vào tư duy của mình.


Đó là tảng băng chìm bên dưới ít ai nói với bạn, nếu biết được điều này bạn sẽ cảm nhận ý nghĩa của việc đọc sách, những điều không thể thấy bằng mắt thường.




2.2 Xây dựng khí chất khi đọc sách

Người đọc sách sâu luôn có một chất riêng nào đó mà người bên ngoài cũng khó tả, chỉ là cảm nhận được ở họ có một khí chất mà không lẫn vào đâu được.


Khi bạn nói chuyện với họ, bạn cảm thấy tâm hồn họ rất cởi mở và phóng khoáng. Dường như việc đọc nhiều giúp họ thấy được các khía cạnh mới trong cuộc sống, cho nên họ không bảo thủ với một quan điểm, hay phán xét khi ai đó nói ra điều trái ý. Họ lắng nghe và tôn trọng người đối diện.


Họ đọc nhiều từ sách kỹ năng, sách văn học. Cho nên bên trong có sự lý tính và cảm tính - một cách cân bằng. Họ luôn nhìn mọi việc ở góc độ thực tế nhưng không khô khan. Họ biết cách xoay chuyển một tình thế cứng nhắc trở nên mềm mại, dễ thương.


Họ cũng rất ham học hỏi khi ai đó chia sẻ một điều hay. Bởi vì càng đọc họ càng thấy kiến thức của mình là quá nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc. Cho nên chỉ cần là kiến thức đúng cho dù là của một người nghèo, một đứa bé 5 tuổi, họ cũng xem đó là bài học quý giá.


Khí chất của một con người không thể nào là sự trình diễn mà nó đến từ nội hàm sâu thẳm bên trong. Có thể nói không phải cứ đọc sách là có khí chất, nhưng đọc sách sâu và hiệu quả như một thói quen thì tự nhiên khí chất con người cũng được hình thành theo bản thể đặc biệt của riêng mỗi người.


Khí chất là sự chân thật, bền chắc mà chỉ có gọt dũa chính mình qua việc chiêm nghiệm từng trang sách mới có thể hình thành nên.


Đây là một động lực rất hay mà mình tiếp nhận từ việc quan sát những người uyên bác, nó rất thực tế không lý thuyết suông.




2.3 Chi phí rẻ nhất để tiếp nhận kiến thức tinh hoa

Thêm một động lực nữa cho việc đọc sách đó là về chi phí.


Đọc sách là cách tiếp cận tri thức tuyệt vời với mức chi phí gần như rẻ nhất : khi bạn không có nhiều tiền; khi không quen biết ai thì đọc sách là cách học hợp lý nhất giúp bạn tiếp xúc với những bộ óc vĩ đại nhất trên thế giới.


Vì kiến thức trong sách được viết và biên soạn một cách chi tiết, rõ ràng , hệ thống được đúc rút trong nhiều năm liên tục bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của tác giả.


Ví dụ khi bạn khởi nghiệp bạn hoang mang không biết nên bắt đầu từ đâu; bạn muốn tìm một vị thầy có thể dẫn dắt cầm tay chỉ việc , hướng dẫn và lập kế hoạch start up cho bạn. Lúc mới bắt đầu sẽ không có ông thầy sẵn cho bạn hưởng.


Thật may là những người khởi nghiệp đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm thực chiến của họ qua các trang sách. Bạn có thể tham khảo kinh nghiệm khởi nghiệp thông qua các cuốn sách các doanh nhân chia sẻ với lượng kiến thức và kinh nghiệm nhiều nhất ở mức chi phí thấp nhất hơn là bỏ tiền cho các khoá học chuyên sâu với chi phí đắt đỏ khi nền tảng căn bản chưa có.


Thêm vào đó, nguồn kiến thức tinh hoa thường đến ở những vị thầy hiền triết ngày xưa. Họ đã không còn tồn tại nhưng tri thức của họ thì tồn tại mãi. Và chúng ta chỉ có thể tiếp cận với họ qua việc đọc lại những quyển sách của họ. Một vài vị thầy hiền trí mà bạn có thể tham khảo: Đức Phật, Lão Tử, Khổng Tử, Thiên Chúa, Bác Hồ, Osho…


Bạn hãy biết cách phối hợp những trí tuệ cổ xưa và cả những kiến thức hiện đại một cách linh hoạt. Từ đó chọn lọc những điều phù hợp đem về cho quyển sách của chính mình. Học như vậy mình thấy rất thú vị.




2.4 Hướng dẫn bạn cách làm những việc nhỏ nhất

Động lực thứ 4 mình muốn kể đến mà thường nhiều người bỏ qua. Mọi người nghĩ đọc sách là để học những điều lớn lao. Tuy nhiên, những kết quả to lớn phải là phép cộng của những thành quả nhỏ, làm những việc nhỏ hiệu quả.


Do đó, để làm một việc nhỏ hiệu quả bạn cũng cần phải đọc sách.


Ví dụ bạn muốn trồng cây trên sân thượng để tạo không gian xanh. Bạn có thể đến thư viện hoặc nhà sách chọn một cuốn sách hướng dẫn tìm hiểu về trồng trọt. Trong sách sẽ hướng dẫn bạn cách chọn hạt giống, cách bón phân, cách xem thời tiết, đất ẩm, nhiệt độ ra sao để trồng hiệu quả và năng suất tốt.


Những việc bạn nghĩ là mình đã biết vì nó quá nhỏ thật ra có thể khiến bạn gặp sai lầm mà không biết. Bạn cố gắng tích góp cho mình những kiến thức nhỏ nhỏ vậy thôi, đến một ngày nền tảng của bạn rất chắc, làm đâu trúng đó. Chính những điều nhỏ đó giúp bạn làm những điều to lớn hiệu quả hơn.



2.5 Truyền cảm hứng đọc cho con trẻ

Ở phần trên mình có chia sẻ về đối tượng là phụ huynh, thầy cô đi tìm phương pháp đọc hiệu quả cho trẻ. Cho nên phần này mình muốn đề cập sâu hơn đến động lực cho trẻ.


Người lớn thường tập trung đi tìm phương pháp đọc cho trẻ hiệu quả, nhưng họ quên mất muốn các con thích thú chính người lớn phải truyền được cảm hứng cho các con trước. Có nghĩa là bạn phải thích đọc trước, bạn đọc một cách tự nguyện và những đứa trẻ sẽ tò mò vì sao bạn lại thích đọc.


Chúng sẽ bắt chước cách bạn đọc, chúng sẽ ngồi vào đọc để ở gần bạn và có thể chúng sẽ hỏi bạn vì sao bạn lại đọc. Từ những điều như vậy, những đứa trẻ sẽ xem việc đọc sách là một sẽ hiển nhiên, thói quen được hình thành một cách tự nhiên hơn rất nhiều.




2.6 Giảm bớt linh tinh bảo

Kết nối với ý ở trên, nếu những đứa trẻ thích đọc sách, chúng sẽ bớt nghiện “linh tinh bảo”: nghiện chơi game, nghiện lướt mạng xã hội, nghiện tiếp xúc những điều tiêu cực.


Không những giúp những đứa trẻ mà người lớn cũng được hưởng lợi. Đọc sách tập trung giúp bạn có cuộc sống bình yên, ít bị xáo trộn hay nhiễu loạn bởi hàng tỉ thông tin trên mạng xã hội.


Đọc sách giúp cho bạn giảm nghiện các drama diễn ra hằng ngày đầy trên các mặt báo. Đây có thể xem là lợi kép, vừa gia tăng kiến thức, vừa giảm được thời gian lãng phí vào những hoạt động vô bổ.



Nơi đâu lưu trữ kho tàng

Nơi đâu lưu trữ mỏ vàng vô biên

Tinh hoa chân lý tự nhiên

Đều nằm trong sách bách niên bao đời

Nhưng rồi con trẻ mải chơi

Và cả người lớn bỏ rơi dặn dò

Sách hay chẳng đọc mày mò

Lấy đâu trí tuệ mà lo cho đời

Hôm nay quyết chí nghỉ chơi

Công phu đào luyện Rạng Ngời Việt Nam


- 9 Bước Tự Học Tự Rèn - TTVN -




2.7 Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Và động lực cuối cùng mình muốn chia sẻ đến mọi người rất thú vị, đó là đọc sách giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Mình rất thích quan sát những đứa trẻ mà cha mẹ quan tâm đến việc nuôi dưỡng tâm hồn chúng.


Ở chúng có sự vô tư nhưng không ngờ nghệch, chúng tư duy một vấn đề rất đơn giản, trong trẻo và hồn nhiên mà không bị vấy bẩn bởi những niềm tin giới hạn của người lớn áp đặt.


Dưới đây mình muốn kể lại một câu chuyện thú vị sưu tầm được ở trên mạng, đọc câu chuyện này bạn có thể hiểu được điều mình muốn nói.


Trên tay chú là tấm biển lớp. Nếu muốn lấy nó, cháu phải làm gì?

-Dạ, cháu sẽ giơ ta ra với lấy nó.

-Nếu chú giơ nó lên cao, cháu sẽ làm gì?

-Dạ, cháu sẽ đứng lên một cái ghế, với lấy nó.

-Nếu chú để nó lên ngọn cây, cháu sẽ làm gì?

-Cháu sẽ lấy một cái sào, chọc vào nó.

-Giỏi lắm. Vậy nếu chú để nó về 2000 năm trước, cháu sẽ làm gì?

-Dạ, dạ, dạ...Cháu chưa biết làm gì!

****

-Ai biết, giơ tay chú xem?

(Cả trường suy nghĩ)

****

(Rồi cũng có một bạn giơ tay phát biểu)

-À, cháu biết cách rồi, phải mở sách ra, tìm thông tin về nó, đọc về nó ạ!

-Ồ tuyệt vời! Đây chính là thiên tài của buổi chiều ngày hôm nay! Đúng là chúng ta chỉ có thể biết về nó và chạm vào nó nhờ đọc sách. Thế thì rốt cuộc chúng ta đọc sách để làm gì nhỉ?

-Dạ, để có thể biết về về những thứ của 2000 năm trước.

-Tốt lắm! Vậy nếu không đọc sách, mà đọc mạng, xem Clip, xem truyền hình có được không?

-Được ạ!

-Thế tại sao chúng ta lại phải đọc sách, thay vì chọn mạng Internet?

(Cả trường lại im phăng phắc).

**************

Lúc này thì chú giải thích:

-Tại vì bán cầu não chúng ta chia làm 2, não bên trái xử lý chức năng thông tin, hình ảnh, não bên phải xử lý chức năng tưởng tượng. Càng mở mạng, xem clip hay xem tivi, tức là càng xem những cái cụ thể chúng ta càng phát huy chức năng của não trái.


Chỉ có đọc sách, chìm vào thế giới của những suy ngẫm chúng ta mới có thể phát huy chức năng của não phải. Tức là chúng ta sẽ tưởng tượng. Chúng ta sẽ bay bổng trong thế giới của những tưởng tượng.


Mà các cháu biết không, con người khác con vật ở chỗ, con người biết tưởng tượng, con vật thì không. Con người tạo ra một đời sống như ngày hôm nay, với rất nhiều những phát minh như ngày hôm nay suy cho cùng vì con người biết tưởng tượng. MẤT TƯỞNG TƯỢNG LÀ MẤT HẾT.


Vậy thì tại sao chúng ta phải đọc sách, các cháu hiểu rồi chứ?




Cảm ơn các bạn đã đọc hết phần 1 chủ đề “Đọc sách”. Trang mong là bạn sẽ đọc lại những động lực này nhiều lần để khám phá ra được động lực của riêng mình.


3. Kết luận

Mình chỉ muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa điều này. Để việc đọc sách hiệu quả, hãy tự hỏi mình “Đọc để làm gì”, “Điều gì xuất phát từ bên trong khiến bạn phải đọc sách”. Khi tìm ra được điều đó rồi, mỗi người sẽ tự tìm được cho mình phương pháp phù hợp.


Phần 2 Trang sẽ giới thiệu một số phương pháp bản thân mình đang áp dụng, khi tìm được động lực cho mình rồi bạn có thể tham khảo phương pháp của Trang nhé.


Hãy bình luận cho mình biết bạn nhận được giá trị nào từ bài viết này nha.


Nội dung: Thanh Trang - Học viên Content 3 Gốc

Biên tập: Khánh Vi

Hình ảnh: Long




915 views0 comments

Recent Posts

See All

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page