top of page
Writer's pictureKhánh Vi

Ăn chay hay ăn mặn

Updated: Apr 20

“Chay” hay “Mặn” dường như là một trong những đề tài muôn thuở gây tranh cãi mãi vẫn chưa có hồi kết.


Không chỉ đơn thuần là sự mâu thuẫn giữa ăn chay và ăn mặn, mà xoay quanh đó còn rất nhiều băn khoăn như: đang ăn chay mà có người đụng đũa mặn thì có sao không? Có nên dùng xoong nồi trước đây nấu mặn để nấu chay không? Ăn chay có được ăn trứng, sữa và ngũ vị không? Con sâu chết trong nồi canh có nên ăn tiếp? Ăn mặn có phạm giới sát sinh?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta hãy cùng điểm qua các góc nhìn của khoa học, xã hội, tôn giáo, và tâm linh về chủ đề này nhé!


MỤC LỤC

----

1. Ăn chay dưới góc nhìn khoa học và xã hội

Phù hợp với cấu trúc cơ thể con người

Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng cấu tạo cơ thể con người là loài ăn thực vật, không phải là loài ăn động vật, đặc biệt là cấu tạo của bộ phận tiêu hóa.


Các loài ăn thịt, thường có cấu trúc ruột rất ngắn nhưng ở con người, ruột rất dài. Khi cộng cả chiều dài ruột non và ruột già có thể lên đến 3 – 7m. Với cấu tạo ruột dài như vậy, khi con người ăn thịt, ít chất xơ, sau khi tiêu hóa dễ để lại cặn bã, thức ăn ứ đọng lâu trong ruột, sẽ sinh ra độc tố đồng thời tăng gánh nặng cho gan.


Tăng cường sức khỏe, giảm bệnh tật

Khoa học đã chứng minh ăn chay giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, ngăn ngừa ung thư – căn bệnh thế kỷ đang làm khổ sở hàng triệu người.


Khi mà thực trạng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng chứa nhiều chất tăng trọng; các trại nuôi công nghiệp khiến chúng không được vận động, lớn lên trong sợ hãi, đau khổ làm tăng lượng axit trong cơ thể của chúng.


Và khi tiêu thụ những thực phẩm đó vào người thì lại dễ có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, tiểu đường, béo phì, tim mạch, ung thư…

Vì lý do sức khỏe, chế độ ăn chay trong thể thao đang trở nên phổ biến và được nhiều vận động viên lựa chọn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn chay hoặc giảm thịt có thể giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, và một số bệnh khác.


Chế độ ăn chay cũng được chứng minh là giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và các dưỡng chất quan trọng khác từ các nguồn thực phẩm thực vật.



Bảo vệ môi trường

Bên cạnh việc bảo vệ sức khỏe bản thân, ăn chay còn là cách góp phần bảo vệ môi trường.


Để phục vụ hoạt động chăn thả gia súc, gia cầm, rất nhiều diện tích rừng bị khai thác, chưa kể hoạt động chăn nuôi động vật tốn nước sinh hoạt. Ước tính, việc sản xuất đạm thực vật sẽ giúp chúng ta tiết kiệm từ 3 đến 15 lần lượng nước so với sản xuất đạm động vật.


Ngoài ra, ăn chay được đánh giá là giải pháp hữu hiệu để giảm khí thải nhà kính. Bởi ngành chăn nuôi, nhất là quá trình sản xuất thịt thải nhiều khí nhà kính (khí Metan (CH4),…) gây biến đổi khí hậu.



2. Ăn chay dưới góc nhìn tôn giáo

Dưới góc nhìn của Phật Giáo phát triển thì ăn chay được xem là bắt buộc đối với phật tử. Theo tài liệu “ăn chay là một nét đặc thù của Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa, bắt đầu từ triều đại nhà Minh, tức thời Hòa Thượng Vân Thê Châu Hoằng (1565-1615) và dĩ nhiên sau này tác động mạnh mẽ đến Phật giáo Bắc Tông Việt Nam”.

Họ cho rằng ăn chay là cách giảm thiểu sự sát sinh và ngăn ngừa sự nhận lãnh những nghiệp báo xấu từ nhân quả. Từ đó, thể hiện tình thương và tạo điều kiện thuận lợi cho tu tập tinh thần.

Ăn chay trong quan điểm này, ngoài việc chỉ được ăn thực vật, một số lời khuyên còn phải hạn chế ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, sữa, mật ong, phô mai,....


Thậm chí, còn kiêng ngũ vị tân (là loại gia vị cay nồng rất phổ biến, gồm hành, kiệu, tỏi, nén, hẹ) để giảm kích thích vị giác và giảm nhu cầu tham dục. Điều này tạo nên rất nhiều trường phái ăn chay trong thời hiện đại


Trong đạo Hindu, - đạo lớn nhất của Ấn Độ từ xa xưa nơi có đến 85% dân số vẫn thực hiện việc ăn chay cũng nhằm mục đích tránh gây hại cho động vật và để tinh thần của họ tiến xa hơn trong cuộc sống hành thiện.


Trong đạo Kitô giáo, không có nguyên tắc cụ thể yêu cầu việc ăn chay, nhưng một số người Kitô hữu có thể thực hiện ăn chay vào các ngày Lễ lớn để nhớ đến những khó khăn mà Chúa Giêsu đã trải qua.

* Trích Người Tu Cần Phải Ăn Chay Không? - Kỷ Yếu Bửu Môn Xuân Mậu Thìn 1987


3. Ăn chay dưới góc nhìn cá nhân

Quả thực, không thể phủ nhận việc ăn chay mang lại khá nhiều lợi ích cho cuộc sống.


Tuy nhiên, không phải ai cũng hưởng ứng và lựa chọn ăn chay do những quan điểm sống khác nhau, và ăn chay cũng không phải con đường duy nhất để có được sức khỏe cường tráng, giải cứu môi trường, bình ổn tâm lý và có sự phát triển tâm linh.

Theo tôi, ăn chay hay ăn mặn không hẳn đóng vai trò quá quan trọng để đạt được những mục tiêu đó, dưới đây là một số góc nhìn cởi mở của tôi về chủ đề này .


Phát triển sức khỏe

Bạn có biết, năng lượng nuôi sống con người không chỉ có từ thức ăn mà còn từ tinh thần và môi trường xung quanh, chia làm 4 tầng như thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích:

  • Đoàn Thực: là các dạng thực phẩm thô ở thể lỏng, hoặc rắn được thu nạp vào cơ thể qua đường miệng để nuôi dưỡng phần thân của ta

  • Xúc Thực: là những cảm nhận mà ta có được khi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, nhiệt độ, tác động đến suy nghĩ và tinh thần của ta

  • Tư Niệm Thực: là những ý chí, ý nguyện, hoài bão, ước mơ của ta

  • Thức Thực: là những ảnh hưởng của tâm thức cộng đồng đến ta

Theo đó, ăn chay dù có tốt và đầy đủ dinh dưỡng đến đâu, cũng chỉ là phần chất liệu thô nuôi dưỡng thân vật lý, sinh lý bên ngoài; cao hơn nữa, chúng ta cần chú trọng nuôi dưỡng ý thức, nhận thức đúng đắn cho sức khỏe tinh thần.

Vì vậy, nếu chưa thể ăn chay, bạn có thể ăn nhiều rau xanh và các loại hạt; tăng cường luyện tập và sinh hoạt lành mạnh, đồng thời nuôi dưỡng tâm trí và cảm xúc của mình bằng việc đọc sách tinh hoa, tham gia các lớp học phát triển thân tâm, thiền hành, thân cận những vị Thầy và nhóm bạn tốt để cộng hưởng tâm thức tốt đẹp từ cộng đồng.


Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy các danh trên thế giới như: Albert Einstein, Benjnmin Franklin, Pythagore, Leson Toltoi, Newton,… không chỉ thực hành ăn chay để nuôi thân mà còn tiếp nạp thực ăn “chay tịnh” cho tâm như: hoài bão, lý tưởng cao đẹp và những tinh hoa nhân loại.


Bảo vệ môi trường

“Rừng xanh khi lòng người xanh trở lại”. Thật ra, mấu chốt của việc bảo vệ môi trường là "lòng người” có nhận thức đúng đắn về các quy luật tự nhiên của đất trời để sống đơn giản và biết đủ, tránh đua tranh vì vị lợi cá nhân.

Có thể, một người ăn chay sẽ giúp tiết kiệm lượng nước và giảm khí thải ra môi trường nhưng nếu người đó thường tạo nên những món chay cầu kỳ, lãng phí nguyên liệu và thời gian chế biến thì có vẻ điều đó cũng ngang bằng với những tác hại môi trường mà họ vừa gìn giữ được.

Vì vậy, nếu chưa thể ăn chay, nhưng là một tín đồ của môi trường, bạn có thể thực hành ăn đơn giản, vừa đủ; tránh lãng phí thức ăn, giảm thiểu sử dụng đồ dùng, thời trang làm từ động vật để sống hòa hợp với đất trời và thiên nhiên.


Nuôi dưỡng tình thương

Trong một buổi vấn đáp, tỳ kheo Shravasti Dhammika, một giảng sư Phật giáo có chia sẻ:


“Đúng rằng khi ăn thịt cá, ta gián tiếp và có phần nào trách nhiệm sát sinh con vật, nhưng điều này cũng đúng khi ta ăn rau cải. Người nông dân xịt thuốc, dùng thuốc độc giết côn trùng và gây tổn hại đến thiên nhiên để có những lá rau, lá cải không bị sâu rầy đục khoét.

Ngoài ra, chúng ta cũng rất khó tránh khỏi ăn chúng sanh vì trong rau trái, trong nước uống đều có chúng sinh đang sống.


Chưa kể, có những con thú bị giết để lấy da làm dây nịt hay làm túi xách, dầu, xà bông và trăm ngàn sản phẩm khác.” Như vậy, bất kể ăn gì, ta cũng vô tình ăn một sự sống nào đó. Vậy nên việc nuôi dưỡng tình thương cần xét về mặt tâm ý, động cơ bên trong nhiều hơn chứ không chỉ là việc ăn uống bên ngoài.

Tôi thấy nhiều người nhân danh việc ăn chay để phát triển tình thương nhưng lại phê phán hay lên án người ăn mặn; hoặc gây phiền hà hay làm bận lòng người thân phải chuẩn bị thêm món ăn khác riêng cho họ, điều này chẳng phải là biểu hiện họ đang thiếu bao dung và tình thương với mọi người hay sao?


Nhân vật lịch sử Hitler dù là người ăn chay trường nhưng động cơ bên trong là vì lo sợ cho sức khỏe của bản thân nên anh ta không hề phát triển tình thương, trái lại vẫn sát hại rất nhiều người một cách tàn khốc.


Ngược lại có những người sinh sống tại một số vùng đất trên thế giới với điều kiện khô cằn hoặc quá lạnh khiến việc trồng cây cối và ăn chay trở nên khó khăn nên buộc họ phải ăn mặn, nhưng tâm ý họ luôn hướng thiện và yêu thương muôn loài, sống thuận thảo với thiên nhiên.

Vì vậy, nếu chưa thể ăn chay, bạn vẫn có thể phát triển tình thương bằng việc thực hành nói lời yêu thương và nâng đỡ người nấu ăn; trân trọng và biết ơn mọi thức ăn ta có; không cố ý sát sinh, hạn chế mua động vật còn sống để chế biến. Đặc biệt là tiếp nạp những thông tin có nội dung mang tính chữa lành và lan tỏa tình thương đến muôn loài.


Tâm hồn bình an

Đức Phật dạy Jīvaka rằng: "Người thanh tịnh dù ăn món ăn bất tịnh người ấy vẫn thanh tịnh, ngược lại, người bất tịnh dù ăn món ăn thanh tịnh người ấy vẫn bất tịnh".


Trong Phật giáo nguyên thủy, mặc dù thức ăn cũng có ảnh hưởng đến việc tu tập, tuy nhiên thái độ ăn mới là quan trọng nhất.


Chẳng hạn, nhiều người ăn chay ở miệng, còn tâm ý thì "mặn mà" đủ mùi vị của tham sân si: ham thích phô diễn chứng tỏ ta ăn chay là cao thượng, là tích lũy nhiều phước lành; sân giận với những ai ăn mặn và ngăn cản họ ăn chay; sợ hãi những nghiệp quả báo ứng khi họ ăn mặn; phóng giật chân tay, ngảngã ngớn nói cười khi ăn.


Ngược lại, cũng nhiều người ăn mặn ở miệng, nhưng tâm ý thì rất “chay tịnh”, luôn trong sáng, tỉnh thức, rõ biết mọi nói năng, suy nghĩ và hành động để hướng về những điều tốt đẹp.


Vì vậy, nếu chưa thể ăn chay, trước khi ăn hãy thực hành biết ơn, trân trọng những con vật đã hy sinh cho mình; trong khi ăn cần chánh niệm tỉnh giác để thấy rõ thái độ ăn của mình; đồng thời thực hành lối sống đơn giản và biết đủ.


Tu tập giải thoát

Ăn chay là một trong những phương pháp hỗ trợ cho việc tu tập, không phải là nhất thiết nhưng hiệu quả tốt với nhiều người nhưng nếu tu tập tốt thì ăn gì cũng được.

Trong giới luật thuộc truyền thông của Phật Giáo Nguyên Thủy không có giới cấm ăn động vật, mà chỉ có giới cấm sát sanh. Phật giáo Nguyên Thủy quan niệm rằng ăn gì cũng được, tùy duyên mà ăn để có thời gian và sức khỏe để tu tập chuyển hóa.


Nếu ăn chay mà thân thể yếu đuối xanh xao, tinh thần bạc nhược thì lại là tác nhân gây cản trở tu hành hơn là hỗ trợ tinh thần như mọi người vẫn lầm tưởng.


Trong quan điểm tu tập giải thoát của Phật Giáo Nguyên Thủy, ăn chay hay ăn mặn không phải là điều quan trọng, mà sự dính mắc hay không dính mắc trong tâm tưởng mới là điều quan trọng.


Bởi vì, những điều làm cho con người bất tịnh không phải là ở nơi ăn thịt cá, mà là từ tâm ý của lòng oán hận, mê tín, tham lam, sợ hãi, kiêu căng, hay những hành động bất thiện đi kèm theo đó.


Vậy nên phương pháp cốt lõi trong tu tập giải thoát của họ là sự tỉnh thức, nhận biết những tâm ý diễn biến bên trong chứ không đơn thuần chỉ là quan tâm vào thực phẩm tiếp nạp vào cơ thể.

Trong kinh điển Nikaya, ăn chay không có mặt trong thời kỳ bắt đầu của Phật Giáo. Mà bắt nguồn từ lời thỉnh cầu của Đề Bà Đạt Đa (Devadatta). Vì muốn chống phá tăng đoàn mà ông đã xin Đức Phật ban hành giới cấm không cho hàng Tỳ kheo ăn thịt cá.


Lúc đó, Đức Phật không chấp thuận và Ngài dạy rằng "Sự ăn thịt cá có thể coi như trong sạch trong ba trường hợp (tam tịnh nhục) là người ăn không thấy, không nghe, không có lòng hoài nghi rằng con vật bị giết là do mình".


Vì thế, trong cuộc đời tu tập, Ngài không bắt buộc mọi người phải ăn "chay", cũng không khuyến khích ai ăn "mặn". Ngài chỉ dạy ăn gì cũng được, miễn sao không trộm cắp của người khác, không tự mình sát sanh hay bảo người khác sát sanh cho mình là được. Đức Phật quan niệm “ăn để mà sống, để hành đạo", chứ không phải "sống để mà ăn, để thụ hưởng".


4. Nên ăn chay hay ăn mặn?

Tóm lại, việc ăn chay có thể được coi là một cách để tạo ra tác động tích cực đối với sức khỏe, môi trường và hỗ trợ tu tập trong một số tình huống, nhưng nó cũng cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, đa chiều chứ không phải lúc nào cũng là giải pháp duy nhất.

Nếu người thực sự có tâm thức chay tịnh thì họ không phải ép buộc hay lên án ai cả, tất cả mọi việc đều diễn ra đều thuận tình thuận lý và thuận tự nhiên. Nên nếu có ai đó lên án ăn mặn hoặc ép buộc ăn chay thì có thể họ chưa hiểu đúng hoặc đang tự cố gắng thay đổi thói quen ăn uống. Do đó, điều quan trọng là chúng ta nên tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người.


Ăn gì cũng được, tùy nhân duyên bối cảnh và nguồn lực của bản thân, quan trọng là sự chay tịnh ở cả tâm và trí.

Vì vậy, hãy chú trọng việc sống tỉnh thức; mở tâm yêu thương, không cố ý sát hại sự sống muôn loài; sống biết đủ và không ngừng mở mang trí tuệ. Khi có trí tuệ bạn sẽ biết ăn để mà sống thực sự là như thế nào. Khi có trí tuệ, bạn sẽ biết chắt lọc những năng lượng kỳ diệu của tự nhiên trở về nơi thân và tâm.

Đọc đến đây, tôi tin rằng bạn đã phần nào có câu trả lời cho những điều băn khoăn được đưa ra ở đầu bài. Hy vọng rằng, bài viết này cũng là một món ăn tinh thần giúp bạn có được sự chay tịnh trong tâm trí của mình. Nội dung: Liên Thanh

Biên tập: Từ Hân

Hình: Trung Thừa Túc


967 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page