Bạn có đang trăn trở về những vấn đề trong cuộc sống mình? Vì sao mình khổ đến thế, vì sao mình nhiều phiền lo đến vậy. Vì sao điều này, điều kia đang nhấn chìm mình, gây cho mình sự lo lắng, hoang mang. Mình muốn sống hạnh phúc, bình an hơn.
Nếu bạn đang có những trăn trở này hãy cùng Trang thư viện 3 Gốc đọc những dòng chia sẻ dưới đây. Bài viết sẽ giải thích cụ thể những điều bạn đang gặp phải, và cách ứng dụng Bát chánh đạo để thoát khổ nhé!
MỤC LỤC:
***
Bát chánh đạo: Con đường thoát khổ
Đời sống này là khổ
Con người sinh ra bản chất đã là khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ và chết cũng là khổ. Thêm vào đó, ham muốn nhiều thứ mà không đạt được, chán ghét mà cứ phải ở gần. Đó đều là những điều bất như ý khiến cho bản thân u mê, lạc lối và không có lối thoát.
Cái khổ này không phải là điều tiêu cực như dân gian thường hay đề cập. Nó là sự thật đã được Đức Phật giác ngộ và chỉ dạy từ 2600 năm trước. Có 4 sự thật về khổ, đó là Khổ - Tập - Diệt - Đạo (Tứ Diệu Đế).
>>>Tìm hiểu thêm: Khổ đế
Đầu tiên là Khổ đế, Ngài nói rõ hết mọi hình tướng của khổ từ thô đến vi tế để con người chúng ta hiểu rõ cái khổ mình đang có thuộc loại nào. Nhận biết được rõ cái khổ thì mình cũng bớt khổ đi phần nào.
Thứ hai là Tập đế, Ngài chỉ ra nguyên nhân sâu xa của khổ là do tham - sân - si. Tham muốn cái mình thích, càng thích càng muốn nắm kéo về, càng kéo về thì càng không có, hoặc mất đi thì đau khổ. Sân là ghét cái mình không muốn, muốn né tránh đẩy đi, nhưng càng như vậy bất như ý càng tới nên khổ. Si là u mê, lạc lối, đi vào con đường sai trái, mờ mịt, bị dẫn dụ.
Thứ ba là Diệt đế, Ngài chỉ ra bức tranh toàn cảnh của một người đã diệt trừ hết khổ thì sẽ như thế nào. Đó là bức tranh toàn mỹ mà mỗi người đều mong muốn được tu tập để hướng về.
Thứ tư là Đạo đế, sau khi đã nhận diện được cái khổ, nguyên nhân dẫn đến đau khổ, và kết quả cuối cùng đạt được thì chúng ta cần được hướng dẫn phương pháp để đạt đến điều tối thượng đó. Đạo đế chính là con đường chân lý để giúp mỗi người có lộ trình rõ ràng trên con đường tu tập.
Diệt trừ vô minh để thoát khổ
Nhìn vào Tứ Diệu Đế, chúng ta sẽ thấy được nguyên nhân của khổ là do tham-sân-si vận hành. Nếu nhìn sâu hơn nữa, có một thứ chi phối hết tất cả các nguyên nhân đó. Đó chính là vô minh.
Vô minh là trạng thái chúng ta rơi vào bóng tối, bị che mờ đi khả năng nhận thức đúng đắn. Cho nên chúng ta mới sinh ra tham lam, sân hận, si mê. Vậy để thoát khổ thì phương pháp hiệu quả là phải diệt trừ vô minh.
Để diệt trừ vô minh chúng ta phải đưa ánh sáng để diệt trừ bóng tối. Muốn đưa ánh sáng vào trong tâm thức mỗi người, chỉ có một cách hiệu quả nhất đó là đi theo con đường Bát chánh đạo.
Bát chánh đạo là con đường tìm về với trí tuệ, nhờ có trí tuệ ta diệt trừ được vô minh và thoát khổ. Không những thế đây là nền tảng hình thành nhân cách cốt lõi cho mỗi người, là chìa khoá để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Bát chánh đạo gồm Giới-Định-Tuệ với 8 chi phần: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh kiến, Chánh tư duy.
Cả 8 yếu tố này phải đồng thời cùng nhau thì ánh sáng trí tuệ mới sinh khởi. Tuy nhiên khi luyện tập không thể mong cầu có trí tuệ liền được mà phải thực tập theo tuần tự.
Rèn luyện đạo đức làm nền tảng cho định
Định làm nền tảng cho tuệ
Tuệ là phương thức trực tiếp để đưa đến giải thoát
Khi thực hành Giới luật sẽ ngăn chặn bản thân làm điều bất thiện, để làm những điều thiện lành, để rồi sau đó tâm ý của mình được thanh lọc, trong sạch hơn.
Khi tâm ý được thanh lọc thì Định mới xuất hiện. Đó là không bị quấy nhiễu bởi những suy nghĩ bất thiện, lúc ấy sự định tĩnh, sự trọn vẹn ở hiện tại mới có.
Khi định tĩnh đã có ở bên trong thì tự khắc chúng ta sẽ có Tuệ. Ta thấy được bản chất, tư duy, nhận thức đúng về cuộc sống.
Sau đây mình xin chia sẻ 8 bước tu tập theo phương pháp Bát chánh đạo. Mời mọi người cùng tham khảo nhé!
Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé!
Bát chánh đạo: Giới
Giới là khuôn khổ đạo đức để ngăn chặn những điều ác phát khởi từ thân-khẩu-ý và giúp tu sửa bản thân. Rèn luyện giới đạt được ba mục đích: không làm các điều ác, làm những việc thiện và giữ gìn tâm ý thanh tịnh từ đó tâm trí được hài hòa, an nhiên, tự tại.
Nếu thực hành giới đúng, ta sẽ có cuộc sống hài hòa đạo đức, có ảnh hưởng tốt tới những người chung quanh. Đồng thời đó, xóa bỏ, ngăn chặn những phiền não xuất hiện trong tâm. Rèn luyện giới giúp bản thân trở thành một con người có tư cách với nếp sống đạo đức.
Bị thiêu đốt bây giờ, bị thiêu đốt về sau
Người làm ác chịu khổ đau gấp đôi…
Hạnh phúc bây giờ, hạnh phúc về sau
Người có đức hạnh hưởng hạnh phúc gấp đôi
(Đức Phật)
Giới bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Chánh Ngữ
Chánh ngữ là nói lời khéo léo, không gây thù địch, khi nói cần tránh những lời không hay, cần kiểm soát lời nói, kiểm soát miệng của mình. Nói đúng chánh ngữ cần những lời nói chính trực, ngay thẳng và khéo léo mang lại lợi ích và tránh gây đau khổ cho người khác.
“Họa từ miệng mà ra” bởi vậy lời nói khi giao tiếp rất quan trọng, chúng ta không cần “phun châu, nhả ngọc” khi nói, chỉ cần đừng phạm vào 4 lời không nên nói sau là đã học được chánh ngữ:
Nói dối: Không nói lời sai trái
Nói lời đâm thọc: Không nói lời vu khống, bịa đặt
Nói lời nói dữ: Không nói lời hung dữ và mắng chửi, nhục mạ
Nói lời vô ích: Không nói chuyện tầm phào, tào lao và chuyện vô tích sự, kiểu ăn không ngồi rồi
Chánh Nghiệp
Chánh nghiệp là hành động đúng phù hợp đạo đức. Làm những việc có ích lợi cho mọi người bằng tâm rộng lượng, hòa hợp, có lợi ích cho tất cả chúng sinh hoặc ít nhất là không hại người.
Chánh nghiệp cùng với chánh tư duy, chánh kiến và chánh ngữ giúp ta kiểm soát thân - khẩu - ý. Điều này giúp cho một người có đời sống hiền lương, trong sạch, đạo đức.
Cụ thể có 3 hành động cần tránh:
Không làm tổn thương hay giết chúng sinh
Không trộm cắp, hay lấy của không được cho, hay không phải của mình.
Không cờ bạc, rượu chè hay dùng những chất độc hại
Những hành động, việc làm hay lời nói trái đạo đức như lừa bịp, gian xảo, cho vay nặng lời và vô ơn, bất nghĩa đều được xếp vào những hành động (nghiệp) và lời nói (ngữ) sai trái, tà đạo.
“Trước khi hành động, ta phải dò xét và suy luận kỹ càng. Nếu hành động này có hại cho ta hay có hại cho người khác, hoặc cả hai thì là bất thiện. Hành động này đem lại phiền não và đau khổ nên cần phải tránh.”- Đức Phật (Nguồn: Google search)
Chánh Mạng
Chánh mạng là sống đúng, làm việc và kiếm tiền mưu sinh bằng nghề nghiệp lương thiện, chính đáng và không xâm hại đến người khác.
Như thế nào là sống đúng chánh mạng đó là:
Không sống bằng nghề nghiệp bất thiện như buôn bán hàng lậu, cần sa, ma túy,....
Không sống bằng nghề lừa đảo không giúp ích cho xã hội
Nói chung, chúng ta không nên sống dựa vào những việc làm, công việc trái đạo đức. Mỗi hành động, công việc và mưu sinh nên làm một cách chân chính, đúng đắn, vô hại và đúng với đạo đức, lòng nhân đạo.
Nhắc tâm thực hành giữ Giới
Bằng cách luôn thực hành Giới chúng ta sẽ tránh làm hại người khác; nhưng không làm hại người khác ta vẫn làm hại chính mình bằng cách tạo ra phiền não trong tâm.
Do đó ta tập luyện định, học cách kiểm soát tâm không để những phiền não tự do hoành hành và cũng không đè nén chúng. Trái lại cho phép chúng nảy sinh ra và bị diệt trừ.
Khi các phiền não bị diệt trừ, tâm sẽ không còn những bất an, lo lắng. Và khi tâm đã được thanh lọc, không cần một nỗ lực nào, ta cũng tránh được những hành động có hại cho người khác. Bởi vì đặc tính của tâm thanh tịnh là chứa đầy thiện chí và tình thương cho mọi người.
Tương tự, không cần phải gắng sức ta cũng tránh được những hành động làm hại chính ta, và ta sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc và lành mạnh. Bởi vậy mỗi bước trên con đường tu tập đều phải dẫn đến bước kế tiếp.
Giới đưa tới sự phát triển định, sự định tâm đúng cách; định đưa tới sự phát triển trí tuệ, trí tuệ để thanh lọc tâm; trí tuệ đưa tới an lạc, hạnh phúc.
Bát chánh đạo: Định
Định là khả năng kiểm soát tâm trí và cảm xúc của bản thân. Định giúp chúng ta tập trung, không dao động. Nó giúp ta tĩnh lặng để tập trung vào việc nhận thức được sự việc xảy ra một cách rõ ràng, và vì thế ta sẽ có những hướng giải quyết đúng đắn.
Khi khônɡ có định sẽ dễ sinh tâm sân, nhìn ɑi cũnɡ thấy sɑi, nhìn việc ɡì cũnɡ thấy khônɡ đúnɡ.
Có xảy rɑ chuyện ɡì cũnɡ cho là quấy; thấy tất cả mọi nɡười đều sɑi; khi khônɡ có ɑi hoặc khônɡ có việc ɡì thì tự mình thấy chính mình cũnɡ sɑi, tự nổi nónɡ với bản thân thậm chí tự mình đánh mình, tự hại mình, tự gây tổn hại cho bản thân bằng những hành động đáng tiếc.
Định bao gồm: chánh định, chánh niệm và chánh tinh tấn.
Chánh Tinh Tấn
Chánh tinh tấn là sự nỗ lực, siêng năng, tập trung phát triển và rèn luyện tâm. Rèn chánh tinh tấn đúng hay nỗ lực đúng là luôn rèn mình trước, hăng hái sửa mình và phát triển những điều đạo đức, tốt đẹp.
4 cách rèn luyện phát triển tâm:
Tinh tấn ngăn ngừa những điều xấu chưa phát sinh
Tinh tấn bỏ những điều xấu đã phát sinh
Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát triển
Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát triển
Những điều xưa cũ không dễ cắt bỏ bởi nó đã trở thành một phần của chúng ta. Nhưng nếu rèn luyện chánh tinh tấn sẽ giúp tâm ta bỏ những khổ đau do những điều xấu từ ta mà phát sinh.
Chánh Niệm
Chánh niệm là khả năng trọn vẹn với thực tại. Khi ấy ta ghi nhớ những điều tốt lành, những điều sẽ giúp chúng ta sáng suốt, vui vẻ. Rèn luyện chánh niệm là để giúp tâm an trú tĩnh lặng, khi an trú tĩnh lặng trí tuệ sẽ thăng hoa.
Trí tuệ là chìa khóa giúp con người nhận thức đúng đắn những sự kiện diễn ra xung quanh, từ đó mà đưa ra những hướng giải quyết hợp lý nhân quả.
Khi tâm ta an trú trong chánh niệm, ta sẽ nhận thức sáng suốt được những đạo lý chân chính, từ đó ta sẽ tự định hướng cho mình một tâm niệm đúng đắn, không để cho tâm niệm đi lệch hướng vào những điều bất thiện.
Chánh Định
Chánh định là sự tập trung một cách đúng đắn, sự định tâm đúng đắn. Tâm an ổn không tán loạn thì tâm lắng đọng, tĩnh lặng sự bình an mới phát sinh. Sự an ổn tinh thần giúp con người phát triển trí tuệ. Trí tuệ giúp con người có được nhận thức sâu sắc vấn đề, và xử lý một cách sáng suốt.
Nhận thức về đời sống xung quanh và ngay chính bản thân để có được những hành động đúng đắn đều nhờ vào Chánh định. Từ đó, ta có thể hoàn thiện nhân cách của chính mình.
Bạn có thể ủng hộ trang tại đây để sản xuất thêm nhiều nội dung giá trị xoay quanh 3 Gốc trong thời gian tới nhé!
Bát Chánh Đạo: Tuệ
Tuệ được phát sinh từ sự hiểu biết khi ta trải nghiệm thông qua Văn - Tư - Tu. Tuệ giúp ta có khả năng tỉnh táo trong suy nghĩ và hành động, giúp cho mọi quyết định và hành động đều đúng đắn, có trí tuệ nhận biết sự việc nào đúng, sự việc nào sai, sự việc nào thiện, sự việc nào ác.
Chính nhờ vào trí tuệ, con người mới có khả năng phán đoán, suy xét về những việc mình làm, chịu trách nhiệm về hành vi của chính mình. Có trí tuệ sẽ giúp ta có những hiểu biết đúng đắn xua tan phiền não.
Tuệ bao gồm: chánh kiến và chánh tư duy.
Chánh Kiến
Chánh kiến là bước quan trọng đầu tiên đưa đến trí tuệ.
Chánh kiến là thấy đúng, nghĩa là sự nhận thức sáng suốt và hợp lý dựa trên hiểu biết, nhận thức đúng đắn, cách nhìn, quan điểm đúng đắn, hiểu biết sự thật đúng như thật, chứ không phải tưởng như thật.
Chánh kiến bao gồm cả hai phương diện: Sự hiểu biết và nhận thức qua quá trình kinh nghiệm thực tế. Để đạt được sự khách quan và công bằng trong mọi vấn đề, chúng ta phải trải qua một quá trình kiểm nghiệm thực tế hoặc quán chiếu thông qua trí tuệ.
Nếu chúng ta không thật sự thể nghiệm thực tế mà chỉ dùng suy nghĩ hạn hẹp của mình và cho là ta biết rõ các vấn đề đó, thì cái biết của ta sẽ khập khiễng. Nhận thức sai lầm gây ra ảnh hưởng xấu đến quá trình hoàn thiện nhân cách của con người.
Chánh Tư Duy
Chánh tư duy là suy nghĩ đúng dựa trên sự thật, không phải là tư duy trên mây, không dính líu gì với thực tế.
Chánh tư duy là hướng sự suy nghĩ theo chiều thiện lành, buông thả những gì cần buông. Điều này làm giảm nhẹ lo âu phiền não, suy nghĩ từ bi hỷ xả giúp đỡ chúng sanh, nuôi dưỡng tinh thần bất bạo động, nhẫn nhịn và trầm tĩnh.
Người sống theo Chánh tư duy luôn suy nghĩ đến điều thiện để phát triển, và nghĩ đến những việc xấu để từ bỏ. Họ luôn cẩn thận trước mỗi hành động và lời nói.
Chánh tư duy chân chánh:
Tư duy hay ý nghĩ không tham dục
Tư duy hay ý nghĩ không ác ý, không có thù hận
Tư duy hay ý nghĩ không có hung bạo, không manh động
Bát chánh đạo: Ứng dụng vào đời sống
Sau khi hiểu rõ về 8 chi phần trên con đường tu tập theo Bát chánh đạo, chúng ta sẽ cùng suy nghĩ xem nên áp dụng như thế nào vào đời sống. Sự chuyển hoá không thể đến từ việc học lý thuyết, mà nó phải có sự hiểu-hành một cách chuyên cần.
Dưới đây gợi ý cho bạn 4 cách để nuôi dưỡng Bát chánh đạo trong đời sống, bạn tham khảo và tự có cho mình phương pháp phù hợp nhé!
Dành thời gian cho bản thân
Đó là khi mình biết nói lời từ chối với những người và vấn đề gây phiền nhiễu cho bản thân.
Ví dụ trong công việc, khi đồng nghiệp nhờ mình làm hộ. Nhưng lúc đó, công việc mình còn chưa xong thì mình có thể từ chối một cách khéo léo.
Mình cũng cần phải có khoảng thời gian chất lượng dành cho chính mình, không cần phải làm gì cả, chỉ cần nghỉ ngơi, yêu thương và chăm sóc bản thân.
Ví dụ như là khi mình ở một mình để giúp bản thân sạc lại năng lượng. Lúc đó, mình có thể đọc sách, nghe nhạc và lên lịch cho ngày hôm sau để giúp mọi việc được hiệu quả hơn.
Rèn luyện đức tính kỷ luật
Một lối sống kỷ luật, nề nếp làm cho chất lượng cuộc sống của mình được tốt hơn. Cụ thể là bạn cần phải sắp xếp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp. Khi bên ngoài được gọn gàng thì lúc đó chúng ta mới hướng vào bên trong để quét sạch bụi của tham - sân - si.
Dành thời gian để rèn luyện sức khỏe như: tập yoga, hay đi bộ mỗi ngày. Đó cũng chính là cơ hội để chúng ta rèn luyện chánh niệm trong từng bước đi.
Một nguồn dinh dưỡng đầy đủ và điều độ cũng hỗ trợ cho việc tu tập tâm linh. Hãy ăn sáng thật đầy đủ, bữa trưa ăn vừa đủ và bữa tối ăn nhẹ để khiến cho cơ thể bạn dễ chịu hơn vào sáng hôm sau. Hãy ăn để sống chứ đừng sống để ăn. Đó cũng chính là cơ hội để chúng ta rèn luyện thói quen “ăn trong chánh niệm”.
Có khoảng thời gian khi mình tham gia khóa tu tại Thiền Viện Trúc Lâm - Ba Vì. Lúc đó mình đã được thực hành phương pháp “ăn trong chánh niệm” cùng các Thầy. Chúng ta cần phải ăn trong tĩnh lặng, trước khi ăn cần phải thực hành biết ơn món ăn, những người nấu bữa ăn, và biết ơn cả những người đã trồng ra lúa gạo để cho chúng ta có được lương thực - thực phẩm để ăn.
Hãy tự rèn luyện hành thiền mỗi ngày. Có thể là buổi sáng ngay khi mình thức dậy hoặc là mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Đó là cách khiến cho bản thân mình rèn luyện tâm an định và có chánh niệm.
Bản thân mình cũng đang trên con đường học tập và rèn luyện việc hành thiền mỗi ngày. Mặc dù tâm vẫn còn động, nhưng ít ra việc bỏ thời gian ra để kiên trì tu tập cũng đã giúp mình đang tốt lên từng ngày.
Vun trồng tâm thiện
Thực hành hạnh bố thí, nhẫn nại, tin tưởng bản thân và các đức tính khác cũng chính là bước đầu của tu tập tâm linh.
Mình có thói quen dọn tủ đồ xem có những bộ quần áo nào vẫn còn mới nhưng mình không còn sử dụng nữa và đem cho những người cần chúng.
Hay trước một vấn đề mà bản thân chưa biết rõ đúng sai, mình nên nhẫn nại để cho người khác cơ hội để giãi bày hoặc là cần tìm hiểu nguyên do là vì sao họ hành động như vậy. Đó chính là cách giúp mình rèn luyện được khả năng thấu cảm và sẻ chia.
Cuối cùng là rèn luyện khả năng tin tưởng vào bản thân khi làm một việc gì đó mà mình chưa biết, giúp cho mình rèn luyện sự dũng cảm và sự lạc quan. Từ đó khiến cho bản thân cảm thấy hạnh phúc và mạnh mẽ hơn.
Tìm thầy giỏi và học hỏi giáo lý
Bạn hãy tìm một trung tâm dạy thiền uy tín và một vị thiền sư thật lòng muốn giúp bạn là những sự hỗ trợ rất quan trọng. Hãy quan sát một vị có thể là thầy của bạn một cách cẩn thận. Một vị thầy tốt là một vị thầy vừa có thể hướng dẫn bạn tu tập, vừa giúp bạn những thay đổi cần thiết trong cách sống.
Căn bản sự tu tập từng bước gồm có việc rèn luyện thế nào để lắng dịu tâm, quan sát tư tưởng và hành động của mình rồi biến chúng thành công cụ giúp ta thiền quán và chánh niệm. Đó là một quá trình cần có thời gian không thể hấp tấp.
Cuối cùng, hãy dành thời gian để đọc và thảo luận về giáo lý của Đức Phật với những người bạn cùng chung chí hướng. Ví dụ như khi mình viết bài này là mình cũng đã tìm hiểu, đọc rất nhiều sách về phật giáo cũng như cùng thảo luận với những người bạn đạo cùng chung quan điểm.
Tóm lại, Bát chánh đạo là một con đường thực tiễn giúp chúng ta đạt được giác ngộ và giải thoát khỏi khổ đau. Quá trình đó cần rất nhiều thời gian và sự kiên trì tu tập mỗi ngày. Mong rằng mỗi chúng ta đều có thể tinh tấn tu tập và đạt được đạo quả niết bàn.
Sau khi đọc xong bài viết này, bạn đừng vội lướt qua rồi quên mau. Cho chúng mình thấy được bình luận của bạn bên dưới, một ngày nào đó vô tình bạn xem lại, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
***
Trang Thư Viện 3 Gốc, nơi bạn có thể tìm được bất cứ thông tin xoay quanh chủ đề 3 Gốc (Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực). Ủng hộ tại đây!
Nội dung: Phương Lê Mạnh Mẽ, Uyên - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Hạnh Dung
Nguồn tham khảo:
-Tỳ Khưu Nguyên Tuệ-Vinh. Bát chánh đạo con đường vắng mặt khổ đau. Trang 107
-Bhikkhu Bodhi. Bát chánh đạo con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. NXB Thế Giới. Trang 19
-Bình Anson. Giới thiệu Đạo Phật. NXB Tôn Giáo 2007. Trang 10
-Thích Huyền Quang, Thích Nhất Hạnh. Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày. Trang 20
-Giới Định Tuệ - Bát Chánh Đạo Là Gì? Youtube Trần Việt Quân
>>>Tìm hiểu thêm: Sơ đồ học Phật
bai viet hay qua 😍