Hướng nghiệp có phải là chọn ngành để học, chọn nghề để làm, là phải đáp ứng các tiêu chí: kiếm được tiền, tiềm năng phát triển, nghề xu hướng…? Chắc chắn rồi, đây là các tiêu chuẩn để chọn. Nhưng các tiêu chí này chưa phải là đích đến, hướng nghiệp còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn thế. Bạn có nghĩ thế không? Nếu tò mò về câu trả lời, xin mời độc giả Blog 3 Gốc đi cùng mình đến cuối bài viết mang chủ đề “HƯỚNG NGHIỆP” nhé.
Mình là Ngọc My - Học viên Content 3 Gốc. Bài viết dành tặng cho các em học sinh sắp bước vào Đại Học, cho các bậc phụ huynh và cho những người đã đi làm luôn cảm thấy chông chênh trong công việc.
MỤC LỤC
1. Hướng nghiệp như làn sương mờ hư ảo
Trước khi viết, mình đã rảo qua nhiều bài báo, mạng xã hội, các buổi livestream hướng nghiệp và khảo sát thực tế “người thật việc thật”. Mình tổng hợp các câu hỏi lại, chúng đại ý có điểm chung như sau:
“Em nên chọn nghề gì, em không biết mình muốn gì?”
“Em thích nhiều thứ quá, giờ làm sao để em chọn được nghề đây ạ?”
“Cách nào để chọn được nghề tiềm năng, dễ xin việc, lương cao mà hướng phát triển tốt?”
“Em có nên chọn theo nghề bố mẹ định hướng không?”
“Sau dịch Covid ngành nghề thay đổi nhanh quá, giờ em chọn rồi 4 năm sau thay đổi nữa thì sao ạ?”
Theo số liệu của ngành Giáo dục TP Cần Thơ năm 2020-2021, trong số 12.000 học sinh có: 55% học sinh không biết cách chọn ngành, nghề phù hợp; 45,2% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì; 77,6% mong muốn được tư vấn cách thức chọn nghề phù hợp với năng lực và đam mê bản thân…
Từ những câu hỏi, số liệu trên chúng ta có thể thấy một bức tranh tổng quan về tình trạng hướng nghiệp: tỷ lệ các em học sinh cấp 3 - là đối tượng chuẩn bị chọn ngành học, biết mình muốn gì, mình sẽ là ai trong tương lai là rất ít. Đây là một mâu thuẫn rất lớn vì việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng, nhưng lại chưa được quan tâm xứng đáng từ cá nhân, gia đình và xã hội.
Một câu nói được truyền miệng phổ biến như thế này “nghề chọn người hay người chọn nghề?”. Có không ít các bạn trẻ đi hỏi ba mẹ, anh chị - những người tuổi đời lớn hơn để xin lời khuyên. Họ nhận lại được phản hồi như sau “chọn làm gì, cuối cùng vẫn là nghề chọn mình mà thôi”. Từ nhận thức chủ quan này mà vô tình tạo ra việc hiểu không đúng cho các em, dựa vào câu nói này làm các em đưa ra quyết định cảm tính “thôi cứ chọn đại ngành rồi học, đằng nào ra trường cũng làm nghề khác à!”.
2. Hướng nghiệp mang lợi ích cho cá nhân, xã hội
Hướng nghiệp càng sớm, khả năng thành công trong nghề nghiệp nói riêng, và thành công trong cuộc sống càng được đảm bảo. Bởi vì nó ảnh hưởng bởi 3 yếu tố:
Thời gian: Độ tuổi từ 18-30 là là lúc các em có nhiều năng lượng, sự nhiệt huyết, sáng tạo. Nếu được định hướng đúng ngay từ đầu thì sẽ tận dụng tối đa thời gian vàng vào thời điểm ấy. Các bạn trẻ sẽ có được mục tiêu cụ thể cần nhắm tới, đào sâu, rèn luyện, đúc kết và cải tiến.
Định hướng đúng là nền tảng, là bệ phóng vững chắc giúp các bạn đạt thành tựu, chuyên gia trong lĩnh vực đã chọn. Nếu bỏ lỡ giai đoạn vàng này, bạn sẽ phải mất nhiều thời gian quay trở lại vạch xuất phát, cùng nhiều trách nhiệm như gia đình, tài chính, cha mẹ… Lúc này bạn sẽ bị chi phối tìm công việc mưu sinh nhiều hơn.
Sống ý nghĩa: Chúng ta thường nghĩ thưởng thức cuộc sống là khi nào mình rảnh, mình có thời gian. Có nghĩa là 8 tiếng trên công ty, 8 tiếng ngủ, gần 4-5 tiếng cho sinh hoạt khác, và chúng ta còn lại một ít thời gian rảnh để tận hưởng cuộc sống. Đó dường như là lối suy nghĩ ráng kiếm thật nhiều tiền để sau này về già có cơ hội tận hưởng. Sao chúng ta không nghĩ là mình sẽ tận hưởng ngay lúc này - giây phút hiện tại.
Bởi vì chúng ta đang nghĩ rằng công việc là trách nhiệm. Nhưng nếu được hướng nghiệp đúng, bạn sẽ thấy công việc đang làm là một phương tiện để khám phá chính mình, để thưởng thức cuộc sống.
Trách nhiệm xã hội: Theo dự đoán đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Hiện nay với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% trên tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Điều này gây ra 2 hậu quả về lượng và về chất.
Nếu thế hệ trẻ không được hướng nghiệp đúng đắn; về số lượng chúng ta sẽ bỏ lỡ lớp trẻ sắp trưởng thành để bổ sung vào lực lượng lao động; về chất lượng thì không mang lại hiệu quả và hiệu suất, vì đào tạo không đúng với năng lực mỗi cá nhân nên gây ra hiện tượng làm trái ngành không yêu thích, bỏ việc, thất nghiệp.
Khi nắm được tổng quan cũng như tầm quan trọng của thực trạng định hướng nghề nghiệp. Chúng ta sẽ thấm thía hơn để hành động, để bắt đầu đào sâu vào gốc rễ để tìm giải pháp cho vấn đề này.
Phân tích dưới đây của mình sẽ đi sâu vào NHẬN THỨC, GIẢI PHÁP, và CÔNG CỤ, nó sẽ giúp bạn tìm ra được định hướng vững chắc, từ đó giảm được nỗi sợ biến động của thị trường.
3. Bạn đã hiểu rõ Hướng nghiệp là gì?
Khi tra cứu có nhiều định nghĩa nói về công việc, nghề nghiệp:
Công việc: công việc đơn thuần là bỏ ra nỗ lực và thời gian để đổi lại thu nhập
Nghề nghiệp: là người có chuyên môn, kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó. Họ có thể chọn nhiều công việc khác nhau, có tầm nhìn về việc thăng tiến trong lĩnh vực đó.
Đây là 2 khái niệm được nhắc đến khá phổ biến. Tuy nhiên, có thêm một khái niệm Sự nghiệp ít được quan tâm
Sự nghiệp: là bước sau khi nghề nghiệp đã vững chắc và ổn định. Bạn mở rộng việc đang làm không chỉ gói gọn trong phạm vi lợi ích cá nhân, tổ chức mà thay vào đó rộng lớn hơn là cho cộng đồng, xã hội. Nó mang ý nghĩa sống nhiều hơn là mưu sinh. Sự nghiệp không bị giới hạn về địa lý, thời gian, không gian. Miễn là bạn muốn trao đi giá trị của mình, thì dù ở độ tuổi nào bạn vẫn có thể đóng góp, cho đi.
Vậy nên, hướng nghiệp đúng đắn là đi sâu hơn vào sự nghiệp. Vậy cụ thể nó là gì, chúng ta cùng phân tích ở 3 góc nhìn dưới đây.
3.1 Góc nhìn cá nhân
Cùng mình quay trở lại các câu hỏi đầu tiên và tìm ra điểm chung của nó.
Các bạn có thấy câu hỏi được chia thành hai vế: mình không biết và bên ngoài cần gì. Mình nhận ra tình huống các bạn đặt câu hỏi là khi cả hai vế này đều đang dễ thay đổi. Có nghĩa là bạn không biết mình muốn gì, nên bạn không biết chọn sao. Và giữa thị trường thay đổi liên tục như hiện nay, lại càng làm bạn lo lắng nhiều hơn.
Chỉ khi nào có một vế cố định thì chúng ta mới tìm ra được giao điểm.
Xét về yếu tố bên ngoài bao gồm ngoại cảnh, thị trường, ngành nghề, ba mẹ muốn, mức lương, tiềm năng phát triển…Tất cả những điều này đều thay đổi liên tục và bạn không thể kiểm soát nó. Do vậy, yếu tố bên ngoài không phải là điểm trụ. Vậy là chỉ còn một vế cuối cùng là bên trong, nó phải là thứ ít thay đổi nhất thì bạn mới có thể dựa vào đó, lấy nó làm tiêu chuẩn để chọn đúng không?
3.2 Góc nhìn theo “Mô hình Chìa Khoá”
Đây là mô hình chìa khoá được cô Phoenix Hồ của Hướng Nghiệp Song An đưa ra vào năm 2011
Theo hình trên, có 3 câu hỏi chúng ta cần quan tâm khi hướng nghiệp đó là: em là ai, em đi như thế nào, và em đi về đâu.
Đúng hơn, chúng ta cần đi theo trình tự...
Bắt đầu với câu hỏi số 1 “Em là ai”: điều đó thể hiện qua việc bạn hiểu bản thân như thế nào ở sở thích, năng lực, khả năng học tập, tính cách, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ… Sau đó, không phải hỏi đi như thế nào, mà phải hỏi câu số 2 “Em muốn đi về đâu”. Đó là mục tiêu về nghề nghiệp, hình ảnh mong muốn trong tương lai thay vì chú ý đến phương pháp. Và cuối cùng với hỏi câu số 3 “Làm sao để đi đến được nơi em muốn đến?”. Bởi vì chỉ khi trả lời rõ ràng được 2 câu trên, chúng ta mới biết mình cần chuẩn bị gì, lộ trình như thế nào để đi.
Lưu ý rất quan trọng, tất cả 2 câu sau đều phải dựa vào phản hồi của câu số 1. Nếu câu số 1 chưa được giải quyết thì chúng ta rất dễ chọn sai hướng, chọn sai cách đi. Nếu đi càng xa, càng nhanh mà không dựa trên nền tảng của câu số 1 thì sẽ làm chúng ta mất thời gian và nỗ lực nhiều hơn để sửa chữa. Đôi khi vì mải tập trung vào đích nhưng câu đầu tiên chưa trả lời được, bạn hay kẹt ở đó lo lắng mình chọn có thành công hay không, có ra tiền hay không.
3.3 Góc nhìn theo 4 Vòng Tròn Đào Tạo (VTDT)
Trong mô hình 4 VTĐT được thầy Trần Việt Quân chia sẻ, chúng ta sẽ thấy có 4 vòng đi từ trong ra ngoài:
Vòng tròn số 1: 3 gốc rễ gồm Đạo Đức, Trí Tuệ và Nghị Lực (Giới, Định, Tuệ của nhà Phật).
Vòng tròn số 2: Năng khiếu, xu hướng tính cách
Vòng tròn số 3: Kĩ năng
Vòng tròn số 4: Thông tin và kiến thức
Theo chia sẻ của thầy, con người trong đời sống sẽ có xu hướng đi theo 2 giai đoạn:
-Chuyển từ nghề sang nghiệp: là bắt đầu với một công việc mục đích chỉ để kiếm tiền. Sau một thời gian làm đủ lâu, bạn nhận ra đam mê, sở trường của mình trong lĩnh vực bạn mong muốn. Hoặc là bạn làm công việc đó đủ lâu nên có kinh nghiệm, nó làm cho bạn cảm thấy thích. Lúc này, bắt đầu bạn chuyển được sang nghiệp. Có nghĩa là bạn đi làm trong niềm vui, bạn tò mò, khám phá và tạo ra bước đột phá.
Ở giai đoạn 1 bạn đi từ vòng 4, vào đến vòng 3, và chạm ở vòng 2. Tầm từ 30-35 tuổi nếu bạn nào một thời gian đã nỗ lực làm việc, trăn trở khám phá mình mới có thể chuyển sang được nghiệp, cho nên không phải hầu hết đều đạt được.
-Chuyển từ nghiệp sang ý nghĩa sống: nếu chỉ dừng lại được làm công việc đúng đam mê, sở trường thì chưa phải đích đến. Công việc bạn đang làm phải đi sâu vào cốt lõi hơn, nó có hướng thiện không, có đi đúng với nhân cách, giá trị sống của bạn hay không. Đó là những việc có ý nghĩa hay xấu ác. Giai đoạn này phải tầm từ 40-50 tuổi, sau khi đã lăn lộn với cuộc sống đủ nhiều, và sau quá trình tầm sư học đạo may mắn bạn mới có thể nhìn ra.
Vậy từ 2 giai đoạn này, ta thấy mất nhiều năm tháng để đi từ ngoài vào trong, chạm đến được vòng 1. Trong nhiều trường hợp có khi chỉ dừng lại ở vòng 3, thậm chí là vòng 4 mà thôi.
Vậy tại sao ta không đi ngược từ trong ra ngoài, áp dụng càng sớm càng tốt cho lớp trẻ. Đó là đào tạo nhân cách cốt lõi trước, sau đó hiểu mình muốn gì. Từ 2 điều này, ta biết mình là ai trong tương lai, để rồi từ đó chọn kỹ năng, kiến thức cần để phục vụ cho ước mơ.
Có phải đi theo cách như vậy, bạn sẽ đi dễ dàng hơn vì biết rõ điều cần phải hướng tới. Vì dựa trên những gì chân thật từ sâu bên trong, bạn sẽ không còn lo sợ yếu tố bên ngoài thay đổi, thị trường thay đổi.
Tóm tại, quay về chữ HƯỚNG VÀ NGHIỆP. Từ cả 3 góc nhìn phân tích ở trên, chúng ta thấy cách phân tích có thể khác nhau ở ngôn ngữ, nhưng nó đều có điểm chung là đi từ trong ra ngoài, đi từ ít thay đổi ra cái thay đổi, và phải đi từ bản thân ra cuộc sống. Đó chính là xác định NGHIỆP trước - nghiệp lực, rồi sau đó mới HƯỚNG - con đường sau.
Nghiệp lực là sợi chỉ đỏ để dẫn dắt các bạn tìm ra hướng đi giữa những ngã rẽ. Nhờ có ánh sáng của ngọn hải đăng bên trong, bạn mới có thể soi sáng được mình đang ở đâu, và cần đi về đâu trong hành trình hướng nghiệp này.
4. Hướng nghiệp là đi từ “Nghiệp” sang “Hướng”
4.1 Khám phá nghiệp lực
Hiểu đơn giản, nghiệp lực chính khám phá những gì sẵn có bên trong, tìm ra phần “nguyên bản” của chính mình. Nghiệp lực là cái bạn đã tích lũy từ nhiều kiếp sống trước cho đến đời này, nó có ở đó từ lúc bạn sinh ra đó là đam mê và sở trường.
Tìm ra đam mê
Đam mê là mong muốn, là khát khao ẩn chìm sâu bên trong. Nó cứ lặp đi lặp lại trong suy nghĩ, trở thành ý nghiệp dẫn dắt. Cho nên khi làm việc xuất phát từ đam mê bạn cảm thấy thích thú, vui sướng. Bạn nghiên cứu xuyên thời gian, bạn tò mò khám phá về điều mình quan tâm. Đến nỗi điều gì hiện diện trong cuộc sống, vô thức bạn cũng liên hệ tới đam mê của mình.
Để tìm thấy được đam mê, chúng ta có 4 cách:
Hiểu sâu sắc, ý nghĩa cuộc đời: trường hợp này rất hiếm
Nhận biết được điều gì có sức hút kỳ lạ, tìm tòi say mê trong nhiều năm: trường hợp này cũng hiếm
Tạo ra môi trường để khám phá: chúng ta được học - làm - chơi. Chúng ta được tò mò những sở thích một cách tự nhiên, điều đó tạo ra niềm yêu thích. Nếu điều này được lặp đi lặp lại, nó tạo ra sự mong muốn, khát khao. Bắt đầu với những trải nghiệm nhỏ, rồi lớn dần lên thành trải nghiệm lớn, tạo ra trăn trở, khát khao nhiều hơn.
Nhiệt tình trách nhiệm trong từng việc nhỏ đang làm: chúng ta chỉ cần chăm chỉ làm những việc đang làm bằng một thái độ chuyên nghiệp nhất. Lúc này bạn tạo ra những thành công nhỏ, được động viên, bạn lặp lại những thành công này. Nó dẫn dắt bạn đến thành công lớn hơn, và từ đó niềm vui, đam mê xuất hiện.
Tìm ra sở trường
Sở trường là học và làm mà tốn ít thời gian nhưng lại hiệu quả hơn. Bạn làm như chơi mà kết quả vẫn rất tốt. Nhưng để sở trường biến thành tuyệt chiêu thì bạn phải luyện tập ít nhất 10,000 giờ một cách toàn tâm và có sự cải tiến.
Để rút ngắn thời gian từ sở trường thành tuyệt chiêu, bạn có thể áp dụng 6 bước dưới đây:
1. Đúc kết tinh hoa, ứng dụng
2. Toàn tâm toàn ý
3. Cải tiến liên tục
4. Đồng đội mạnh (tam bảo)
5. Áp suất thường xuyên
6. Tư duy tác phẩm
Một số trường hợp, nhiều bạn trẻ không có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống thì việc nhận ra sở trường của mình là điều khó khăn. Lúc này thì bạn nên làm song song 2 việc: một là chọn thứ mình hơi thích rồi làm luôn, hai là tận dụng thêm các công cụ để khám phá về xu hướng của bản thân. Phần bên dưới đi sâu vào thực hành mình sẽ làm rõ hơn.
Lấy nền tảng 3 gốc làm chủ đạo
Dù bạn đang thành công trong sự nghiệp, mối quan hệ, gia đình, tài chính… thì quan trọng nó phải được đặt trên nền tảng của vòng tròn số 1: Đạo Đức, Trí Tuệ, Nghị lực.
Cổ nhân xưa gọi 3 yếu tố này là Nhân, Trí, Dũng. Giáo dục của người do thái thì xây dựng thành 3 chỉ số EQ ( chỉ số cảm xúc ), IQ ( chỉ số thông minh), AQ ( chỉ số vượt khó). Người Tây Tạng thì có câu thần chú nổi tiếng Úm Ba Ni Bát Mi Hồng.
Chúng ta nên có định hướng xây dựng bản thân mình từ bên trong, đặc biệt là xây thật chắc từ nhân cách cốt lõi. Bởi vì nền tảng 3 gốc sẽ định hướng để đam mê và sở trường được phát triển dựa trên việc hướng thiện, lợi mình, lợi người, lợi cho xã hội, thiên nhiên.
Dù biết các bạn đã khá quen với cụm từ 3 gốc, nhưng mình vẫn muốn phân tích kỹ hơn về 3 yếu tố này:
Trí tuệ: là hiểu biết đúng về cuộc sống. Trong đạo Phật, “trí tuệ” ứng với chánh kiến và chánh tư duy, tức là có sự hiểu biết đúng đắn và cách tư duy, suy nghĩ, đưa ra các giải pháp để hướng tới những điều đúng đắn. Cụ thể ở đây chính là sự hiểu biết về nhân quả, về tứ diệu đế và bát chánh đạo. Một người thông minh nhưng có những tư duy hướng về những điều không đúng đắn, sai lệch thì chưa thể coi là người có trí tuệ.
Đạo đức: là lòng tốt của mỗi người chúng ta đó là Từ - Bi - Hỷ - Xả. Đạo đức là gắn kết, làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
=> Trí tuệ và đạo đức chính là chữ “tài” và chữ “đức” trong mỗi con người, 2 thứ đó phải đi song hành với nhau mà không thể thiếu bất kỳ một yếu tố nào. Như Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Nghị lực: gồm 3 chữ dũng, nhẫn và tĩnh. Một người có nghị lực thực sự không chỉ cần có sự dũng cảm mà còn cần có tính nhẫn nại, tập trung, bình tĩnh xử lý mọi việc.
Nhân cách cốt lõi tạo ra nội lực vững vàng cho mỗi người, nhờ đó những tác động bên ngoài sẽ khó lòng lay chuyển được bạn, hoặc nếu có thì bạn cũng sẽ biết cách để vượt qua. Nếu rèn cho mình được 3 gốc thì dù thị trường có thay đổi, biến động như thế nào, bạn cũng sẽ dễ dàng tìm được hướng đi cho sự nghiệp của mình.
Để đúc kết về phần khám phá nghiệp lực, mình xin được đúc kết bằng công thức: Đam mê (Tạo niềm vui) + Sở trường (Kết quả tốt) + Hướng về 3 gốc → Tạo ra giá trị cho bản thân, giá trị cho xã hội, lợi ích thiên nhiên, muôn loài.
4.2 Khám phá hướng đi
Bước khám phá nghiệp lực là nền tảng để bạn dễ dàng khám phá hướng đi, để bạn nhìn thấy được bức tranh ngắn, trung và dài hạn. Dưới đây là gợi ý 3 bước tìm ra hướng đi, bạn nên đi theo thứ tự:
Bước 1: Thu thập thông tin
-Tự phản biện: Cùng nhìn lại kết quả về đam mê, sở trường bạn đã đúc kết ở trên, nó có thể là một kết quả hoặc nhiều kết quả. Nhưng không sao cả, bạn cứ liệt kê nó ra để nhìn thấy rõ hơn. Sau đó từ kết quả này, bạn thử liệt kê danh sách công việc, ngành nghề mà bạn nghĩ là phù hợp với đam mê và sở trường của mình. Bước đầu tiên này, bạn đặt câu hỏi liên tục. Vậy với nghiệp lực mình đang có, bạn mong muốn mình sẽ như thế nào trong tương lai?
-Nghiên cứu có chiến lược: Khi đã dự kiến một số công việc, lĩnh vực cần chọn, bạn hãy lên các trang thông tin danh sách ngành nghề, trang tuyển dụng, trang thông tin các trường đại học uy tín, thông tin về xu hướng ngành nghề. Bạn có thể tham gia vào các buổi tư vấn tại các tổ chức, trường đại học chuyên về định hướng nghề nghiệp.
Mấu chốt quan trọng ở đây, vì bạn đã xác định rõ nghiệp lực của mình, nên đâu đó đã biết mình cần đi đến đâu, muốn gì, cho nên việc tìm kiếm sẽ giới hạn trong lĩnh vực mình muốn chọn. Trong quá trình tìm hiểu, biết đâu bạn nhìn thấy được hình mẫu nào đó mà bạn muốn trong tương lai, bạn có thể kết nối với họ.
Tất cả ở đây chỉ là dữ liệu thô, bạn cứ thu thập hết rồi sắp xếp sau nhé.
Bước 2: Phân loại
Phân loại các thông tin thô đã thu thập vào từng lĩnh vực, trong đó có các công việc liên quan mà bạn nghĩ mình phù hợp. Sau đó, bạn chấm điểm cho danh sách này theo 3 tiêu chí:
Thị trường có nhu cầu nhiều không? thông tin về nhu cầu thị trường các ngành nghề bạn có thể tham khảo trên các trang tuyển dụng, hoặc thông tin trên báo chính thống về xu hướng nghề nghiệp. Nhu cầu nghề nghiệp sẽ có 2 loại: công việc nền tảng (mãi xanh) và công việc theo xu hướng. Nếu tính cách của bạn thích sự bền vững, cốt lõi bạn có thể chọn các ngành như y tế, giáo dục, tài chính…Nếu tính cách của bạn ưa thích khám phá, sự đổi mới, bạn có thể chọn các ngành công nghệ, marketing…
Thị trường có trả tiền không? thông tin về mức thu nhập trung bình của ngành nghề cũng thường được công bố trên các trang tuyển dụng, cho nên cũng dễ dàng tìm kiếm. Tuy nhiên, nó chỉ là con số tham khảo vì nó còn phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn, kỹ năng, thái độ, số năm kinh nghiệm làm việc. Cho nên, thay vì lo lắng mức lương thay đổi như thế nào bạn chỉ cần tập trung phát triển bản thân mạnh cả 4 vòng trong vòng tròn đào tạo, thì phần thu nhập sẽ trả về tương xứng với nỗ lực bạn bỏ ra.
Công việc, ngành nghề dự định có làm tổn hại đến xã hội, thiên nhiên hay không? Công việc bạn đang làm có lợi cho xã hội, lợi cho thiên nhiên không, hay là nếu bạn tạo ra giá trị nhiều hơn, nhân bản con người nhiều hơn thì mang lại tiêu cực cho xã hội, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây là câu hỏi quan trọng nhưng thường bị bỏ qua, và cho là quá lý tưởng không thực tế. Nếu bạn có cái nhìn xa hơn lợi ích cá nhân của mình, thì công việc bạn làm mang lại rất nhiều ý nghĩa. Nó giúp cho sự nghiệp của bạn tiến xa hơn, ý nghĩa hơn, để công việc là một phần hơi thở cuộc sống của bạn.
Bước 3: Tham vấn
Sau quá trình đào sâu tìm hiểu như trên, bạn đúc kết cho mình khoảng 3 công việc, ngành nghề muốn chọn. Có cho mình đúc kết như vậy, bạn bắt đầu đi tìm hiểu người có chuyên môn trong lĩnh vực đó để nghe chia sẻ, hay hơn nữa là nhờ họ tham vấn (nếu có cơ hội). Nếu bạn đã có cho mình lí do và điều mong muốn đạt được, chắc chắn người chuyên gia đó sẽ vui lòng hỗ trợ bạn.
5. Bắt đầu ngay để tự hướng nghiệp
Với 4 phần chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn thấy được bức tranh tổng quan. Đến lúc này, chắc hẳn bạn sẽ tự hỏi “Vậy rồi tôi nên bắt đầu từ đâu, cần làm gì tiếp theo”. Vậy phần này mình sẽ hướng dẫn các bạn đi từ bước nhỏ nhất nhé.
3 bước VĂN - TƯ - TU này, mình muốn mượn sơ đồ của thầy Trần Việt Quân
5.1. Văn (Học)
Đối với người chưa khám phá được nghiệp lực
Lí do là bạn chưa có nhiều trải nghiệm nên bạn chưa thể thấy được bản thân của mình. Do đó đừng vội đi tìm hiểu mình bằng những điều bên ngoài. Hãy tập trung cho bản thân mình nhiều hơn.
Trải nghiệm: Lúc này bạn đang thích điều gì, bạn vào hành động ngay luôn đi đừng chờ đợi, đừng suy xét là mình có thật sự hợp hay không. Vì bạn chưa có gì hết, nên cái bạn đang làm là phương án tốt nhất, bạn không làm ngay là mất đi cơ hội trải nghiệm
Viết nhật ký: trong lúc làm hãy quan sát xem mình có hào hứng với nó không, bạn thấy mình làm khổ sở hay cực nhọc. Viết nó lại hết trong nhật kí như dữ liệu thô. Cứ viết đi, sau một thời gian nữa thì bạn sẽ thấy chính mình rõ hơn.
Đối với những người đã thấy nhưng không chắc có phải là nghiệp lực của mình hay không
Nghiệm: bạn đã có trải nghiệm nhưng phần chiêm nghiệm của bạn chưa đủ mạnh. Có nghĩa là phần quan sát - phân tích - đúc kết của bạn chưa sâu. Cho nên điều đó làm bạn cảm thấy lung lay, chông chênh. Do vậy, bạn nên dành thời gian soi sáng lại bản thân nhiều hơn bằng cách đúc kết sơ đồ, viết nhật ký thường xuyên.
Sử dụng công cụ: Bạn có thể sử dụng thêm các công cụ hỗ trợ để giúp mình tìm ra bản thân. Mình phân loại các công cụ này thành 2 phần: tìm về bản nguyên mẫu, tìm về tính cách trong hiện tại
Công cụ tìm về nguyên bản: những công cụ này sẽ sử dụng ngày sinh, giờ sinh hoặc dấu vân tay để tìm ra những gì có sẵn bên trong bạn từ lúc mới sinh ra. Các công cụ phổ biến có thể kể đến như là Thần số học, Tử vi, Sinh trắc vân tay, Cung hoàng đạo, Nhân tướng…
Công vụ tìm hiểu về tính cách hiện tại: thông thường là các bộ trắc nghiệm câu hỏi yêu cầu bạn trả lời. Dựa vào tình huống, cảm xúc ngay tại thời điểm bạn trả lời, kết quả có thể khác nhau. Theo thời gian xu hướng tích cách của bạn có thể thay đổi.
5.2. Tư (quan sát-phân tích-đúc kết)
Từ những dữ liệu thô về bản thân ở trên, bạn hãy quan sát bản thân, phân tích thật kĩ xu hướng của mình để sau đó đúc kết lại còn một vài điều cốt lõi của bản thân - là những điều thường xuyên lặp đi lặp lại.
Bạn có thể đúc kết bằng cách viết ra, hoặc vẽ thành sơ đồ, hoặc quay video để lưu trữ.
5.3 Tu (Hành động)
Ở bước này, bạn đã có thể bắt tay vào hành động. Đây là lúc bạn TRẢI và NGHIỆM. Ban có thể dành ra từ 2 -3 tháng xin làm cộng tác viên cho một tổ chức nào đó, liên quan đến công việc, ngành nghề mà bạn dự kiến sẽ chọn, sau đó vào làm một cách nghiêm túc.
Lưu ý là trong lúc thực hành, bạn phải liên tục quan sát tâm để nghiệm lại quá trình mình đang làm như thế nào. Trong lúc này, bạn sẽ biết chắc chắn được mình có hợp hay không, có thay đổi nhiều so với dự kiến không. Nếu 2-3 tháng cảm thấy không phù hợp, bạn lại tiếp tục thử nghiệm cho mình ở lựa chọn 2 trong danh sách công việc đã tìm hiểu ở trên, tiếp đến có thể là lựa chọn 3. Sau cùng bạn sẽ biết cái nào thật sự phù hợp.
Tư mô hình trên Văn chiếm 10%, phần tư duy chiếm 20%, và phần Tu này chiếm đến 70%. Mình gợi ý thêm mô hình này:
Ở sơ đồ này của hướng nghiệp Song An cũng chú trọng vào phần trải nghiệm (chiếm đến 55-70%), trong khi đó phần học thuật và tương tác xã hội chiếm lần lượt 10-20% và 20-25%. Cho nên mình muốn nhấn mạnh phần Hành động rất quan trọng.
Tóm lại, với 3 cách trên mình gợi ý tương ứng với từng tình huống cụ thể của bạn. Quan trọng là bạn phải đọc thật kĩ bài viết này, ngẫm thật sau và hành động thật mạnh mẽ. Điểm nhấn mình muốn nhắn gửi sau cùng, là dù mình có đưa ra một bài chia sẻ rất chi tiết nhưng nếu bạn không thật sự bắt tay vào làm, thì sẽ không hiểu hết được những điều chia sẻ, cũng như không thể khám phá bản thân để hướng nghiệp cho mình. Cho nên phải HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG nhé!
6. Kết luận
Hướng nghiệp là xác định NGHIỆP trước, HƯỚNG sau. Vấn đề này sẽ không còn là thử thách nếu chúng ta biết nhìn vào lõi là hiểu bản thân dựa trên nền tảng 3 gốc, để từ đó hướng cho mình con đường đi đúng đắn. Nếu xây dựng được nền tảng vững chắc như vậy, thì chúng ta lớp thế hệ trẻ sắp tới sẽ trả lời được các câu hỏi được đặt ra ở đầu bài.
Bài viết xin kết thúc tại đây. Đây là món quà My muốn gửi tặng cho độc giả Blog 3 Gốc là các em học sinh, là phụ huynh và cho cả những người đi làm. Hy vọng, ai trong mỗi chúng ta đều có thể tìm ra cho mình hướng đi, để có thể làm như chơi, làm để thưởng thức thay vì xem công việc là trách nhiệm.
Nội dung và hình ảnh: Ngọc My - Học viên khoá Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Comments