Nghề giáo chưa bao giờ dễ dàng phải không các anh chị?
Mục lục
1. “Tôi chọn nghề giáo”
2. Mục tiêu giáo dục và vai trò của nghề giáo
3. 5 chữ “Dám” của nghề giáo
------
“Tôi chọn nghề giáo”
Tôi tên Trang - một giáo viên dạy Văn tại Sài Gòn. Hiện tại vẫn rất yêu nghề. Mặc dù, trong quá khứ có nhiều lần tôi muốn bỏ nghề. Một phần vì mức lương “ba cọc ba đồng” không thể trang trải cuộc sống gia đình, một phần vì thấy tủi thân với cái nghề mà mình chọn sao mà có nhiều áp lực! Những áp lực vô hình ghì chặt. Không biết sửa mình sao cho đúng? Động lực từ đâu để dạy hăng say? Để một thế hệ không chỉ học nghề, học kỹ năng mà còn học để có nhân cách sống, sống tốt, sống hạnh phúc.
Thời gian khó khăn ấy rồi cũng chóng qua nhanh, dưới sự động viên của gia đình, bạn bè và lời khuyên vàng ngọc của những người thầy hiền triết.
Tôi vẫn chọn nghề giáo!
Tôi chọn “thổi hồn nhân cách” cho các em qua những bài thơ, bài văn, những câu chuyện giàu tính triết lý, đạo đức và nghị lực làm mục tiêu sống cho hết kiếp này. Mặc dù vẫn biết, dù xưa hay nay, nghề giáo luôn phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Những biến động về công nghệ thông tin khiến cho lượng kiến thức mới được ồ ạt cập nhật mỗi phút mỗi giây. Chỉ cần chậm một chút, người thầy người cô dễ dàng bị bỏ lại phía sau, có khi là bởi chính những trò thân yêu của mình!
Làm thầy phải làm gương, “sửa mình trước sửa người sau” càng khiến thầy cô áp lực giữa môi trường mà sự cạnh tranh ngầm vẫn âm thầm diễn ra.
Hơn thế, bài toán về đồng lương của giáo viên vẫn còn chưa có những giải quyết thỏa đáng!
Tôi vẫn chọn nghề giáo!
Tôi chọn nghề giáo không phải vì nhà tôi có truyền thống làm giáo viên 3 đời
Tôi chọn nghề giáo không phải vì là cái nghề được xã hội đề cao, kính trọng
Tôi chọn nghề giáo vì nó chọn tôi!
Nó chọn tôi từ khi tôi chăm bẵm cho những đứa em từng muỗng cơm, chiếc áo trong khi ba má chúng đi làm. Nó chọn tôi khi tôi thích chia sẻ lại kiến thức của mình, hướng dẫn bài tập cho các em mỗi tối. Nó chọn tôi khi đối với tôi nhu cầu học hỏi, sửa mình liên tục quan trọng như cơm ăn hằng ngày.
Nó chọn tôi ngay khi tôi cảm mến hình ảnh mẹ tôi trong chiếc áo dài thướt tha trong gió, khi chở tôi đi học, có khi đứng trên bục giảng giảng bài. Kèm theo đó là nhân cách tròn đầy của mẹ đã nâng đỡ cho tôi, em tôi ba tôi, qua những ngày khó khăn thời bao cấp.
Mặc dù mẹ không còn nữa nhưng tôi vẫn là tấm gương sáng cho tôi noi theo
Và nó chọn tôi…
Còn với anh chị, điều gì khiến anh chị theo ngành giáo cho đến bây giờ?
Chọn nghề giáo không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn nghề nghiệp, mà còn là hành trình của sự cam kết tận tâm với sứ mệnh cao cả - hình thành và phát triển tâm hồn, tri thức cho thế hệ tương lai. Trên hành trình ấy lắm khi ta bị chi phối bởi những yếu tố phù phiếm khác khiến ta quên đích đến cao thượng mà mình xác định ban đầu.
Mục tiêu giáo dục và vai trò của nghề giáo
Cụ Hoàng Đạo Thúy có nhắc đến trong cuốn “Nghề Thầy” rằng:
-Đem lũ trẻ con người ta trao cho, mà rèn giũa sao cho nên người, nên người có hiếu, sau này gây được gia đình bền chặt, người dân tốt giúp được nước, người có tâm với thiên hạ, làm người biết đạo người, sống hợp với lẽ trời đất. Không những thế mà còn “để học đọc, học viết, học tính, để thi đỗ, đề rồi đi làm thì đủ thứ sung sướng” là “sai lạc cả mục đích giáo dục”.
Hậu quả của nó là đã hướng cả công trình giáo dục vào một việc tầm thường thì chỉ bổ cho một lòng dục, lòng dục ấy sẽ phát rộng và mạnh ra, lại thêm không có sức đạo đức ngăn cản thì nguy lắm.
Cùng tư tưởng đó, thầy Trần Việt Quân có triết lý 4 vòng tròn đào tạo càng làm rõ quan điểm của Cụ Hoàng Đạo Thúy rằng: Giáo dục chuyển hóa cốt ở giá trị bên trong gồm Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực.
Khi đã có các yếu tố này, người học sẽ tự ý thức được bản thân, tự mình biết xu hướng tính cách, tự tìm kỹ năng nghề và thông tin kiến thức liên quan một cách chủ động nhất quán. Thay vì chỉ đào tạo, dạy, giáo dục cái vỏ để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước một cách nhất thời.
Để khi kinh tế có đi lên, công nghiệp hóa hiện đại hóa có sánh vai với các cường quốc năm châu thì nhìn lại thiên nhiên bị tàn phá, nhân phẩm con người xuống cấp thì liệu đó có phải là mục đích của giáo dục?
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhắc đến vai trò của việc học như “học để làm việc”. “học để làm người” và “học để làm cán bộ” tức đích đến cuối cùng là tha nhân bằng con đường phụng sự vô điều kiện cho dân và vì dân, vị tha hơn vị kỷ.
Người từng nhấn mạnh vai trò của nhà giáo: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.8, tr.184)
Và dạy làm sao để học trò mình ”Biết mà học, không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui say mà học.” - Hoàng Đạo Thúy
Hay Khổng Tử có nói: “Người học không biết chán, dạy người không biết mỏi”
Với tất cả điều trên, tôi cho rằng đó là cái mà mỗi người theo ngành giáo như chúng ta cần dành thời gian để trăn trở, để trả lời.
Khi có câu trả lời cho riêng mình thì mỗi ngày đi dạy là mỗi ngày vui, mỗi ngày hạnh phúc chứ không phải sáng “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, không động lực, đi day cho qua ngày cầm hơi và không có sự sáng tạo hay phát triển vượt bậc. Đi dạy mà canh đúng từng giờ từng phút vào, từng giờ từng phút ra thì có khác gì lũ trẻ ham chơi, chưa có định hướng mà chúng ta phải dạy.
Và để thực hiện mục tiêu trên thì theo quan điểm cá nhân tôi thì nghề giáo cần lắm 5 chữ “Dám” mà tôi xin mạn phép trình bày.
5 chữ “Dám” của nghề giáo
Dám tìm ra ý nghĩa cuộc đời
“Ai cũng có một cuộc đời, nhưng chỉ có một số ít người có một cuộc đời đích thực.” Khuyết danh
Ý nghĩa cuộc đời, sứ mệnh, sợi chỉ đỏ nhìn chung là cách gọi của hướng đi, hướng đi hướng thượng không hướng hạ. Có ý nghĩa cuộc đời sẽ giúp ta có quyết định kịp thời và phù hợp những khi đứng trước các ngã ba cuộc đời. Có ý nghĩa cuộc đời gì giúp ta ngăn ác, hành thiện, tránh xa dữ.
Có ý nghĩa cuộc đời sẽ giúp ta sống hạnh phúc hơn.
Một cuộc đời có ý nghĩa bắt nguồn từ sự tự nhận biết, thấu hiểu chính mình, kết hợp với ý chí và sức mạnh tinh thần.
Khi chúng ta có được cái nhìn tích cực về bản thân và biết tự đánh giá những khả năng, điểm mạnh, điểm yếu, điều mình thật sự muốn và điều mình có thể làm được thì đó là lúc chúng ta mới thoát khỏi những khuôn khổ và lối mòn tư duy. Để rồi từ đó bắt đầu khám phá nguồn sức mạnh tiềm ẩn vốn có của chính mình.
Có ý nghĩa cuộc đời rồi thì mới giúp ta kiên định và động lực để thực hiện những cái “Dám” phía sau. Ta có ý nghĩa cuộc đời rồi thì mới giúp cho học trò ta cũng cái hương hoa, cái ánh bình minh ấm áp mà ta đã nhận.
Dám tự học, rèn luyện suốt đời
Như nhà văn hóa lớn nước Mỹ từng nói “Ai đã dám dạy thì không bao giờ ngừng học”. Ngừng học rồi ta sẽ trở nên lạc hậu, ngừng học rồi ta sẽ trở nên đoạn kiến, trong khi kiến thức và thông tin mỗi ngày phát triển nhanh như vũ bão.
Đòi hỏi nhà giáo phải Dám tự học. Tự học là học cái gì? Học kỹ năng quan sát - phân tích- đúc kết sâu một vấn đề từ đó có giải pháp, có bài học. Trước chuyển hóa bản thân mình, mở rộng nhân sinh quan, để thể nghiệm. Sau dùng những gì mà mình đã biết, đã thực chứng mà khéo léo truyền đạt lại cái tinh, cái cốt lõi cho học trò mình.
Có tự học thì mới tự học được bất cứ những gì ta còn thiếu sót, những gì ta muốn, hoàn thiện bản thân trước khi hoàn thiện cái sứ mệnh được giao.
Dám hiểu thương, vị tha
“Dám thương cái khó thương, dám nâng đỡ cái khó nâng đỡ thì mới thật thương, thật nâng đỡ ”
Mặc dù dân gian ta có câu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” chúng ta cũng đành phải thương mốt lũ quỹ, lũ ma, lũ trò này.
Mặc dù biết cũng khó thương lắm những khi chúng làm những chuyện trái ý nghịch lòng ta. Học những thứ ta không dạy và còn dạy lại ta những thứ ta không muốn học. Âu cũng là cái bi hài của ngành giáo.
Nếu thương cái dễ thương, nâng đỡ cái dễ nâng đỡ thì ai cũng làm được! Không cần đến ta! Cái khó là trước khi thương ta phải hiểu tận nguồn cơn của lũ quỷ ma này. Cái gì cũng có lý do của nó! Một đứa ngỗ nghịch thường hay phá bạn, phá thầy có phải vì chúng có vấn đề về tâm sinh lý thật sự hay vấn đề ngủ ngầm là một vấn đề khác?
Hãy nhìn những cô cậu học trò như bệnh nhân, còn trường học là nhà thương. Những bệnh nhân đang mắc bệnh si trong nhân cách, bệnh mù kĩ năng đang cần được ta thương và chữa bệnh. Có nghĩ thế thì dễ thông cảm vô cùng!
Thương yêu học trò sẽ yêu nghề và ngược lại, yêu người bao nhiêu thì sẽ yêu nghề, gắn bó với nghề bấy nhiêu. Người thầy người cô có trách nhiệm không chỉ dạy chữ mà còn biết quan tâm, chăm sóc tìm hiểu học trò bằng cả trái tim và lòng bao dung, biết đánh thức tiềm năng trong mỗi đứa trẻ.
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển vượt bậc và theo dự tính của các nhà khoa học nó có thể thay thế ngành giáo trong tương lai gần. Vậy điều gì khiến ta khác biệt với trí tuệ nhân tạo? Một câu hỏi nhỏ trong phần này để các anh chị cùng trăn trở.
Dám sửa mình để làm tấm gương sáng
Có một bà mẹ dẫn đứa con thơ lười biếng và nghiện đường nặng đến với triết gia để xin giải pháp mặc dù quãng đường từ nhà bà đến nơi triết gia ở rất ra và vất vả, phải đi mất mấy ngày đường. Khi gặp được triết gia và trình bày hết sự việc, Người nói 2 mẹ con quay về sau 2 tuần nữa hãy trở lại. Người đàn bà tin tưởng và làm theo.
Sau 2 tuần trở lại gặp triết gia. Triết gia ôn tồn nói với cậu bé ta biết rằng “Bỏ đường rất khó và khó chịu nhất ở những ngày đầu, nhưng sau những ngày đầu đấy cơ thể con sẽ dần quen, những cơn thèm sẽ giảm dần, thay vào đó con nên ăn nhiều rất trái cây hơn khi cơn thèm làm con mất kiểm soát và rồi dần dần con sẽ bỏ được thói quen xấu đó”.
Cậu bé vui vẻ hứa sẽ làm theo nhưng người mẹ thì lại chưng hửng và trách nhà hiền triết rằng: “Vậy tại sao ngay từ lần đầu gặp ông không bảo như vậy?”.
Nhà hiền triết đáp ”Vì khi đó ta cũng chưa kiêng được đường”.
Câu nói của C.Mác cũng đã đúc kết toàn bộ ý của câu chuyện trên “Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục” vì một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói ”Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”.
Hình 7:
Dám tự sửa mình hay ý thức tự sửa mình là điều kiện cần thiết khi bước vào ngành giáo. Ta không thể thay đổi ai khi mình chưa thay đổi được. Hay nói cách khác ta thay đổi, mọi thứ xung quanh ta sẽ thay đổi.
"Làm Giáo Viên" thôi thì chưa chắc biết thế nào là làm giáo dục. Còn "Làm Giáo Dục" rồi, thì người ấy lại có thể được gọi là Giáo Viên - một giáo viên chân chính, bất kể môn đó là môn học gì. Mình nên bắt đầu thực hành từ mình trước, làm những điều mình tin và làm tốt từ những việc nhỏ, tạo ra ảnh hưởng qua những điều mình chọn làm.
Và cuối cùng là “Dám Dạy” cũng là lời kết cho bài viết
"Dám dạy", chỉ một từ ngắn gọn nhưng rất "đắt" để đúc kết những thách thức của nghề giáo. Thế kỷ trước, cụ Hoàng Đạo Thúy cũng đã từng nhắc đến thiệt thòi của những ai dám chọn làm nghề thầy: "Chúng ta đã không quản gì đồng lương, không nhìn đến chỗ ngồi. Trong trường tiến thủ đã chỉ tranh lấy một địa vị lạnh nhạt nhất, nhưng có ích nhất".
Xã hội tôn trọng và đề cao nghề giáo: “Trong tất cả các nghề cao quý thì nghề dạy học là nghề cao quý nhất” nào là “Người kỹ sư tâm hồn” nhưng một góc nhìn nào đó chúng tôi chỉ là những người đi giải quyết nhu cầu, vấn đề của người khác, dạy cái người khác không dám dạy!
“Dám” là chất “khí” trong từ “chí khí”. Có chí hay có trí thôi vẫn chưa đủ mà cần phải có cái “khí” - cái dám làm, dám thực hiện triển khai. Dám làm cái người ta không làm, dám bỏ cái người ta không dám bỏ thì mới góp phần trong việc tha nhân dạy người.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần lắm sự ủng hộ, sự tin cậy và cả sự bao dung để họ dám đương đầu nhận lãnh trọng trách. Và hơn hết là mức lương để cuộc sống được cải thiện để người thầy người cô có những khoảng lặng, những cơ hội để "không ngừng học". Đó mới là những điều thiết thực nhất không phải cho người thầy mà cho chính tương lai của giáo dục, cho chính tương lai của con em chúng ta!
Nội dung: Trọng Nguyễn - Học viên Content 3 gốc khóa 3
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh: Trọng Nguyễn
Cảm ơn bài viết, tri ân người phụng sự giáo dục với những cái Dám đầy nghị lực