Quan niệm “Cha mẹ sinh con trời sinh tính”, dường như là câu nói khắc sâu vào tâm trí các bậc phụ huynh. Khi mà bố mẹ sẵn sàng đổ lỗi cho “trời” nếu trẻ có hành xử không như mình mong muốn. Chúng ta dễ dàng đón nhận tính cách của con từ “trời”.
Thực tế “trời” không chịu trách nhiệm về hậu quả do tính khí và tư duy của con. Nó phải là kết quả của một quá trình giáo dục kịp thời, thường xuyên và liên tục đến từ bố mẹ.
Bên cạnh vai trò nuôi dưỡng cha mẹ còn có một vai trò vô cùng quan trọng nữa, đó là vai trò giáo dục con thành người. Ngay từ khoảnh khắc lọt lòng, cha mẹ đã trở thành người thầy đầu tiên trong đời con.
Mục lục
Cha mẹ là người thầy đầu tiên
Vậy ai sẽ là người nuôi dưỡng những phẩm chất của một đứa trẻ? Nếu việc nuôi dưỡng này có thể trở thành thầy thì cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con.
Chúng ta thường lầm tưởng trẻ chỉ thực sự được giáo dục khi vào lớp một. Thế nhưng trẻ nên được giáo dục ngay từ khi mới chào đời, thậm chí có thể sớm hơn trong giai đoạn thai giáo từ khi còn chỉ là một hạt mầm bé xíu.
Trung tâm nghiên cứu Phát triển trẻ em tại đại học Harvard chỉ ra rằng. Trước 3 tuổi não trẻ đã phát triển được 60%, từ 3-7 tuổi là 80% so với người trưởng thành. Đạt được mức phát triển như vậy là bởi khả năng học hỏi của trẻ trong giai đoạn này vô cùng mạnh mẽ.
Trẻ học hỏi mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh và từ mọi người mà trẻ tiếp xúc. Tất cả đều liên quan tới cha mẹ, đều cùng cha mẹ trải qua. Những việc tưởng chừng quá đỗi tầm thường trong mắt cha mẹ lại vô cùng mới lạ trong thế giới của trẻ.
Thế giới ấy chứa đầy sự tò mò và không ngừng khám phá. Từ cách chúng ta chỉ bảo trẻ đi đứng nói cười tới cách chúng ta giao tiếp, thể hiện thái độ với trẻ… đều ảnh hưởng đến việc phát triển tính cách sau này của trẻ.
Vậy nên một đứa trẻ hiểu chuyện không đến từ giáo dục nhà trường, cũng không phải “trời” ban cho mà do có nền tảng giáo dục từ gia đình.
Trách nhiệm giáo dục của cha mẹ
Tất nhiên với vai trò người thầy, cha mẹ không phải dạy con trở thành những cá nhân xuất chúng. Cha mẹ cần dạy con trở thành người tự chủ, tự do.
Nói cách khác, cha mẹ có nhiệm vụ nuôi dưỡng nên một con người nghị lực với một trái tim biết rung cảm và một trí óc đầy sức sáng tạo.
Cùng con trưởng thành là việc mà cha mẹ cần phải ưu tiên hàng đầu. Thay vì chỉ tập trung vào công việc, hãy dành thời gian để đọc sách cùng con, trò chuyện với con.
Cùng con ra ngoài khám phá thế thới tự nhiên. Hướng dẫn con các quy tắc ứng xử từ cơ bản tới chuyên nghiệp, từ bàn ăn tới chốn công cộng.
Bên cạnh đó, cha mẹ không nên phó mặc trách nhiệm dạy con cho thầy cô giáo. Hãy luôn phối hợp với giáo dục nhà trường để tạo nên sợi dây liên kết giáo dục thường xuyên, kịp thời.
Gia đình là môi trường văn hóa đầu tiên của trẻ. Giáo dục từ cha mẹ là con đường gần nhất, chắc chắn nhất để rèn luyện nhân cách trẻ theo những chuẩn mực tốt đẹp của xã hội.
Cha mẹ tự giáo dục
Cha mẹ là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp tới tính khí của con nên cần phải tự giáo dục chính mình song hành với giáo dục con.
Hãy luôn sẵn sàng tiếp nhận những kiến thức khoa học, hiện đại về việc nuôi dạy trẻ. Nhờ đó có thể thấu hiểu tâm lý trẻ một cách dễ dàng hơn, việc giáo dục sẽ hiệu quả hơn.
Bước giáo dục khởi đầu tốt đẹp nhất là thai giáo. Sau đó chúng ta có thể tham khảo thêm từ các sách như: “Nuôi con không phải là cuộc chiến” - dạy con nề nếp ăn ngủ, “Nuôi dạy con bằng trái tim của một vị Phật” - thực hành dạy con chánh niệm, “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” - đồng hành cùng con trong hành trình học tập. Ngoài ra kênh Youtube của cô Trần Thị Ái Liên cũng là một kho tài liệu nuôi dạy con vô cùng quý báu.
Quan trọng hơn hết, cha mẹ cần học cách quản lý cảm xúc và quay về với hạnh phúc tự thân. Đồng thời cần phải cùng nhau nuôi dưỡng hôn nhân bình an, bền vững. Giúp con được sống trong bầu không khí ngập tràn tình yêu của gia đình.
Giáo dục không làm gương sẽ gây mâu thuẫn trong nhận thức của trẻ. Do đó, cha mẹ nên nhất quán hành động và lời nói của mình. Cha mẹ tự giáo dục chính là phương pháp giáo dục trẻ hoàn hảo nhất.
“Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới” - Tương lai của đứa trẻ trong nôi thế nào phụ thuộc việc chúng ta nuôi dạy đứa trẻ đó ra sao. Vì vậy hãy trở thành người thầy đầu tiên và mãi mãi của con.
***
Nội dung: Đức Hạnh - Học viên Content 3 Gốc K3
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
>>>Tìm hiểu thêm: 4 cấp độ làm cha mẹ
Comments