top of page
Writer's pictureNhàn Lý

Công việc lý tưởng nào giúp nhân viên công sở hết chán việc?

Updated: Mar 18

Dù yêu công việc đến mấy nhưng chắc hẳn bạn từng có những ngày cảm thấy gượng ép khi phải ra khỏi nhà, vội vàng đến công sở trong mỏi mệt, giải quyết công việc trong áp lực.


Bạn mơ về một công việc lý tưởng, khiến mình đam mê, khiến mình thoải mái, giúp mình hạnh phúc nhưng bạn lại chẳng dám rời bỏ công việc nhàm chán đang làm.


Ở lại làm thật tốt công việc hiện tại hay ra đi tìm công việc lý tưởng? Cách nào giúp bạn hết chán việc?


Mời bạn cùng Blog 3 gốc tìm câu trả lời qua bài viết “công việc lý tưởng nào giúp nhân viên công sở hết chán việc”, bạn nhé!



chán việc 1


MỤC LỤC


Chán việc - bạn có đang mắc kẹt chốn công sở?


Đa số chúng ta miệt mài 12 năm đèn sách trên ghế nhà trường với mục đích có một công việc ổn định chốn công sở. Nhưng khi đã yên vị ở nơi “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”, đôi khi ta lại có cảm giác vô vị hay gọi chính xác hơn là chán việc.


Chán việc là gì?


Chán việc là từ để biểu thị cảm xúc tiêu cực trong công việc. Cảm xúc đó xuất phát từ bên trong, khiến ta có thái độ thờ ơ và hời hợt, làm việc đối phó, chỉ cốt hoàn thành vừa đủ với những gì mình được giao. Điều đó khiến ta không có nhiệt huyết với công việc và thường xuyên trong trạng thái “ở lại trong tâm thế sẵn sàng ra đi”.


Có rất nhiều những biểu hiện “bóc mẽ” rằng ta không tha thiết với công việc nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên không dám từ bỏ hoặc chần chừ rất nhiều trong việc đưa ra quyết định. Điều đó khiến ta làm việc mất tập trung, giảm nhiệt huyết.


chán việc 2

4 gương mặt của những nhân viên chán việc


Chắc hẳn bạn cũng rất hào hứng mỗi lần công ty có lịch nghỉ dài ngày. Và cũng chính bạn lại nuối tiếc, hụt hẫng khi phải quay trở lại với công việc? Đôi khi cảm thấy cuộc đời thật ngược, vì chính ta tìm mọi cách để có được công việc, cũng chính mình nhiều lúc lại chối bỏ.


Cảm giác đó gọi chung là chán việc, với rất nhiều biểu hiện:


Gương mặt 1: Ban đầu hào hứng - về sau thì chán

Trường hợp này điển hình cho người trẻ mới ra trường hoặc người thay đổi công việc. Ban đầu nộp CV xin việc thì đầy hào hứng, cầu trời khấn Phật để được trúng tuyển. Trong lúc chờ đợi không ngừng mơ tưởng về môi trường năng động, quy trình chuyên nghiệp, sếp và đồng nghiệp thân thiện như người nhà…Thế nhưng đời không như là mơ. Thực tế và kỳ vọng khác nhau như một trời một vực.


Bỏ qua sự không như ý ban đầu, ta vẫn tâm niệm sẽ làm thật hoàn hảo những công việc được giao. Nhưng một thời gian vật lộn, ta lại thấy nản và chẳng còn động lực như lúc trước. Bao nhiêu suy nghĩ và hoài bão tan biến. Ta quay ra đổ lỗi công việc áp lực, leader không có tâm, mình không được hướng dẫn tận tình…


Những suy nghĩ đó khiến ta cảm thấy lựa chọn công việc của mình chẳng còn đúng nữa.


Gương mặt 2: Công việc xuống dốc - ta liền tụt mood

Đây là trạng thái điển hình của những người: ngày nào công việc thuận lợi thì vui, ngược lại nếu cấp trên trách mắng, khách hàng phàn nàn hay đại loại việc quá tải, cảm thấy áp lực liền lập tức chán chán.



chán việc 3

Tháng nào lương thưởng cao thì hạnh phúc, tháng nào doanh số giảm bị cắt thưởng liền buồn rầu. Nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nhiều người cảm thấy nản vì thu nhập giảm đáng kể. Dù ai cũng ý thức được rằng đây là tình hình chung và có việc làm trong thời điểm này là may mắn rồi.


Gương mặt 3: Làm cốt đối phó - làm cố cho xong

Romain Rolland từng nói: "Hầu hết mọi người đều đã chết ở độ tuổi hai mươi hoặc ba mươi, bởi khi ấy, họ trở thành cái bóng của chính mình, lặp lại con người cũ của bản thân".


Có nhiều người dù gắn bó với công việc hiện tại đã 20, 30 năm nhưng chẳng có sự phát triển hay bước đột phá nào. Lý do là bởi thái độ làm việc hời hợt, cố làm cho xong, làm đối phó. Nghĩ rằng làm việc cho lãnh đạo, rằng mình có làm tốt hay dở thì lương mình cũng vậy. “Sáng cắp ô đi tối cắp về” như một chiếc máy uể oải là hình ảnh quen thuộc của những người này.


Suy nghĩ làm để nhận lương mà không đam mê khiến ta chỉ làm đúng việc mình được chỉ định. Chẳng hạn với vai trò là thầy cô giáo, ta chỉ dạy cho xong giáo án, không quan tâm học sinh có tiếp thu được hay không, có hào hứng với giờ dạy không. Điều đó khiến ta không có cơ sở để Kaizen, giúp giờ dạy - học của mình tốt hơn mỗi ngày. Sau rất nhiều năm ta chỉ là thợ dạy vô danh chứ không thể trở thành người thổi hồn nhân cách cho thế hệ trẻ.


Gương mặt 4: Ở lại trong tâm thế sẵn sàng ra đi

Bản tính của ta rất thường xuyên so sánh mình với người. Trong công việc cũng vậy, khi so sánh mình với người khác, ta lúc nào cũng thấy “cỏ nhà hàng xóm lúc nào cũng xanh hơn”. Vì vậy ta thường trong tâm thế “đứng núi này trông núi nọ”.


Mỗi khi bất như ý đến, lập tức ta than vãn. Ta thấy môi trường làm việc của chị hàng xóm thật tốt; đứa ra trường cùng mình giờ lương cao gấp 3-4 lần mình; em đồng nghiệp cũ chuyển việc có cơ hội thăng tiến… Trong đầu ta cũng rất muốn nghỉ việc nhưng vì chưa tìm được công việc tốt hơn nên ta lưỡng lự viết đơn. Ta vẫn đi làm nhưng trong tâm thế của một kẻ có thể nghỉ việc bất cứ lúc nào.


Môi trường không như ý, lương thấp, áp lực…rất nhiều lý do khiến ta cảm thấy chán việc. Bên cạnh đó cũng có một “gương mặt” kể ra thật khó hiểu: Công việc tốt, ổn định, mọi thứ thuận lợi nhưng lúc nào cũng cảm thấy vô vị. Sự vô vị đó vì đi qua rất nhiều dự án ta vẫn chẳng tìm thấy đam mê.



chán việc 4

Mình là nhân, cảm giác chán việc là quả

Những ai thường hay chán việc?

Thường thì đó là những người trẻ mang kỳ vọng lớn nhưng thực tế ngược lại hoặc những người làm lâu năm nhưng công việc cứ lặp đi lặp lại một cách buồn tẻ. Họ không có đam mê, không phát triển được sở trường.


Nhưng vậy thì tại sao có những người cả đời làm một công việc vẫn hăng say? Trong khi lại có những người đổi qua đổi lại mà vẫn đầy lí do để chán: dễ quá cũng chán mà khó quá cũng chán?


Có rất nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi có 3 vấn đề khiến một người chán việc dưới đây:


2.1 Kỳ vọng lớn hơn thực tế


Thật ra không chỉ trong công việc, trong vấn đề nào cũng vậy, khi mong muốn lớn hơn thực tế, ta thường khó đạt được và dễ rơi vào trạng thái thất vọng.


Mong muốn làm việc chốn công sở (thay vì làm nông dân, công nhân), mỗi người ôm ấp những kỳ vọng:

Người thì nghĩ rằng công việc ở đó nhẹ nhàng, nhàn nhã, không phải “dầm mưa dãi nắng” lại còn ăn mặc đẹp, trông lúc nào cũng chỉn chu, sạch sẽ, thơm tho;

Người mong muốn cơ hội nâng tầm bản thân vì đó là nơi ta tiếp cận với tầng lớp trí thức;

Người thì kỳ vọng ổn định về tài chính, không cần lo lắng về mưu sinh;

Người thì muốn tìm niềm vui, đam mê và cống hiến những điều ý nghĩa cho cuộc đời…



chán việc 5

Nhưng thực tế thì không phải lúc nào cũng diễn ra đúng với mong muốn:

Công việc nhàn nhã thì lương thấp, không có cơ hội thăng tiến, sau bao năm mình vẫn cứ là mình, chỉ khác quen tay hơn trong công việc.

Việc lương cao thì áp lực, sếp khắt khe, đồng nghiệp thì cạnh tranh từng chút. Nên dù có thể đam mê công việc nhưng lại thấy môi trường “trái tính trái nết” với mình.

Thêm đó mình lại còn thường so sánh bản thân với người khác, lúc nào cũng thấy người khác công việc thuận lợi hơn, quay về nhìn lại bản thân cảm thấy thất vọng.


Tất cả mọi thứ: lãnh đạo, đồng nghiệp, quy trình, lương thưởng, văn hóa…đều không phải là thứ mình muốn, không phải thứ mình mơ ước.


Tài năng có hạn

Công việc không như ý muốn, ngoài những nguyên nhân bên ngoài thì phần lớn đến từ năng lực của ta.


Sở dĩ ta thấy công việc quá tải vì ta không đủ năng lực đảm nhiệm. Ta thấy sếp tạo quá nhiều áp lực vì ta không hoàn thành được công việc đúng như mong đợi. Ta cứ phải làm đi làm lại mãi một công việc và ít cơ hội thăng tiến vì bản thân ta chưa sáng tạo hiệu quả.


Một lần, hai lần bị khiển trách, ta sẽ cảm thấy thật stress, ta sợ đồng nghiệp chê cười. Vì năng lực cân bằng cảm xúc chưa tốt nên sức khỏe đi xuống, tinh thần mệt mỏi, uể oải. Làm mãi không hiệu quả nên lương thấp, trong khi đồng nghiệp vào cũng giờ là cấp trên của ta rồi. Thật chán nản, ta không muốn tiếp tục công việc nữa.


Nhưng vì tài năng có hạn, than thở vậy thôi chứ ta không dám nghỉ việc. Thực tế có những người chuyển việc thì thăng hoa nhưng cũng có những người nghỉ việc rồi thất nghiệp, rồi hối hận. Ta sợ mình sẽ rơi vào trường hợp thứ 2 nên vẫn “cố đấm ăn xôi”. Ta thấy nếu có nghỉ thì mình cũng chẳng biết làm gì hơn cả, rồi có khi cũng lại vấn chán chán như thế.


Nhiệt tình không nhiều


Sự nhiệt tình thường đến từ việc ta rất đam mê với ngành nghề của mình, ta yêu công ty, hòa đồng với đồng nghiệp và cảm thấy việc nỗ lực là vì mình, cho chính mình.


chán việc 6

Thường thì khá ít người tìm được đam mê mà chủ yếu đi làm vì mưu sinh và nghề do bố mẹ định hướng hoặc ta lựa chọn theo định hướng đám đông (vì ngành đó hot, dễ xin việc, kiếm được nhiều tiền…). Với tâm thế đó ta dễ vui khi thuận buồm và dễ buồn khi công việc gặp trở ngại. Ta cũng chỉ nhiệt tình khi mọi thứ diễn ra đúng ý ta. Nghĩa là thấy dự án này được thưởng cao thì ta sẽ nỗ lực nhiều, dự án nào nhỏ ta làm qua loa cho có lệ.


Làm hơn thì lương cũng chỉ được vậy. Suy nghĩ này khiến ta chỉ làm những việc trong phạm vi hoàn thành vừa đủ để không bị khiển trách. Ta nhìn những người ôm đồm và nhiệt tình thái quá với ánh nhìn kỳ quặc “làm vậy để được gì chứ?”. Ta đâu biết sự hời hợt đang làm mình chết dần vì tụt hậu.


Những nhân viên ít sự nhiệt tình cũng có thể đến từ việc đi làm chỉ để có việc cho vui. Hoặc sự nhiệt tình bị giảm đi sau khi lập gia đình, quá nhiều thứ phải để tâm như con cái, chi phí sinh hoạt, công việc nhà…Bên cạnh đó cũng có bộ phận những người đã hứng thú với lĩnh vực mới. Chẳng hạn đang là người bán hàng giỏi nhưng lại muốn bỏ phố về quê, làm nông nghiệp; người đang kinh doanh lại mê làm giáo dục...


Vẫn biết có việc làm, dù mang lại cảm giác chán nản thế nào đi nữa cũng vẫn hơn thất nghiệp. Nhưng nếu kéo dài tình trạng này, không chỉ ảnh hưởng đến công ty, doanh nghiệp mà còn khiến ta rơi vào tình trạng “sống mòn”.


Vậy làm sao để tìm được công việc lý tưởng - nơi khơi dậy nhiệt huyết và đam mê, nơi khiến ta làm việc không nhìn đồng hồ, không quá quan trọng tiền bạc?


Công việc lý tưởng nào khiến ta hết chán việc?

Câu nói của Tim Cook "Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào" từng khiến cho rất nhiều người mơ tưởng về công việc lý tưởng.


Công việc lý tưởng theo suy nghĩ của ta thường là việc làm khiến ta làm thấy vui, lương cao, quản lý dễ tính, đồng nghiệp ai cũng tốt bụng. Trong môi trường đó ta được phát triển bản thân, được thăng tiến…Tóm lại, mọi thứ đi theo đúng tiến trình ta vạch ra. Trong vai trò đó ta cảm thấy hãnh diện, người ngoài nhìn vào thì “thèm thuồng”



chán việc 7

Thực tế, không có môi trường nào như vậy.

Lý tưởng đến từ suy nghĩ thì ta cũng chỉ có thể dựa vào thay đổi tâm thái để bớt chán việc. Có đổi việc trăm lần mà vẫn tâm thái “đứng núi này trông núi nọ” thì ta cũng không khác gì “bình mới rượu cũ”, theo thời gian rồi cũng lại chán chán thôi.


3.1 Làm mới công việc cũ

Thay vì tìm kiếm một công việc mình thích, hãy yêu thích công việc của mình. Thay vì theo đuổi những điều viển vông, hãy say mê công việc trước mắt

Inamori Kazuo


Thực tế có rất nhiều người vì chán việc, viết đơn xin nghỉ nhưng được một thời gian, đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống lại nuối tiếc. Vì vậy nếu công việc không vi phạm pháp luật cũng chẳng gây hại cho người, trước khi xin nghỉ, hãy cho bản thân một cơ hội để nhìn lại.


Trước tiên hãy tìm kiếm lý do vì sao mình chán nản. Nếu vì con người và văn hóa, ta có thể chia sẻ để mọi người thấu hiểu hơn. Nếu vì quá tải công việc, ta sẽ nâng cấp kỹ năng và nhờ sự trợ giúp từ sếp và đồng nghiệp. Nếu vì thu nhập thấp, ta suy nghĩ để tăng giá trị bản thân, nỗ lực nhưng cũng biết buông bớt mong cầu…Mọi việc đều có cách giải quyết, nếu ta thẳng thắn nhìn nhận và đối diện.


Sự lặp đi lặp lại thường khiến ta nhàm chán vì vậy hãy thường xuyên làm mới công việc của mình. Cũng là công việc đó nhưng ta làm bằng cách khác, bởi sự sắp xếp khoa học hơn. Luôn học tập để nâng cao năng lực là cách hiệu quả để ta dễ dàng có sự sáng tạo (biết đâu lúc này ta lại tìm được đam mê với công việc). Năng lực tốt cộng thêm sự nhiệt tình giúp đỡ mọi người sẽ khiến các mối quan hệ trong công ty trở nên dễ chịu. Với môi trường toàn con người dễ thương, sao ta còn ngại đi làm chứ?


chán việc 8

Thi thoảng sự chán nản còn đến từ việc sức khỏe giảm sút. Để tránh stress và cảm giác uể oải, ta cũng cần chú trọng vận động cơ thể. Đôi khi cảm hứng và năng lượng đến sau những giờ chạy bộ. Đừng cố ép mình làm khi đang còn căng thẳng, sự thư giãn sẽ giúp ta tìm lại sự cân bằng.


Nếu sau tất cả nỗ lực vẫn cảm thấy chán quá, ta có thể xin nghỉ phép để đi du lịch bụi, làm tình nguyện viên…Những trải nghiệm mới sẽ giúp ta có cơ hội nhìn lại và hiểu rằng: Thực tế công ty, cơ quan nào cũng có những áp lực và những điều không theo ý mình. Rằng dù công việc đó mình có đam mê như thế nào đi nữa thì cũng sẽ có giai đoạn ta rơi vào thời điểm khó khăn, mệt mỏi.


Ngay như việc ta muốn đi du lịch, hưởng thụ cuộc sống cũng vậy. Đi chơi mãi rồi cũng thấy chán. Chưa kể công việc là trách nhiệm chứ không hẳn chỉ là sự lựa chọn. Chưa kể công việc giúp ta có thể lo cho bản thân và gia đình. Dù thế nào thì có việc làm vẫn bớt chán hơn là thất nghiệp.


Hãy chậm lại để nhìn những mặt tích cực mà công việc hiện tại mang lại. Và nhớ rằng nếu không thể làm công việc mình thích hãy thích công việc mình làm. Làm những việc nhỏ với sự hết lòng thì những việc lớn cũng sẽ làm được. Thi thoảng chán chán một chút cũng là điều bình thường, quan trọng là mình nỗ lực và tìm được sự lý tưởng ngay trong hiện tại.


Nghỉ công việc cũ để tìm công việc mới


Với những hệ quả chán việc để lại, ta cũng không nên bám víu mãi kiếp “sống mòn” đó để rồi ảnh hưởng người khác và sau này tiếc nuối. Nếu không thể cầm cự với tâm thái người ở đây nhưng hồn ở đâu thì hãy tìm một công việc mới (nhất là công việc gắn với đam mê hướng về 3 gốc) nhưng cần phải có kế hoạch trước.



chán việc 9

Chậm lại để cho mình cơ hội mới. Trước khi nghỉ việc ta cũng cần có nền tảng tài chính vững vàng và dự định rõ ràng, tránh rơi vào mất phương hướng. Trong thời gian chuẩn bị đó hãy làm tốt công việc hiện tại. Hãy ngẩng mặt ra đi với một xấp bằng khen chứ không phải một xấp bản kiểm điểm. Khi ta làm tốt rồi nghỉ đó cũng là một bước tiến chứ không phải là một sự bỏ cuộc.


Và rồi ta tìm kiếm công việc mới như thế nào để khơi dậy đam mê, sự hào hứng đã “chết lặng” từ lâu?


Công việc mình đam mê, lĩnh vực mình giỏi

Nghĩa là bản thân mình có đam mê với công việc đó. Khi làm mình rất hứng thú, làm không biết chán, làm quên thời gian. Công việc đó giúp mình phát huy được điểm mạnh và có cơ hội để phát triển.


Khi công việc gắn liền với tài năng và sự yêu thích, ta sẽ có được sự thăng hoa trong cảm xúc và thành tựu. Việc nỗ lực hết mình và đầy nhiệt huyết là điều tất yếu.


Công việc hướng về 3 gốc

Thích là chưa đủ, để có thể gắn bó lâu dài với sự bình an bền vững thì công việc đó cần gắn với ý nghĩa cuộc đời mình. Tốt nhất hãy chọn một công việc mà khi làm bản thân được phát triển nhưng cũng lợi người và không gây hại đến thiên nhiên.


Nhớ rằng môi trường chưa tốt thì mới cần tới mình cũng xây dựng và đóng góp. Nếu mọi thứ đều thuận lợi và tốt rồi thì đâu cần mình xuất hiện. Mình đến là để chung tay kiến tạo chứ không phải để hưởng thụ. “Khai quốc công thần” sẽ luôn có vị trí quan trọng trong tổ chức, cơ quan, đoàn thể.


Làm việc trong hạnh phúc

Dù ta ở lại với công việc cũ hay tìm một công việc mới thì vốn dĩ có việc làm đã là một hạnh phúc rồi. So với những người đang thất nghiệp, nhưng người làm công việc luôn có nguy hiểm rình rập thì môi trường công sở thực sự là mong ước của nhiều người.


Môi trường có lý tưởng hay không là do ta cảm nhận, do ta tự tạo ra bằng năng lực và giá trị của mình. Nếu tâm ta luôn bất ổn, đòi hỏi quá nhiều thay vì cống hiến, kỳ vọng quá nhiều thay vì hành động thì dù có bao nhiêu công việc ta cũng sẽ gặp bất như ý rồi chán nản thôi.


chán việc 10

Vì vậy dù là công việc nào, đã nhận lương rồi hãy nỗ lực hết mình; đã lựa chọn rồi hãy làm cả những “điều nhỏ với một tình yêu lớn”. Để mỗi ngày đến cơ quan là một ngày ý nghĩa, mỗi khoảnh khắc làm việc đều hạnh phúc.


Một trong những cách để có được hạnh phúc trong công việc, đó là:

  • Trân trọng hiện tại, biết ơn công việc mình đang có

  • Lên kế hoạch, xác định mục tiêu rõ ràng (có thể tham khảo phương pháp OKRs)

  • Làm với sự tập trung, làm ra làm nhưng vẫn có sự thư giãn, thả lỏng

  • Luôn học hỏi và có sự đổi mới, Kaizen trong công việc

Quan trọng nhất để có được hạnh phúc trong công việc, ta cần BUÔNG KỲ VỌNG về kết quả, buông những MONG CẦU đến từ bên ngoài nhưng vẫn NỖ LỰC hết mình trong từng khoảnh khắc khi ta gieo nhân.


Kết luận

Là một nhân viên công sở, sẽ khó để ta tránh khỏi những lúc cảm thấy chán nản với công việc nhưng nếu để lựa chọn giữa làm việc và thất nghiệp, ta sẽ thấy có việc để làm là điều may mắn rồi.


Vì vậy sau những khoảnh khắc buông mình với cảm xúc uể oải, ta cần nỗ lực làm mới công việc hiện tại hoặc lựa chọn thay đổi, miễn sao điều đó khiến mình đam mê và sống ý nghĩa hơn.


Rốt cuộc trên đời chẳng tồn tại công việc lý tưởng theo đúng những gì ta vẽ trong mơ ước. Nhưng ta hoàn toàn có thể tạo ra nó bằng sự biết ơn, sự nỗ lực và những ngày làm việc trong hạnh phúc.



Nội dung: Nhàn Lý - Học viên Content 3 gốc K1

Hình ảnh: Ý Nhi - Học viên Content 3 gốc





186 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page