Có những ngày nhịp thở nặng nề, lòng chao đảo, ta cảm giác như mình mất đi điểm tựa cuộc sống. Lòng bỗng thấy trống trải giữa cuộc đời này. Mọi nỗi khổ niềm đau trong quá khứ bỗng đâu ào ạt đến như xoáy ta vào một giấc mộng không muốn nghĩ đến.
Rồi cũng có những ngày, niềm vui chợt đến, chúng ta hân hoan, chúng ta vui mừng khôn xiết như thể trên đời này chỉ đang hiện diện mỗi niềm vui ấy. Ta có thể sống bằng niềm tin rằng nếu được giữ trọn niềm vui này, ta sẽ hạnh phúc.
Rồi bao vọng tưởng về tương lai mình sẽ luôn hân hoan như thế, mình sẽ không còn buồn nữa. Nhưng niềm vui càng lớn, thì một nỗi sợ mất cũng tăng dần lên.
Nếu bạn cũng giống mình, đã luôn có những trạng thái buồn đến tê dại, hay vui sướng như trên mây như thế thì chậm lại một chút nhé, để quay về với hơi thở nhẹ nhàng, quay về với hiện tại, để làm dịu những cảm xúc lúc này.
Mình là Khánh Vi - Admin Trang cộng đồng 3 Gốc. Mời bạn cùng mình đọc những dòng chia sẻ dưới đây với HƠI THỞ CHÁNH NIỆM nhé.
MỤC LỤC:
***
Chánh niệm là gì?
Đã nhiều lần mình nghe, mình học, mình đọc sách về Chánh niệm, nhưng vẫn chưa thể hiểu thật sự ngọn ngành.
Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi…
-Trích Kinh người biết sống một mình
Những câu hát cứ vang lên trong đầu khi mình mất chánh niệm, khi mình truy tìm về quá khứ, hay mình luôn vọng tưởng về tương lai. Mỗi khi cảm giác nuối tiếc những điều đã diễn ra, mỗi khi lo sợ tương lai sẽ như thế nào, thì đôi môi lại mấp máy những câu kinh.
Chắc bạn đã từng là học viên của BKE, đã từng được BTC những lớp học mở nghe bài này, chắc là bạn sẽ cảm nhận được điều mình muốn nói.
Chánh niệm không phải là tôn giáo, càng không phải là một điều gì mê tín, thần thánh cao siêu.
Chánh niệm là một trạng thái, là một hành động tự rèn luyện cho bản thân để luôn thật sống trong hiện tại, trong những gì đang diễn ra ngay trước mắt lúc này.
Có thể đối với mình, ngay lúc này chính là trọn vẹn với việc Viết những dòng chữ trong bài viết. Có thể đối với bạn đang là sự trọn vẹn để tận hưởng bài viết này của mình.
Hoặc những người khác xung quanh mình thì sao.
Có thể là ba mẹ đang tận hưởng những bài tập thể dục buổi sáng. Những đứa trẻ đang tận hưởng giấc ngủ của chúng. Chú gà bên nhà hàng xóm đang chánh niệm cất tiếng gáy buổi sớm đầu ngày. Ông mặt trời, mây, gió đang làm nhiệm vụ của như mọi ngày.
Chánh niệm là khả năng sống ở hiện tại với sự trọn vẹn thân tâm, để thấy sự thật đang diễn ra như là mà không thêm cảm xúc, giá trị, niềm tin một cách chủ quan vào những chủ thể khách quan.
Mắt bạn thấy, tai bạn nghe, mũi ngửi, lưỡi và làn da xúc chạm được điều gì đang diễn ra? Bạn ghi nhận một cách trung thực tương đối đưa vào bộ nhớ của bạn.
Theo mình, đây là định nghĩa về Chánh niệm mà mình đang có bằng những trải nghiệm của bản thân.
Tại sao phải chánh niệm?
Đã nhiều lần ta luôn tự hỏi “Biết chánh niệm là tốt, nhưng tại sao ta phải chánh niệm?”.
Bạn đã từng nhiều lần bắt chân kiết già, tư thế ngồi hoa sen để ngồi thiền mỗi sáng sau khi thức dậy, rồi mỗi tối trước khi đi ngủ.
Những lúc như thế, bạn có được chút thời gian quay lại với chính mình, kết nối với chính mình, để thấy rõ những dòng suy nghĩ bên trong.
Rồi khi kết thúc thời khóa thiền, bạn mở đôi mắt ra là bao nhiêu nỗi lo, bao nhiêu mong ước lại ào ạt kéo đến. Bạn đứng dậy, vươn vai và lao vào cuộc chiến mưu sinh để đạt được những gì mình muốn.
Rồi một ngày trôi qua của bạn, dường như có một lực kéo nào đó nó cuốn bạn đi. Bạn luôn cảm thấy mình phải nhanh lên, phải hoàn thành cho xong, phải tối ưu công việc để có thể làm nhiều hơn.
Trong lúc làm việc, trong đầu bạn là một cuộc chiến giữa lực kéo về tương lai, và kèm theo đó là những lời nhắc nhở của quá khứ “Mình là một người đã từng thất bại, mình đã từng làm sai, mình không nên như vậy…”
Mong cầu tương lai, phán xét của quá khứ như trò chơi kéo co giữa hai mũi thuyền. Nó đẩy qua đẩy lại khiến bạn chông chênh, khiến bạn chao đảo trên dòng sông, con thuyền hiện tại của bạn bị khua động, bị lung lay.
Bạn chỉ tập trung vào lực hai bên mà quên mất điểm cân bằng của hiện tại, của những gì đang diễn ra.
Chỉ vài giây nữa thôi, hiện tại sẽ biến mất, nhưng bạn không trân trọng nó. Rồi một ngày trôi qua, những gì còn đọng lại trong bạn không phải là sự hài lòng, mà đó là sự lo lắng, sự nuối tiếc.
Chánh niệm là phương thuốc quý giá nhưng ai cũng ngó lơ vì nó không dễ làm.
Chánh niệm là nội lực vững chắc để tạo ra thế cân bằng ở giữa, để sợi dây quá khứ và tương lai ở hai đầu mũi thuyền không kéo ta đi hay lùi nữa. Chánh niệm là bản lĩnh để ta neo mình ở giao điểm, để con thuyền nội tâm đứng thật vững chãi ngay lúc này.
Toàn thân, tâm ta trụ vững và rồi sự tĩnh lặng mở ra, vầng mây đen trôi bớt; thay vào đó là bầu trời trong xanh, thoáng đãng. Lúc này cả thế giới mới như mở ra, lòng ta an lạc, nhẹ nhàng chào đón sự thật vào cơ thể, tâm trí.
Chánh niệm và ý nghĩa thời gian
Thời gian lạnh lùng trôi nếu ta không chánh niệm.
Hôm rồi mình được tham dự Workshop của TS Trần Hữu Đức về chủ đề “Hạnh phúc”. Đây là buổi workshop mà mình rất mong chờ trước 2 tuần liền để được tham gia.
Vì quá yêu thích nên mình đã chuẩn bị kỹ tâm thế từ 2 tuần trước đó, mình luyện tập Chánh niệm.
Mình tập sống trọn vẹn với thực tại từ những điều nhỏ nhất: từ việc rửa chén, quét nhà, tắm gội, rồi làm công việc, trò chuyện với ba mẹ…Mình tập điều đó đến tận 2 tuần để có một thói quen tập trung trong trạng thái thư giãn.
Mình muốn buổi hội thảo ngày hôm ấy, mình có thể lắng nghe bài chia sẻ của TS một cách trọn vẹn nhất.
Buổi chia sẻ ấy rồi cũng đến, nó diễn ra trọn vẹn 9 tiếng đồng hồ bao gồm cả chia sẻ và giờ nghỉ giải lao. Tâm thế đến với buổi chia sẻ ấy là mình muốn ôm trọn từng dòng chia sẻ, từng bài học.
Chánh niệm như vậy rồi mà 9 tiếng vẫn trôi qua quá nhanh, mình thư giãn trong từng khoảnh khắc. Mình mạnh dạn giơ tay để hỏi 3 câu - là những câu mình đã trăn trở suốt nhiều năm tháng, và rồi mình có được câu trả lời xứng đáng.
9 tiếng đó mình sống trọn đến tận cùng, và rồi kết quả thu lại được thật sự ý nghĩa. Mặc dù mình cảm nhận được thời gian trôi nhanh, nhưng để nhớ lại ngày hôm đó, mình vẫn hình dung đến từng khoảnh khắc nhỏ nhất trong ngày đó đó. Bởi vì mình đã thật sống vào ngày hôm ấy.
Bạn thấy đấy, một trải nghiệm Chánh niệm của mình để thấy được thời gian đang tàn nhẫn với chúng ta như thế nào.
Một ngày 24 tiếng bạn có thể cảm nhận nó giống như một cuốn phim được tua nhanh: mặt trời lên ở hướng đông, lên cao hơn, lên cao tới đỉnh lúc 12h, rồi hạ xuống ở hướng Tây, hạ dần xuống đến khi cả bầu trời là tối đen.
Nếu muốn trải nghiệm về sự tàn nhẫn của thời gian, bạn có thể dùng điện thoại quay ở chế độ tua nhanh, bạn sẽ có cảm nhận rõ ràng nhất, nó nhanh đến như vậy đó.
Nhìn những người xung quanh, ba mẹ mỗi ngày lớn tuổi hơn, những đứa trẻ ngày càng lớn hơn, bạn bè ngày càng ít hơn và chính mình mới hôm nay thôi mà đã khác hôm qua quá nhiều.
Nếu không chánh niệm bạn sẽ không cảm nhận được thời gian nhanh đến vậy, bạn sẽ sống vật vờ, sống nhầy nhụa trong quá khứ và tương lai, để rồi đánh mất hiện tại.
Đánh mất hiện tại chính là đánh mất cái khoảnh khắc bạn nhìn thấy chính mình, đánh mất việc cảm nhận những người thân đang sống. Và nếu không có chánh niệm, không cảm nhận rõ sự tàn phá của thời gian, bạn cũng không thể cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa được.
Thời gian là thế, nó công bằng với tất cả mọi người. Chỉ những ai có khả năng chánh niệm mới có khả năng song hành cùng thời gian, một người bạn “Thiện hữu tri thức”.
Chánh niệm và sống hạnh phúc
Bản thân mỗi người sinh ra trên cuộc đời này, ai cũng đều muốn sống hạnh phúc, nhưng mấy ai chủ động đi tìm hạnh phúc. Chúng ta đều muốn hạnh phúc tự tìm đến, nhưng điều đó là không thể.
Sẽ có rất nhiều hạnh phúc mà bạn định nghĩa, nhưng quan điểm của mình Chánh niệm chính là niềm hạnh phúc bền vững nhất.
Bạn thử thực tập nhé, ngay tại lúc này nếu bạn đang đọc bài viết này, mà bạn chỉ đọc thôi mà không để những dòng suy nghĩ hỗn tạp đang diễn ra.
Bạn đang cảm thấy thế nào?
Có phải bạn thấy mình dịu nhẹ lại đúng không? Thấy mình bình an đúng không.
Mình cũng vậy, ngay lúc đang viết bài này, mình chỉ viết mà thôi. Mình không bận tâm là mình viết có đúng hay sai? Mình không bận tâm là bạn có phán xét mình hay không?
Ngay lúc này mình đang Chánh niệm trong bài viết, mình cứ viết ra những gì đang có một cách chân thật nhất.
Trong lúc này, mình vẫn có nhiều dòng suy nghĩ khác nữa chứ, nhưng mình kệ nó, mình chỉ thấy nó thôi rồi mình nhẹ nhàng quay trở lại với bài viết.
Cảm giác hạnh phúc ấy nó kéo dài.
Bởi vì, sau khi kết thúc bài viết này, mình sẽ tiếp tục chánh niệm trong một việc khác. Mình lại ở trong hiện tại của một việc khác.
Và rồi cảm giác bình yên lại tiếp diễn.
Bạn có biết cảm giác mà con người ta lo sợ nhất chính là lúc mở mắt vào buổi sớm, và lúc nhắm mắt trước khi ngủ không.
Có những người đã từng nói với mình rằng “Mỗi sáng mở mắt, họ không biết mình phải thức dậy vì điều gì?”. Và rồi đến tối, khi nhắm mắt họ tự hỏi “Ngày hôm nay mình đã làm gì vậy, rồi ngày mai lại phải mở mắt nữa hay sao?”.
Những câu nói ấy khiến mình đau lòng lắm, bởi vì cả một ngày họ không có những giây phút hạnh phúc, giây phút cảm nhận hiện tại.
Cho nên, những khoảnh khắc ấy, khi không bị công việc cuốn đi, họ trở về với chính mình, trở về với nỗi trống vắng sâu hoắm ở bên trong. Và rồi họ thấy trống trải, chông chênh vô cùng.
Và rồi những khoảng trống ấy chính là điều kiện thuận lợi nhất để quá khứ và tương lai tìm đến.
Niềm hạnh phúc không bao giờ có trong họ dù một ít phút nào đó, hoặc nếu có nó cũng trôi qua nhanh chóng lắm.
Bạn ơi, có lẽ những phương thức để Chánh niệm, bạn hay mình đều đã từng được nghe qua. Cả mình và bạn đều đã từng thực hành rồi đúng không?
Nhưng mình nghĩ điều quan trọng nhất không phải là phương pháp, mà đó chính là động lực để bạn làm. “Tại sao mình phải chánh niệm? Nó có giúp ích gì cho mình không?”.
Có nó giúp mình nhiều lắm. Và chia sẻ ở trên chính là lý do vì sao mình thực hành chánh niệm một cách miên mật tự thân.
Bạn ơi, hãy chia sẻ cho mình biết bên dưới “Lý do vì sao bạn muốn Chánh niệm ngay trong lúc này nhé!”
Vi chúc bạn một ngày Chánh niệm
Nội dung: Khánh Vi - Admin Trang Học Tập 3 Gốc
Hình ảnh: Phạm Duy - Học viên Content 3 gốc K7
>>>Tìm hiểu thêm: Tại Sao Phải Sống Tỉnh Thức Trong Đời Sống
Comments