MỤC LỤC:
***
Sống một cuộc đời rực rỡ và đầy ý nghĩa, đây có lẽ là điều mà ai cũng khao khát. Nhưng để làm được thì không hề đơn giản. Làm sao để bạn có thể kiến tạo cho mình một cuộc sống ý nghĩa như vậy khi chưa có một chiến lược đúng đắn, hay một người dẫn đường thành công?
Chủ nghĩa khắc kỷ - một triết lý sống đã có từ ngàn năm thời Hy Lạp cổ đại sẽ giúp bạn thực hiện được điều đó, đơn giản chỉ là bạn hiểu được triết lý này một cách thấu suốt, và rồi cuộc sống bạn bỗng trở nên tươi đẹp và bình an hơn.
Thông qua quyển sách “Chủ nghĩa khắc kỷ” của tác giả William B.irvine, bạn sẽ lĩnh hội được toàn bộ tinh túy của triết lý này, bạn hãy đọc, hiểu và thực hành một cách sâu sắc. Và rồi những mong muốn của bạn sẽ đạt được.
3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên BKE Shop. Chung tay "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop chung tay lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
Vì sao tác giả lại viết cuốn sách này?
Mở đầu cuốn sách, tác giả đặt ra câu hỏi: “Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này?”. Câu trả lời của bạn có thể là một người bạn đời biết quan tâm, một công việc tốt và một ngôi nhà đẹp, nhưng đó chỉ là những thứ bạn mong muốn.
Còn mục tiêu lớn lao trong cuộc đời, là thứ bạn tin là có giá trị nhất, là thứ định hình nên triết lý sống của một người. Có nó, bạn sẽ tránh được nguy cơ sống lầm lạc và lãng phí bản thân vào những thứ phù phiếm.
Trong quá trình viết cuốn sách này, ông luôn đặt ra câu hỏi: “Nếu các nhà Khắc kỷ cổ đại đảm nhận trọng trách viết một cuốn sách hướng dẫn cho những người sống ở thế kỷ 21 - một cuốn sách chỉ cho chúng ta cách có được một cuộc sống tốt đẹp - thì cuốn sách đó sẽ như thế nào? Cuốn sách này chính là câu trả lời của tôi.”
Cuốn sách dày 380 trang, trong đó tác giả trình bày rất cụ thể về lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển, các kỹ thuật tâm lý của Chủ nghĩa Khắc Kỷ, cũng như lời khuyên để đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng mình chỉ xin trình bày phần tâm đắc nhất, đó là 5 kỹ thuật tâm lý. Đây cũng chính là hướng dẫn cụ thể để sau khi gấp lại quyển sách bạn có thể thực hành ngay vào cuộc sống của mình. Nào bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
5 kỹ thuật tâm lý của Chủ nghĩa khắc kỷ
Cả 5 kỹ thuật này nên được áp dụng một cách song song, linh hoạt vào từng vấn đề trong cuộc sống. Bởi mỗi kỹ thuật sẽ giúp cho bạn giải quyết được từ vấn đề tổng quan, đến đi vào chi tiết.
Tưởng tượng tiêu cực
Trong cơ chế của con người được tạo hoá ban cho nỗi sợ, đó là khả năng suy nghĩ về những điều tồi tệ sẽ diễn ra với mình trong tương lai. Bạn có thể nghĩ đó là điều xấu, nỗi sợ là không tốt. Nhưng thật ra, đó lại là một cơ chế giúp bạn an toàn, bởi nó giúp ngăn chặn những tình huống xấu nhất. Ví dụ khi suy nghĩ về việc bị bệnh, chúng ta sẽ biết cách ăn uống hoặc tìm các biện pháp phòng ngừa.
Việc tưởng tượng về những điều tiêu cực xảy ra giúp chúng ta luôn trân trọng giây phút hiện tại, người thân, bạn bè và những mối quan hệ chúng ta đang có.
Dù vậy, đừng để nỗi sợ lấn át hết mọi thứ, chúng ta không cần luôn nghĩ một cách tiêu cực trong mọi vấn đề, mà là hãy định kỳ thực hành suy nghĩ về nó. Hãy đặt ra cho mình một khoảng thời gian cụ thể để giả định bản thân khi đang ở trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, chúng ta sẽ đối diện và xử lý rắc rối như thế nào, trong một tâm thế bình an.
Hiểu được sự vô thường của cuộc sống, chúng ta sẽ biết trân trọng từng phút giây trong đời và sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
Sự tam phân của quyền kiểm soát
Con người thường tập trung vào những gì tổn hại đến lợi ích và thân thể, vì vậy họ luôn luôn cảm thấy không hài lòng. Trong khi, các nhà khắc kỷ lại cho rằng: việc tập trung vào bên trong giúp họ có được sự tự do, bình yên và thanh thản.
Tam phân quyền kiểm soát tức là suy nghĩ về những thứ ta có toàn quyền kiểm soát (mục tiêu đặt ra cho bản thân, suy nghĩ và hành động), những thứ ta hoàn toàn không thể kiểm soát (mặt trời có mọc không), những thứ ta có thể kiểm soát một phần (có thể chiến thắng trận đấu với ai đó không?).
Lời khuyên ở đây là: tập trung hoàn toàn vào nhóm 1, phớt lờ nhóm 2, và quan tâm đến nhóm 3. Điều này giúp nội tại hoá được mục tiêu và giảm thiểu được những rủi ro không đáng có.
Thuyết vận mệnh
Các nhà Khắc kỷ quan niệm, có một cách để giữ sự bình thản là tin rằng những thứ xảy đến với chúng ta là định mệnh. Chính vì vậy, họ không tìm cách thay đổi vận mệnh mà học cách thích nghi và chung sống với nó.
Cụ thể là khi một sự việc không may xảy ra như người thân của chúng ta qua đời hay là chúng ta tự dưng bị mất việc…Vào những lúc này theo cơ chế bình thường, chúng ta sẽ đau buồn, tiếc nuối thậm chí là đau khổ. Nhưng nếu chúng ta tin vào định mệnh, chúng ta sẽ học cách vượt qua và trân trọng những người còn ở lại bên mình.
Chấp nhận quá khứ không thể quay lại và chấp nhận cả giây phút hiện tại ta đang sống. Điều này giúp ta có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mặc dù dạy chúng ta bằng lòng với bất kể thứ gì mình có, triết lý Khắc kỷ cũng khuyên chúng ta theo đuổi những thứ nhất định trong cuộc sống. Chẳng hạn chúng ta nên phấn đấu để trở thành người tốt hơn và nỗ lực thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ trong cuộc sống hàng ngày trong nhiều khía cạnh cuộc sống, như phấn đấu cho công việc, lập gia đình, nuôi dạy con cái, kiếm tiền…
Trân trọng những gì đang có và tiến đến những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
Tự tiết chế bản thân
Bên cạnh việc thực hành tưởng tượng tiêu cực, các nhà Khắc kỷ khuyên ta nên “định kỳ thực hành sống trong điều kiện kham khổ”. Điều này giúp kiểm chứng được đâu là những thứ họ cần hoặc không cần, tôi luyện bản thân, tạo lên một lớp vacxin miễn dịch trong điều kiện gặp vận rủi thật. Nó cũng giúp họ thích nghi trong mọi hoàn cảnh và bồi đắp thêm niềm tin rằng họ có thể chịu đựng mọi thứ khó chịu hơn và dần hình thành bản lĩnh can đảm.
Việc tự nguyện chịu khổ giúp họ trân trọng những gì có sẵn. Ví dụ như việc trải nghiệm cảm giác ở bên ngoài trời lạnh giúp họ trân trọng khoảnh khắc được ở trong một căn phòng ấm cúng, hay như trải nghiệm cảm giác đói khiến chúng ta trân trọng bữa ăn mà ta đang có…
Các nhà Khắc kỷ cũng khuyên ta nên định kỳ bỏ qua cơ hội hưởng thụ lạc thú. Bởi lạc thú sẽ biến ta thành nô lệ của chúng khi dính vào. Cụ thể như một số loại thuốc kích thích, chúng sẽ chế ngự ta chỉ sau một lần trải nghiệm. Hay như uống rượu khiến ta không thể kiểm soát bản thân và dễ bị phân tâm trước nhiều cám dỗ trong cuộc sống.
Hoặc đơn giản hơn là thỉnh thoảng không ăn những món yêu thích như món kem. Nếu ví dụ bạn đang ăn kiêng thì có thể lấy cái cớ này để không ăn kem nữa. Nếu ăn kem, sẽ được cảm giác ngon miệng nhưng lại mang mặc cảm tội lỗi. Nếu cố nhịn không ăn kem, bạn sẽ từ bỏ cảm giác ngon miệng nhưng lại được trải nghiệm một lạc thú khác: đó là sự hài lòng và tự hào về bản thân.
Suy ngẫm - quan sát bản thân
Để tiến bộ trong việc thực hành, các nhà Khắc kỷ khuyên chúng ta suy ngẫm về cách chúng ta phản ứng và cách chúng ta nên phản ứng với những sự kiện trong cuộc sống thường ngày.
Tâm trí của một người Khắc kỷ hoạt động khá tích cực trong quá trình thực hành suy ngẫm trước lúc đi ngủ. Bạn sẽ nghĩ về điều gì phá vỡ sự bình thản? Tức giận? Ganh tị? Ham muốn? Tại sao các sự kiện trong ngày lại làm anh ta khó chịu? Lẽ ra anh ta đã có thể làm gì để tránh được điều đó?
Với nhà Khắc kỷ Epictetus, ông vừa đóng vai người tham gia, vừa đóng vai người xem, nói cách khác là tạo ra một người quan sát Khắc kỷ bên trong mình - vừa theo dõi, vừa đưa ra nhận xét về việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của bản thân.
Tương tự, Marcus cũng khuyên chúng ta xem xét từng việc mình làm, xác định động cơ và giá trị của việc mà chúng ta đang cố hoàn thành. Từ đó, xác định xem mình có đang bị điều gì chi phối không. Chúng ta cũng nên chú tâm quan sát hành động của người khác nữa. Nhờ thế, chúng ta có thể học hỏi được từ sai lầm và thành công của họ.
Ngoài ra, chúng ta có thể dành chút ít thời gian để tự kiểm kê bản thân xem ta có đang thực hành Khắc kỷ không?
-Có tưởng tượng tiêu cực không?
-Có dành thời gian để phân biệt những thứ mà ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ mà ta hoàn toàn không thể kiểm soát và những thứ mà ta chỉ kiểm soát được một phần không?
-Có nội tại hóa mục tiêu của mình không?
-Có hạn chế đắm chìm trong quá khứ và thay vào đó tập trung đến tương lai không? Có chủ động thực hành tự tiết chế bản thân không?
Bạn nhận được gì khi thực hành Chủ nghĩa Khắc kỷ?
Chủ nghĩa Khắc kỷ giúp chúng ta sống bình thản hơn rất nhiều so với trước đây. Ta sẽ tiến bộ hơn trong việc chế ngự cảm xúc tiêu cực của mình, ít tức giận hơn và sẵn sàng nhận lỗi nếu làm sai.
Ta khoan dung hơn trước những lời lăng mạ và còn phát triển được sự miễn dịch gần như tuyệt đối trước những lời lăng mạ thường gặp.
Ta cũng sẽ ít lo lắng hơn về những tai hoạ có thể xảy đến và đặc biệt là về cái chết (điều này theo các nhà Khắc kỷ là khi bạn sắp trút hơi thở cuối cùng bạn mới cảm nhận được).
Việc rèn luyện Khắc kỷ cũng giúp bạn ít bất mãn hơn so với trước đây. Nhờ rèn luyện tưởng tượng tiêu cực mà bạn thấy biết ơn những điều mà mình nhận được.
Ngoài ra, thì chủ nghĩa Khắc kỷ giúp bạn cảm nhận được một niềm vui nho nhỏ khi vượt qua được giới hạn của chính mình và bạn cứ đón nhận nó thôi dù không biết bao lâu. Theo thời gian, điều này sẽ đem đến những thay đổi đáng kể về nhận thức của bạn với thế giới xung quanh.
Sự hoài nghi về chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ luôn có trong bạn, bởi thoạt nhìn có vẻ giống một triết lý cổ xưa, phù hợp với người cổ đại, hoặc những người thích sự hoài niệm hơn là thế hệ mới. Nhưng thực tế thì nó chứa đựng những bài học thực tiễn về cách giảm căng thẳng và cách chúng ta đối xử với nhau.
Chuyển đổi từ lối tư duy thông thường sang Chủ nghĩa Khắc kỷ là một chặng đường cần thực tập mỗi ngày, mỗi phút giây, để khi xảy ra những biến cố, tình huống bất ngờ, bất như ý, thì chúng ta có thể đón nhận nó với tâm thái định tĩnh và bình an một cách vô thức.
Mọi hành trình đều bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Vì vậy, ngay từ hôm nay chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu xây dựng lối sống Khắc kỷ để trở nên bản lĩnh và sống cuộc đời bình an.
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên BKE Shop thông qua 3goc.vn, chúng tôi đảm bảo giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. "Góp gạo nuôi quân" cùng BKE Shop chung tay lan toả Văn Hoá Đọc khắp mọi miền Tổ Quốc.
***
Nội dung : Phương Lê - Học viên Content 3 gốc
Biên tập : Khánh Vi - Trần Mơ
Hình ảnh : Phương Lê
Comentários