MỤC LỤC
***
Cuộc sống bộn bề, con người ta càng trưởng thành càng có những câu hỏi thật khó trả lời. Nếu có ai đó hỏi: Bạn sống có vui không? Dạo này bạn ổn chứ? Thì bạn sẽ cảm thấy ra sao, có bất giác dừng lại ba giây suy nghĩ, hỏi thầm trong lòng liệu mình có đang vui?
Chúng ta sống có vui không?
Câu hỏi tưởng dễ nhưng hoá ra thật khó trả lời.
"Đây có phải là người 10 năm sau sẽ vẫn đứng bên cạnh cuộc đời chúng ta? Sẽ vẫn chăm sóc, yêu thương, chiều chuộng, lắng nghe hoặc bao dung cho chúng ta như đã và đang?” Tác giả Nguyễn Phong Việt đã đặt ra câu hỏi như vậy ở ngay trang sách đầu tiên của tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?” – xuất bản năm 2020. Đây là tập tản văn đầu tiên trong chuỗi tiếp theo đó là Chúng ta sống là vì (2021) và Chúng ta sống để lắng nghe (2022).
3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc nhấn vào đây sẽ không ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng sách như mua trực tiếp.
Và bạn biết không, trong số chúng ta có bao nhiêu người tự tin nói rằng 10 năm nữa, người bên cạnh mình ngày hôm nay sẽ vẫn luôn ở bên cạnh mình. Ngay cả bản thân người đặt ra câu hỏi ấy cũng chỉ có thể khẳng định một điều rằng, hãy cứ vui trong niềm vui hiện tại mà thôi.
Tác giả Nguyễn Phong Việt được biết đến với những tập thơ tình yêu được ra mắt vào mỗi mùa giáng sinh từ những năm 2012 đến 2021. Những bài thơ anh viết, những tản văn anh viết rất đời và chạm tới nhiều độc giả. Nếu như ở các tập thơ trước, anh thường viết về tình yêu với muôn hình vạn trạng, làm trái tim độc giả thổn thức theo từng cung bậc của tình yêu: rung động, ngọt ngào, buồn bã, giận hờn, đau khổ, tổn thương và bị tổn thương; thì tập tản văn đầu tiên của anh “Chúng ta sống có vui không?” lại mang màu sắc hoàn toàn khác.
Tập tản văn vẫn tràn đầy tình yêu nhưng không chỉ gói ghém ở tình yêu nam nữ mà rộng hơn, sâu hơn, gần gũi hơn, thân thương hơn, đó là tình yêu dành cho chính mình, cho gia đình, tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái.
Mỗi một bài viết của tập tản văn là một chủ đề khác nhau, là những trải nghiệm của tác giả ở những thời điểm khác nhau và cũng đem đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau.
Dưới đây là 3 cảm nhận của mình về quyển sách “Chúng ta sống có vui không?” mà mình muốn chia sẻ với các bạn.
Người cha trưởng thành
Mình như được chứng kiến hành trình trưởng thành của một người cha từ khi có con trai của anh Việt, thấu cảm được những nỗi vất vả, sự cố gắng của anh từng ngày.
Anh đã viết những suy nghĩ của phần lớn những người cha, người mẹ “Hãy nghĩ đến con cái như một hạt mầm mà chúng ta gieo xuống mảnh đất tâm hồn và sức khỏe của chúng ta. Đừng vì một phút bốc đồng, vì sự cả nể, cũng đừng vì những lời nói của đám đông hay một nét văn hóa nào đó của gia đình mà dấn thân vào con đường làm cha mẹ khi chưa thấu hiểu hết hai chữ trách nhiệm”.
Và hạnh phúc khi có con là “một loại hạnh phúc có trách nhiệm”.
Đứa trẻ được sinh ra, cần được yêu thương và chính đứa trẻ ấy là người thầy dạy chúng ta trưởng thành; dạy chúng ta phải biết quan sát, nhìn đời bằng đôi mắt trẻ con; dạy chúng ta phải biết nhẫn nại, kiên nhẫn với hàng ngàn câu hỏi vì sao; dạy chúng ta biết trân quý sức khỏe như thế nào để mạnh mẽ và trở thành chỗ dựa vững chắc cho con.
Trải nghiệm làm cha là trải nghiệm quý giá trong cuộc đời, không ai dạy anh làm cha của một đứa bé sẽ như thế nào? Nhưng khi đọc bức thư anh gửi cho con trai, mình có thể thấy niềm hạnh phúc lớn nhất trong những ngày có con của anh là mỗi ngày được nhìn thấy nụ cười của con mỗi khi thức dậy, là khi đưa đón con đi học, là khi con cười lúc đang ngủ.
Những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng đôi khi người ta lại thường không nghĩ tới. Anh mong con trai trở thành một người bình thường, khỏe mạnh, là chính con chứ không phải là một ai khác.
Làm bạn với con, chăm con cần cả bản năng và kỹ năng – là những gì anh đúc kết được trong quá trình cùng con lớn lên và chắc hẳn những ông bố bà mẹ khi đọc tới đó đều sẽ chậm lại, ngẫm xem: Mình đã có đang làm bạn với con không? Có đang áp đặt suy nghĩ và cách nhìn của người lớn lên con không? Có biết con đang vui, đang buồn hay đang có niềm ao ước nào muốn thực hiện không?
Người con trưởng thành
Có con rồi mới biết lòng cha mẹ, tập tản văn không chỉ cho chúng ta thấy hình ảnh một người cha trưởng thành ra sao mà còn hiển hiện lên một người con sau khi làm cha đã trở nên sâu sắc và chín chắn lên như thế nào. “Con nhận ra má chưa bao giờ đòi hỏi con phải làm bất cứ thứ gì để báo hiếu cho ba má. Má chưa bao giờ than mệt sau nhiều đêm thức trắng lo cho con”, chia sẻ của tác giả.
Chúng ta luôn nghĩ rằng ba mẹ sinh ra chúng ta là ba mẹ có nghĩa vụ phải lo cho chúng ta. Nhưng không, đó là sự lựa chọn.
Ba mẹ đã lựa chọn yêu thương những đứa con một cách vô điều kiện và không cần báo đáp lại. Công ơn sinh thành này muôn đời không thể nào trả được, và việc của mình là hãy sống thật tốt và yêu thương chính mình và cũng dành tình yêu thương tới những đứa con của mình.
Cái giá của sự trưởng thành đôi khi là thời gian ở bên cạnh người thân không còn nhiều nữa. Việc đơn giản mà ta muốn làm có khi lại phải mất rất nhiều năm. Như cái cách tác giả nhắc nhớ về ký ức đi chợ Tết cùng má lúc bé thơ, lúc 30 tuổi và khi má đã lên ở cùng trên thành phố.
Vẫn là cái nắm tay giữa má và con, vẫn là chợ Tết nhưng con đã lớn, má đã già và giỏ đồ mua chợ Tết càng ngày càng giảm đi. Chỉ còn là sự biết ơn và trân trọng vì má vẫn còn đó, khỏe mạnh, mỉm cười mỗi khi Tết đến xuân về.
Có một chi tiết nữa mà mình tin rằng bất kỳ ai khi đọc đến cũng sẽ ngồi nhớ lại hình ảnh sum họp của gia đình mình những ngày giáp Tết. Một không gian trong khoảng sân trước nhà; các thế hệ ông bà, con cháu quây quần bên nhau; những câu hỏi han về công việc, sức khỏe; mùi bánh chưng, bánh tét nồng ấm và người ta gọi đó là hương vị tình thân.
Người lớn trưởng thành
“Chỉ cần mặt đất không sụp xuống thì bạn luôn có lý do để bước đi”. Tác giả dành cả một trang giấy chỉ để ghi lại vài chữ vẻn vẹn như vậy, nhưng nó lại mang giá trị lớn lao và giúp chúng ta nhìn lại bản thân mình.
Chúng ta có thực sự đã trưởng thành đúng nghĩa chưa? Chúng ta cần phải học cách đi một mình dù bên cạnh có ai đi chăng nữa. Và “tất cả những gì chúng ta cần, khi phải đi một mình, chỉ duy nhất một thứ khí chất con người”.
Mình học được cách yêu thương bản thân mình một chút, quan tâm tới sức khỏe của mình, tập luyện thể dục thể thao, ăn uống khoa học. Mình học được cách phải học tập giỏi hơn mỗi ngày bằng việc đọc sách, vun bồi bản thân, vượt qua thử thách của công việc. Mình học được cách cười nhiều hơn, dang rộng đôi tay và mở lòng bao dung với chính mình và mọi người xung quanh.
Và khi trưởng thành, “chúng ta cần một chút mất mát”. Tác giả đã trải qua những nỗi đau, những mất mát, sự chia ly người thân, người yêu và từ đó nhận ra “Người nhiều tổn thương sẽ càng như lúa chín cúi đầu”.
Không có cách nào khác giúp con người ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn bằng cách tự mình vượt qua những mất mát ấy và biết ơn, vì nhờ nó mà ta biết được sức chịu đựng của chúng ta đến đâu, và đón nhận nó như một điều tất yếu phải xảy ra.
Cùng với đó, chúng ta cũng nợ bản thân một lời xin lỗi; vì những tháng ngày đắm chìm trong đau khổ khi chia tay một cuộc tình; vì những sầu muộn khi gặp thất bại trong cuộc sống; vì cứ đi xin lỗi hết người này, yêu thương hết người kia mà không biết rằng, bản thân mình mới làm mình trở nên hạnh phúc. Chúng ta sống có vui không là ở nhận thức của chính chúng ta, chứ không phải từ ngoại cảnh hay bất kỳ một ai khác.
Ở những trang cuối cùng của tập tản văn, “Chúng ta sống có vui không?, tác giả đã vẽ lên một ngôi nhà mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng muốn trở về.
“Về nhà” - là tên tập tản văn cuối cùng trong quyển sách. Nhà không hẳn là ngôi nhà cao sang, giàu có, biệt thự đầy đủ tiện nghi mà là nơi có ba, nơi có mẹ, nơi có con, nơi có những con người thân thương hoặc có khi không có ai cả nhưng ta lại tìm thấy chính ta, nơi nương tựa trong tâm hồn mình. Tác giả chia sẻ ”Nhưng nếu lỡ may, ai đó, không có ai hay nơi nào đó để trở về, thì hãy trở về với lòng mình. Đó thực sự là một ý niệm trở về nhà, theo một cách rất khác. Vì…Sẽ có một ngày biến hóa chân mây, lòng mình vui lại đầy!”
Từ một người đầy tổn thương và tự chữa lành những tổn thương ấy bằng những yêu thương chính mình, yêu thương con cái, yêu thương gia đình và yêu thương cuộc sống, tác giả đã viết lên câu chuyện của bản thân nhưng lại như nói lên câu chuyện của biết bao nhiêu người.
Nếu như bạn cũng có những câu hỏi về chính mình mà bản thân chưa trả lời được thì một buổi sáng cuối tuần nào đó, bạn có thể ngồi hóng gió nơi góc ban công, nhâm nhi ly cà phê và đọc tập tản văn “Chúng ta sống có vui không?”
Sau đó từ từ chiêm nghiệm lại cuộc sống của mình, tâm hồn của mình, liệu rằng mình có đang thực sự vui không? Liệu rằng có con sóng ngầm nào đang lẩn trốn sâu thẳm trong trái tim mình, rồi từ từ nhìn thấy những nỗi đau, lấy ra những vụn vỡ để nhẹ lòng trở về ngôi nhà bình yên bên trong của mình.
Và nhận được câu trả lời cho câu hỏi "Bạn có đang sống vui không?" ở phần bình luận bên dưới nhé!
***
Nội dung: Quyên Phạm - Học viên Content 3 Gốc K5
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Bùi Công Huân - Học viên Content 3 gốc K7
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc mua sách thông qua 3goc.vn vẫn đảm bảo về giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Chúng tôi quảng bá và nhận về khoản hoa hồng nhỏ, nhằm duy trì nội dung hữu ích cho kênh. Rất mong độc giả ủng hộ!
Comments