Khi sống với cái tôi quá lớn vì đạt được thành quả nhất định trong công việc đã làm tôi trở nên “đáng sợ” trong mắt người khác, trong mắt đồng nghiệp. Nhìn vào bên ngoài, hình ảnh của tôi lúc nào cũng là một người luôn chu toàn công việc và cuộc sống, tưởng chừng tôi chẳng gặp khó khăn gì, nhưng không phải vậy. Đó là một hành trình rất dài để Tu Tâm, để chuyển hóa Sân giận, Si mê thành Nghị lực và Trí tuệ.
Hành trình đầy gian khó, thử thách chuyển hoá cái tôi mong được chia sẻ với cộng đồng, biết đâu qua bài viết này sẽ truyền động lực cho ai đó như tôi đã từng.
1. Thành công trong công việc làm tăng trưởng bản ngã
Còn nhớ khoảng năm 2005 - 2007, tôi làm việc cho một tập đoàn lớn chuyên về hạ tầng khu công nghiệp. Là người chịu trách nhiệm chính khâu kiểm tra chất lượng nước thải, nên với tôi tính chính xác rất quan trọng. Chỉ cần số liệu sai thì phương án xử lý nước thải sẽ không đúng, dẫn đến nhiều hậu quả theo sau đó. Do vậy, dù kết quả test mẫu sai với chi tiết nhỏ nhất, tôi cũng buộc đồng nghiệp huỷ toàn bộ kết quả làm lại từ đầu. Hay như đồng nghiệp không thực hiện quy định khi vào phòng lab: không mặc áo blouse chuyên dụng, sử dụng dụng cụ sai, quên bật/tắt thiết bị, quên ghi kết quả lên bảng tổng hợp sau mỗi ngày làm việc, … là tôi sẽ la ầm ĩ, chỉ trích đồng nghiệp trước ban lãnh đạo.
Tôi sẵn sàng dùng những từ ngữ như ẩu, không có tinh thần trách nhiệm, không nhiệt tình với công việc, không phù hợp với công việc … để chỉ trích họ. Vậy nhưng sau lưng tôi vẫn luôn hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp tận tình khi họ gặp khó khăn trong công việc. Vì thấy hơn hẳn đồng nghiệp về chuyên môn lẫn trách nhiệm nên bên trong tôi có nhen nhóm tâm coi thường, mặc dù vẫn cười nói bên ngoài. Lãnh đạo công ty luôn coi trọng tính cẩn thận, chu toàn nên thường ưu tiên tôi trong công việc, cũng chính vì thế mà độc tố sân si trong tôi có cơ hội được tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng tôi vẫn cảm nhận có cái gì đó không đúng bên trong mình, tôi cần tìm ra nó là gì.
2. Biết đến Phật pháp và học Phật - Giai đoạn Văn Tư
Năm 2010, tình cờ được người bạn giới thiệu những quyển sách hay về Phật pháp như: Luật Nhân quả (Thích Chân Quang), Khuyên người niệm Phật (cư sĩ Diệu Âm), Bước đầu học Phật (Thích Thanh Từ), thế là tôi tìm đọc những quyển sách ấy. Những câu chuyện về nhân quả đã làm tôi biết sợ khi nghĩ về những lời nói, hành xử của mình với những người đồng nghiệp xung quanh.
Rồi tôi tiếp tục tìm đọc thêm sách của thầy Thích Thanh Từ, thêm các đầu sách liên quan đến phật pháp để hiểu sâu hơn về giáo lý. Ngày đó vì còn mù mờ với những khái niệm bát chánh đạo, tỉnh thức, chúng sanh…, nên cứ ai giới thiệu sách cùng thể loại là tôi liền mua mà ít cân nhắc. Đọc nhiều là vậy nhưng trong tôi vẫn còn nhiều hoài nghi về những điều đọc được. Tôi nên hỏi ai bây giờ, nên tìm hiểu tiếp như thế nào cho những khái niệm vẫn còn rất mơ hồ?
Hai năm sau đó, tôi tình cờ được nghe chiếc đĩa VCD đầu tiên về chủ đề “Hạnh Phúc” của Thầy Thích Pháp Hòa. Tôi thích cái cách thầy nói về Đạo trong cuộc sống nghe thật đơn giản mà hài hước, dễ đi vào lòng người. Khá ấn tượng với thầy nên tôi tìm mãi VCD để nghe thêm nhưng chưa đủ duyên. Mãi sau đó, 2014 trong một lần nói chuyện với người quen cô giới thiệu tôi kênh Youtube của Thầy, tôi mới chính thức nghe Thầy nhiều hơn. Tôi nhớ mãi câu chuyện của chính Thầy lúc còn trẻ - tình huống khá giống tôi.
“Khi Thầy còn là sadi, thầy cũng hay khắt khe, la lối, phán xét những bạn đồng tu khi họ có những lời nói, hành xử không tuân theo giới luật. Cũng chính vì vậy mà ít người muốn đến gần thầy, Sư Phụ thầy cũng nhiều lần khuyên lơn nên thầy quyết tâm thay đổi để mình mềm mại, uyển chuyển hơn. Thầy nói, những người còn vụng về, thiếu sót, cư xử chưa đúng thì ta mới cần độ họ, cửa chùa mà lúc nào cũng ồn ào thì làm sao người tu an tâm nơi tam bảo được”.
Tôi chợt nhận ra chính mình trong công việc, với các đồng nghiệp một lần nữa. Có lẽ chính lúc này, tôi mạnh mẽ hơn cho quyết định phải thay đổi chính mình trong việc hành tu hơn là Văn và Tư như nhiều năm trước đây. Càng nghe pháp, càng đọc sách, càng tu sửa trong những việc hằng ngày, tôi thấy mình càng phát triển hơn tâm từ. Tôi siêng làm việc thiện nguyện, giúp đỡ người khác hơn mà ít đắn đo, suy nghĩ liệu họ có đang lợi dụng lòng tốt của mình hay không.
Đến nay, tôi vẫn duy trì nghe giảng thêm nhiều vị thầy như: sư ông Làng Mai - Thích Nhất Hạnh, thầy Thích Minh Niệm, thầy Thích Giác Nguyên, …
3. Biết đến Chánh kiến để hoàn thiện tiến trình học Phật của bản thân - Giai đoạn Tu
Giai đoạn này, gia đình tôi chuyển nơi cư trú cũng là lúc tôi tạm dừng công việc cũ vì thấy tính cách mình không còn phù hợp. Dừng công việc tôi dành thời gian học thêm các lớp tâm lý, phát triển bản thân nhiều hơn.
Cuối năm 2017, trong lần sinh hoạt ở nhóm tâm lý học, tôi được nghe bài giảng “Nội lực hay ngoại lực” của thầy Trần Việt Quân. Vậy là cái duyên của tôi với thầy bắt đầu từ bài học đó, sau đó đến các lớp Chánh kiến 1, 2, Nhân sự kế thừa, Kinh dịch, Nhân tướng … Nhờ học thầy Quân tôi mở rộng thêm kiến thức sâu sắc hơn trên hành trình học Phật, tôi biết quan sát bản thân để soi rọi lại mình, điều chỉnh bản thân tốt hơn. Nhờ học thầy Quân, tôi biết đến cách lựa chọn những quyển sách hay, sách tinh hoa để đọc. Nhờ đến với thầy Quân mà tôi nhận ra hành trình học Phật của tôi hoàn thiện hơn, phát triển hơn về trí tuệ và nghị lực, có thể phân biệt đâu là lời gốc của Phật, đâu là lời dạy đúng đắn mà mình nên theo.
Từ cuối 2017 đến nay, nhờ có Chánh kiến với những kiến thức học được từ thầy Quân và các lớp tâm lý học mà tôi đã nhẹ nhàng chuyển sang công việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và công tác hướng nghiệp khá suôn sẻ.
4. Sự thay đổi của bản thân khi đã biết Phật pháp và lời tác ý của bản thân
Nhờ hành trình hơn 10 năm học Phật thông qua sách, bài giảng với các vị thầy, tôi đã điều chỉnh được suy nghĩ và hành vi của mình với những người đồng nghiệp xung quanh. Tôi nhận ra cái tôi của mình đã, đang dần được gọt dũa nhỏ lại. Giờ đây, tôi không còn khó chịu khi thấy ai đó trái với mình vì hiểu rằng mỗi người đều có nghiệp riêng. Tôi cũng bớt sân si với những điều không thuận mắt vì hiểu rằng luật nhân quả rất công bằng.
Một điều tuyệt vời hơn, tôi vẫn giữ được tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, thái độ làm việc chuyên nghiệp nhưng hành xử lúc này của tôi là nhẹ nhàng đưa ra cho họ hướng dẫn cách làm đúng thay vì sân giận như trước. Khi ai đó có ý kiến khác tôi, tôi sẵn sàng lắng nghe và điều chỉnh nếu thấy phù hợp với bản thân. Với công việc mới, dù khác hẳn công việc cũ mà tôi đã từng làm, tôi vẫn nhận được sự tin tưởng và đánh giá cao về năng lực chuyên môn từ quản lý. Giờ đây, tôi thấy mình bình an hơn trong công việc khi nhận được sự tin yêu từ các đồng nghiệp.
Với quá nhiều lợi ích mà phật pháp mang đến cho tôi, tôi luôn tác ý rằng sẽ cố gắng thực hành lối sống tỉnh thức như lời Phật dạy. Lối sống đúng đắn ấy sẽ mang đến cho ta những người bạn thiện lành, sự bình an trong tâm hồn, sự hoàn thiện của bản thân.
5. Kết
Nhờ có Phật pháp mà tôi đã nhận ra những thiếu sót của bản thân và quyết tâm thay đổi. Sự thay đổi ấy đã biến tôi từ người sân si, thiếu hiểu biết trở thành người có chánh kiến, có trí tuệ và nghị lực hơn, biết sống mềm mại hơn, uyển chuyển hơn để từ đó cuộc sống của tôi cũng bình an hơn. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn được phần nào trên hành trình “chuyển hoá cái tôi” của chính mình.
Hãy bình luận bên dưới giá trị bạn nhận được từ bài viết nhé!
Nội dung: Nhã Ý - Học Viên Content 3 Gốc K2
Biên tập: Khánh Vi
コメント