Nói đến việc đọc sách chắc ai cũng có cảm giác này
Đọc sách rất nhiều nhưng nhớ chẳng được bao nhiêu. Bạn mua đủ thể loại sách về đọc, ai giới thiệu hay là bạn mua, nhưng khi được hỏi nội dung chính là gì thì bạn lại không nhớ được bao nhiêu.
Đọc một quyển sách mà mất cả tháng trời, ngâm đi ngâm lại, ngâm tới ngâm lui riết nó muốn mốc luôn mà mãi chưa xong. Có cảm giác đọc sách nặng nề, áp lực.
Vâng, đây là tình trạng chung không của riêng ai.
Nếu muốn chấm dứt nỗi đau này, Blog 3 Gốc mời bạn cùng đọc và thực hành 4 bước để đọc sách hiệu quả, bài viết có kèm theo sơ đồ đúc kết đơn giản có thể áp dụng ngay.
Trước khi chia sẻ sâu hơn về phương pháp này, mời bạn cùng ngẫm một quy luật, quy luật này bao trùm thế giới vạn vật, con người và cuộc sống.
1. Quy luật Nhân - Duyên - Quả
Nhân là bên trong, là hạt giống, Duyên là những điều kiện bên ngoài để giúp hạt giống nảy mầm, đâm chồi nảy lộc, rồi ra hoa kết trái. Ngược lại, vậy muốn có quả, chắc chắn ta phải có Nhân là hạt giống, có Duyên là nước, là đất, là phân, là ánh nắng mặt trời, là không khí, là sự chăm sóc chu đáo...
Áp dụng vào bản thân, Nhân đó chính là BÊN TRONG như là suy nghĩ, mong muốn, tố chất, đam mê, sở thích, nhu cầu, khát vọng, kinh nghiệm... gọi chung là ý nghiệp. Duyên là BÊN NGOÀI, vật khác, người khác, những gì thuộc bên ngoài thì gọi là Duyên.
Ví dụ: Bạn mong muốn đọc sách, bạn được tặng một quyển sách, bạn đọc sách và kết quả là bạn có kiến thức từ cuốn sách đó.
Vậy Nhân ở đây là “mong muốn đọc sách” của bạn, còn Duyên là “cuốn sách được tặng”, nên nó trổ Quả là có hiểu biết.
Trong cuộc sống cũng vậy, để có được kết quả thì phải hội tụ đủ 2 yếu tố là Nhân và Duyên, thiếu một trong hai thì Quả không thể trổ.
Vậy cụ thể 3 bước Nhân - Duyên - Quả này sẽ áp dụng như thế nào, mời bạn xem thật kĩ phần bên dưới nhé.
2. 4 bước đơn giản đọc sách hiệu quả
Bước 1: Xác định mong muốn - tìm Nhân
Tại sao đọc sách phải đi từ từ Nhân bên trong bản thân trước?
Vậy phải trả lời câu hỏi này: Động lực con người có từ đâu? Tại sao có người tự mình khởi nghiệp lại có động lực lớn, họ máu lửa, họ làm hầu như trên 12h mỗi ngày, họ xông pha cho doanh nghiệp của họ. Còn những người làm công ăn lương thì tại sao lại ít động lực hơn, mỗi ngày ráng làm cho xong việc với một tâm thế hờ hững. Điểm khác biệt nó nằm ở chỗ Lý Do bạn làm việc là gì? Vậy Lý Do nằm bên trong hay bên ngoài?
Người làm công ăn lương động lực của họ là vì lương mỗi tháng, nếu không làm thì sếp khó chịu, công ty có thể cho đuổi việc, trừ lương cho nên họ hời hợt. Còn người tự mình khởi nghiệp họ có đam mê, có khát vọng cháy bỏng, và nó là một cái gì đó rất ý nghĩa với bản thân họ. Nó xuất phát từ bên trong nên động lực làm việc của họ là rất lớn.
Thế thì đọc sách cũng vậy thôi, cái gì mình thích, mình cần thì mình sẽ có động lực. Bạn chưa có động lực bởi vì bạn đang đọc ko có mục đích, vì thấy người ta đọc thì mình cũng đọc, thấy đọc sách là trí thức nên "trưởng giả học làm sang", vì cha mẹ bắt đọc, nhà trường bắt đọc, vì phải đọc... tóm lại vì bên ngoài tác động nên nó rất cạn. Còn nếu bạn đi từ bên trong thì nó rất sâu, rất bền.
Bước 1 là đi tìm Nhân, tức là phải đi từ bên trong trước, nên bạn đừng có đọc lan man, cái gì cũng muốn đọc, cái gì cũng muốn biết.
Có câu "Thời gian thì hữu hạn, kiến thức thì Vô cùng”. Bạn chỉ có 60 năm cuộc đời mà thôi, đừng dùng thời gian quý báu của mình để đi những con đường vô định hướng, đọc những cuốn sách mà mình ko có nhu cầu. Cho nên, trước hết tìm Nhân là bạn phải trả lời được những câu hỏi dưới đây
- Là phải biết Nhu cầu hiện tại của mình là gì?
- Vấn đề gì mình đang gặp phải?
- Công việc của mình?
- Các kỹ năng, kiến thức nào đang thiếu để bổ trợ cho công việc?
- Sở thích của mình là gì? Đam mê là gì? Hứng thú của bạn là gì?
- Năng khiếu là gì?
- Bạn mong muốn kiến thức nào nhất trong thời điểm hiện tại?
- …
Hãy trả lời thành thật như đúng bạn là, đừng trả lời qua loa hay quá lý tưởng.
Bước 2: Chọn sách - tìm Duyên
Khi xác định được cái mình cần thì hãy chọn 3-5 cuốn sách chất lượng nhất trên thị trường. Vậy thế nào là sách chất lượng?
- Yếu tố đầu tiên là nó phải phù hợp với nhân của mình, nhu cầu là gì, sở thích là gì.
- Sách Tinh Hoa là sách chất lượng. Đây là loại sách đã được thời gian kiểm chứng, dù qua biết bao nhiêu thời gian nhưng vẫn tồn tại đến tận bây giờ thì rất đang để chúng ta học hỏi.
- Sách nhiều người đọc cũng là sách chất lượng. Bạn có thể lên trang TMĐT để xem những cuốn sách bán chạy, xem bình luận đánh giá của người đọc bên dưới để có thêm thông tin.
- Sách chất lượng liên quan mật thiết đến tác giả, tác giả Chất thì hiển nhiên sách cũng Chất. Chất ở đây là tác giả đã thực hành trải nghiệm, đã thành công hay thất bại rồi và giờ viết lại để chia sẻ cho người khác, sách đó rất Chất.
- Tham khảo nguồn sách chất lượng đến từ những người đọc sách nhiều, họ có kinh nghiệm để tư vấn các nguồn sách đáng tin cậy.
- Và còn một nguồn tài nguyên rất quý giá cho những ai thích nghe, đó là sách nói. Bạn có thể tìm kiếm nguồn sách trên Youtube, App, Web, Radio… nó rất hữu hiệu để cung cấp thêm kiến thức vào những khoảng giải lao.
Bước 3: Đọc sách
Sau các bước chuẩn bị kỹ ở trên, thì tới bước quan trọng nhất là đọc sách để tiếp thu kiến thức. Bạn thường sẽ đọc rất nhiều nhưng không nhớ được bao nhiêu - gọi là đọc theo số lượng. Trong lớp Chánh Kiến của thầy Trần Việt Quân có chia sẻ về phương pháp Quan sát - Phân tích - Đúc kết, đó là đọc sách rất sâu chất lượng. Phương pháp này hiệu quả nhưng lại có mặt trái là đọc sâu quá nên thiếu độ rộng dẫn tới khó hình dung được kiến thức tổng quan mà bị dính mắc vào một chi tiết nào đó. Cho nên nếu chỉ áp dụng riêng lẻ đọc theo số lượng, hay chất lượng thì làm cho việc đọc sách không được cân bằng, gây ra tình trạng oải. Do vậy bạn nên kết hợp cả hai phương pháp này lại với nhau cân bằng.
Số Lượng
Đọc sách số lượng thực chất là phương pháp Quan sát đa chiều, đây là bài giảng của thầy Quân trong lớp Chánh Kiến. Đọc nhiều lên, tham khảo sách nhiều lên, đừng tốn thời gian cho những thứ vô bổ như game, facebook, hay suy nghĩ miên man, ... bất cứ thời gian rảnh nào hãy lấy sách ra mà đọc, không thì nghe sách nói. Mình thấy được sự tiến bộ của mình mỗi ngày nên bạn sẽ tự tin hơn, mỗi ngày không đọc sách hoặc đọc rất ít bạn sẽ cảm thấy mình buồn tay chân, cảm thấy thời gian trôi qua thật vô nghĩa.
Duy trì thói quen đọc sách như một món ăn tinh thần, giống như đói thì ăn, khát thì uống. Thời gian đầu không quan trọng là dành nhiều thời gian hay ít, mà quan trọng là sự ĐỀU ĐẶN. Mỗi ngày hãy đặt ra một khoảng thời gian cố định để đọc sách, bất di bất dịch cứ tới giờ đó mang sách ra đọc. Có thể là 30 phút, hay một tiếng vào buổi sáng, hay buổi tối. Thường buổi sáng sẽ hiệu quả hơn vì thời gian đó mới ngủ dậy tinh thần còn sảng khoái, đầu óc còn thư thái nên đọc sách sẽ rất thuận lợi, còn buổi tối có thể đúc kết và viết Nhật ký là phù hợp nhất.
Những bạn nào mới làm quen với sách nên đi từ sự đơn giản trước, cứ cố định tầm 15-30 phút mỗi ngày sau đó tăng dần lên. Rồi bạn sẽ cảm thấy đây là trò chơi với con chữ, không còn cảm giác là nghĩa vụ nữa. Bạn đã chọn sách nào rồi thì hãy kiên trì với nó, đọc tới cùng sau đó mới chuyển qua cuốn khác.
Đọc sách có thể dùng mắt để nhìn, hoặc dùng tai để nghe. Nếu bạn biết cách tận dụng nghe thì sẽ tiết kiệm cho mình được nhiều thời gian. Khi đi bộ, làm việc nhà, tưới cây bạn có thể mở sách nói để nghe, bạn sẽ có thêm vài tiếng thư giãn mà vẫn nạp được kiến thức.
Tuy nhiên nếu chỉ Đọc, chỉ nghe thì sẽ không nhớ được lâu để mà áp dụng. Do đó, trong khi đọc hay nghe sách nói hãy đặt bên mình một cuốn sổ nhỏ, khi đọc hoặc nghe bất kỳ kiến thức nào hay, cốt lõi thì hãy ghi ngay vào cuốn sổ. Đó có thể là đúc kết của bạn, có thể là công thức, là trích dẫn… tóm lại là một câu cốt lõi. Cứ như vậy, khi đọc qua từng phần, từng phần có ý gì hay ho, cốt lõi cứ viết xuống... rồi tiếp tục đọc hoặc nghe.
Đọc và nghe vậy cũng đủ rồi, sau khi thấm được phần số lượng thì bạn sẽ tới phần chất lượng.
Chất Lượng
Chất lượng thực ra là Phân tích - Đúc kết. Đây gọi là tiết mục SUY NGẪM, lúc này không còn là đọc hay nghe nữa mà chúng ta sẽ sử dụng tư duy. Hãy tìm kiếm cho mình một chỗ ngồi yên tĩnh, lật cuốn sổ đã ghi lại những ý chính ở trên (khoảng tầm một trang, hai mươi dòng ý chính là vừa), sau đó hãy hỏi chính bạn những câu hỏi. Bạn có thể tham khảo các câu hỏi này.
Trong những ý ngày, bạn cảm thấy hứng thú với ý nào nhất?
Tại sao phải hỏi câu hỏi này các bạn? Câu hỏi này đáng giá triệu đô đó. Bởi vì ta đọc sách nó chán chính là ta không đi từ cái nhân, từ cái sự hứng thú của mình. Câu hỏi này giúp chúng ta quay trở lại những gì sâu thẳm bên trong, những cái bạn thích, bạn đam mê. Hãy chọn cho mình vài ý hấp dẫn và đưa vào bước tiếp theo đó là Phân Tích.
Trong mục Phân Tích có 3 ý phải đào sâu, đó là:
Câu hỏi
Hãy hỏi những câu hỏi để đào sâu vấn đề, như "Tại sao nó lại được như vậy...?", "tại sao nó lại như thế...?". Hay "Làm thế nào để đạt được điều đó?". "Nếu cái này thế này thì cái kia thì sao...?" Những câu hỏi này sẽ kích thích tư duy để chúng ta đào sâu vấn đề (Nhân thường đặt câu hỏi tại sao để tìm nguyên nhân, Quả thường thì là nếu... thì....? Còn giải pháp thì là : Làm thế nào...?).
Những Ví dụ
Bạn phải có được ví dụ để liên kết nó vào trong đời sống, từ ví dụ đó mới liên kết được tính thực tế và thuyết phục người nghe nhiều hơn. Sau đây là một số gợi ý:
- Trải nghiệm cá nhân
- Từ những câu chuyện trong cuộc sống
- Từ những tích truyện vĩ nhân ngày xưa
- Từ gương của người đi trước, người thành công
- Từ thiên nhiên, vạn vật... đều có thể liên tưởng được
Đúc kết thành sơ đồ
Tại sao phải đúc kết? Vì tất cả đống loằng ngoằng mà ta phân tích nãy giờ sẽ không thể sử dụng được nếu không đúc kết thành cho đơn giản để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng vào đời sống. Bởi người ta mới có câu: "Đỉnh cao của sự PHỨC TẠP là sự ĐƠN GIẢN" là vậy.
Ngoài ra đúc kết thành sơ đồ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan, từng phần tách ra rạch ròi, các phần liên quan với nhau như thế nào, cái nào sinh ra cái nào, cái nào là con cái nào, cái nào chính cái nào phụ, cái nào lõi cái nào vỏ... đều hiện rõ trên cái sơ đồ.
Khi phân tích phải đủ 3 yếu tố này nhé các bạn, không được thiếu dù chỉ một cái. Cái nào cũng quan trọng, nếu bạn đủ cả 3 yếu tố bạn sẽ hiểu rất sâu và những cái này cũng giúp cho mình nắm được thông tin kiến thức dễ dàng hơn.
Cuối cùng đọc sách đúc kết rồi, thì ko thể để vương vãi khắp mọi nơi, chúng ta phải sắp xếp lại những gì đã học để những lúc nào cần quay lại tìm thì biết chỗ nào mà lấy.
Bước 4: Lưu trữ
Cũng giống như kệ sách, ở trên đó nếu vô tổ chức không có phân loại thì sẽ rất khó tìm kiếm. Nhưng nếu phân khu sách lịch sử, sách triết học, tiểu thuyết, kỹ năng, kinh doanh, chuyên ngành rõ ràng thì khi chúng ta muốn tìm một cuốn sách nào đó theo nhu cầu của mình thì sẽ rất dễ.
Nếu tinh ý bạn sẽ thấy não chúng ta cũng vậy. Hàng ngày mình nạp rất nhiều kiến thức mà không phân loại thì sau này muốn lục ra mà xài thì khó lắm, bắt buộc là phải sắp xếp và phân loại rõ ràng, để sau này muốn dùng thì biết để chỗ nào mà lấy. Một số công cụ để lưu trữ gợi ý cho các bạn như sau:
Sổ tay
Hãy xem cuốn sổ tay chẳng khác nào một người bạn không thể thiếu, nó vừa có thể là cuốn sổ lên kế hoạch, ngày, tuần, tháng, năm. Nó còn là nơi trút bầu tâm sự trong những dòng nhật ký để nhận ra được bản thân mỗi ngày. Hàng tuần hãy ngồi lại với anh bạn sổ tay này, để review tuần vừa qua học đc cái gì, và cái gì làm cho mình hứng thú và hạnh phúc nhất.
Mindmap
Bạn có thể dùng các phần mềm mindmap hiện nay như Xmind, Mind Manager, Mindjet...
Mindmap giúp bạn lưu trữ dữ liệu, phân loại từng mục một cách dễ dàng. Khi nào có chương trình mới, tổ chức sự kiện, teambuilding, dạy học... bạn có thể lục kho tàng kiến thức này (nhất là những kiến thức mình cảm thấy thích thú), đây là nguồn tư liệu rất bổ ích đã được đúc kết, nó giúp bạn ứng dụng ngay trong đời sống.
3. Đọc sách hiệu quả là tự học
Ở trên là tất tần tật về đọc sách, hay là một phần của kỹ năng tự học, kỹ năng vua của mọi loại kỹ năng. Đây là kỹ năng hầu như ông to bà lớn, người thành công, nổi tiếng, vĩ nhân, thánh nhân, danh nhân... đều có.
Tự học có ưu việt gì? Lõi của tự học nằm ở chữ “tự”. Chúng ta sinh ra và lớn lên, vào trường là học, lớn lên vào đại học là học, rồi Thạc sĩ, Tiến sĩ nghĩa là chúng ta tiếp tục học (nó chỉ gói gọn như vậy)...
Nhưng nếu bạn có thêm "Tự" vào trong Tự Học thì bạn là người chủ động, bạn học mọi lúc mọi nơi, bất kỳ thời gian trống nào bạn cũng học được, bất kỳ tình huống nào bạn cũng học được. Dẫn bạn gái đi xem phim bạn cũng học được điều gì từ phim, bạn bè đi nhậu bạn cũng học được bài học. Như vậy bạn học được từ gia đình, từ bạn bè, từ xã hội, từ chính bản thân mình.
Tự học nó vi diệu vậy đấy, cái chữ Tự đó nó xuất phát từ động lực bên trong cho nên bạn phải đi từ bên trong trước, từ cái Nhân trước, từ sự hứng thú đam mê trước, từ những tố chất, năng khiếu của bạn trước... Bạn đi từ trong trước thì bạn sẽ đi rất xa, dù nó khó, nhưng sẽ nhận được thành quả rất nhiều. Kỹ năng tự học là hành trang, là vũ khí để các em bước vào đời, đúng như câu của Lincoln từng nói:
"Nếu cho tôi 6 tiếng để chặt 1 cái cây, tui sẽ dùng 4 tiếng để mài rìu"
Vâng, Kỹ năng tự học đó là lưỡi rìu, và lưỡi rìu đó phải sắc. Lão Tử nói: "Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân mà".
Sau bài chia sẻ chi tiết ở trên, bạn có thể đọc thêm phần đúc kết bên dưới đây:
Bước 1: Tìm Nhân (Xem nhu cầu, sở thích, vấn đề,... hiện tại của mình là gì?)
Bước 2: Chọn 3-5 cuốn sách thật CHẤT
Bước 3: Đọc sách: Phải đạt 2 yếu tố: Số lượng và Chất lượng
1. Số lượng:
- Chọn thời gian đọc sách hàng ngày để tạo thói quen đọc sách
- Nghe sách nói mọi lúc mọi nơi, nhất là khi đi bộ
- Luôn ghi chú những ý chính vào sổ
2. Chất lượng
- Từ những ý chính, hỏi: Từ những ý chính này, mình hứng thú những ý nào nhất?
- Sau đó phân tích và đúc kết ý đó, hội tụ 3 yếu tố
- Câu hỏi (Tìm nhân, quả, giải pháp)
- Ví dụ (Liên tưởng ra bên ngoài)
- Đúc kết: Sơ đồ đơn giản
Bước 4: Lưu trữ
- Dùng sổ tay
- Hoặc Mindmap
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc hết bài viết, bạn đã học hỏi được gì, áp dụng thành công như thế nào. Hãy bình luận bên dưới cho Blog 3 gốc biết nhé!
Nội dung: Phạm Cường - Giáo Viên Kỹ Năng Trường Cao Đẳng Quốc Tế Vabis Tuệ Đức
Biên Tập: Khánh Vi
Comments