Động lực là nguồn năng lượng thúc đẩy mỗi người tiến lên, vượt qua thử thách. Bạn là sinh viên, bạn muốn tìm cho mình động lực chọn ngành để học, chọn nghề để làm. Bạn là người đi làm, bạn muốn tìm động lực để mỗi ngày tiến bước trên con đường sự nghiệp.
Bởi vì, đứng trước một mục tiêu, không gì có thể vượt qua sợ hãi bằng động lực mạnh mẽ từ bên trong. Bạn ước gì hiểu về động lực và cách để có được nó.
Mình là Nguyễn Hằng - Học viên Content 3 Gốc. Mời độc giả Blog 3 Gốc cùng mình đi qua bài viết để hiểu rõ hơn về động lực và cách tìm ra nó để giúp bạn đạt được niềm vui, hạnh phúc thực sự trong cuộc sống nhé.
MỤC LỤC:
1. Động lực đến từ đâu?
1.1 Động lực là gì?
Động lực là sức mạnh bên trong con người, là năng lượng, sự nhiệt tình, niềm đam mê, khát khao, tham vọng thúc đẩy bạn hành động, tiếp tục hướng tới một mục tiêu nhất định và hoàn thành mục tiêu của mình.
Vậy động lực có tầm quan trọng như thế nào trong việc mang lại những giá trị của thành công, hạnh phúc?
1.2 Tầm quan trọng của động lực
Động lực tạo nên sự khác biệt trong mỗi con người. Nó mang lại cho chúng ta tự tin, bản lĩnh, và những giá trị tích cực.
Một người có động lực luôn mang lại một bầu không khí tích cực trong bất cứ tổ chức nào, luôn vui vẻ và tạo cảm giác thoải mái cho mọi người xung quanh. Họ luôn tạo ra kết quả tốt nhất trong công việc. Do đó, động lực đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.
2. Động lực đến từ nội lực và ngoại lực
Động lực được tạo nên bởi hai thành tố nội lực và ngoại lực. Ta hãy tìm hiểu đâu là yếu tố quan trọng tạo nên động lực cho mỗi người.
2.1. Nội lực là gì?
Nội lực hay còn gọi là động lực nội tại là những thứ xuất phát từ bên trong bản thân nhằm mang lại những kết quả và tạo ý nghĩa cho cuộc sống. Nội lực bắt nguồn từ việc tìm kiếm sự hài lòng từ bên trong và không dựa vào lợi ích bên ngoài. Nội lực có mặt ở rất nhiều yếu tố và dạng thức.
Nội lực thuộc về nhu cầu căn bản như ăn ,mặc, ở, hay nhu cầu tâm lý cấp cao hơn đều là những nội lực có sẵn trong chúng ta ngay từ ban đầu.
Một hình thức khác của nội lực đó là thái độ, một thứ được nuôi dưỡng bởi mong muốn thay đổi bản thân, và người khác.
Những người có loại nội lực này thường là những diễn giả truyền cảm hứng, họ lấy cảm giác tích cực và phấn chấn từ bản thân mình để truyền cảm hứng cho những người xung quanh và lan tỏa giá trị truyền cảm hứng.
Năng lực học tập cũng là một dạng thức của nội lực, dạng thức này đi sâu vào quá trình hơn là phần thưởng. Những người có loại động lực này có mục tiêu để trở nên tốt hơn và tìm thấy động lực bằng cách hoàn thành mục tiêu hoặc nhiệm vụ. Đây là động lực có giá trị lớn, sâu sắc và bền bỉ nhất.
2.2 Ngoại lực là gì?
Ngoại lực là những động lực đến từ xung quanh bạn. Đơn giản như những đoạn video truyền cảm hứng, diễn giả, đoạn quảng cáo hay bài báo truyền cảm hứng, bất cứ những gì từ bên ngoài tác động đến động lực của bạn.
Có rất nhiều dạng thức ngoại lực như phần thưởng, sự sợ hãi, quyền lực, kết nối và xã hội. Nhưng chúng đều mang tính chất “vô thường”, có thể đến và đi bất cứ lúc nào.
2.3 Mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực
Chúng ta hãy cùng phân tích một ví dụ để xét thấy mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực.
Một người chơi thể thao, anh ta tham gia cuộc thi tennis với mục tiêu đạt một phần thưởng lớn. Phần thưởng chính là động lực bên ngoài làm anh ta muốn phấn đấu.
Sau đó, anh ta đã trở nên nổi tiếng. Rồi dần dần, niềm yêu thích chơi tennis hình thành trong anh ta. Ngày qua ngày, anh ta hăng say tập luyện mà không kể tới nắng mưa, mệt mỏi. Để rồi cuối cùng, anh ta đã trở thành một huấn luyện viên và kiếm được rất nhiều tiền.
Từ ví dụ này cho thấy, việc tham gia cuộc thi và giành chiến thắng chính là do ngoại lực đến từ phía bên ngoài. Sau đó, tình yêu với môn thể thao là nội lực đến từ bên trong để giúp vận động viên này hăng say rèn luyện. Và quả ngọt chính là anh ta trở thành huấn luyện viên và kiếm được nhiều tiền.
Như vậy, nội lực và ngoại lực có mối quan hệ tương hỗ với nhau trong chặng đường đời của mỗi chúng ta. Điều quan trọng là ta biết lúc nào cần dùng ngoại lực và khi nào cần dùng nội lực. Tuy vậy, ngoại lực có thể mất đi bất cứ khi nào, sau cùng cũng chỉ còn lại đam mê, sở thích và tình yêu ở lại.
2.4 Động lực là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực
Động lực tác động đến bản thân ta, làm cho chúng ta có thêm hứng thú, mong muốn để phát triển bản thân, nỗ lực và cố gắng mỗi ngày. Chính vì vậy, tại mỗi thời điểm và mỗi một tình huống, chúng ta cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực.
Với một sinh viên, việc tìm động lực để học đúng ngành, tìm đúng việc và phát triển con đường sự nghiệp là một bài toán khá phức tạp. Tuy vậy, nếu biết cách và kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực thì bài toán ấy sẽ được giải một cách đơn giản.
Trong trường hợp này, cần yếu tố của ngoại lực như là việc tìm hiểu một ngành nghề mang lại thu nhập cao, có cơ hội thăng tiến và thuận lợi cho sự phát triển cá nhân.
Yếu tố ngoại lực cũng cần phải được áp dụng cho việc đặt các mục tiêu ngắn hạn như đạt học bổng, đứng top đầu trong lớp, hay là điểm cao trong từng lần thì học phần, tín chỉ….
Yếu tố nội lực lúc này cần phát huy cao, đó là thái độ nghiêm túc trong việc học tập hay phát huy năng lực tự học hết mình để đạt được mục tiêu mong muốn.
Vậy, lúc này sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực sẽ phát huy tác dụng cho động lực để ta trưởng thành hơn và đi đúng mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời hơn nữa.
Với một người đang đi làm, việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực cũng vô cùng cần thiết.
Thăng chức, tăng lương, được mọi người kính nể chính là những động lực từ ngoại lực mang đến. Nó cần thiết và vô cùng hữu ích.
Tuy nhiên, để hạnh phúc trọn vẹn cần phải có nội lực đến từ bên trong. Đó là thái độ cầu thị trong quá trình làm việc, việc luôn trân trọng, quý mến, và tôn trọng mọi người trong công việc hay sự chăm chỉ, nhiệt tình và sẵn sàng học tập để phát triển mình hơn là những yếu tố nội lực thật quan trọng để cho chúng ta làm tiền đề phát triển.
Việc dám nhận ra sai lầm và thừa nhận để sửa đổi, hay việc dám nhận những việc khó khăn và tập trung vượt khó để thực hiện và hoàn thành cũng là những yếu tố nội lực mà ta có thể áp dụng để phát triển cho sự nghiệp của chính mình.
Vậy, sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực một cách nhuần nhuyễn cũng chính là cách giúp ta phát triển sự nghiệp bền vững.
3. Cách để tăng động lực cho bản thân
Tăng động lực là điều cần thiết cho mỗi chúng ta để giúp ta phát huy hết mọi nguồn năng lực cần thiết nhằm phát triển bản thân và đi theo đúng sứ mệnh của mình. Ta hãy cùng tìm hiểu những cách để tăng động lực cho bản thân dưới đây.
Cách đầu tiên là hãy sống tỉnh thức trong mọi phút giây. Khi làm bất cứ một việc gì, hãy quan sát xem việc đó có làm ta hứng thú hay không, hay nó làm ta chán nản.
Hãy biến những việc đang làm bằng đam mê, sở thích trở thành tuyệt chiêu của riêng mình.
Từ đó, việc ấy sẽ là động lực cho bản thân ta bởi nó được vận hành bằng tình yêu thương và sự ham thích.
Ví dụ bạn thích viết lách, hãy biến nó thành công việc và nghề nghiệp của bạn như viết sách, làm blogger…. Nó sẽ luôn tạo hứng thú và làm bạn thích thú mà không hề chán nản.
Từ tình yêu với việc viết lách, ta làm nó bằng nội lực của chính mình với thái độ đúng đắn, nghiêm túc kết hợp với mục tiêu cụ thể - là ngoại lực cần thiết. Việc kết hợp hài hòa đúng lúc, đúng cách và đúng thời điểm sẽ tạo điều kiện để động lực thăng hoa mang lại cho ta nhiều giá trị.
Thứ hai, hãy hàm dưỡng tâm hồn mình bằng cách quay vào bên trong để luôn thấu hiểu mình. Việc quay vào bên trong là cách ta ươm mầm và tạo điều kiện để nội lực phát triển.
Kết hợp với những yếu tố ngoại lực như xem những video truyền cảm hứng, nghe sách nói, những bài nói chuyện của các diễn giả, hoặc bất cứ điều gì làm thức ăn cho tâm để hàm dưỡng tâm hồn.
Sự an yên từ bên trong sẽ tạo động lực to lớn để bản thân ta thực hiện bất cứ mục tiêu nào mong muốn. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội lực và ngoại lực để hàm dưỡng tâm hồn và quay vào bên trong, ta sẽ trở thành một phiên bản tuyệt vời hơn chính mình trước đó.
Thứ ba, hãy đặt mục tiêu của bạn gắn với mục tiêu của người khác, của thiên nhiên muôn loài. Ai cũng mong lợi ích cho mình, vậy hãy gắn lợi ích của cá nhân mình với thiên nhiên muôn loài thì ta sẽ có được sự an vui hạnh phúc thực sự.
Trong điều kiện bối cảnh trái đất đang nóng lên, thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước và nguồn điện đang bị cạn kiệt và hạn chế. Đặt mục tiêu tiết kiệm điện bằng cách tắt những bóng đèn không cần thiết hay vặn vòi nước chảy nhỏ để tiết kiệm và bớt tiêu tốn nguồn năng lượng mà mẹ thiên nhiên mang lại.
Hành động nhỏ ấy vừa mang lợi ích cho bản thân là tiết kiệm chi phí sinh hoạt, vừa lợi ích cho thiên nhiên muôn loài. Ở đâu đó, các em bé nhỏ sẽ có đủ điện để thắp sáng bóng đèn học tập, những loài vật sẽ có đủ nước để uống và sinh sống… Đôi khi, hành động nhỏ nhưng với mục tiêu gắn bó mang lại lợi ích chung thì sẽ đem đến những kết quả to lớn không ngờ.
Cuối cùng, luôn không ngừng học hỏi thêm nhiều điều mới lạ qua những chuyến du lịch, qua các khóa học phát triển bản thân bổ ích, các hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa và lợi lạc…
Sẽ có thật nhiều những điều tuyệt vời đến với ta và sẽ hun đúc cho ta những giá trị tuyệt vời của sự cho đi, sự khám phá. Từ đó, động lực sẽ tự đến để giúp ta thực hiện những điều bình thường một cách phi thường.
Nội lực và ngoại lực là hai thành tố tạo nên động lực để ta không ngừng cố gắng và phát triển. Hai yếu tố này bổ trợ nhau để tạo nên sự thành công cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu coi ngoại lực làm động lực chính thì sẽ rất dễ bị buông xuôi và mất động lực bởi ngoại lực có thể mất đi do tính chất vô thường.
Hãy tạo dựng động lực từ bên trong chúng ta bằng sự tỉnh thức, thói quen hàm dưỡng tâm hồn, đặt mục tiêu và không ngừng học hỏi để phát triển bản thân, ta sẽ có cuộc sống an vui hạnh phúc.
Nội dung:
Biên tập:
Hình ảnh: Văn Long
Comments