Ai trong chúng ta sinh ra cũng mang tâm thiện lương, chính nghĩa, khi gặp những hoàn cảnh yếu thế, ta luôn muốn dang tay để giúp đỡ người khác. Nhưng qua thời gian, xã hội càng phát triển thì chúng ta càng trở nên thận trọng, suy xét, cân đo đong đếm trong hành động.
Điều đó vô tình khiến chúng ta trở nên vô tâm. Làm thế nào để nuôi dưỡng lại tâm cho đi nhưng vẫn đầy sự hiểu biết. Blog 3 Gốc mời độc giả cùng đọc bài chia sẻ dưới đây của chị Trang Youme - Học viên Content 3 Gốc về chủ đề “Giúp người” nhé.
MỤC LỤC
1. Điều kỳ diệu của việc giúp đỡ người khác
Sự giúp đỡ, cho đi xuất phát từ tâm, lòng thương người thật sự thì không có lý do. Đó là nhu cầu tự thân và tự nhiên của mỗi chúng ta chứ chẳng cần động cơ, mục đích gì cả. Tuy nhiên, nếu muốn phân tích sâu thêm một chút, bạn có thể tham khảo một số lý bạn nên giúp đỡ mọi người nhu dưới đây:
1.1 Nâng cao giá trị của bản thân để tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình
“Sứ mệnh sinh ra trên cuộc đời của mỗi chúng ta là giúp chính mình và giúp những người xung quanh chúng ta tốt dần lên.”
Khi mở lòng giúp đỡ người khác, ta sẽ mở rộng được mối quan hệ xã hội của chính mình. Nhờ thế bạn trao đi yêu thương và những giá trị tốt đẹp của mình cho cộng đồng, điều đó sẽ giúp bạn nâng cao giá trị bản thân.
Khi mở lòng mình chia sẻ với người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác. Một người làm việc tốt nhưng lan tỏa được những thông điệp tích cực ra cộng đồng. Bên cạnh đó, mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
Khi làm việc tử tế, ta đang nuôi dưỡng lòng từ bi bên trong. Bạn sẽ có cảm giác tự tin, lạc quan và cảm nhận mình là một người có giá trị cho cuộc sống này. Giúp đỡ người khác hoặc tham gia hoạt động tình nguyện là cơ hội để gia tăng năng lực chuyên môn, nhờ thế bạn luôn trong tư thế làm chủ cuộc sống thay vì bị động.
Thông qua việc giúp đỡ người khác, ta cũng có thể học các kỹ năng mới hoặc khám phá những tài năng tiềm ẩn của mình, từ đó giúp bạn tìm ra ý nghĩa và giá trị cuộc sống của chính mình.
1.2 Hạnh phúc đến từ việc cho đi vô điều kiện
Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những hành động tốt, những việc làm tử tế khi giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện có thể cải thiện được sức khỏe tinh thần, thể chất và cảm xúc của mỗi người.
Các nghiên cứu chỉ ra việc tạo hạnh phúc cho người khác mà không mong đợi được đáp trả sẽ kích thích các trung tâm khen thưởng của não bộ. Chúng tạo ra cơ chế phản ứng bên trong tạo ra cảm giác dễ chịu. Ví dụ, hoạt động tình nguyện đã được chứng minh là giảm thiểu căng thẳng và cải thiện chứng trầm cảm, giảm đau và mang lại niềm hạnh phúc bền lâu hơn.
Alex Wong một bạn trẻ ở Hongkong đã mắc chứng rối loạn lưỡng cực do áp lực công việc căng thẳng, đặc biệt là vào ban đêm và không thể ngủ nếu không sử dụng các chất có cồn.
Khi đại dịch hoành hành, Alex Wong ngày càng cảm thấy chán nản và bị cô lập. Sau đó, anh đã đăng ký làm tình nguyện viên cho một tổ chức từ thiện chủ yếu giúp đỡ những người vô gia cư. Từ đó, sức khỏe và tinh thần của anh được cải thiện rõ rệt.
Anh nói: “Làm công việc này giúp tôi cảm thấy biết ơn vì những gì mình có. Những người bạn vô gia cư đã giúp tôi hiểu rằng tôi cũng có thể hạnh phúc, ngay cả khi mọi thứ không theo ý mình. Nhờ họ, tôi có một cái nhìn mới về ý nghĩa của việc hạnh phúc và viên mãn”.
Có thể nói rằng để tăng cường hạnh phúc và sức khỏe tinh thần không hề khó phải không nào?
1.3 Giúp người chuyển hóa là giúp mình Chuyển Nghiệp
Tham lam, ích kỷ, sân si là những đức tính xấu của con người. Nó chính là nhân, kéo chúng ta gây nghiệp xấu từ đời này sang đời khác. Chúng ta đã sinh ra và để sống trong thế giới thì ai cũng phải mưu sinh, ai cũng có những lo toan trăm bề để có được cuộc sống như mong muốn. Trong quá trình đó dù vô tình hay cố ý chúng ta cũng sẽ mắc phải những sai lầm và làm ra những điều không đúng.
Khi đó làm việc thiện sẽ giúp mỗi người có được sự sám hối và tạ lỗi một cách tốt nhất cho những việc sai trái mà chúng ta đã làm ra. Chúng ta làm việc thiện nguyện tức là đang đi gieo những hạt giống tốt đẹp, hạt giống lành thì nhất thiết sẽ cho ra quả ngọt.
“Từ thiện chính là Bồ Tát Hạnh, là một pháp môn tu hành. Chúng ta dùng việc bố thí, giúp người để quán chiếu cuộc sống, thấu triệt cõi thường, luyện tâm trong sạch, bỏ danh lợi cầu đạo mầu, từ đó mà giác ngộ, giải thoát. Đó mới chính là con đường cuối cùng, là mục tiêu lớn nhất của sự thiện nguyện.” - Giáo lý Phật Pháp
1.4 Mình giúp người thì người lại giúp mình
Cổ nhân từng nói rằng “Giúp người cũng là giúp chính mình”. Cuộc sống này ai có thể nói trước, biết đâu có lúc bạn sẽ gặp hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên hãy cứ chân thành giúp đỡ khi điều đó hoàn toàn nằm trong khả năng của bạn. Giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ chính mình.
Kinh Thánh nói: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận”. Ta thường mong chờ một điều gì đó thật lớn lao từ người khác, nhưng lại quên rằng chính ta cũng cần mang lại hạnh phúc cho người khác. Nếu ta luôn cảm thấy không hạnh phúc, tại sao bạn không thử “gieo trồng hạnh phúc” cho bản thân bằng cách làm nhiều điều tốt hơn, giúp đỡ người khác và cống hiến nhiều hơn?
Một vị doanh nhân thường lặng lẽ gửi tiền ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù vậy, ông không bao giờ xuất hiện mà luôn nhờ người khác liên hệ giúp mình, bởi ông không muốn các em biết mình là ai.
Có người hỏi nguyên cớ vì sao, ông đáp: “Một là để giữ gìn sự tôn nghiêm cho các em, để các em được giúp đỡ với lòng tự tôn. Hai là để các em không mang gánh nặng tư tưởng khi nghĩ tới việc báo đáp tôi thế nào”.
Người kia lại hỏi rằng: “Thế anh mong cầu điều gì?”. Ông nói: “Nếu chỉ để mong cầu thì có lẽ tôi đã không làm việc ấy. Những năm qua công ty tôi làm ăn khá thuận lợi, từ công ty nhỏ thành công ty lớn, từ công ty yếu thành công ty mạnh. Tôi luôn tự hỏi, phải chăng đó là ưu ái mà ông Trời dành cho mình? Bởi vậy, tôi làm chút việc tốt không phải vì muốn nổi danh, mà chỉ là để mình xứng đáng hơn”.
Kỳ thực những gì bạn làm cho người khác cũng chính là làm cho bản thân mình. Cho yêu thương, bạn sẽ gặt hái yêu thương; trao hy vọng, bạn sẽ tăng thêm hy vọng.
Vậy nên, nếu bạn muốn được yêu thương, thì trước tiên hãy yêu thương người khác, nếu bạn muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với họ. Giúp đỡ người khác chính là đang “gieo trồng hạnh phúc” cho mình.
2. 4 món quà tuyệt vời bạn có thể trao tặng người khác
2.1 Nên cho cần câu hay cho con cá?
Câu chuyện ngụ ngôn Con cá và Cần câu kể về ba chàng thanh niên tốt bụng, giúp đỡ cho 1 người ăn xin sắp chết đói.
Người thứ nhất, giúp bằng cách cho người ăn xin con cá, để qua cơn đói khát.
Người thứ 2, giúp cho người ăn xin cái cần câu với suy nghĩ rằng ông ta sẽ có thể tự câu cá mà nuôi sống mình.
Người thứ 3 thì dạy cách để câu cá cũng với suy nghĩ rằng, ông ta có cần câu và biết cách câu cá thì có thể tự nuôi sống mình được. Thế nhưng, cuối cùng thì đâu cũng hoàn đấy, người ăn xin cũng vẫn quay lại nằm ăn xin lay lắt bên đường.
Một nhà thông thái đã chỉ ra cho 3 chàng thanh niên cách tư duy lại trong cách làm của họ như sau:
Thứ nhất, người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu của ông ta, trở thành thói quen. Ông ta không có khái niệm tự đi kiếm miếng cơm manh áo, chỉ tâm niệm làm sao xin được miếng ăn mà thôi. Vì vậy trước tiên cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.
Thứ hai, không phải cứ thả mồi xuống là đã có cá. Đôi khi phải kiên nhẫn câu cả tiếng, cả buổi…có khi cả ngày không được con nào. Do vậy ông ta cần biết về bài học kiên trì.
Thứ ba, có một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó chính là niềm tin. Ông ta tin rằng, ông ta sinh ra đã mang phận ăn xin thì sẽ không làm gì được nên hồn cả. Do vậy cái mà người ăn xin thiếu không phải là công cụ, kỹ năng hay phương pháp mà ông ta thiếu thái độ đúng đắn!
Thông qua câu chuyện này, chúng ta cảm nhận được bài học sâu sắc về cách giúp người đúng đắn. Dưới đây mình xin chia sẻ một số cách giúp người đang phổ biến hiện nay, cùng những ưu và nhược điểm của từng phương pháp.
2.2 Những cách giúp người thường thấy
Trao tặng vật chất, tiền bạc
Đây là hoạt động thiện nguyện phổ biến nhất, và rầm rộ nhất. Từ việc quyên góp tiền chữa bệnh, tặng quà cứu trợ sau các đợt thiên tai, đến việc xây nhà, xây cầu, tặng sách vở, đồ chơi cho các đối tượng, hoặc những vùng khó khăn …
Ưu điểm: dễ làm, nhanh chóng, thỏa mãn ngay được nhu cầu thiết yếu
Nhược điểm: có thể làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, nảy sinh tâm tham - sân - si đối với người được nhận và cộng đồng xung quanh. Không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của khó khăn.
Giúp người có được nghề để tự nuôi bản thân
Đây là các hoạt động giúp những bạn trẻ, những người có hoàn cảnh khó khăn đóng tiền học phí, đào tạo nghề miễn phí, tạo công ăn việc làm hoặc hướng dẫn cách làm ăn sao cho hiệu quả.
Ưu điểm: Giúp tạo việc làm, thu nhập cho đối tượng cần, tạo sự ổn định cuộc sống
Nhược điểm: cần một khoảng thời gian dài hơn, tương lai có thành công hay không, tốt hay xấu thì chưa rõ. Nếu chỉ cho họ một công việc có thể kiếm sống qua ngày mà không giúp họ thay đổi được tư tưởng, thái độ tiêu cực, sai lầm lệch lạc thì cũng không giải quyết được nguồn gốc mọi nỗi khổ, niềm đau.
2.3 Bánh mì kẹp giáo dục
Đây là một trong những tuyệt chiêu rèn người của thầy Trần Việt Quân và Cộng đồng sống Tử Tế. Trước tiên, ta cần tìm hiểu sở thích, nhu cầu, mong muốn của đối tượng cần giúp đỡ.
Đó chính là những ổ “bánh mì” mà ta có thể dùng để lồng ghép những hoạt động giáo dục phát triển đạo đức - trí tuệ - nghị lực của người được ta giúp đỡ, ví dụ như:
Đọc sách, tóm tắt nội dung sách gieo hạt cùng vĩ nhân, trưởng thành cùng vĩ nhân.
Chơi game nhân quả
Nghe loa pháp thoại và trả lời câu hỏi
Tham gia một số khóa học hay như: chánh kiến, thiền …
Tham gia cùng thực hiện các việc làm cộng đồng như: cùng xây nhà, cùng xây cầu, cùng nhặt rác, vệ sinh môi trường …
Mục tiêu chính là: “Phải đưa được giáo dục Đạo Đức, Đạo lý vào trước, giúp họ tập tạo Phước (học & làm) trước khi nhận được Quà tặng vật chất”.
Giúp người có được nghề kèm với giáo dục đạo đức, lễ nghĩa
Bên cạnh việc giúp đỡ vật chất, giúp họ cơ hội học tập, hoặc dạy nghề, tạo việc làm cho họ, sẽ kèm thêm vào đó là giúp họ thay đổi được nhận thức, thái độ sống đúng đắn. Ví dụ kèm cho họ thói quen đọc/nghe sách hay, sách tinh hoa, và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Ưu điểm: Giúp người sống tốt hơn, không gây hại đến người khác và cộng đồng
Nhược điểm: Khó và cần một thời gian lâu dài và đôi khi chỉ mang tính cục bộ, và không đi được xa vì thiếu tầm nhìn. Chưa tìm ra cốt lõi của hạnh phúc.
Giúp người có được nghề kèm với trao giá trị sống, lý tưởng sống đúng đắn
Sử dụng khéo léo phương pháp ”Bánh mì kẹp giáo dục” để giúp họ chuyển hóa cả thân và tâm.
Phải cho họ con cá và cái cần câu cùng với sự hiểu biết chân chính, có niềm tin nhân quả, tin chính mình có khả năng chuyển hóa, mới mong giúp mọi người vượt qua khó khăn trong hiện tại và mai sau. Ví dụ như cùng họ tham gia các khóa học chánh kiến, các khóa thiền, tham gia các dự án cộng đồng của GNH.
Ưu điểm: Giúp tìm ra ý nghĩa cuộc sống, tìm được hạnh phúc thực sự, phát triển cả về đạo đức, trí tuệ, nghị lực. Biết lan tỏa điều đúng cho người khác. Với cách này, bản thân người giúp cũng cần rèn luyện mình phát triển cả 3 gốc: đạo đức - trí tuệ và nghị lực để làm gương.
Nhược điểm: Cần thời gian lâu dài và lòng kiên trì, trí tuệ của người thực hiện.
3. Bốn nhóm đối tượng cần giúp họ chuyển hóa
3.1 Những người có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ
Chúng ta thường nghĩ, đối tượng cần giúp là những người phải thực sự đang khó khăn, bế tắc, những người nghèo, khổ trong xã hội.
Nhưng liệu rằng, bản thân mình có đủ khả năng để giúp hết tất cả các đối tượng đó hay không? Chỉ một vài nhóm thiện nguyện, một vài dự án, một vài đợt quyên góp mỗi năm thì giúp được bao nhiêu người?
Nếu nhìn xa hơn, để giúp nhân rộng sự chuyển hóa của toàn xã hội thì những người nổi tiếng, những người đứng đầu của các tổ chức, những người có tầm ảnh hưởng lớn sẽ là những đối tượng ưu tiên số 1, cần được giúp đỡ. Khi những người có tầm ảnh hưởng lớn họ thay đổi được nhận thức, chuyển hóa được tâm thức, họ sẽ lan tỏa, nhân rộng được những giá trị đó cho cộng đồng.
Chẳng hạn như, ta muốn giúp đỡ những gia đình khó khăn trong 1 xã, 1 huyện hay 1 tỉnh, thì những người lãnh đạo, người đứng đầu, người có khả năng ảnh hưởng lớn sẽ là đối tượng ưu tiên cần giúp đỡ trước.
Hãy giúp họ tham gia các lớp học chánh kiến, sống khỏe thuận tự nhiên, các khóa thiền … giúp họ chuyển hóa được thân và tâm. Từ đó, với khả năng và sức ảnh hưởng của bản thân, họ sẽ tìm được cách để giúp đỡ những người dân trong khu vực quản lý của họ cải thiện cuộc sống tốt dần lên.
Nếu ta muốn giúp các em học sinh, sinh viên vượt khó, vượt khổ mà học tập tinh tấn và trở thành người tài đức, thì thầy cô giáo, những người lãnh đạo trường sẽ là những người ảnh hưởng lớn đến các em.
Hãy giúp các thầy, các cô và những người lãnh đạo của trường, những người đứng đầu ngành … hiểu về giá trị của việc đào tạo 3 gốc rễ nhân cách, trở thành những người dẫn đầu trong việc xây dựng nền giáo dục 3 gốc rễ …
“Để mỗi học sinh là một hạt mầm Trí tuệ
Để mỗi ngôi trường là một nơi đầy Hạnh phúc
Để Việt Nam là một nơi đầy Cống hiến và Tử tế”
- trích tâm nguyện của Trí Tuệ Việt Nam
3.2 Những người tiềm năng
Con đường tiếp cận đến những người có tầm ảnh hưởng mạnh, thường không phải dễ dàng vì nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nên đôi khi, ta phải chọn một con đường vòng, kiên nhẫn hơn một chút, đi xa hơn một chút.
Người tiềm năng, có thể họ không phải là người nổi tiếng hay người có tầm ảnh hưởng lớn, nhưng họ có thể làm cầu nối giúp ta có thể tiếp cận được với những người đó. Ví dụ, người thân trong gia đình, bạn bè hoặc lái xe của những người có tầm ảnh hưởng, chính là những người tiềm năng.
Hãy đồng cảm và giúp họ tìm được hạnh phúc tự thân, được nghe những bài pháp thoại, những cuốn sách nói về đạo lý, triết lý sống thuận tự nhiên, giúp họ đến với chánh kiến để chuyển hóa bản thân, và từ đó, lan tỏa ra những người xung quanh họ.
3.3 Nhóm người xung quanh ta
Với những người đang trong tình huống khẩn cấp, cần giúp đỡ ngay, chẳng hạn như: người đang chịu ảnh hưởng thiên tai, người gặp tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng hãy giúp họ hết sức, hết lòng, trong khả năng ta có thể.
Với những người khó khăn nhưng thụ động, người không phải trong tình trạng khẩn cấp ở trên, ta phải tìm cách đưa được giáo dục Đạo Đức, Đạo lý đi trước rồi mới tặng, giúp họ vật chất.
Dưới đây mình đưa ra một số tình huống áp dụng “Bánh mì kẹp giáo dục” vào nhóm người dễ tiếp cận nhất:
- Xây dựng thư viện và tặng sách: Trước khi tặng sách, xây thư viện ở một trường học hay một địa phương nào đó, hãy chọn lọc và đào tạo những người thủ lĩnh có tâm huyết.
Giúp họ biết cách duy trì và lan tỏa văn hóa đọc ở trường hay địa phương. Giúp họ biết cách lựa chọn sách tinh hoa, biết cách đúc kết sách và ứng dụng những bài học từ sách vào cuộc sống.
Cách này hiện nay đang được cộng đồng GNH thực hiện thông qua các dự án phát triển Văn hóa đọc như: Giờ đọc hạnh phúc, Hành trình kiến tạo VHĐ, Chiến binh VHĐ, VHĐ vùng cao…
- Xây nhà tình thương: Lần đầu đến thăm, khảo sát, bạn có thể tặng họ một món quà nhỏ. Yêu cầu họ cùng tham gia xây nhà tình thương cho các gia đình khác, khu vực khác trong khoảng 5 ngày, hay 10 ngày … thì sau đó sẽ tới lượt xây nhà cho họ.
- Xây cầu, làm đường cho các thôn / xã nghèo: Trước khi xây cầu tặng, bạn có thể tổ chức các hoạt động dọn rác, làm sạch môi trường sống xung quanh, trồng cây xanh … và theo dõi việc duy trì thói quen giữ gìn môi trường trong vòng 2- 3 tháng, nếu đạt chuẩn thì mới thực hiện việc xây cầu / đường tặng họ.
- Trao tặng tiền / quà / sổ tiết kiệm: Bạn có thể kẹp việc giáo dục cho gia đình người nhận, trước khi tặng quà cho họ bằng cách gửi cho họ một số cuốn sách tinh hoa, dễ đọc, hoặc gửi loa pháp thoại, và yêu cầu họ đọc hay nghe mỗi ngày và hẹn thời gian quay lại kiểm tra.
Nếu họ có thể trả lời câu hỏi liên quan nội dung của sách hay các bài pháp thoại, sẽ được nhận món quà lớn. Đó là phần thưởng xứng đáng dành cho những người thực sự biết nỗ lực vươn lên, đồng thời sẽ giúp họ tạo lập thói quen tự học tập thông qua đọc sách, nghe pháp thoại.
3.4 Giúp chính bản thân mình
“Hãy bắt đầu lòng nhân ái với chính bản thân mình”. Chỉ khi bạn khoan dung, độ lượng với bản thân, biết quan tâm đúng mức bản thân và cảm thấy hài lòng với chính mình, bạn mới có thể cảm nhận được những niềm vui từ bên ngoài. Nhờ đó bạn sẽ vui vẻ hơn, làm việc tốt hơn và luôn sẵn lòng quan tâm, chia sẻ với người khác.
Lắng nghe bản thân để nhận thức được dòng chảy tâm hồn mình. Từ đó mình sẽ có những cách điều chỉnh hoặc thay đổi thái độ sống cho thích hợp hơn.
Chăm sóc sức khỏe, rèn luyện 3 gốc rễ cho chính mình, củng cố các mối quan hệ thân tình, để nuôi dưỡng thân - tâm bạn khỏe mạnh. Lúc đó bạn sẽ luôn sẵn lòng chia sẻ yêu thương với những người khác.
Khi bạn đối mặt với khó khăn, chẳng hạn những căng thẳng ở cơ quan, lo lắng cho gia đình, hay những thói quen không tốt như nghiện rượu, nghiện thuốc … mà bạn có thể can đảm đứng lên, tự sửa chữa sai lầm và vượt lên chính mình. – lúc đó bạn đã trao tặng những người bạn yêu thương và cộng đồng một quà tặng quý giá.
4. Kết luận
Việc giúp người hay cho đi sẽ góp phần giúp thế giới quanh ta trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, giúp như thế nào, cho như thế nào để mang lại hiệu quả thì cũng cần có sự quan sát, phân tích, đúc kết và cải tiến cho phù hợp. Giúp người mà chỉ có Đạo đức, thiếu đi Trí Tuệ thì thường đem lại nhiều hậu quả hơn. Do đó, mỗi chúng ta muốn giúp ai đó cần chậm lại một nhịp để xem người cần giúp họ đang thật sự cần gì.
Bài viết mình xin dừng lại ở đây, cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc hết bài chia sẻ. Nếu có cảm nhận gì, hãy bình luận bên dưới cho mình biết nhé!
Nội dung: Trang Youme - Học viên Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments