MỤC LỤC
***
Suốt 30 năm bước đi trên một hành trình dài “Tôi đi tìm…Tôi", tôi không ngừng tự vấn “Tôi là ai trên cuộc đời này?
Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại ẩn chứa bao điều bí ẩn, thôi thúc mỗi người dấn thân vào hành trình khám phá bản thân đầy gian nan mà cũng vô cùng ý nghĩa, giúp ta nhận ra giá trị đích thực của chính mình và sống một cuộc đời trọn vẹn.
Hành trình tìm tôi bắt đầu sau tốt nghiệp đại học, từ một vùng núi khó khăn…
6 năm “cái tôi” mong cầu cuộc sống dễ dàng
Năm 1991 - tốt nghiệp đại học, tôi được phân công công tác tại một trạm thủy văn heo hút ở vùng núi huyện Nam Đông, phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đây là giai đoạn tôi làm việc tại một vùng núi khá heo hút, khó khăn đủ mọi thứ. Bởi nơi ấy không điện, không internet, không sóng di động, mọi thứ từ giao thông, môi trường học tập, sinh hoạt… đều thiếu thốn.
Lúc này, mong cầu thay đổi điều kiện ngoại cảnh trong tôi trỗi dậy, bởi vì quá chán nản với vùng núi này mà tôi đã thử đi tìm cơ hội mới cho mình ở Sài Gòn. Tôi một phần muốn thử một môi trường mới, nhưng một phần vẫn chưa muốn bỏ công việc cũ. Thế là, tôi nhờ đồng nghiệp - các anh em trong trạm thuỷ văn giúp tôi phần việc ở đơn vị.
Thời đầu năm 90, không như cuộc sống hiện đại bây giờ, các bạn có thể tưởng tượng cơ hội việc làm rất là khó, đất nước vẫn chưa phát triển và có nhiều cơ hội như bây giờ.
Cho nên với trình độ học vấn, kỹ năng của bản thân và môi trường công việc ở Sài Gòn thời ấy, tôi có thể chỉ kiếm được việc như là đạp xích lô, đi dạy kèm, lao động tay chân… Nhu cầu thực tế của thị trường lao động và chương trình đào tạo tại các trường đại học thời ấy có sự chênh lệch đáng kể.
Điều này khiến cho xin được việc ở Sài Gòn trở thành một thách thức lớn.
Để xin việc ở trong Sài Gòn với bằng tốt nghiệp của tôi là chuyên ngành Địa lý - Địa chất tại trường đại học Tổng hợp Huế là không khả thi lắm, có khi phải học lại một bằng khác.
Khi đặt chân vào Sài Gòn tôi vỡ lẽ ra những điều này, tôi cứ nghĩ vùng núi cao với điều kiện eo hẹp mới là khó khăn, nhưng đến với thành phố lớn thì khó khăn lại theo một cách khác.
Vừa vào đến Sài Gòn, sau vài ngày đi tìm việc gặp khó khăn, tôi đã bị ốm một trận tơi bời hơn nửa tháng. Ở Sài Gòn tôi không có chỗ ở, phải ở nhờ trong căn phòng chật hẹp của một người quen. Cơn sốt khá nặng khiến tôi kiệt sức trong những ngày đầu đặt chân đến vùng đất Sài Gòn sôi động.
Nhìn thành phố nhộn nhịp, tôi nhận ra mình chưa đủ nghị lực để bám trụ nơi đây. Thế rồi tôi quyết quay trở lại đơn vị tiếp tục công tác và chấp nhận môi trường sống ở vùng núi khó khăn, nơi mà tôi đã từng muốn chối bỏ.
Vậy mà, tôi đã trải qua 6 cái xuân xanh tại vùng núi khó khăn đó. Có lẽ hành trình 6 năm đó, bản thân tôi chỉ muốn về những gì nó dễ dàng, thoải mái. Lúc đó, tôi chưa xem điều kiện khó khăn là một món quà.
12 năm "cái tôi" là nỗ lực tự học để khẳng định mình
Sau 6 năm làm việc tại vùng núi, tôi được đưa đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở Hà Nội 10 tháng và sau đó được bố trí về làm việc tại Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Nam.
Nhờ sự kiên trì và nỗ lực, tôi dần dần nắm vững các kỹ năng tin học và trở thành người có chuyên môn cao trong đơn vị. Công việc cần phải sử dụng máy tính, phải am hiểu công nghệ. Mà khi ấy, tôi còn mù công nghệ thông tin, bởi ở trường đại học của tôi hồi đấy không đào tạo về lĩnh vực này.
Nhìn thấy máy tính là tôi sợ, tự ti không dám đến gần. Tôi ra sức tự học công nghệ thông tin bắt đầu từ tuổi 32 (hồi đó cả đơn vị chỉ có 01 cái máy tính để bàn cấu hình thấp, nối mạng băng thông rất thấp qua cab điện thoại).
Tôi mày mò học ngày học đêm bởi suy nghĩ “Mình đã quá chậm chân về công nghệ thông tin so với đồng nghiệp nên phải nỗ lực gấp nhiều lần”. Cũng may là bản thân có khả năng tự học nên tôi học cũng khá nhanh.
Tôi từng bước nắm vững các kỹ năng về tin học: tin học văn phòng, quản trị mạng, biên tập bản đồ số, viết phần mềm,… để ứng dụng hiệu quả vào công việc.
Thời gian ấy, tôi vừa làm việc hành chính buổi sáng, vừa tự mày mò vào buổi tối đến tận 2-3 giờ sáng liên tục cả tháng trời. Tôi thường xuyên thức khuya rồi thức dậy muộn vào buổi sáng nên hay đi làm trễ đầu giờ. Tôi cho là mình làm công việc hiệu quả nên được quyền đi trễ, không đúng giờ giấc cơ quan.
Thêm nữa, lúc này khả năng tự học của tôi được phát huy mạnh mẽ nên trong lòng tôi cứ mong muốn mình trở thành người xuất sắc trong đơn vị, muốn được ghi nhận. Từ đó, tôi sinh ra có phần tự cao, kiêu mạn. Tôi xem nhẹ ý kiến đồng nghiệp vì kỹ năng công nghệ thông tin của tôi bỏ xa các đồng nghiệp - những người được công tác ở thành phố, có điều kiện học tập thuận lợi.
Tôi tiếp tục làm việc tại đây trong vòng 12 năm, sau khoảng thời gian này tôi cảm thấy giảm động lực làm việc nên đi tìm cho mình môi trường mới để trải nghiệm nhiều thử thách hơn.
Tôi tiếp tục có được cơ hội để về thành phố Đà Nẵng, được công tác tại Trung tâm Phòng chống thiên tai Miền Trung và Tây Nguyên. Nhờ thói quen tự học không ngừng nghỉ, đã giúp tôi đạt hiệu quả cao trong công việc ở giai đoạn này.
Sau 12 năm trôi qua tại đây, tôi lại một lần nữa cảm thấy “giảm động lực” y như 12 năm trước, khi tôi còn công tác tại Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Nam.
2 năm "cái tôi" tìm thấy ý nghĩa cuộc đời
Tôi trăn trở, suy nghĩ về nguyên nhân của vấn đề giảm động lực công việc sau một thời gian dài công tác. Cho đến một ngày, tôi gặp được video của thầy Trần Việt Quân về ý nghĩa cuộc đời. Sau đó, tôi tham gia một số khóa học của thầy Quân, rồi tiếp tục khóa thiền 4 ngày, 10 ngày, khóa Lãnh đạo chính mình của cô Kim Sơn cùng nhiều khóa khác của nhân sự kế thừa và của các dự án cộng đồng.
Và rồi, tôi vỡ òa vì tìm thấy nút thắt của cuộc đời mình. Rằng nguyên nhân làm tôi giảm động lực làm việc không gì khác, là từ tôi, do chính tôi. Hóa ra lâu nay, tôi mải mê vun đắp tri thức để phục vụ cho chuyên môn mà quên đi phát triển tâm thức. Tôi chỉ cung cấp thức ăn cho thân, cho trí mà không chú tâm đến thức ăn cho tâm.
Nhận thức này đánh dấu một bước tiến mới trong hành trình phát triển tâm thức của bản thân.
Trước đây, dù bản thân đã nỗ lực hết mình, nhưng lần này khi gặp được cộng đồng sống tử tế GNH, được sống và làm việc trong môi trường “tam bảo” ấy thì cái tôi bản ngã của tôi thật sự bắt đầu được chuyển hóa.
Từ đó, tôi quyết định "quay về bên trong" vun bồi nội lực, chú ý quan sát tâm, vun bồi tâm phụng sự.
Tôi tham gia phụng sự trong các khóa Thiết kế 3 gốc, hiệu chỉnh video thầy Thích Tâm Thành (GNH giúp do thầy thiếu nhân sự). Dần dần, tôi trở thành thành viên cộng đồng sống tử tế GNH. Sự đóng góp của tôi vô cùng nhỏ bé nhưng tôi ý thức rằng đó là những việc cần làm và nên làm, đem đến cho tôi sự an vui.
Càng tham gia vào cộng đồng, tôi càng cảm nhận được sự kết nối yêu thương và giá trị sống tốt đẹp. Cộng đồng GNH như một mái nhà thứ hai, nơi tôi được sống trong môi trường "tam bảo": thầy hiền trí - tủ sách hay - nhóm bạn tốt.
Hành trình chuyển hoá cái tôi cần đi qua nhiều thử thách, nhờ những bài học sau những lần vượt qua mà ta càng nhìn thấy cái tôi của mình rõ ràng hơn.
30 năm - một hành trình đầy biến động, tôi đã đi từ "cái tôi" đầy bản ngã, chông chênh trong hoang mang, đến với "cái tôi" trưởng thành, an yên và hạnh phúc.
Chỉ khi đến với cộng đồng GNH, tôi mới nhận ra giá trị đích thực của bản thân, biết ơn, biết yêu thương và biết cho đi. Nhờ vậy, tôi tìm thấy niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
Biết ơn thầy Trần Việt Quân, cô Kim Sơn và cộng đồng GNH đã cho tôi bắt đầu nhận biết "tôi là ai" trong cuộc đời này. Tôi nguyện là viên gạch nhỏ, góp phần xây dựng con đường phát triển cộng đồng sống tử tế ngày càng lớn mạnh, rộng khắp, mang lại nhiều giá trị sống cho đất nước, cho cộng đồng.
Hành trình "Tôi đi tìm... Tôi" vẫn đang tiếp diễn, nhưng giờ đây tôi đã có kim chỉ nam cho riêng mình, biết mình cần phải vun bồi những gì để ngày càng hoàn thiện bản thân.
Bạn ơi, hãy bắt đầu hành trình khám phá bản thân ngay hôm nay! Hãy dũng cảm đối mặt thử thách, vượt qua giới hạn để tìm thấy giá trị đích thực của chính mình. Hãy tự khích lệ tinh thần khi đã tìm đúng hướng đi. Hãy vun bồi nội lực, chuyển hóa 3 độc thành 3 gốc, văn - tư - tu mỗi ngày.
Bạn có đang được truyền cảm hứng từ chính câu chuyện của tôi không, hãy cho tôi biết ở phần bình luận bên dưới!
***
Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé!
Nội dung và hình ảnh: Lê Văn Khoa - Học viên Content 3 Gốc K7
Biên tập: Khánh Vi
.