“Nếu bạn không lắng nghe mình, thì ai sẽ lắng nghe bạn?
Mục lục
2. Lắng, nghe và hiểu rõ mình
3. Lời kết
Năm tháng trượt dài trong vô vọng
Có bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng đến tuyệt vọng?
Khi đó chỉ muốn có ai đó, dang rộng vòng tay ra và cứu bạn ra khỏi cơn bão cảm xúc này. Và cơn bão ấy kéo đến khi tôi 18 tuổi - độ tuổi lưng chừng của những quyết định, những ngã rẽ cuộc đời. Cơm ăn chưa no, lo chưa tới, vừa tốt nghiệp cấp 3 và rớt Đại học, việc đó làm cho ba mẹ tôi thất vọng rất nhiều. Đặc biệt là ba tôi – người lao động chính trong nhà, ông thường đi sớm về khuya vì công ty khá xa, đến tận 25 cây số.
So sánh bạn bè tôi đứa nào cũng có danh có phận, đứa sinh viên trường y này, đứa sinh viên trường công nghiệp, đứa thì học báo chí… kèm theo áp lực bởi những kỳ vọng của ba mẹ và định kiến của xã hội, khiến tôi ngạt thở và chênh vênh.
Không học đại học hay cao đẳng sẽ bị bắt buộc tham gia nghĩa vụ. Đại học đã khép lại với tôi, chỉ còn cánh cửa cao đẳng khuất xa mờ tịt. Tôi sợ đi nghĩa vụ. Mặc dù lúc đó tôi cũng không biết nó là gì. Chỉ nghe mọi người nói lại là nó rất cực, tốn thời gian và công sức, mà kết quả chẳng bằng ai nên thoạt nghe là tôi đã chẳng muốn dính vào. Sự lo sợ vô hình trỗi dậy như những cột khói xám mù che phủ tầm nhìn. Tôi cặm cụi tìm trên internet hàng giờ liền để tìm cho mình ngôi trường phù hợp và biết được 1 trường chỉ xét điểm lớp 12 đầu vào, nên tôi chuẩn bị hồ sơ nộp vào và may mắn tôi phù hợp.
Khi ấy chưa hiểu rõ mình đam mê gì, sở thích ra sao, xu hướng tính cách là gì nên tôi chọn đại ngành công nghệ thông tin – kỹ sư phần mềm mà người ta hay gọi là IT để học. Tôi chọn vì nghĩ mình đó giờ cũng tiếp xúc nhiều với máy tính, cái game này, xóa phần mềm nọ. Tôi hoàn toàn không dựa trên sự lắng nghe để hiểu biết về bản thân một cách sâu sắc, hay dành một giây một khắc nào suy nghĩ cho thấu đáo.
Và rồi chuyện gì tới cũng sẽ tới, tôi trả giá cho hành động thiếu hiểu biết của mình. Bạn bè tôi như những siêu nhân. Chúng nó học một hiểu mười: Sáng học lý thuyết tối về đã viết được những đoạn code cho tính năng mới của phần mềm. Còn tôi dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn không thể đuổi kịp hay kết duyên được với những ngôn ngữ lập trình logic tới bực mình như C sharp, C#...
Nhiều lần tôi có những suy nghĩ cực đoan như tự ép buộc mình rằng phải hoàn thành khóa học bất chấp cách tà đạo hay chính đạo miễn sao được qua môn và tốt nghiệp. Nhưng đâu đó trong tôi bảo vậy là không ổn. Điểm số ngày càng tệ, tôi bị nợ lại vài môn. Trên hết tôi đánh mất sự tự tin với bản thân, với ngành học và với chúng bạn.
Và rồi tôi xin ba bảo lưu ngành học vô thời hạn, vì lý do "con không hợp với ngành này". Mặc dù đã học tới 5/7 kì còn khoảng nửa năm nữa là tôi tốt nghiệp, trở thành một anh kỹ sư phần mềm, sẽ đi làm và nhận một mức lương khá khẩm vì lúc đó công nghệ thông tin là một ngành học “hot” đang đói khát nhân lực.
Quyết định ấy như tiếng sét đánh ngang tai ba tôi và gia đình. Thất vọng kia chưa nguôi đã kèm thêm thất vọng mới. Tiền học những năm tháng qua là mồ hôi công sức của ba và mẹ tôi, nay đành đổ sông đổ biển. Ba mẹ mất niềm tin nơi tôi, hơn hết là tôi mất niềm tin với chính bản thân và khả năng của mình.
Chị hai cũng khuyên tôi là học lại đi, chị hỗ trợ tiền học nhưng nào biết tôi bỏ cuộc không phải vì lười mà là ngành này không phù hợp với tôi. Cho dù cố gắng ép buộc, tôi cố gắng học rồi tốt nghiệp thì cũng sẽ trở thành một anh kỹ sư phần mềm tồi. Nhưng cuối cùng vì thương tôi nên ba đành chiều ý.
Tôi làm hồ sơ bảo lưu vỏn vẹn trong một ngày dưới ánh mắt ngỡ ngàng và tò mò của chúng bạn.
Lúc đó chuyện tình cảm của tôi cũng không được suôn sẻ. Tôi hay trách cô ấy không hiểu và nâng đỡ tôi đúng mực nhưng nói thật ra, đến tôi còn chưa hiểu rõ mình, lấy gì mà bắt người ta phải hiểu mình. Sau đó tôi và cô ấy cũng chia tay và tôi là người chủ động nói những lời ấy.
Cùng khoảng thời gian đó, sức khỏe của tôi cũng có vấn đề. Tôi mắc một căn bệnh về phổi và phải điều trị dài hạn. Mặc dù tôi không hút thuốc, cũng chả uống rượu, lại còn khá trẻ. Bác sĩ nào cũng lắc đầu thương hại cho tôi.
Học sinh cấp 3 ở nước ngoài, sau khi tốt nghiệp trung học, họ có một năm “Gap year” để đi du lịch, thiện nguyện, tìm hiểu sở thích, đam mê hay xu hướng tính cách của mình, trước khi ra quyết định lớn cho việc chọn ngành bậc Đại học. Tôi cũng có một năm như thế.
Năm "Gap year" của tôi không có tiếng cười, không bạn bè, không có những trải nghiệm, hay đến những vùng đất mới lạ, mà chỉ ở nhà trị bệnh và không làm gì cả.
Năm “Gap year” của tôi là những con số không tròn trĩnh. Không sự học, không công việc, không bạn gái, không gia đình và không sức khỏe.
Tôi nằm co ro và ngủ li bì trong căn phòng khoảng 10m2 với cửa khóa then cài. Không tiếp xúc lấy một ai, cơm bưng nước rót mỗi ngày từ mẹ. Mẹ tôi luôn chỉ nghĩ tôi lười, ham ngủ và dưỡng bệnh. Đến giờ khi nhìn lại, tôi nghĩ lúc đó mình bị trầm cảm. Cảm giác không hẳn là cô đơn mà nó là cảm giác của sự tê liệt; của những cảm xúc lưng chừng không xác định; là sự tổng hòa của một chút tiêu cực, một chút chán chường, một chút buồn bã và một chút tự trách mình…
Lắng, nghe và hiểu rõ mình
Hơn nửa năm trôi đi vô nghĩa, tháng 7, tháng 8 rồi đến tháng 9, không có gì tốt đẹp xảy ra. Cho đến khi một lần vô tình tôi nghe thấy một đoạn pháp thoại về sự khổ đau và chuyển hóa từ thầy Thích Phước Tiến. Càng nghe tôi càng sáng ra, lúc đó tôi bừng tỉnh và tiếp tục nghe ngấu nghiến các bài pháp thoại khác của thầy và những bậc minh sư khác. Rồi tôi quyết định thay đổi.
Thay đổi không phải con người bên ngoài mà là thay đổi con người bên trong. Tôi lắng nghe bản thân nhiều hơn thông qua phương pháp thiền, học được từ Sư ông Thích Thanh Từ, tôi ngồi thiền liên tục mỗi ngày lúc 5 giờ sáng. Khi tâm trạng tốt hơn, tôi đi tập Gym và lao mình tìm hiểu tính cách, sở trường và đam mê của mình qua những phương pháp như DISC, MBTI, thần số học, các chòm sao… Các bài trắc nghiệm cung cấp cho tôi cái nhìn đa chiều về bản thân mình. Tôi phát hiện ra mình có khả năng lớn về mỹ thuật và sáng tạo. Tuy vẫn chưa rõ rệt nhưng đủ để cho tôi lấy lại phần nào sự tự tin và hy vọng.
Tôi quyết định đi học lại nhưng với một chuyên ngành hoàn toàn mới ở trường đang bảo lưu. Đó là ngành thiết kế đồ họa. Trong khoảng thời gian chờ khóa mới, tôi đi làm thêm nhiều vị trí công việc với đứa bạn thân, đi những chuyến đi phượt đầu tiên. Điều đó giúp tôi trở nên khoan khoái và trải nghiệm được nhiều bài học giữa người và người. Bệnh tình tôi cũng dần hồi phục, những cơn đau thắt ngực không còn hiện diện, những cơn ho sặc sụa cũng không còn. Tôi chính thức bước vào một ngành học mới, ngành học chính mình đã chọn, đã đầu tư thời gian tìm hiểu bằng cách lắng nghe con tim mình.
Vào ngành thiết kế đồ họa, tôi như "cá được gặp nước". Những kiến thức, bài tập về đồ họa trở nên dễ hiểu và gần gũi với tôi đến kì lạ. Một phần vì thương ba mẹ tôi muốn học tốt, một phần tôi được về đúng với môi trường của mình nên cả 7/7 học kì, không học kỳ nào mà tôi không nằm trong top những học sinh xuất sắc. Có kì thuận lợi tôi xếp hạng 2 khối đồ họa toàn trường chỉ sau bạn đứng nhất với nửa điểm. Rồi tôi được vào vai của một leader dẫn dắt team mình hoàn thành đồ án và tốt nghiệp. Tiếp theo đó là chặng đường hơn 5 năm tầm sư học đạo của tôi trong ngành thiết kế mỹ thuật và sáng tạo. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ về khả năng của mình. Nếu có chỉ là còn những hạt giống nào mà tôi chưa vung vén để nó đơm hoa kết trái.
Khi kết quả trở nên khả quan, ba mẹ cũng dần yên tâm và có niềm tin về tôi. Ba tôi có khi còn khen con trước mặt bạn bè. Trước 3 tháng tốt nghiệp tôi gặp lại người thương, chia sẻ chân thành những khó khăn trước đó, lý do tôi chia tay. Cô ấy cũng chân thành lắng nghe và giải bày với tôi. Thời điểm đó, bệnh phổi cũng hoàn toàn lành hẳn và tôi tốt nghiệp thuận lợi. Mọi thứ đổi thay diệu kỳ, tôi như từ bóng tối tuyệt vọng bước ra ánh sáng đầy hi vọng.
Lời kết
Cám ơn bạn đã đọc tới những dòng chữ này, những hàng chữ dài ngoằn cũng như cuộc hành trình lắng nghe bản thân của tôi. Chắc chắn nó sẽ không dừng lại.
Nếu lúc trước tôi không có những giây phút tĩnh lặng, tư cách biệt mình với xung quanh, tự chữa lành và định tĩnh suy xét; không mời được vị thầy bên trong (Inner teacher) mình lên, giao tiếp với mình, để tỏ tường sự việc thì chắc đến giây phút này tôi cũng chỉ là một "con cá khô" không rõ mình là ai, có đam mê, sở trường và nghề nghiệp gì.
Có lắng mới có nghe, nghe tiếng gọi của con tim thay cho khối óc vốn được thuần bởi xã hội, môi trường và đặc biệt là những người nuôi ta, đã gò ta vào một khung cứng nhắc, bất định. Hiểu rõ “mình” ở đây có 2 ngữ nghĩa. Một “mình” là ta, là tôi, là cái thân bạn đang sở hữu. Hai là "mình" tên gọi thân thiết với những người thương, vợ chồng, người bạn thân thiết bên ta. Hiểu ta cũng chính là hiểu “mình”. Hiểu “mình” cũng chính là hiểu ta.
Hiểu "mình" thì chính hiểu ta
Hiểu ta cũng chính hiểu “mình” mà thôi
Một mai tâm rõ, lắng soi
Tựa bình minh mới, tinh khôi đầu ngày.
Nội dung: Trọng Nguyễn - Học viên Content 3 gốc K3
Biên tập: Nhàn Lý - Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments