top of page
Writer's pictureNhàn Lý

CÁCH LUYỆN TUYỆT CHIÊU BÁCH PHÁT BÁCH TRÚNG

Updated: Mar 18

Có phải bạn đang thấy năng lực của mình rất làng nhàng?

Nghĩa là bạn biết rất rất nhiều thứ nhưng nhìn đi nhìn lại thì chẳng thấy mình thật sự giỏi điều gì cả. Cái gì cũng nắm sơ sài, hời hợt và thiếu sự sâu sắc. Điều đó khiến cuộc sống và công việc của bạn gặp khá nhiều rắc rối. Đôi khi bạn thấy chán nản với những điều mình đang làm.


Nếu lúc này bạn mong muốn xây dựng cho mình sở trường - thế mạnh riêng để khẳng định bản thân thì còn chần chờ chi mà không cùng Blog 3 gốc đọc bài viết này?


Nhanh thôi, bạn sẽ biết cách luyện TUYỆT CHIÊU để trở nên xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào bạn muốn nhé!





MỤC LỤC

-----------------

1. Thiếu tuyệt chiêu cuộc đời dễ liêu xiêu


Trong sách Cổ học tinh hoa có câu chuyện “Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong ba trăm người ấy, có Đông Quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn. Đến khi vua Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông Quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước”.


Câu chuyện trên hàm ý rằng ta có thể tận dụng những cơ hội tốt để mưu sinh nhưng nếu không tự trau dồi tuyệt chiêu thì cuối cùng sẽ bị đào thải. Trong cuộc sống cũng vậy, nếu ta thiếu lợi thế về điểm mạnh, sở trường và nâng điều đó thành tuyệt chiêu ta vẫn có thể sống một cuộc đời bình thường. Nhưng ta sẽ dễ liêu xiêu trước những biến cố lớn.


Vậy tuyệt chiêu là gì mà có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của ta như vậy?


1.1 Tuyệt chiêu là gì?


Tuyệt chiêu là kỹ năng mình giỏi nhất, phương pháp mình thành thục nhất, chiến lược đặc biệt nhất khiến mình mang lại hiệu quả nhất một cách dễ dàng. Đó cũng là kỹ năng - phương pháp - chiến lược khiến mọi người nhớ ngay đến mình và lập tức muốn mình giúp đỡ khi họ gặp vấn đề liên quan.





Ví dụ bạn là người rất am hiểu về máy tính, điện tử. Chỉ nhìn qua thôi bạn đã thấy được vấn đề. Nhiều người gặp trục trặc mang nhiều nơi không sửa được nhưng vấn đề đó bạn giải quyết nhanh chóng và ngon lành. Điều đó khiến khách hàng luôn nhớ đến bạn, thậm chí người xung quanh gặp vấn đề về máy tính, lập tức họ giới thiệu bạn.


Từ thực tế trên, chúng ta thấy rằng nhờ có tuyệt chiêu mà ta tối ưu hiệu suất, sáng tạo - đột phá và giải quyết vấn đề rất hiệu quả. Từ đó có thể nói tuyệt chiêu là một lợi thế cạnh tranh - một điểm nổi trội, chỉ riêng mình có. Điều đó giúp ta được lựa chọn và có quyền chọn lựa trong công việc và cuộc sống hàng ngày.


1.2 Tại sao thiếu tuyệt chiêu - cuộc đời dễ liêu xiêu?


Nếu bạn muốn phát triển sự nghiệp một cách xuất sắc thì việc tất yếu là bạn cần phải luyện cho thành thục kỹ năng, tạo sự vượt trội so với những người cùng chuyên môn với mình. Nhất là trong giai đoạn kinh tế thoái trào, nhiều doanh nghiệp đồng loạt cắt giảm nhân sự. Nếu bạn không sở hữu những lợi thế, kỹ năng đặc biệt, bạn không giỏi tuyệt chiêu thì bạn sẽ phải đối diện với các tình huống sau đây:





Hiệu suất thấp - khó thành công

Năng suất giải quyết vấn đề thấp có nhiều lí do nhưng quan trọng nhất đó là do kỹ năng, kinh nghiệm của bạn dậm chân tại chỗ. Vì kỹ năng không được cập nhật thường xuyên, thiếu sự thành thục vượt trội nên xử lý vấn đề mất nhiều thời gian, chất lượng thấp nên sẽ không được cấp trên tín nhiệm.


Chán việc - chán đời

Làm việc không năng suất, khó thành công sẽ sinh ra hệ quả là chán việc, chán đời. Vì chán nản, không có năng lượng nên hiệu suất càng thấp, con đường phát triển càng chật vật. Sự luân hồi cứ lặp đi lặp lại khiến bạn dễ rơi vào hoàn cảnh “bị đào thải”.


Dễ bị đào thải

Tất nhiên rồi, nếu bạn không mang lại giá trị thì bạn sẽ bị quên lãng. Trong khi lớp lớp người học tập và nỗ lực, sáng tạo và phát triển, bạn vẫn dậm chân tại chỗ vì chán nản, vì năng lực hạn chế thì bạn sẽ bị đào thải - đó là sự thật.


2. Vì sao ta chưa có tuyệt chiêu?


Có một quy tắc 10.000 giờ rất nổi tiếng với công thức là:

20 giờ x 50 tuần x 10 năm = 10.000 giờ

8 giờ x 5 ngày x 52 tuần x 4.8 năm = 10.000 giờ

Như vậy cứ bỏ ra 10.000 giờ ta đã trở thành một chuyên gia?


Không đâu!

Rất nhiều người vẫn đều đặn đi làm ngày 8 tiếng. Công việc đó kéo dài 5, 10 năm thậm chí 20, 30 năm hoặc đến khi nghỉ hưu nhưng họ vẫn chẳng có bứt phá trong công việc, chẳng ai nhớ đến chuyên môn của họ.


Nếu vậy công thức 10.000 giờ đã sai?


Cũng không hẳn!

Hãy tự hỏi lòng mình “Ta làm công việc đó vì yêu thích hay vì tiền bạc?”. Bạn sẽ nhận ra mấu chốt ở đây đó chính là sự tâm huyết, tập trung và có cải tiến. Tâm huyết chỉ có được khi ta đam mê công việc. Từ đam mê đó ta dành thời gian làm đi làm lại nhiều lần, làm quên thời gian để biến thao tác thành sở trường.




Trước khi bạn muốn rèn luyện kỹ năng nào đó, bạn cần biết đam mê, sở trường của mình là gì. Khi bạn đam mê, bạn sẽ thấy mình “làm như chơi”, càng làm càng hứng thú, càng làm càng hăng say. Gặp khó khăn không nản bởi những thách thức giống như trò chơi mà bạn cần vượt qua và bạn có thể ngồi hàng giờ liền, quên ăn, quên ngủ cùng với nó. Khi vượt qua rồi bạn có nguồn động lực dồi dào để đi tiếp, tiến sâu hơn. Từ đó bạn sẽ nhận ra điểm mà bạn mạnh nhất trong lĩnh vực đó (có thể hiểu nôm na như là thị trường ngách riêng của bạn vậy) và phát triển nó một cách sâu sắc. Đây là lý do xuất hiện “những kẻ xuất chúng”.


Đến đây bạn đã biết lí do vì sao mình chưa sở hữu tuyệt chiêu chưa? Đó là bởi vì bạn chưa thực sự đam mê và dành thời gian để biến mọi thứ thành sở trường. Nhưng đừng buồn, bởi vì ngay dưới đây bạn sẽ có được tuyệt chiêu để luyện tuyệt chiêu trong mọi lĩnh vực bạn muốn.


3. Công thức luyện tuyệt chiêu bách phát bách trúng


Làm sao tạo cho mình lợi thế cạnh tranh trước cơn bão thất nghiệp? Làm sao để trở nên xuất sắc khi mình không có kỹ năng đặc biệt và đầu tư thời gian để biến nó thành thứ giỏi nhất? Bí quyết là hãy luyện tuyệt chiêu!


Công thức luyện tuyệt chiêu là:

TUYỆT CHIÊU = SỞ TRƯỜNG + ĐAM MÊ

TUYỆT CHIÊU = RÈN LUYỆN 10.000 GIỜ


Trong đó:

  • Sở trường: Cái mà bạn làm dễ dàng, ít cố gắng nhưng vẫn hơn người khác, có thể là cái bạn đang làm giỏi, kinh nghiệm tích lũy lâu năm

  • Đam mê: Cái mà bạn có thể làm quên thời gian, không tính toán, say mê lâu dài

  • 10.000 giờ: Thời gian luyện tập tối thiểu để biến điều yêu thích thành thế mạnh nổi bật

Công thức 1 dành cho những người đã xác định được đam mê - sở trường; công thức 2 chủ yếu dành cho những người chưa biết mình giỏi gì, thích gì. Tuy nhiên dù đối tượng nào thì cũng đều cần kết hợp cả 2, tùy vào từng giai đoạn mà công thức nào được nhấn mạnh hơn.


3.1 Rà soát đam mê - xây dựng sở trường


Để nhìn nhận lại đam mê sở trường, bạn sẽ cần thời gian rà soát lại toàn bộ cuộc đời mình, đó là hành trình “tôi đi tìm tôi” cần nhiều suy ngẫm và trăn trở.





Xác định đam mê - sở trường

Khi bạn làm điều gì đó mà càng làm càng tạo niềm vui cho chính mình thì đó là đam mê. Nói cách khác đam mê là khi bạn làm, bạn nghiên cứu gì đó xuyên thời gian, không quan trọng tiền bạc, cứ rảnh là bạn làm, bất chấp khó khăn và trở ngại. Nó được thể hiện thông qua những mong muốn, nhu cầu tiềm ẩn, những khát khao, ước mơ theo bạn rất nhiều năm trời.


Sở trường là năng khiếu, mặt mạnh, thứ bạn làm rất ít nhưng dễ dàng cho ra kết quả, làm như chơi nhưng vẫn giỏi hơn người. Bạn thể soi chiếu qua những công cụ bên ngoài như tử vi, sinh trắc vân tay, DISC, 8 loại thông minh…và lắng nghe chính mình để biết năng khiếu của bản thân là gì. Quan trọng nhất, bạn cần suy ngẫm đúc kết những công cụ đó với kỹ năng, kinh nghiệm, kiến thức mình đang sở hữu để tìm ra điểm cốt lõi, chi phối mạnh mẽ nhất.


Ví dụ bạn có thể lập danh sách những điều mình thích và điều mình giỏi để biết mình có lợi thế về ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa hay tư duy logic, suy luận, thích tương tác và khám phá. Việc xác định được điều mình thích và cái mình giỏi là cơ sở để bạn rèn luyện, xây dựng thành tuyệt chiêu, giúp bạn dễ dàng thăng hoa trong công việc.


Để tìm ra đam mê, sở trường bạn cần thấu hiểu chính mình. Bạn cần một không gian yên tĩnh, thoải mái và trả lời các câu hỏi sau:

- Học gì?: Bạn cần quan sát xem trong cuộc đời mình môn học, ngành nghề nào bạn yêu thích; vị thầy nào ảnh hưởng đến bạn; cuốn sách nào bạn thích đọc, bộ phim thích xem; bản thân bạn đã có thành tựu gì.

- Làm gì?: Hãy tự hỏi lòng mình bạn thích làm gì; bạn làm gì thấy vui và quên thời gian; lúc rảnh rỗi (Thứ 7, chủ nhật) bạn muốn làm gì; Bạn đã có thành tích gì trong công việc.

- Chơi gì?: Từ nhỏ đến giờ trò chơi gì khiến bạn thấy vui và quên thời gian; hoạt động nào bạn thích tham gia; bạn đã có thành tích gì...

- Trăn trở gì?: Bạn cần xác định mục tiêu, mong muốn, ước mơ, lời cam kết hoặc trải nghiệm lớn của bản thân mình.





Sau khi trả lời tất cả những câu hỏi trên, bạn hãy quan sát điều gì có xu hướng lặp đi lặp lại thì đó chính là đam mê, sở trường của bạn. Bạn cùng có thể nhờ những người đồng hành đánh giá 360 độ giúp soi rõ điểm mạnh - yếu để thấu hiểu bản thân mình hơn.


Đam mê - sở trường gắn với 3 gốc

Tuy nhiên, bạn cũng cần quan sát đa chiều để thấy rằng có rất nhiều người có đam mê - sở trưởng nhưng họ lại trở thành mối nguy hại cho xã hội, thiên nhiên. Nếu nâng tầm kỹ năng của họ thành tuyệt chiêu, chắc chắn sẽ tạo nghiệp xấu cho muôn loài. Chưa kể cuộc sống của họ có đủ danh vọng - vật chất nhưng không cảm thấy bình an.


Vì vậy, bạn cũng cần lưu ý rằng đam mê - sở trường của mình cần phải mang lại lợi ích xã hội. Nghĩa là đam mê - sở trường đó nên được điều chỉnh theo hướng 3 gốc, đi theo ý nghĩa cuộc đời của bạn. Điều bạn thích, thứ bạn giỏi không gây hại người khác, không tổn hại muôn loài và rất cần mang lại sự hài hòa cho tự nhiên - cái nôi của sự sống muôn loài.





Tóm lại để tuyệt chiêu của bạn 3 gốc, bạn cần có sự giao thoa giữa đam mê - sở trường - lợi ích xã hội bạn nhé!


Kiến tạo 3 báu vật

Để phát huy được sở trường, bạn cần tìm cho mình vài vị thầy hiền trí, môi trường cộng đồng và sách hay trong lĩnh vực mà bạn mong muốn rèn luyện để theo dõi và học hỏi.


Với kiến thức mới học hỏi được bạn cần tư duy và phản biện, đặt ra cho mình những câu hỏi “Tại sao?”, “Liệu rằng nó đã đúng chưa?”. Lối tư duy phản biện giúp bạn nhào nặn, hiểu sâu sắc kiến thức, đúc kết những giá trị để bạn thực hành vào cuộc sống, công việc. Kỹ năng tự học qua quan sát - phân tích - đúc kết chắc chắn sẽ giúp ích cho bạn trong vấn đề này.


Sau đó, bạn đừng ngần ngại chia sẻ trăn trở của mình với đồng đội và nhờ họ đưa ra góc nhìn để thấu hiểu bản thân hơn. Chia sẻ những gì áp dụng được cũng sẽ giúp bạn có nhiều góc nhìn khác nhau để phản biện lại chính mình. Lặp đi lặp lại quá trình này bạn sẽ tìm ra cốt lõi của vấn đề mình đang nghiên cứu, bạn có thể nhuần nhuyễn sử dụng nó một cách linh hoạt.





Mong muốn, khao khát sở hữu tuyệt chiêu là từ chính bạn. Nhưng môi trường tam bảo sẽ nâng đỡ, giúp bạn soi sáng chính mình để con đường trở nên xuất sắc ngắn hơn, ít chướng ngại vật hơn.


3.2 Dấn thân rèn luyện 10.000 giờ


Có một vấn đề đặt ra là: Sau khi quán chiếu lại cuộc đời của mình một cách kỹ lưỡng nhưng bạn vẫn không biết đâu là đam mê, sở trường của mình thì sao?


Bạn đừng lo lắng, chỉ cần bạn tin mình có thì tìm sẽ thấy. Việc của bạn cần làm bây giờ chính là hãy tiếp tục trải nghiệm theo 2 cách sau:


Cách thứ nhất: Bạn dành thời gian đọc những cuốn sách về cuộc đời vĩ nhân, nhân vật lịch sử, những trải nghiệm của người đi trước. Từ đó bạn thẩm thấu, cảm nhận đâu là cái khiến bạn bị thu hút, muốn tìm hiểu về nó sâu hơn, bạn thấy hấp dẫn, thoải mái, thú vị khi tìm hiểu về nó và luôn muốn dành thời gian cho nó? Và hãy làm thử từ một việc rất nhỏ có ích cho mọi người một cách bền bỉ. Sẽ đến một ngày hạt giống ngủ ngầm của bạn sẽ được đánh thức.


Cách thứ hai: Bạn hãy trải nghiệm thực tế bằng cách bước ra vùng an toàn của mình, đi du lịch bụi, thiện nguyện vùng sâu, đi thiền, đạp xe xuyên Việt…. Từ những trải nghiệm đó mà bạn nhận ra những giá trị, mong muốn, khao khát trong con người mình, nghị lực của bạn cũng được nâng tầm để sẵn sàng bứt phá. Và nhớ cách này bạn cần có nhóm bạn tốt đồng hành, hoặc bạn có thể tham gia dưới hình thức khóa học, khóa huấn luyện.


Khi bạn đã thấu hiểu bản thân, xác định được đam mê - sở trường cũng như tìm kiếm được môi trường Tam bảo rồi thì việc cuối cùng bạn cần thực hiện đó là xác định nguồn lực, bước ra khỏi vùng an toàn để RÈN LUYỆN 10.000 giờ.

Nhà hiền triết Socrates từng nói với người học trò của mình rằng: “Khi anh muốn có được sự thành công giống như anh muốn có không khí để thở khi bị dìm đầu xuống nước, thì anh sẽ có được nó. Ngoài ra không có bí quyết nào khác". Khi ta đọc những câu chuyện truyền cảm hứng, tự mình trải nghiệm thực tế, ta sẽ nhận ra những giá trị, sẽ có thêm những khao khát. Khát khao cháy bỏng là điểm khởi đầu của mọi thành tựu. Giống như một ngọn lửa nhỏ không có đủ sức nóng, một mong muốn yếu ớt không thể đem lại kết quả.



Hoặc nếu bạn chưa tìm kiếm được thứ mình cần thì hãy bắt đầu khai thác từ công việc hiện tại. Sự trân trọng và không ngừng đào luyện các kỹ năng sẽ khiến bạn đam mê với công việc khi nào không hay.


Hành trình của bạn lúc này là:

HÀNH ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG + TOÀN TÂM + CẢI TIẾN


2 từ “hành động” được lặp lại 2 lần hoàn toàn không phải là lỗi đánh máy bạn nhé. Sự lặp lại này để nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải thực thi, rèn luyện n lần để nâng cấp mình từ KHÔNG BIẾT GÌ đến TRUNG BÌNH, từ trung bình lên KHÁ, từ khá lên GIỎI và XUẤT SẮC.


- Huấn luyện viên Alex Ferguson nhận xét: “David Beckham là cầu thủ tốt nhất nước Anh không phải bởi tài năng thiên phú mà vì cậu ấy luyện tập không ngừng nghỉ - điều mà phần lớn cầu thủ ít tài năng hơn thậm chí không thèm làm” - Thomas Edison, một người gần như không được đến trường học, đã thử nghiệm 10,000 lần mới thành công trong việc tạo ra bóng đèn sợi đốt thắp sáng cho nhân loại. - Colonel Sanders bị từ chối 1009 lần khi rao bán công thức gà rán của mình, bí quyết tạo nên thương hiệu KFC.- Bill Gates trước khi thành công cũng dành tới 8 giờ một ngày, suốt 7 ngày trong tuần không nghỉ liên tục trong 7 tháng rèn luyện ở trung tâm dữ liệu Washington khi đang còn là sinh viên - Tim Ferriss bị từ chối đến 25 lần trong việc xuất bản cuốn sách “4 giờ làm việc trong tuần”. - Ban nhạc The Beatles cũng chơi nhạc suốt 8 tiếng liên tục, 7 ngày mỗi tuần trong 5 năm (1960-1964) để trở thành nhóm nhạc vĩ đại.



Tất cả những câu chuyện thành công của những người nổi tiếng đều nhắc chúng ta một bài học rằng mình phải KHỔ LUYỆN MỚI THÀNH TÀI. Ta cần làm tốt từ những việc nhỏ nhất, phải áp suất thường xuyên, phải 4 kỹ để biến sản phẩm thành tác phẩm.


Ai trong chúng ta cũng tiềm ẩn hạt giống của sự xuất sắc và hoàn toàn có thể thành công nếu sẵn sàng dành thời gian nỗ lực cho công việc của mình. Cũng như vậy, các vĩ nhân sinh ra cũng không thể mang lại giá trị cho nhân loại nếu không miệt mài học tập và rèn luyện.

Khi bạn rèn luyện đủ lâu theo nguyên tắc 10.000 giờ với sự tập trung quan sát - phân tích - đúc kết và cải tiến liên tục bạn sẽ trở thành một “kẻ xuất chúng” với tuyệt chiêu của mình.

Chính vì vậy hãy vững lòng tin và kiên trì bền bỉ tiến về phía trước!


4. Kết luận


Lý Tiểu Long có câu nói nổi tiếng “Tôi không sợ kẻ tập 10.000 cú đá 1 lần, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá”. Hay Leonardo da Vinci với tài năng thiên bẩm vẫn kiên trì tập vẽ trứng gà để trở thành danh họa với những bức tranh để đời là lời khẳng định về lợi ích tuyệt vời khi ta rèn luyện được tuyệt chiêu.


Hành trình tìm kiếm đam mê, xác định sở trường và rèn luyện 10.000 giờ là một hành trình đầy gian nan mà mỗi chúng ta cần KHAM NHẪN - KHÔNG NÔN NÓNG - KAIZEN liên tục. Làm được điều này rồi ta sẽ trở nên xuất sắc trong mọi lĩnh vực ta muốn.


Nội dung: Thảo Kỷ Luật - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Trúc Phương





533 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page