Trau dồi nghị lực, bĩ cực vượt qua! Trong cuộc sống sẽ có rất nhiều lúc ta cảm thấy bế tắc khi gặp khó khăn, thử thách, nhưng những điều đó xuất hiện chỉ để giúp ta được tôi luyện tốt hơn, trở nên can đảm và mạnh mẽ hơn. Dù có thất bại bao nhiêu lần đi chăng nữa, nếu có đủ nghị lực, chắc chắn sẽ không có thử thách nào có thể ngăn cản bạn hoàn thành mục tiêu của mình.
Bậc trí như vách đá
Gió cuồng nộ chẳng lay
Lời tán dương phỉ báng
Không xao gợn đôi mây
1. Sự cần thiết của ý chí nghị lực
“Cá lội ngược dòng cá mới sống, người vượt nghịch cảnh người thành công”, câu châm ngôn của người xưa vẫn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh.
Nghịch cảnh là những hoàn cảnh bất như ý mà mọi người đều sẽ gặp phải trong cuộc sống, nó sẽ là những điều nhỏ nhặt nhất hay những khó khăn thử thách chông gai của cả đời người. Bạn có thể né tránh nó vài lần nhưng rồi nó sẽ quay trở lại, vậy chẳng lẽ bạn sẽ trốn chạy cả cuộc đời?!
Hãy thẳng thắn đối mặt và đương đầu với nó, bình tĩnh suy xét, tìm ra giải pháp tốt nhất. Với tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường và nghị lực mạnh mẽ, bạn chắc chắn sẽ vượt qua tất cả cơn bĩ cực để đến được hồi thái lai!
Loài chim đại bàng biểu tượng cho sức mạnh, lòng can đảm và sự kiên cường, nó được coi là vua của không trung và được mệnh danh là “Chúa tể bầu trời”.
Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những "danh xưng" đó, đại bàng con phải trải qua quãng thời gian đầy thử thách và vô cùng khắc nghiệt.
Tuổi thơ của Đại bàng là ở một vị trí rất cao trên vách đá, nơi không động vật săn mồi nào có thể tấn công được để làm tổ.
Khi Đại bàng con được vài tháng tuổi, để dạy Đại bàng con tập bay, Đại bàng mẹ ném những con Đại bàng con ra khỏi tổ trên vách đá và rơi vào không trung.
Khi nghe thấy tiếng thét trong sợ hãi, Đại bàng cha bay ra ngoài, lao xuống và quắp con trước khi nó bị rơi xuống đất và đưa trở lại vách đá. Điều này sẽ diễn ra liên tục cho đến khi Đại bàng con có thể bắt đầu vỗ cánh và bay được.
Nếu không có ý chí nghị lực kiên cường, loài Đại bàng sẽ không thể lặp đi lặp lại việc tập bay đó, và sẽ không bao giờ đôi cánh của Đại bàng con có thể quen với việc bay được.
Đại bàng trưởng thành cần phải trải qua những bài học này thì mới có thể bay cao và không sợ thử thách. Ngược lại nếu không dám vượt qua giới hạn của bản thân, bạn mãi mãi chỉ là con gà trong hình dáng đại bàng mà thôi!
2. Nghị lực hội tụ nhiều phẩm chất tinh hoa
Nghị lực là một phẩm chất vô cùng đáng quý và cần có trong mỗi con người. Những người có nghị lực luôn sống mạnh mẽ, tự tin, dám nghĩ dám làm.
Họ luôn đương đầu trước những khó khăn và không cảm thấy chùn bước trước bất kỳ vấn đề nào của cuộc sống. Ngược lại, với những người sống không có nghị lực luôn cảm thấy nản lòng, không dám đương đầu với những thử thách và luôn gặp thất bại.
Nghị lực hội tụ và kết hợp đầy đủ của 3 đức tính tuyệt vời đó là: Dũng, Nhẫn và Tĩnh
2.1 Lòng dũng cảm
Dũng cảm là sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, hi sinh mất mát, dám đương đầu với hiểm nguy để bảo vệ và vươn tới cái thiện, chính nghĩa và chân lý.
Khác với những sợ hãi tự nhiên của con người, sự hèn nhát, nhu nhược đối lập với lòng dũng cảm, là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.
Nhu nhược là sự thiếu quyết đoán, sơ sự thật, không dám đấu tranh, sợ hy sinh quyền lợi bản thân mình. Do đó giáo dục lòng dũng cảm phải gắn với việc phê phán sự hèn nhát của chủ nghĩa cá nhân.
Dũng cảm khác với sự liều lĩnh. Liều lĩnh thực chất là sự thiếu sáng suốt hoặc sự cùng đường, bế tắc.
Do vậy sự liều lĩnh thường dẫn con người đi đến những hành động mù quáng, nguy hiểm và khó tránh khỏi thất bại. Trái lại, lòng dũng cảm đòi hỏi phải có sự chín chắn, thông minh, sáng suốt, có ý chí và có lòng quyết tâm.
2.2 Đức tính nhẫn nại
Kẻ thắng là người không bao giờ chịu bỏ cuộc.
Giờ đây các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới (ví dụ như Google) không còn quá chú trọng đến bằng cấp, chứng chỉ xuất sắc… khi tuyển dụng.
Cái mà họ cần là những người có khả năng chấp nhận khó khăn, nghị lực để vượt qua thử thách, cầu tiến và có tinh thần ham học hỏi. Điều này khiến cho việc rèn luyện và cải thiện chỉ số AQ (Chỉ số vượt khó) trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Một nghiên cứu nổi tiếng đã chỉ ra rằng: “Chúng ta cần ít nhất 10.000 giờ rèn luyện để đạt đến trình độ giỏi trong bất kỳ một lĩnh vực nào”.
10.000 giờ là một con số không hề nhỏ, tương đương với việc rèn luyện kỹ năng chuyên môn của mình liên tục trong khoảng 10 năm và do đó nếu chúng ta không kiên trì, nỗ lực thì khó có thể đạt được một thành tựu to lớn nào.
2.3 Khả năng vững vàng và bình tĩnh
Bình tĩnh là một trạng thái tâm lý của con người. Dù sung sướng tột cùng hay thất vọng tột độ thì thái độ của họ cùng bình thường như nhau và như không có chuyện gì xảy ra.
Mọi phản ứng của họ đều vững vàng, bình thản khiến không ai có thể nhận ra được họ vừa trải qua biến cố hay vừa có việc không như ý ập đến.
Những con người có nghị lực thường là những người vô cùng lý trí, không hoảng hốt, cuống cuồng hay nóng vội.
Trước những tình huống bất ngờ họ luôn là người có cái nhìn đúng đắn, phân tích đúng sai trước khi đưa ra quyết định cuối cùng và luôn làm chủ được hành động của mình.
“Hãy ví mình như con lạc đà qua sa mạc, dẫu thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nó vẫn nhởn nhơ, từ tốn và hết sức bình tĩnh. Những hạt cát xung quanh nó luôn lấp lánh dưới ánh mặt trời”
-Nhà báo Trần Mai Anh
Thực vậy, khi có nghị lực, chúng ta không chỉ cảm nhận mọi thứ xung quanh một cách sâu sắc hơn, mà còn có khả năng đương đầu với những thử thách khắc nghiệt, những bài học khó khăn nhất của cuộc sống này.
3. Ý chí nghị lực của người xưa
Trong lịch sử nghìn năm giữ nước của dân tộc Việt Nam ta có rất nhiều vị anh hùng dân tộc và tất cả đều hội tụ đầy đủ những đức tính tinh hoa, tốt đẹp.
Trong đó Phạm Ngũ Lão là danh tướng thời Trần với cơ duyên “giữa đường đan sọt, giáo đâm không biết” đã gặp gỡ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, để rồi trổ hết tài trí mà phụng sự đất nước đánh giặc Nguyên Mông, dẹp yên nhiễu loạn của Ai Lao, Chiêm Thành.
Ở ông hội tụ cả văn võ toàn tài, trở thành một vị tướng toàn tài hiếm cό của nhà Trần cũng như trong suốt chiều dài lịch sử nước ta. Phạm Ngũ Lão từ tuổi 20 đã chí khí nghị lực hơn người.
Cό lần người trong làng đỗ tiến sῖ, bà con xόm đến chúc mừng, riêng thư sinh họ Phạm lại không. Hỏi ra mới hay vὶ chưa làm được công danh gì vui lὸng mẹ, nên thấy người ta công thành danh toại thὶ lấy làm hổ thẹn.
Thế rồi chàng thanh niên ngồi bên vệ đường vót tre đan sọt, tay thὶ thoăn thoắt làm. Quân lính của Hưng Đạo Vương tiền hô hậu ủng quát tháo dẹp đường nhưng Phạm Ngũ Lão thὶ vẫn mải miết đan sọt.
Quân lính đuổi mãi không được bèn lấy giáo đâm vào đùi, máu chảy đầm đìa nhưng chàng chẳng mảy may quan tâm. Trông cảnh ấy mới lấy làm lạ, Hưng Đạo Vương liền gọi đến hὀi, bấy giờ Phạm Ngũ Lão mới biết quan quân đi qua, đùi mình bị giáo đâm.
Thực ra Phạm Ngũ Lão đã nuôi chí lớn góp công giúp nước từ lâu, nên ông đã quyết tâm phục sẵn khi có cơ hội gặp Hưng Đạo Vương, và chỉ khi gặp được Hưng Đạo Vương ông mới có thể ứng cử vào vị trí phù hợp, có thể phát huy hết khả năng để góp toàn bộ sức mình đánh giặc giúp nước.
Khi hỏi thấy chàng trai tư chất nghị lực hơn người, Hưng Đạo Vương hỏi tiếp đến sự học hành, thì chàng bình tĩnh đáp lời, nội về kinh truyện thao lược, ứng đối nhanh như nước chảy.
Thế là từ lần gặp gỡ ấy, Phạm Ngũ Lão theo về với vị Tiết chế nhà Trần, được tiến cử với vua để rồi trổ tài mà gόp công góp sức giúp cho đất nước.
Ngẫm mới thấy rõ:
Nếu không có Dũng thì làm sao ông dám nghĩ dám làm, ngồi đợi rồi cản đường Đại tướng để tự tiến cử mình vào quân đội triều đình?
Nếu không có Nhẫn thì sao ông có thể ngồi yên chịu đau, để giáo đâm vào đùi chảy máu mà vẫn coi như không để nhất quyết đợi Đại tướng chú ý?
Nếu không có Tĩnh thì sao ông có thể vững vàng ứng biến với quân lính và đối đáp được với Đại tướng khi gặp mặt?
Thực là đáng nể phục ông vô cùng, 1 vị tướng tài tài năng kiệt xuất, nghị lực phi thường trong lịch sử nước ta!
4. Các tấm gương Nghị Lực ngày nay
Ngày nay có những con người mới sinh ra đã kém may mắn hơn những người khác khi họ khuyết đi một bộ phận nào đó trên cơ thể, hoặc không thể sống như những người bình thường khác.
Nhưng vượt lên trên những hoàn cảnh đó, có những người đã làm lên những điều phi thường bằng chính nghị lực và tình yêu dành cho cuộc sống, và họ đã đạt được những thành quả khiến cả nhân loại phải kính phục.
Dưới đây là 2 trường hợp tiêu biểu cho những tấm gương nghị lực thép đã vượt lên trên số phận.
4.1 Giáo sư vật lý Stephen Hawking
Hawking sinh tại Oxford, Anh quốc - ông được coi là ông hoàng vật lý của thế giới trong suốt nhiều thập kỷ, với những công trình nghiên cứu nổi tiếng về hố đen trong vũ trụ. Năm 21 tuổi, ông bị mắc bệnh xơ cứng teo cơ và liệt gần như hoàn toàn.
Với nghị lực vượt qua nghịch cảnh là đau đớn thể xác do bệnh tật hành hạ, Hawking đã hoàn thành được luận án tiến sĩ về Vũ trụ học mà ông từng đeo đuổi. Cái tên Stephen Hawking trở nên đồng nghĩa với “lỗ đen” và toàn bộ những công trình của ông được đánh giá là “chiếc chìa khoá mở cửa vào Vũ trụ”.
Câu nói nổi tiếng của ông: "Thật lãng phí thời gian khi giận dữ với khuyết tật của bản thân. Mọi người sẽ không có thời gian cho bạn nếu bạn lúc nào cũng tức giận hay than phiền".
4.2 Nick Vujicic
Nick Vujicic, sinh năm 1982 tại Australia, bị hội chứng etra-amelia bẩm sinh, một loại rối loạn rất hiếm gặp. Nick không có tay, hai chân rất nhỏ và hầu như không giúp gì được cho anh trong việc di chuyển.
Bất chấp những khó khăn trong cuộc sống, anh đã nỗ lực vươn lên và tốt nghiệp đại học năm 21 tuổi, với tấm bằng kép ngành kế toán và kế hoạch tài chính.
Sau đó, anh đã trở thành một diễn giả nổi tiếng, với 1.600 bài phát biểu tại hàng chục quốc gia, truyền cảm hứng sống tốt và vươn lên cho hàng triệu người.
Năm 2005, Nick được đề cử giải thưởng "Thanh niên của năm" của Australia. Và sau nhiều thử thách, tinh thần nghị lực đã giúp Nick tìm thấy hạnh phúc của cuộc đời mình khi kết hôn với người vợ xinh đẹp Kanae Miyahara.
5. Rèn luyện ý chí nghị lực ở nhiều phương diện
5.1 Xông pha trải nghiệm nhiều
Tức là những thứ các bạn trải qua, đúc rút lại và chiêm nghiệm chúng. Trải nghiệm là điều cần thiết nhất để tạo nên một thế hệ trẻ khác biệt, không có nghị lực sẽ không có những trải nghiệm đủ lớn, đủ sâu sắc.
Phần lớn giới trẻ mắc phải sai lầm là dùng vật chất để định nghĩa bản thân. Chúng ta không hiểu, vật chất nhiều đến mấy cũng có thể mất đi, nhưng trải nghiệm thì sẽ luôn ở lại.
Hãy dùng những trải nghiệm để chứng tỏ giá trị của bản thân, khi đó bạn mới thấy rằng mình đặc biệt và quý giá hơn mọi vật phẩm trang trí bên ngoài.
Tuổi trẻ, làm ơn đừng lười biếng và sợ hãi, đừng ngại ngùng và nhút nhát. Hãy sống và cống hiến để từng phút giây trở nên ý nghĩa. Hãy luôn sẵn sàng với tâm thế của người không ngại thử thách và gian khó.
Thay vì chỉ suy nghĩ, chỉ nói, chỉ lên kế hoạch, chúng ta hãy hành động, hành động ngay, hành động thật quyết liệt! Chỉ có trải nghiệm qua những việc khó chúng ta mới được trui rèn tôi luyện nghị lực để luôn vững vàng trước những việc khó khăn hơn về sau.
5.2 Luyện tập và hành động bền bỉ
Việc “luyện tập tạo nên sự hoàn hảo” nghe có vẻ rất hiển nhiên nhưng chỉ một số ít người có thể tự mình đi xa đến mức đó và gặt hái được những thành quả to lớn của việc luyện tập. Để một kỹ năng mới hoặc kiến thức mới thực sự trở thành của mình, cần phải thực hành một cách lâu dài và bền bỉ.
Bạn có thể giỏi và thậm chí giỏi ở một lĩnh vực nào đó mà không cần phải là người có tài năng bẩm sinh. Khi hai cá nhân đều tài năng như nhau, chỉ có nỗ lực luyện tập hết mình mới tạo nên sự khác biệt.
Hãy nhớ rằng, không có cái gọi là thành công rẻ mạt, mọi thành công đều phải đánh đổi bởi mười, một trăm thậm chí là một nghìn phần nỗ lực.
Hãy luôn sẵn sàng nghị lực để mong đợi một chặng đường khó chứ không phải là một con đường dễ đi và bạn sẽ thấy cánh cửa thành công gần mình hơn.
5.3 Tập suy nghĩ sâu sắc, sống giản đơn
Người đơn giản thường thì suy nghĩ cũng giản đơn, họ không quá để tâm đến việc người khác nói gì mà chỉ chú trọng nội tâm chính mình.
Họ nghĩ không nhiều nhưng thật sâu sắc, họ biết rằng suy nghĩ càng nhiều thì càng hao tâm, tổn sức và họ hiểu bất hạnh, phiền não thường do chính tâm của chúng ta sinh ra.
Muốn biết sống thế nào là đủ, chúng ta hãy sắp xếp lại cuộc sống của chính mình từ những điều nhỏ nhất, vứt bỏ cái tôi và bằng lòng với khoảnh khắc hiện tại rồi bạn sẽ cảm thấy tự tin và có thêm động lực để tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn.
Biết đủ rồi không phải tính toán thiệt hơn, buông bỏ rồi thì chẳng còn phiền muộn.
Người biết đủ sẽ biết điều gì không nên làm và điều gì cần nghị lực để làm, họ sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn, tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Họ sống rất chừng mực nên không phạm sai lầm và đánh mất lương tâm.
Hãy suy nghĩ tích cực và cảm nhận hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất mà mình đang có. Bỏ lại sau lưng những nỗi buồn và phiền muộn, hãy cứ ung dung, tự tại, vui vẻ, mỉm cười mà sống! Có như vậy, chúng ta mới có thể nhìn thấy rõ trong cuộc sống những mục tiêu nào thực sự ý nghĩa để theo đuổi đến cùng.
Lời kết
Cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người, chúng ta sinh ra đều có xuất phát điểm là như nhau, nếu có khác biệt là do nỗ lực của mỗi người. Bởi vậy dân gian Việt Nam có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”, vì sự thành công của con người được tạo nên 99% là do cố gắng.
Dù sinh ra không may mắn nhưng Nhân chúng ta có ý chí có nghị lực thì nhất định Quả sẽ tốt đẹp.
Mình là Vũ Trung - Học viên Content 3 Gốc. Bạn hãy cho mình biết cảm nhận về bài viết dưới phần bình luận này nhé!
Nội dung: Vũ Trung
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Trúc Phương
Rất hay, cảm ơn bạn nhé. Mình học được nhiều điều về nghị lực thông qua bài viết này lắm!