top of page
Writer's pictureKhánh Vi

Nghị lực là sức mạnh trong Tâm. Khó khăn là thức ăn của Nghị lực

Updated: Jun 23

Trong những bài trước, bạn được tìm hiểu về 3 Gốc bao gồm Đạo đức - Trí tuệ - Nghị lực.

Đạo đức là tình yêu thương để kết nối, Trí tuệ là ánh sáng để dẫn đường, còn Nghị Lực là ý chí hành động.

Trên đoạn đường đi có những lúc khó khăn, thử thách. Yếu tố Nghị lực giúp bạn vượt qua những cảm giác chán chường, mệt mỏi để hành động. Hành động một cách bền bỉ, triệt để, vượt nghịch cảnh để tạo ra kết quả.

Nghị lực là sức mạnh của tâm.


Vậy làm sao để rèn luyện Nghị lực? Các yếu tố nào giúp hình thành Nghị Lực. Bài viết dưới đây cùng tìm hiểu sâu hơn về chủ đề này nhé.

nghị lực

MỤC LỤC:


***


1. Lối sống hưởng thụ làm mất dần Nghị Lực

Lối sống hưởng thụ ngày nay làm mất dần Nghị Lực”, bạn nghĩ sao về câu nói này? Liệu khẳng định này có đang quy chụp, đang bóp méo đi thực trạng cuộc sống hiện nay - cuộc sống đầy đủ tiện nghi khi mà cần là có, muốn là được một cách dễ dàng.


Nếu đứng ở góc nhìn đời sống, bạn sẽ thấy lối sống chi tiêu, hưởng thụ những điều kiện tốt sẽ thúc đẩy con người phát triển. Bởi nếu muốn có nhiều hơn, chúng ta phải nỗ lực làm việc nhiều hơn.


Vậy thì với nỗ lực để cuộc sống đủ đầy hơn cũng có thể xem là Nghị lực chứ?


Thật ra nó đúng, nhưng chưa đủ.


Nếu nhìn sâu hơn vào bên trong, bạn sẽ thấy để tận hưởng lối sống hưởng thụ bên ngoài như hiện nay, chúng ta tập trung nhiều vào kiến thức, kỹ năng. Đây là ngoại lực bên ngoài. Điều này vô hình trung làm thiên lệch việc phát triển ý chí, Nghị lực bên trong. Đó chính là sức mạnh nội tâm.


Sự phát triển thiên lệch này đã gây ra nhiều thực trạng như hiện nay.


Nếu chịu quan sát tường tận, bạn sẽ thấy Gen Z, sắp tới là Alpha (Theo báo Dân Trí 2021) đang mất dần đi kết nối với cuộc sống. Các bạn trẻ thường xuyên để cơ thể của mình yếu đuối, mệt mỏi, làm việc quá sức, thiếu ngủ…Để rồi khi có bất như ý trong công việc, bạn dễ bị áp lực dẫn đến cảm thấy chán nản, muốn bỏ việc.


Hay như nếp văn hoá mới là thông tin, kiến thức tràn lan, thiếu kiểm chứng dễ dàng được truy cập bằng bất cứ phương tiện nào. Điều này làm chúng ta chông chênh, mất định hướng khi có quá nhiều lời khuyên, quá nhiều hướng đi cho tuổi trẻ.


Hay như cơn đại dịch Covid ập đến vào năm 2020 đã đảo lộn tất cả, nó sinh ra một thế hệ mất mát (Theo báo Tuổi trẻ 2021) về ý nghĩa sống, tiền bạc, công việc, gia đình…Đó là thế hệ với ước mơ, hoài bão lớn cho sự nghiệp, cho cuộc sống, bỗng nhiên trắng tay vì cơn khủng hoảng của dịch bệnh.


Đến lúc này, chúng ta thấy rõ được ý chí, Nghị lực mạnh mẽ bên trong mới phát huy tác dụng. Ước gì mình vun bồi sớm hơn để có thể dễ dàng vượt qua được bất như ý của cuộc sống. Để trong biến động cuộc sống, mình biết đâu là lối ra, biết đâu là điểm tựa cho cuộc đời.

nghị lực

2. Nghị lực giúp bạn từ gà công nghiệp thành đại bàng

Cuộc đời là một quá trình leo núi. Bạn là người bỏ cuộc, người dựng trại hay người đang luôn trên đường chinh phục đỉnh núi?
-Trích AQ, Chỉ Số Vượt Khó – Biến khó khăn thành cơ hội - Tiến sĩ Paul Stoltz.

Vậy bạn đang là loại người nào? Người bỏ cuộc, người dựng trại hay người leo núi?


Người bỏ cuộc là người ngay từ ban đầu đã từ chối đặt chân đến đỉnh núi. Họ chấp nhận cuộc sống đang có, họ thích an toàn nên sẽ trốn tránh, từ bỏ mối nguy hiểm.


Người dựng trại là người đã từng leo núi. Họ tìm thấy một nơi cao ổn định, sau đó dựng lều cắm trại và làm ấm cúng nơi đó. Họ từ bỏ việc chinh phục những đỉnh núi khác để mong có thể sống thoải mái ở nơi đang có đến trọn đời.


Còn người leo núi xem việc leo núi là hành trình dài lâu trong đời. Bất kể là thuận lợi, rủi ro, hay may mắn, họ luôn tiến về phía trước. Bất kể là tuổi tác, bệnh tật đều không chùn bước.


Trong khoá học Dạy con 3 Gốc của cộng đồng BKE, Thầy Trần Việt Quân cũng ví dụ hình ảnh chúng ta giống như chú gà và đại bàng. Bạn muốn trở thành ai?


Là một chú gà công nghiệp được nuôi nấng, chăm sóc cẩn thận trong chuồng, được an toàn, được cho ăn đúng giờ, được nuông chiều, nhưng đổi lại tính tự lập của bạn sẽ kém.


Hay bạn sẽ bước ra khỏi chuồng gà để tự đi kiếm ăn trở thành gà đi bộ. Bạn sẽ kiếm ăn loanh quanh ở trong sân, rồi đến chiều tối bạn chui trở lại vào chuồng như gà công nghiệp. Bạn thoát khỏi cái lồng an toàn một chút nên tính độc lập, tự chủ chưa quá mạnh.


Hay bạn quyết tâm thoát ra khỏi vùng an toàn, bạn đi xa khỏi khoảng sân, đi sâu nữa để mình trở thành gà rừng. Lúc này bạn hoàn toàn độc lập, tự chủ trong học tập, làm việc, kiếm sống. Khi gặp khó khăn bạn sẽ biết cách đương đầu.Tuy nhiên, với những khó khăn quá lớn bạn thường có xu hướng tránh né.


Cuối cùng, bạn có muốn trở thành phiên bản đại bàng không? Đại bàng có tố chất thủ lĩnh, thích bay cao và bay xa. Đặc tính của đại bàng chỉ ưa thích hành động khi có gió lớn, giông bão. Đại bàng thích lãnh đạo và dẫn dắt người khác.


Trên đây là hình ảnh ẩn dụ cho chặng đường rèn luyện Nghị lực của mỗi người. Bạn có thể tùy chọn lộ trình phù hợp với bản thân. Bạn có thể một bước tiến tới hình ảnh tuyệt đối là người người leo núi, hay đại bàng. Bạn cũng có thể chọn bước đi an toàn hơn tiến dần từ người bỏ cuộc lên người dựng trại, hoặc từ gà công nghiệp lên gà thả vườn.


Dù chọn theo lộ trình nào thì để đạt được kết quả, bạn cần hiểu rõ phẩm chất Nghị lực cụ thể là gì? Do đó phần bên dưới sẽ phân tích, mổ xẻ sâu hơn các yếu tố hình thành nên phẩm chất Nghị lực, bạn xem tiếp nhé!

nghị lực

3. Các yếu tố hình thành nên phẩm chất Nghị lực

Để phân tích các yếu tố hình thành nên phẩm chất Nghị lực ở mỗi người, chúng ta sẽ phân tích dựa trên 2 góc nhìn: đời sống và phật học (Bát chánh đạo). Hai góc nhìn này nếu để ý bạn sẽ thấy. Nghị lực được hình thành từ thô đến vi tế, từ việc rèn luyện cho mình ở bên ngoài đến đi sâu vào tâm thức bên trong.


Do vậy, khi hiểu rõ 2 góc nhìn này, bạn sẽ biết cách linh hoạt để ứng dụng việc rèn luyện phù hợp với từng đối tượng, có thể là cho trẻ em, người trưởng thành, người trung niên…và với từng tình huống như trong công việc, trong gia đình, trong kinh doanh, trong kết nối xã hội…


3.1 Nghị lực dưới góc nhìn đời sống

Trong các khoá học tại BKE, thầy Trần Việt Quân đã phân tích gốc rễ Nghị lực dưới góc nhìn đời sống gồm 3 thành tố: Dũng - Nhẫn - Tĩnh.

Dũng là dám đối mặt với khó khổ, nỗi sợ. Nhẫn là tiếp tục nỗ lực và không bỏ cuộc giữa chừng dù trong hoàn cảnh gian khó. Tĩnh là giữ vững tinh thần điềm tĩnh trước thất bại, khổ đau trong quá trình nỗ lực, hoặc là bản lĩnh chống lại sự hưởng thụ khi thành công đến.
-Trần Việt Quân

Ví dụ trong một dự án, ở giai đoạn đầu Dũng sẽ đóng vai trò ra quyết định là có dám làm việc khó hay không. Để bền bỉ làm đến cùng cho đến khi ra kết quả thì Nhẫn sẽ đảm nhiệm. Và Tĩnh là năng lực tĩnh lặng, sự bình an, bình tĩnh trong quá trình làm việc, trong cuộc sống.

Theo trải nghiệm cá nhân, thầy chia sẻ: “Rèn Nghị lực đầu tiên nên có chữ Dũng và Nhẫn, còn chữ Tĩnh là phải bước vào quá trình tu tập mới có thể vun bồi”. Do vậy, bạn có thể chọn cho mình những trải nghiệm ngay trong cuộc sống hằng ngày để vun bồi Dũng và Nhẫn.

nghị lực

3.2 Nghị lực dưới góc nhìn bát chánh đạo

Theo Bát Chánh Đạo, Nghị lực sẽ được phân tích dưới 3 yếu tố gồm: Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Chánh tinh tấn là cần mẫn và nỗ lực chân chính. Chánh niệm là ý thức chân chính và Chánh định là thiền định chân chính.
-Trích “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày” - Thích Nhất Hạnh và Thích Huyền Quang

Giải thích cụ thể hơn, thì:

- Chánh tinh tấn là nỗ lực chân chính, sự cố gắng không ngừng nghỉ trên lĩnh vực tu tập. Nỗ lực của chúng ta phải dựa trên chánh kiến (cái thấy đúng) và chánh nghiệp (nghề nghiệp chân chính).

Có nghĩa là nỗ lực, cố gắng của chúng ta không nên dựa trên sự hám danh lợi, tham lam, hay căm thù. Bởi vì những nỗ lực này sẽ mang đến khổ đau cho bản thân và cho người khác.

- Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chính, là phương pháp tu tập màu nhiệm. Người Phật tử chân chính là người biết sống thường xuyên trong chánh niệm.

Nghĩa là sống có ý thức, biết mình đang làm gì, nghĩ gì, nói gì và do đó có thể soi sáng mọi tư tưởng, ngôn ngữ và hành động mình ngay trong hiện tại thuận theo luật nhân quả.

- Chánh định là phương pháp thiền định chân chính. Thiền định là sự tập trung tâm ý để đạt tới cái thấy chân chính. Định ở đây không có nghĩa là tư duy hay suy tưởng mà là những phương pháp tập trung tâm ý và thiền quán để phát khởi trí tuệ.

Trong khóa học Chánh Kiến 2, thầy Trần Việt Quân cũng chia sẻ 3 nhân tố này như sau:

"Chánh tinh tấn là nỗ lực một cách bền bỉ, dũng cảm để ngăn những điều ác và làm những điều thiện từ trong tâm.

Để duy trì được chánh tinh tấn thì phải quay vào bên trong để chánh niệm và chánh định để luyện tâm, để lôi hết tâm vi tế bên trong để thấy cái nào xấu ác thì đem bỏ, những điều thiện thì giữ lại phát huy.

Ngược lại nếu có tinh tấn giúp chống lưng cho tâm quan sát là chánh niệm, Đó là âm thầm quan sát mọi sự vật, hiện tượng xảy ra bản thân mình (Thân-Thọ-Tâm-Pháp).

Ngồi tập trung làm việc gì đó một cách nhất tâm tại một điểm (tập trung đầu mũi, bụng phồng xẹp) thì là chánh định. Nhờ có chánh tinh tấn mà chúng ta mới nỗ lực để ngồi im định trong một khoảng thời gian".

Cả 3 nhân tố này phối hợp, hỗ trợ qua lại với nhau, tổng hoà thành yếu tố Nghị lực. Nếu thiếu một yếu tố thì sức bền của nội tâm cũng không mạnh mẽ.

>>> Đọc thêm: Bát chánh đạo

nghị lực

4. Phương pháp rèn Nghị lực

Như phân tích ở trên, để rèn Nghị lực trong đời sống cũng như trong việc tu tập không phải là chuyện dễ dàng. Nghị lực chỉ tăng trưởng trong môi trường có nhiều thử thách. Điều kiện khó khăn mới giúp con người khai phá hết tài năng, trí tuệ và sức chịu đựng của mình.

Cho nên phương pháp để rèn Nghị lực hiệu quả nhất là tạo ra môi trường khổ đế, giảm các điều kiện sung sướng, thuận lợi. Công thức chung để tăng trưởng Nghị lực như sau:

Nâng dần độ khó: A=A+1

Áp suất: A=A+10

Bất cứ đối tượng nào, trong tình huống nào, bạn đều có thể áp dụng công thức như ở trên.

Dưới đây xin chia sẻ một số phương pháp rèn nghị lực, bạn đọc chỉ nên tham khảo, sau đó tự linh hoạt lên lộ trình rèn nghị lực phù hợp với bản thân và cho người thân của mình.

nghị lực

4.1 Rèn nghị lực trên thân

Bước đầu tiên là rèn nghị lực trên thân, đó là thể lực. Rèn thân là việc dễ làm nhất mà ai cũng có thể bắt đầu được. Thân khỏe sẽ giúp bạn tiến sâu hơn vào rèn tâm ở những bước sau.

Nếu bạn là những người ưa thích mạo hiểm và muốn rèn luyện nhẫn nại và tinh thần kỷ luật thép thì các lớp tập võ, các trò chơi quân đội Westpoint là điều không thể bỏ qua. Bạn có thể chọn các môn võ như Aikido, Vovinam, Vịnh Xuân Quyền,...

Nếu bạn là người ưa thích trải nghiệm, bạn có thể tham gia nhiều hoạt động và trải nghiệm mới để tăng khả năng linh hoạt, thích ứng cho cơ thể và tâm lý của bạn: đạp xe 100km, đi bộ và cắm trại qua đêm, đi phượt không đem theo tiền,...

Rèn thân cũng là tập cách sống đơn giản, biết đủ. Sống đơn giản đòi hỏi bạn phải bỏ bớt những món đồ không quan trọng để không gian sống của bạn gọn gàng hơn, giảm bớt tiêu dùng. Nhờ đó, bạn tập trung thời gian cho những việc quan trọng hơn.

Thời gian là vô giá, nếu sống đơn giản bạn sẽ có đủ năng lượng để nuôi dưỡng tâm hồn mình. Lúc ấy bạn sẽ có đủ không gian trong tâm trí để tư duy những việc ý nghĩa hơn.

4.2 Rèn nghị lực trong tâm

Khi bạn có sức khoẻ, thể lực bền bỉ thì việc luyện tâm sẽ hiệu quả hơn. Bạn sẽ đủ dũng cảm để thử sức mình với một số phương pháp như sau:


Chọn việc khó để vượt qua: Những công việc quen làm, thích làm và dễ làm sẽ khiến bạn trở nên ù lì, lười vận động và lão hóa não sớm. Hãy đặt mình vào những công việc khó mới.


Nếu bạn quen làm việc sáng tạo, hãy thử làm việc có hệ thống; nếu bạn thích làm việc văn phòng, hãy thử vào bếp nội trợ; nếu bạn đã quen thiết kế, hãy thử viết và hát xem sao?


Nâng dần độ khó: A=A+1. Dám làm việc khó và nâng dần độ khó từng cấp độ theo thời gian là cách giúp chúng ta khám phá tiềm năng bên trong của mình một cách không áp lực. Chỉ cần cố gắng tốt hơn 1% mỗi ngày thì sau 1 năm bạn đã tốt hơn chính mình 38 lần.


Đọc sách mỗi ngày, thiền hành 20 phút mỗi tối, viết lách 10 phút mỗi sáng, đi bộ mỗi buổi chiều,.. Chỉ sau 1 năm, bạn sẽ ngạc nhiên vì sự “lột xác” ngoạn mục của chính mình đấy.


Cho vào “lò áp suất”: Hãy lựa chọn ra một vấn đề bạn muốn giải quyết, một kỹ năng bạn muốn rèn luyện - là những điều bạn hay hứa hẹn sẽ làm nhưng chưa làm.


Bạn đã nỗ lực tốt hơn 1% mỗi ngày, bạn đã có thói quen tăng nghị lực mỗi ngày. Vậy hãy chọn một khoảng thời gian nào đó cho mình vượt ra khỏi vùng an toàn nhanh hơn bằng cách áp suất.


Hãy mạnh dạn dành một khoảng thời gian cố định, liên tục chỉ tập trung vào một việc đó để hoàn thành dứt điểm những điều này.


Chánh niệm (Mindfulness) giúp rèn luyện sự điềm tĩnh, an nhiên trước 8 ngọn gió đời: thành công - thất bại, khen - chê, sướng - khổ, vinh - nhục, được - mất, ta cần thực hành chánh niệm.


Chúng ta có thể bắt đầu bằng những bài tập đơn giản như theo dõi hơi thở; tập trung tâm ý vào những hoạt động hàng ngày khi đi, đứng, nằm, ngồi; nghe chuông chánh niệm…


Kiên trì thực hiện một thời gian dài, tự nhiên, năng lực quan sát tâm của chúng ta sẽ được phát triển.

nghị lực

5. Rèn Nghị lực bằng việc đọc sách

Đây là câu chuyện được sưu tầm trên trang Quora, lời chia sẻ của Theo Abhimanyu Sood (Quora) về việc thực hành rèn Nghị lực cho mình, trong việc đọc sách. Mời bạn tham khảo.


“LÀM SAO ĐỂ ĐỌC ĐƯỢC NHỮNG CUỐN SÁCH KHÓ VÀ NGOÀI TẦM?

Tôi sẽ chỉ cho bạn một bí thuật mà tôi đã luyện được lúc còn nhỏ, khi phải ở một mình trong phòng với cuốn Kiêu hãnh và Định kiến cũ - một cuốn dày với đứa trẻ 12 tuổi khi đó.

Nó đã giúp tôi không chỉ đọc xong hàng trăm cuốn sách khó nhằn mà còn giúp rèn thói quen đọc sách chăm chỉ kể từ đó. Đây là những gì bạn cần làm nếu theo cách của tôi. Hãy chọn bất cứ cuốn sách nào bạn muốn đọc nhưng khó hợp - và đọc 1 trang ngay hôm nay.

Một trang thôi. Đó là tất cả những gì bạn phải làm. Nghe có vẻ không có gì khó khăn nhỉ? Và tiếp tục, ngày mai hãy lấy cuốn sách ấy ra và đọc thêm 1 trang nữa.

Vẫn là chỉ một trang thôi. Và đây là điều quan trọng - bạn không được đọc thêm, cho dù bạn muốn làm điều đó đến mức nào, bạn cũng phải chống lại cám dỗ đó. Bằng bất cứ giá nào.

Trong 5 ngày tiếp theo hãy làm điều tương tự. Đọc 1 trang và chỉ 1 trang mỗi ngày. Vậy là qua tuần đầu, bạn đã đọc được 7 trang. Nghe có vẻ không phải thành tựu gì đáng kể lắm? Nhưng bạn biết không, từng bước nhỏ sẽ làm nên một hành trình dài.

Trong tuần thứ hai, hãy đọc hai trang mỗi ngày. 2 trang - thế thôi - và bạn không được đọc thêm, cho dù câu chuyện bắt đầu thú vị hấp dẫn bạn đến đâu.

Sang tuần thứ 3, bạn nâng cấp mức độ lên, mỗi ngày 3 trang.

Bạn đã hiểu cách của tôi rồi chứ? Mỗi tuần mới, bạn hãy tăng mục tiêu đọc hàng ngày lên 1 trang. Và nếu bạn tiếp tục duy trì thói quen này thì đến tuần thứ 52, bạn sẽ đọc được 52 trang sách/mỗi ngày. Nghe có vẻ nhiều đấy, nhưng để có được thói quen đó, bạn đã rèn luyện suốt 1 năm.

Chúng ta thử làm nhẩm tính:

Tuần đầu tiên - 7 x 1 trang

Tuần thứ hai - 7 x 2 trang

Tuần thứ 52 - 7 x 52 trang

Tổng cộng bạn đọc được 9646 trang.

Với trung bình mỗi cuốn sách 300 trang, bạn đã đọc 32 cuốn sách trong 1 năm. Nhiều hơn hầu hết số sách mà một người đọc trong đời họ. Ngoài ra, bạn cũng đã tạo được thói quen đọc sách suốt đời.

Không quá khó để bắt đầu đọc chỉ với 1 trang sách nhỉ?”.

nghị lực

Lời cuối cùng muốn gửi đến độc giả. Rèn Nghị lực là một chi phần quan trọng trong 3 Gốc. Nó không phải là một kỹ năng có thể học được trong thời gian ngắn, nó là phẩm chất mà phải dành cả cuộc đời để rèn luyện. Đây là chặng hành trình dài đầy thử thách nhưng xứng đáng để theo đuổi.


Cùng với Nghị lực, chúng ta cũng đừng quên rèn Đạo Đức và Trí Tuệ nhé. Đây là 3 nhân tố quan trọng giúp làm mạnh mẽ nội tâm từ sâu bên trong.

Nếu bài viết này mang lại nhiều giá trị, hãy bình luận cảm nhận bên dưới, hãy chia sẻ để nhiều người nhận được giá trị nhé!


***


Nội dung: Khánh Vi - Admin Trang Học Tập 3 Gốc

Biên tập: Nhàn Lý, Liên Thanh

Hình ảnh: Ý Nhi

Nguồn tham khảo:

-Khóa học Dạy Con 3 Gốc

-Khóa học Chánh Kiến 2

-TS.Paul Stoltz. AQ, Chỉ Số Vượt Khó – Biến khó khăn thành cơ hội. NXB Công Thương

-Thích Nhất Hạnh và Thích Huyền Quang. Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày. NXB Hồng Đức

-Phương Thảo. Gen Z: Tỉ lệ rối loạn tâm lý stress, trầm cảm... ngày càng tăng. Báo Dân Trí 11/2021

-Khánh Ngọc (Theo Straitstimes). Thế hệ mất mát ở Châu Á. Báo VNExpress 02/2021


>>>Xem thêm “Hành trình chuyển hoá - Anh Tuấn Đặng”








186 views1 comment

1 Comment

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Guest
Dec 25, 2023
Rated 5 out of 5 stars.

Thân khỏe tâm ạ 😍


Like
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page