Sự bao dung và tinh thần đoàn kết là những giá trị truyền thống nhân văn lâu đời, được truyền thừa qua nhiều thế hệ. Trong đó, có một câu ca dao và tục ngữ mà tôi thường nghe mọi người truyền tai nhau là “Một điều nhịn chín điều lành”
Chính vì thích những phẩm chất cao đẹp của sự bao dung, tha thứ và đùm bọc những người xung quanh mà tôi luôn nhắc tâm rằng: “nhịn cho qua chuyện, một điều nhịn chín điều lành”
Thế nhưng đi qua rất nhiều vấp váp, tôi hoài nghi: liệu có thật sự cứ nhịn thì sẽ nhận được điều lành? Chẳng lẽ lời đúc kết truyền tai nhau qua bao thế hệ lại không đúng với tôi ư? Để tìm câu trả lời, mời bạn cùng đọc những chia sẻ của tôi dưới đây nhé!
Mục lục
3. Lời kết
Cứ nhịn mà chẳng thấy điều lành
Ngày xưa khi tôi còn nhỏ, bố mẹ bảo làm gì tôi đều làm theo. Đôi lúc bị bố mẹ mắng vì sai phạm vài điều, tôi cũng cố tỏ vẻ bình thường để bố mẹ vui lòng. Đôi lúc tôi dằn vặt tự trách bản thân: Sao lại làm sai như thế? Sao con người tôi lại đầy khuyết điểm, lỗ hổng? Sao lại làm ảnh hưởng đến cha mẹ và mọi người xung quanh?
Cứ thế, tôi cố gắng tạo cho mình một cái vỏ bọc hoàn hảo để không phụ sự kỳ vọng của gia đình và mọi người xung quanh. Hoàn hảo đến mức quên đi chính con người mình.
Đến khi lớn lên, tôi cảm thấy bị tự ti, yếu đuối. Tôi không dám nói ra cảm xúc hay suy nghĩ của mình dù biết nó vô lý. Thầy cô chỉ cần lớn một tiếng tôi cũng đã sợ, bạn bè trêu chọc tôi cũng chỉ giấu sự khó chịu trong lòng.
Đến khi lấy chồng còn tệ hơn. Giận chồng tôi cũng không dám nói ra; mẹ chồng trách mắng tôi cũng cố nén trong lòng; đồng nghiệp chơi xấu tôi cũng chỉ biết giữ cái cảm xúc tiêu cực đó riêng cho mình rồi về nhà kêu ca với anh chị em; bị xếp la cũng cố tỏ ra bình thường nhưng sâu thẳm trong lòng tôi là sự bực bội, khó chịu, một sự tắc nghẽn cảm xúc đã từ lâu không được khơi thông. Cũng chính những điều đó khiến tôi càng dễ bị mọi người “ đục nước béo cò” hơn. Tôi bất lực với cuộc đời, trách móc cuộc đời, né tránh mọi người và thu mình trong vỏ ốc.
Phải chăng tôi đã hiểu sai câu nói "Một điều nhịn, chín điều lành”? Tôi vẫn thường nghe mọi người khuyên rằng mọi thứ bắt nguồn từ tình yêu thương. Hay tôi chưa hiểu tình yêu thương là gì nên mới có cái cảm giác như vậy?
Nhiều, đã rất nhiều lần tôi tự trách mình, đấu tranh tư tưởng, mâu thuẫn nội tâm. Tôi có nên nhịn nữa hay không, nhịn mà làm tổn thương chính mình, nhịn mà đau khổ, nhịn mà làm mọi người không vui thì có nên nhịn hay không? Phải nhịn như thế nào cho đúng? Rồi tôi cũng từng so sánh với một câu nói của Bác Hồ: “Càng nhân nhượng bọn chúng càng lấn tới!” Hay là tôi đấu tranh? Mà khi nào thì nhịn, khi nào đấu tranh cho đúng? Rút cuộc tôi nên làm gì để cuộc sống trở nên hạnh phúc, bình an hơn? Sự trăn trở ấy đeo đuổi tôi trong suốt nhiều năm trời.
Hành trình tìm điều lành đằng sau những lần nhịn
Gọi tên cảm xúc - chữa lành niềm đau
Đến khi đọc nhiều sách về trí tuệ cảm xúc, sách về nuôi dạy con (ví dụ như “Làm cha mẹ tỉnh thức”, cuốn “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” và các khóa học về “Dạy con” về “Trí tuệ cảm xúc”) tôi đã bật khóc, bao nhiêu cảm xúc được vỡ òa. Thì ra bấy lâu nay tôi không được huấn luyện cảm xúc, tôi xử lý mọi chuyện bằng cách cho cảm xúc đó đông đá trong tủ lạnh để nó không bị bốc hơi ra ngoài! Tôi chưa thật sự yêu chính mình, tôi khiến bản thân chịu bao nhiêu tổn thương suốt 35 năm trời! Ngay cả chính mình tôi cũng chưa yêu thì làm sao có thể yêu được ai khác?
Tôi đi lang thang qua những con đường, chậm rãi hít một hơi thật sâu, ngắm nhìn vạn vật xung quanh. Dù có chuyện gì thì chú chim vẫn đang hót, bông hoa vẫn đang nở. Còn tôi, vẫn còn mãi nằm trong chiếc kén! Tôi đang mong muốn điều gì? Vì sao tôi lại khó chịu khi kìm nén cảm xúc? Có phải tôi đang muốn được ghi nhận, được khen ngợi, được tôn trọng… nhưng khi không được thỏa mãn, tôi lại nén chúng trong lòng và không để ai chạm đến nó?
Tôi cũng tự hỏi bản thân: mình “Nhịn không nói ra ý kiến của mình” là vì muốn được ghi nhận cho chính mình hay vì muốn tốt cho mọi người xung quanh? Là VỊ KỶ hay VỊ THA? Phải chăng tôi nhịn vì bản ngã được hình thành trong tôi quá lớn? Từ đó tôi đã nhận ra rằng tất cả chỉ vì điều lành cho bản ngã của chính tôi chứ chẳng phải vì điều lành cho ai cả, ngay cả không lành cho bản thân tôi.
Vậy phải chăng tôi đang hiểu sai về từ Nhịn?
Mãi về sau khi thực hành sâu về trí tuệ cảm xúc, tôi tự đúc kết cho riêng mình rằng: quan điểm “nhịn” ở đây không phải là “chịu đựng”. “Nhịn” mang một ý nghĩa khác để vừa lợi mình lợi người. Bởi lẽ, nếu cứ gặp chuyện mà chúng ta cứ mãi phớt lờ cho yên chuyện “ không chia sẻ” thì hậu quả còn nguy hiểm hơn.
Lắng nghe và thấu hiểu
Lắng nghe là một trong những phương pháp giúp tôi nghe được đối phương đang muốn nói gì, đôi lúc người ta nói một đường nhưng ý muốn nói lại không phải điều đó. Vợ thấy chồng về trễ nhưng lại không thể hiện cảm xúc thật của mình: “em thấy cô đơn khi không có anh” mà lại nói “sao anh về trễ thế mà không thèm nói em một tiếng, lần sau không được như thế nữa nhé”. Nếu người chồng biết lắng nghe, thấu hiểu nỗi cô đơn của vợ thì anh ta sẽ tương tác lại một cách nhẹ nhàng để vợ không tổn thương. Còn nếu vợ hiểu lý do chồng về muộn, diễn tả đúng cảm xúc thật của mình thì có lẽ chồng sẽ thương vợ hơn.
Hiểu và thương để có một cách bộc lộ cảm xúc đúng thời điểm sẽ không gây tổn thương cho nhau. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà làm được điều đó. Tôi đã thực hành từng bước nhỏ, tập lắng nghe và gọi tên cảm xúc bằng cách viết Nhật kí tâm hằng ngày. Khi kỹ năng chia sẻ được thể hiện trên các con chữ sau gần 2 năm, tôi đã quen dần với thói quen cứ gặp cảm xúc tiêu cực là tôi cho nó bốc hơi thành con chữ! Dần dần, không biết từ khi nào kĩ năng viết đó lại chuyển thành những câu nói không còn gây khó chịu cho người nghe mỗi khi tôi gặp vấn đề.
Nói không phán xét
Khi chúng ta nói mà không phán xét thì sẽ không làm tổn thương đối phương, họ sẽ khởi sinh lòng yêu thương và hiểu chúng ta hơn. Giống như quy tắc Win-Win mà tôi có đọc trong cuốn sách “7 thói quen được phải thói quen hiệu quả” đôi bên cùng thắng, cùng hiểu nhau, cùng có lợi. Hãy cứ nói trong hay biết, nói không mong sẽ được ghi nhận, buông bỏ mong cầu của mình thì tự nhiên tâm vị tha, vì người khác sẽ xuất hiện, và đó cũng là cách bạn yêu chính mình. Mọi thứ còn lại đã có Nhân – Quả trả lời.
Tôi thở phào nhẹ nhõm cảm thấy tâm bình an, nhẹ nhõm. Chậm rãi chạm nhẹ bông hoa, lắng nghe tiếng gió thổi, nhìn ngắm bầu trời xanh biếc và dang tay đón chào ngày mới. Cảm nhận như đang hòa chung nhịp thở với vũ trụ!
Lời kết
Tôi nhận ra trước đây tôi đã hiểu nhầm câu nói “một điều nhịn, chín điều lành”:
“Nhịn” không có nghĩa là “KHÔNG PHẢN ỨNG”, không phải là “KÌM NÉN CẢM XÚC”, không phải là“CHỊU ĐỰNG”.
“Nhịn” có nghĩa là tránh xung đột, tránh phán xét làm tổn thương người khác và chính mình.
"Nhịn" là biết “ĐIỀU TIẾT CẢM XÚC”, biết lắng nghe sâu, thấu hiểu nỗi đau của người khác để thương họ hơn. Từ đó biết đấu tranh bảo vệ cái đúng bằng ngôn ngữ, nét mặt, cử chỉ hòa nhã, chân thật phản ánh đúng cảm xúc của mình nhưng không gây tổn thương đến mình và người khác!
Vậy nên, khi bạn biết NHỊN đúng cách thì tự nhiên điều LÀNH sẽ tự đến với bạn và thế giới xung quanh.
Biết ơn mọi thứ đã đến với tôi, biết ơn đau khổ, tổn thương, biết ơn đấng sinh thành đã nuôi dưỡng tôi theo cách riêng của họ để rồi chính những TRĂN TRỞ từ cách nuôi dưỡng ấy đó đã khiến tôi hiểu sâu hơn về bản thân, biết yêu mình và yêu người đúng cách hơn, giúp tôi mọc thêm đêm cánh để bay cao bay xa hơn, thoát khỏi vỏ bọc đè nặng mình suốt mấy chục năm trời
Nội dung: Học viên Content 3 gốc K6
Biên tập: Liên Thanh
Hình ảnh: Tuệ Tâm
Comments