"Bố mẹ cũng giống như mặt trời, luôn lặng lẽ ở sau lưng, cho bạn chỗ dựa và sự ấm áp, nhưng nếu một ngày bố mẹ không còn ở đấy nữa, cảm giác an toàn quen thuộc cũng lập tức biến mất, bấy giờ muốn tìm lại, sợ rằng đã quá muộn”
(Có một ngày bố mẹ sẽ già đi, nhiều tác giả, Losedow dịch)
Những năm tháng tuổi trẻ, ta thường mong rời xa vòng tay ba mẹ. Nhưng lớn khôn mới biết, đi trăm nơi không đâu bằng nhà, gặp vạn người không ai tốt bằng mẹ cha. Để rồi khi mất đi cha mẹ, ta mãi sống trong sự hối tiếc.
Mong rằng qua bài viết dưới đây, mỗi chúng ta sẽ trân trọng, trao yêu thương cho đấng sinh thành nhiều hơn. Rồi sau này có đối diện với biệt ly, ta cùng bình an vì mình đã sống trọn vẹn, hết lòng.
Mục lục
4. Lời nhắn nhủ
Mong ước đi thật xa gia đình
Gia đình - cái nôi ôm ấp, che chở ta từ bé, nhưng càng lớn ta lại càng rời xa, càng dành ít thời gian cho gia đình.
Tuổi trẻ, mấy ai không mong nhanh chóng rời vòng tay bố mẹ để vẫy vùng, thỏa chí bay xa. Tôi cũng không ngoại lệ. Tạm biệt 12 năm đèn sách ở quê nhà, tôi hớn hở túi to túi nhỏ, lỉnh kỉnh đồ đạc lên Sài Gòn tiếp nối sự nghiệp Đại học. Ui chao, lúc đó tuy có chút buồn lạc lõng vì sợ xa người thân nhưng chợt nghĩ được đi học cao, được ra phố thị, tôi một mạch đi không ngoái đầu nhìn lại.
Suốt những năm đại học, số lần tôi về nhà ngày càng dần ít dần. Đỉnh điểm là khi ra trường, bận rộn với công việc, tôi dần xem gia đình như là "điểm du lịch", đến chóng vánh và rời đi vội vã.
Đến lúc lập gia đình, có em bé, lại thêm dịch Covid khiến những lần tôi gần gũi, cận kề bố mẹ và người thân càng thưa thớt. Mỗi khi nhớ con, nhớ cháu, ông bà chỉ biết tranh thủ lúc tôi rảnh để gọi điện hỏi thăm, dặn dò đủ điều.
Tôi cứ bình thản đi qua những ngày tháng ấy, cứ ngỡ bố mẹ sẽ ở bên đợi chờ mình mãi cả cuộc đời.
Đột ngột rời xa vòng tay cha
Bố tôi có tuổi lại thêm bệnh trong người nên việc tới lui trong viện như cơm bữa. Chúng tôi mặc nhiên coi đó là chuyện thường ngày và lơ là sức khỏe của ông.
Đầu tháng 10/2022, anh chị em chúng tôi có dịp quây quần đông đủ nhân dịp con tôi một tuổi. Khoảng thời gian đáng nhớ ấy cũng là lúc bố tôi vừa từ cửa tử trở về. Tôi có cảm nhận bố khỏe hơn, tâm trạng cũng vui hơn.
Những ngày cận kề tết Tây, bố hay tỉ tê tôi đưa cháu về nhà sớm, chơi với ông bà. Bố còn nói về để chuẩn bị đồ gói bánh chưng, về sắm sửa tết. Tôi vì tham công tiếc việc, cứ chần chừ hứa hẹn lên xuống rằng sẽ tranh thủ. Nhưng rồi lời hứa của tôi như gió phũ phàng cuốn đi, khi chỉ vài tháng sau ngày tụ họp tháng 10, bố lại nhập viện. Tôi vẫn đinh ninh rằng bố chỉ như lần trước, rằng chỉ số đường của bố lại ổn, bố lại khỏe và về với gia đình.
Nhưng không, bố trở nặng, di chuyển nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh, tuyến thành phố, tuyến trung ương. Rất nhiều nỗ lực nhưng mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Bố lặng yên nằm mãi trên giường bệnh, chẳng nói chuyện, chẳng cười đùa, chẳng ân cần hỏi han con cháu như mọi lần.
Lần đầu tiên, cả gia đình đón Tết vắng bố.
Lần đầu tiên, chị và em gái tôi đón tết trong bệnh viện.
Lần đầu tiên, anh tôi phải chu toàn chuyện cúng gia tiên trong đêm giao thừa.
Lần đầu tiên, Tết với gia đình tôi diễn ra chỉ mang tính hình thức, làm cho có lệ.
Có biết bao nhiêu lần đầu tiên chẳng thể kể hết khi nhà vắng bố. Sự trống trải ấy khiến chúng tôi càng mong mỏi bố khỏe mạnh để trở về nhà.
Nhưng không, chúng tôi hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu, cố gắng bao nhiêu thì hụt hẫng bấy nhiêu. Hôm nay, tôi không còn bố nữa.
Bố ra đi trong im lặng, chẳng dặn dò, chẳng trăn trối, bố để lại bao mong muốn dang dở. Tôi biết, bố vẫn chưa sẵn sàng, bố vẫn còn quyến luyến, bố vẫn còn thương anh chị em chúng tôi lắm, còn cả lời hứa cùng cháu gói bánh chưng chưa thực hiện, còn cả đợi chờ bé cháu sắp chào đời…
Bố ra đi để lại trong tôi một khoảng trống quá lớn.
Trở về hiện tại - chữa lành tổn thương
Ôm ấp, chữa lành những tổn thương để tâm bình an, sống trân quý hiện tại hơn
Mất bố - cú sốc quá lớn, tôi không thể nào chấp nhận được. Tôi cố níu kéo, tự trách bản thân, dằn vặt mình bởi những lời hứa, lời nói vô tâm với bố. Tôi cứ mãi chìm đắm trong những tổn thương. Ban ngày tôi gắng gượng bình thường nhưng đêm về lại ngập tràn trong ký ức về bố. Mỗi lần thắp hương, cúng cơm cho bố, nhìn vào di ảnh, tim tôi lại quặn thắt, lòng tức tưởi vì hối hận.
Bao nhiêu câu "giá mà" cũng chẳng thể níu kéo bố trở về bên tôi và các anh chị em.
Sợ không thể vực dậy, tôi tìm cách để bận rộn hơn. Vì vậy khi một người bạn giới thiệu lớp Content 3 gốc, tôi tham gia ngay. Tôi ước mình bớt suy nghĩ, ước mình bình tâm lại để bố ra đi thanh thản, không bị quyến luyến bởi gia đình quá nhiều.
Sau buổi học thứ 2, may mắn cho tôi khi đọc được lời nhắn nhủ từ những người chị trong lớp. Dù chưa từng gặp mặt nhưng sự đồng cảm của các chị giúp tôi hiểu ra nhiều điều.
"Mỗi người đều sinh ra và mất đi, chị tin rằng bố em cũng đã có những phút giây trọn vẹn hạnh phúc bên gia đình". Lời chia sẻ từ chị Quyên khiến tôi vỡ òa trong cảm xúc. Từng câu, từng chữ đã giúp tôi dần đưa mình về quỹ đạo, chấp nhận sự thật, nhìn mọi thứ khách quan hơn.
"Chị nghĩ bố sẽ rất tự hào về em. Hãy sống thật tốt để nối tiếp một phần hành trình của bố em nhé!" - Câu nói từ đáy lòng của chị Tuệ Tâm khiến tôi bừng tỉnh. Tôi biết mình cần phải lớn, cần bước tiếp để tiếp nối những hành trình còn dang dở của bố.
Tôi bắt đầu đọc sách nhiều hơn. Tôi tìm tới những tản văn, câu chuyện để giúp mình quay về thực tại. Tôi trở về với cuộc sống còn có mẹ, có anh chị em, có những người thân yêu trong gia đình.
"Đưa mắt nhìn non sông bát ngát, không bằng yêu thương người bên cạnh." - Mỗi một câu chuyện trong cuốn sách "Có một ngày bố mẹ sẽ già đi" là giai điệu, ca từ, bài học mà ngay lúc này tôi cảm thấy dường như dành cho riêng cho mình.
Tôi bắt đầu học cách quan tâm, nói chuyện, gần gũi với mẹ và anh chị em nhiều hơn. Tôi nấu nhiều món ăn mẹ thích; cùng ươm hoa, trồng rau với em gái; cùng anh trai hái lá nuôi cá mỗi ngày; kể chuyện hàng ngày với bố, nói cho bố nghe hôm nay ăn món gì, cả nhà có hoạt động gì, cây trồng của bố đã ra trái sum suê như thế nào;... Nhờ vậy tôi dần điều tiết được cảm xúc, không còn nấc nghẹn mỗi khi nghĩ về bố. Tôi tin rằng, bố sẽ vui hơn khi thấy tôi đã ổn, không còn đắm chìm trong dằn vặt, mất ngủ vào những đêm tối muộn.
Sự mất mát lớn ấy khiến tôi gục ngã nhưng cũng giúp tôi biết tự đứng dậy và thay đổi. Không chỉ quan tâm gia đình hơn, tôi còn tham gia nhiều khóa học marketing, content cho tới khóa học “an nhiên làm cha mẹ ươm hạt mầm yêu thương”. Điều quan trọng là tôi đã chuẩn bị cho mình hành trình quay lại công việc đầy bận rộn nhưng vẫn đảm bảo sắp xếp đủ thời gian để về thăm nhà, thăm bố mẹ.
Tôi nhận ra đời vô thường lắm, hãy yêu thương nhau nhiều nhất khi còn có thể.
Lời nhắn nhủ
"Nhà, không phải là một ngôi nhà, không phải tiền đình hậu viện, không phải vài mẫu ruộng ngoài thôn, mà là nơi có bố có mẹ". Sau nỗi đau mất người thân, tôi tự nhủ phải thật trân trọng, phải thật yêu quý từng khoảnh khắc để mai sau, dù có điều không vui ghé tới thì vẫn có những yêu thương vỗ về, ôm ấp.
Mong rằng tất cả chúng ta, giữa cuộc sống đầy lo toan bận rộn này, vẫn luôn dành cho người thân, nhất là ba mẹ những khoảng thời gian trọn vẹn nhất, bạn nhé!
Nội dung: Ánh Hồng - Học viên content 3 gốc khóa 5
Biên tập: Nhàn Lý
Hình ảnh: Trang
Comments