top of page
Writer's pictureNhàn Lý

TƯ DUY NHÂN QUẢ - BÍ QUYẾT RA QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT

Updated: Mar 18

Trước nghịch cảnh xảy đến bạn hay thường OÁN TRÁCH SỐ PHẬN

Trước ngã ba đường đời bạn luôn loay hoay khi QUYẾT ĐỊNH và LỰA CHỌN

Bạn không biết tại sao những điều bất như ý lại xảy đến với mình, tại sao lại diễn ra theo chiều hướng như thế. Bạn thấy cuộc đời thật quá bất công.


Nếu những vấn đề trên là trăn trở trong máu thịt và bạn tha thiết lục lọi vấn đề để nhìn thấy nguyên nhân - giải pháp thì bạn rất cần suy ngẫm về bài viết này. Bởi TƯ DUY NHÂN QUẢ sẽ giúp bạn sáng suốt vấn đề và ra quyết định đúng đắn để sống một đời bình an.





MỤC LỤC

---

1. Điều gì xảy ra khi ta không có tư duy nhân quả


Trước tiên để nhìn về hiện trạng “hiểm nghèo” khi ta chưa có nhận thức về tư duy nhân quả, mời bạn cùng tìm hiểu tư duy nhân quả là gì.


1.1 Tư duy nhân quả là gì?

“Nhân” là nguyên nhân, “quả” là kết quả. Hiểu một cách đơn giản nhân quả chính là nguyên nhân và kết quả của các hành động và hiện tượng.


Nhân quả là quy luật của vũ trụ và được thể hiện chi tiết qua công thức:

NHÂN + DUYÊN = QUẢ

Trong đó:

  • NHÂN là yếu tố bên trong, bao gồm những suy nghĩ, hành vì thái độ, thói quen... từ chính mình tạo ra, có thể cố ý hay vô ý, nhận biết được hay không nhận biết được.

  • DUYÊN là yếu tố bên ngoài (ngoại cảnh), thường chúng ta khó kiểm soát được.

  • QUẢ là kết quả nhận được tương ứng với nhân đã gieo (Gồm quả gần - quả xa, thậm chí là quả ở kiếp này sang kiếp khác).

Một số biến thể của luật nhân quả ta thường thấy đó là: Luật gieo và gặt, luật hấp dẫn, luật cân bằng, luân hồi, luật tiến hóa, luật tập trung, luật trong ngoài. Khi có góc nhìn theo nhân duyên quả giúp ta suy nghĩ có chiều sâu trong mọi vấn đề, hiểu thấu đáo được mọi sự việc hơn.


Vậy khi ta chưa có tư duy nhân quả thì cuộc sống sẽ ra sao?


1.2 Oán trách cho số phận - bế tắc trong lựa chọn


Ai trong đời cũng phải trải qua những biến cố lớn, nghịch cảnh éo le, những lần mong ước không thành, những lần kế hoạch bị đổ vỡ. Khi đối diện với những vấn đề đó thì cảm giác của bạn như thế nào?


Oán trách cho số phận


Thường thì phản ứng đầu tiên của ta sẽ là “Trời ơi sao tôi khổ thế này?” “Tạo sao ta sống tử tế mà cuộc đời lại tệ bạc?”, “Trời có mắt hay không?”. Ta nhỏ bé, bất lực và gục ngã trước tác động bên ngoài.


Khóc lóc, oán than số phận khiến ta rơi vào trạng thái “hận thù” cuộc đời. Ta đổ lỗi hết cho người này người kia, ngoại cảnh này đến thực tế kia. Cuối cùng khi không có đối tượng đổ lỗi thì ta chọn “ông trời” để trách móc nhưng nào ai biết “ông trời” trông thế nào. Vì không nhận ra lỗi bản thân, không soi thấy “nhân sai” mình gieo từ quá khứ nên sự lặp lại của khổ đau này sẽ còn kéo dài. Chưa kể thâm tâm bị giày vò trong trạng thái tiêu cực vì ta chìm đắm mãi trong khổ đau.


Bế tắc trong lựa chọn


Chắc hẳn bạn cũng từng trải qua cái cảm giác gặp chuyện bất như ý và muốn giải thoát để bản thân chấm dứt khổ đau, sự giằng xé khó chịu trong nội tâm đúng không? Nhưng bạn lại không biết phải làm sao cả.



Xin phép kể bạn nghe câu chuyện gần đây của mình: Mình luôn thích cho đi nhưng lại thường từ chối nhận bất kì quà tặng từ ai đó. Mình nghĩ rằng điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống dù mình ý thức điều này không đúng với quy luật cho - nhận. Đến một ngày mình nhận được món quà từ người bạn đặc biệt nhưng mình lại không thể tặng lại bạn ấy món gì. Điều đó khiến mình lo lắng, bất an, sợ hãi, luôn nghĩ làm điều gì đó để trả lại ân tình cho bạn.


Mình thấy người chị bên cạnh sẵn sàng cho - sẵn sàng nhận và cuộc sống thật dễ chịu, thoải mái. Mình cảm thấy bất công vì sự khó chịu đến nghẹt thở của bản thân nhưng lại không biết làm sao để “vứt bỏ” nó. Mình thật sự bế tắc!


Trong cuộc sống, rất nhiều lúc ta không biết làm thế nào khi đối diện với vấn đề của mình. Hoặc nhìn thấy nhiều lựa chọn nhưng lúng túng không biết đường đi nào là đúng đắn, giải pháp nào không tiềm ẩn nguy cơ hiểm nghèo. Ta nhắm mắt, liều lĩnh, phó mặc chọn đại một đường và khi gặp rủi ro ta lại trở về trạng thái “oán trách số phận”. Vậy là ngẫu nhiên ta để luật luân hồi tiếp diễn.


Đâu sẽ là chìa khóa giúp ta thoát khỏi luân hồi, mở cánh cửa lồng giam để thoát khỏi oán trách - bế tắc?


2. Tư duy nhân quả - chìa khóa thoát khỏi bế tắc


Tại sao tư duy nhân quả có đủ khả năng giúp ta thoát khỏi bế tắc và hết oán trách số phận? Bởi vì nhờ thấu rõ tư duy nhân quả mà ta sẽ có trí tuệ sáng suốt và tăng trưởng về đạo đức - giúp ta soi tỏ mọi vấn đề và sống bình an.



2.1 Tư duy nhân quả giúp ta soi sáng vấn đề


Nhân quả là quy luật tự nhiên không phụ thuộc vào tôn giáo, trường phái hay quan điểm truyền thống nào. Điều này có nghĩa rằng mọi thứ diễn ra không phụ thuộc vào cưỡng cầu hay sự tác động của “một thế lực” nào. Tất cả mọi kết quả ta đón nhận đều do NHÂN - DUYÊN hội tụ.


Khi nhìn rõ nguyên nhân bên trong, phân tích được duyên bên ngoài ta sẽ thấy vấn đề mình gặp không phải là ngẫu nhiên. Ta có đủ sáng suốt để nhìn thấy 2 điều:


  • Mọi thứ đều đến từ mình: Bất kể buồn vui, sướng khổ đều do tâm ta phản ứng trước điều kiện bên ngoài. Từ đây ta bắt đầu biết soi lỗi, sửa mình để hành động tử tế hơn. Ý thức được điều này đau khổ sẽ không còn luân hồi nữa, ta cũng hết đổ lỗi.

  • Sáng suốt ra quyết định đúng đắn: Khi ta biết với duyên thực tế, mình gieo nhân nào để gặt quả như mong muốn thì ta tự khắc biết điều chỉnh để tránh rủi ro một cách tối đa nhất. Cuộc sống của ta sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực bởi những quyết định sáng suốt.


Nhờ soi tỏ điều này mà ta chấm dứt sự mê mờ, hoang mang, vô định, tư tin với những lựa chọn và bước đi đã được trí tuệ soi sáng của bản thân.


2.2 Tư duy nhân quả giúp ta sống bình an


Nhận trách nhiệm về mình, gieo nhân tử tế và ra quyết định đúng đắn - đây là nền tảng để sống một đời bình an.


Nếu ta biết rằng những đau khổ, bất như ý hiện tại của mình là do nhân sai lầm mình gieo trong quá khứ thì hành động tất yếu là ta sẽ không lặp lại nhân đó nữa. Ta biết rằng cứ chìm đắm mãi trong tham - sân - si thì cuộc sống sẽ đầy bất an, mệt mỏi nên ta không ngừng đổi nhân là gieo đạo đức - trí tuệ - nghị lực để vững chãi và tự do.



Tất cả mọi sự việc đều có nguyên nhân gần hay sâu xa của nó. Như câu chuyện khó chịu vì được nhận quà ở trên là do mình đã gieo vào tâm trí rằng nếu không tặng lại quà cho bạn thì bạn sẽ nghĩ mình không sòng phẳng, bản thân mình mang ơn. Vì hiểu điều này nên mình đã thoát khỏi cảm giác bất an bằng cách buông định kiến cũ, thoải mái đón nhận món quà và trao lại sự biết ơn, tình cảm trân quý với mối quan hệ đó.


“Chỉ cần mình sống tử tế, trời xanh sẽ an bài” - lời tâm niệm này sẽ thay thế câu hỏi “Tại sao mình sống tử tế mà cuộc đời cứ tệ bạc?”. Nhân quả không chỉ giúp trí tuệ sáng suốt mà còn giúp ta sống lợi mình - không hại người - hài hòa với thiên nhiên.


Tư duy nhân quả thực sự lợi lạc trong cuộc sống, công việc, mối quan hệ của ta. Vậy làm thế nào để ta sở hữu được tuyệt chiêu này?


3. Rèn tư duy nhân quả - ra quyết định sáng suốt


Cách để giải phóng bản thân khỏi lồng giam của sự bế tắc chính là hiểu được tận cùng cốt lõi của vấn đề để đưa ra giải pháp dựa trên tư duy nhân quả.


Rèn tư duy nhân quả chính là NHÂNquyết định sáng suốt chính là QUẢ. Vậy làm sao để ta áp dụng nhuần nhuyễn cặp nhân - quả cần thiết này?


3.1 4 câu hỏi tư duy nhân quả


Muốn có tư duy nhân quả ta phải gieo nhân rèn luyện. Rèn luyện 4 câu hỏi nhân quả này giúp ta đối mặt với các vấn đề ở hiện tại và cả tương lai để thoát khỏi nhà giam BẾ TẮC. Trong quá trình thực hiện ta liên tục cần quan sát - phân tích - đúc kết về nhân - duyên - quả.



Câu hỏi 1: Cái gì vận hành ngầm dưới điều này? (Liệt kê các nguyên nhân)


Trước khi trả lời được những điều vận hành ngầm dưới điều này ta cần sự quan sát, ghi nhận bản thân từ thái độ, thói quen, cảm xúc, suy nghĩ, hành vi….Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc diễn ra đối với mình nên cần sự quan sát đa chiều, ghi nhận bằng sự trung thực đến tận cùng để soi xét.


Câu hỏi 2: Cái gì là cốt lõi trong các nguyên nhân trên? (Xác định nguyên nhân chính)


Sau khi phân tích các nguyên nhân, hành vi, thái độ,....dẫn đến bế tắc, ta cần phải ĐÚC KẾT được nguyên nhân LÕI dẫn đến tình trạng này. Xác định cái gì là quan trọng nhất, chi phối và ảnh hưởng lớn nhất. Thường thì ta sẽ thấy lõi vấn đề nằm ở 3 độc (tham - sân - si) hoặc 3 gốc (đạo đức - trí tuệ - nghị lực).


Việc xác định được lõi sẽ giúp chúng ta biết tập trung nguồn lực để thay đổi vấn đề hiệu quả và tối ưu nhất.


Câu hỏi 3: Lặp lại thì tương lai như thế nào? (Suy xét quả gần - quả xa)


Nhìn thấy rõ sự vận hành của nhân - duyên - quả giúp ta biết điều gì cần duy trì, nội dung nào cần điều chỉnh để nhận được quả tử tế. Câu hỏi này giúp ta có những lựa chọn đúng đắn và sáng suốt, làm chủ cuộc đời, kiến tạo tương lai bằng gieo nhân đúng.


Đặc biệt việc suy xét quả gần - quả xa giúp ta thấy rõ ràng hơn về hành vi của mình và xem xét nên chấm dứt hay duy trì hành động. Ví dụ khi con trẻ ngã, ba mẹ vội chạy đến đỡ con dậy. Xét quả gần thì con sẽ cảm thấy được yêu thương vỗ về, nhưng khi nhìn quả xa nếu hành động này liên tục diễn ra con sẽ ỷ lại, đánh mất đi sự tự lập. Từ đó ta đúc kết được vấn đề: yêu thương nhưng đừng nuông chiều, giúp đỡ nhưng đừng làm hộ con mọi việc.


Câu hỏi 4: Giải pháp nào điều chỉnh hiện tại và điều hướng tương lai?


Soi xét, thấy rõ sự vận hành của nhân - duyên - quả là lúc ta sẽ biết mình phải làm gì để điều chỉnh hiện tại - điều hướng tương lai. Nhân ở quá khứ chúng ta không thể thay đổi, quả ở hiện tại ta chẳng nên oán trách, điều duy nhất ta nên làm là gieo nhân đúng đắn. Đối diện, chấp nhận và thay đổi nhận thức, lời nói, hành vi để những quả xấu không lặp lại; vun bồi thêm nhân tốt để quả tử tế tăng trưởng và phát triển.



Gieo gì gặt nấy, không gieo không gặt.

Gieo nhân cũ lặp lại quả cũ, cách làm cũ lặp lại kết quả cũ.

Muốn đổi quả phải gieo nhân mới.

Ghi nhớ 3 điều này và rèn luyện 4 câu hỏi tư duy sẽ giúp ta hiểu biết rõ và đúng trong từng vấn đề, cũng như có cách giải quyết tối ưu và hài hòa nhất.


3.2 Mình là nhân - mọi thứ đến với mình là quả


Hãy luôn ghi nhớ điều này bởi tư duy nhân quả không phải là để ta sợ hãi về “nhân quả báo ứng”, không phải để ta gồng bản thân để làm điều gì đó mình không muốn chỉ bởi lo nghiệp xấu ác đến với mình. Hiểu nhân quả để ta biết nắm và biết buông đúng lúc. Hiểu nhân quả là để ta soi lỗi - sửa mình - gieo nhân đúng - sống bình an hơn mỗi ngày.


Cốt lõi tạo ra nhân quả chính là TÂM Ý của chính bản thân ở mỗi suy nghĩ, hành vi, lời nói… bởi tâm là gốc của hình", “ý dẫn đầu các pháp”.

Suy nghĩ và nhận thức là NHÂN; lời nói và hành động là QUẢ, tình huống - hoàn cảnh tương tác với mình là DUYÊN.


Suy nghĩ khác nhau quyết định nhân quả khác nhau. Suy nghĩ được quyết định bởi tiến trình vận hành của tâm thức. Vì vậy TIẾN TRÌNH VẬN HÀNH CỦA TÂM QUYẾT ĐỊNH NHÂN QUẢ. Việc RÈN TÂM chính là quá trình gieo lại NHÂN bên trong và dựa trên tương tác của DUYÊN bên ngoài để đón nhận QUẢ bình an, hạnh phúc.



Để nhận quả bình an ta cần loại bỏ dần tâm hướng hạ (tham - sân - si) và vun bồi tâm hướng thượng (đạo đức - trí tuệ - nghị lực). Rèn tâm - quan sát tâm - hiểu tâm dựa trên nhân quả sẽ giúp ta vượt qua bế tắc, là chủ cuộc đời mình.


4. Lời nhắn nhủ


Giá trị của tư duy nhân quả "NHÂN + DUYÊN = QUẢ" giúp chúng ta điều chỉnh lại nhận thức và hành vi từ đó làm chủ số phận mình, tự kiến tạo tương lai, có niềm tin và chữa lành những tổn thương của quá khứ.


Cách đơn giản nhất để áp dụng tư duy nhân quả trong cuộc sống đó là trước vấn đề nào cũng nhắc tâm “mình là nhân” và trước hành động nào cũng suy xét “điều này có lợi mình - lợi người - lợi thiên nhiên không?”. Duy trì NHÂN này ta sẽ nhận QUẢ là cuộc sống bình an, tự tại.


Nội dung: Phương Uyên - Học viên Content 3 gốc

Biên tập: Nhàn Lý

Hình ảnh: Trúc Phương


290 views0 comments

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
Untitled-1.jpg

Cùng chung lý tưởng
“Giáo dục chuyển hoá 3 Gốc”

Trang thư viện 3 Gốc mong nhận được phản hồi, động viên hoặc “ủng hộ” tuỳ hỷ đến từ độc giả. Bởi đây là thông điệp ngầm nhắn gửi “Những gì chúng tôi làm mang giá trị thiết thực đến cho mọi người”, giúp 3GOC.VN sẽ ra mắt nhiều nội dung giá trị hơn trong thời gian tới. 

Trí nhân

Đóng góp tài năng viết lách của mình cho trang

01

Tài vật

Đóng góp bằng tài chính

02

Nội dung chuyển khoản:

3goc.vn_Tên_Điều nhắn gửi

Số Tài Khoản: 215962349

Ngân hàng: ACB - PGD Vạn Hạnh

Tên tài khoản: Bùi Thị Thanh

z5270840594423_a3c1e7ba81d7effac77193110559e12d.jpg
bottom of page