MỤC LỤC
***
Nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao có những người luôn thành công, hạnh phúc, cũng có người lại luôn gặp bất hạnh khổ đau?”. Nếu bạn có hiểu biết về Nhân Duyên Quả, ắt hẳn cho rằng họ hạnh phúc vì đã gieo nhân lành nên gặt quả ngọt, người kia đau khổ bất hạnh vì đã gieo nhân bất thiện.
Nhưng ranh giới giữa thiện và bất thiện, lành và chưa lành khá là mong manh. Bởi nhiều người vẫn cho rằng, bản thân chưa hề làm điều gì sai, nhưng cuộc đời lại luôn gặp trắc trở. Nguyên nhân thực sự nằm ở đâu? Liệu có cách nào để có thể đạt được thành công và hạnh phúc như mình mong muốn hay không?
Dạo trước, một người em cùng sinh hoạt trong team, đã nhìn thấu tâm tư này của mình, liền chân thành khuyên mình đọc cuốn “Tâm lý học thành công” của tác giả Carol Dweck.
3goc.vn gắn đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc nhấn vào đây sẽ không ảnh hưởng đến giá cả và chất lượng sách như mua trực tiếp.
Mình thật sự vô cùng cảm ơn tấm lòng của em, bởi vì khi lần giở từng trang sách, mình cảm giác hình như cuộc đời mình đang được tái hiện một cách rõ ràng sau từng con chữ.
Sự khác biệt giữa người với người, nguyên nhân khiến họ hạnh phúc hay khổ đau là bởi sự khác nhau trong cách họ tư duy. Nào bây giờ hãy cùng mình khám phá nhé.
Hai loại tư duy
Cuốn sách "Tâm lý học thành công" tập trung vào phân tích 2 loại tư duy:
Tư duy cố định và tư duy phát triển
Khi đọc cuốn sách này thì mình mới biết: Sở dĩ có người luôn thành công-hạnh phúc và có người luôn thất bại-khổ đau là vì họ có 2 kiểu tư duy khác nhau, đó là tư duy cố định và tư duy phát triển.
Người có tư duy cố định - người tin rằng những phẩm chất của mình là bất biến. Niềm tin ấy khiến họ luôn muốn thể hiện bản thân mình đặc biệt. Khi không như ý, họ nhanh chóng rơi vào cảm xúc tiêu cực. Tư duy cố định này có thể bị gieo rắc vào tiềm thức của mỗi người khi còn bé.
Với người có tư duy phát triển - người có niềm tin những gì đang có chỉ là điểm khởi đầu của quá trình phát triển. Phẩm chất cơ bản của một người là những thứ có thể bồi đắp qua sự cố gắng, các phương pháp hợp lý, và sự giúp đỡ từ xung quanh, khả năng của con người là không có giới hạn. Họ cũng có cảm giác buồn, đau khổ, nhưng trên hết, họ sẽ xem thất bại như cơ hội để học hỏi phát triển bản thân.
Khi hiểu rõ tư duy cố định và tư duy phát triển, mình thấy rõ ràng mối quan hệ nhân quả ở mọi thứ, cách suy nghĩ-hành động khác nhau dẫn đến những con đường khác nhau hoàn toàn.
Các nghiên cứu cho thấy những người có tư duy cố định, khả năng đánh giá bản thân rất tệ, dù thành công hay thất bại, họ đều có xu hướng phóng đại kết quả lên. Còn những người có tư duy phát triển thì đánh giá khá chính xác năng lực bản thân vì họ cần biết chính xác mình đang yếu chỗ nào để học hỏi.
Đối với nhiều người, đôi khi trong lĩnh vực này thì có tư duy phát triển, do đó họ đạt được thành tựu, nhưng lĩnh vực khác thì lại có tư duy cố định cho nên luôn gặp thất bại.
Bên trong tư duy
Tư duy, là một tập hợp niềm tin, mặc dù có sức mạnh to lớn, nhưng chúng chỉ đơn giản là những thứ trong tâm trí, mà bạn lại có thể kiểm soát được tâm trí.
Benjamin Barber, một thuyết gia chính trị kì cựu, đã từng nói: “Tôi không phân chia thế giới thành người mạnh với kẻ yếu, người thành công với kẻ thất bại… Tôi chia thế giới thành những người không ngừng học hỏi và những người dậm chân tại chỗ.”
Người có tư duy cố định, luôn cho là họ xứng đáng có một cuộc sống hoàn mỹ, mọi điều tuyệt vời sẽ đến với họ. Khi gặp bất như ý, họ không hài lòng với mọi thứ trong thực tại, mà luôn đắm chìm trong cuộc sống tự tưởng tượng ra. Sau đó, có thể vì gặp sự cố trong bất cứ lĩnh vực nào, giúp họ nhận ra, thay vì quá chú trọng vào thất bại và sai lầm, họ hoàn toàn có quyền lựa chọn khác.
Trong cuốn sách, tác giả nhắc đến sự nguy hiểm của căn bệnh CEO, tức là khi ai đó đã có một số thành tích nhất định, liền luôn muốn đứng ở vị trí đỉnh cao và được công nhận là hoàn hảo. Điều này khiến họ không dám thay đổi, sợ thất bại, thế là họ nhanh chóng bị tụt hậu, và nhận lấy kết quả vô cùng tệ hại.
Người có tư duy cố định chọn thành công vì muốn chứng tỏ mình ưu việt, cao siêu và luôn đòi hỏi sự công nhận từ người khác. Họ chỉ hài lòng với điều chắc chắn làm được, một chút khó khăn nhỏ cũng sẽ khiến họ nhanh chóng chán nản.
Đối với họ, nỗ lực chỉ dành cho người yếu đuối, kém thông minh hay thua cuộc. Nhìn thấy người khác thành công, họ rất đau khổ vì cho rằng bản thân đã thất bại. Thế là họ thường đổ lỗi, nói dối, thậm chí gian lận để đạt được điều mình muốn. Một khoảnh khắc thành công hay thất bại quyết định con người họ, mãi mãi.
Trong khi đó, đối với những người có tư duy phát triển, thử thách càng lớn thì họ càng vươn xa, họ coi thử thách là bàn đạp chứ không phải là trở ngại. Họ sẵn sàng đối diện thử thách và kết quả là có thể làm được những điều tưởng chừng như không thể.
Nếu mắc lỗi, họ sẽ nhận lỗi về mình và nổ lực thay đổi kết quả. Họ rất vui vẻ và thành tâm chúc mừng thành công của người khác, và coi đó chính là động lực cho mình phát triển. Nỗ lực là vũ khí thúc đẩy tiềm năng và giúp họ thành công bền vững.
Tác giả đã viết rất rõ: “Trong Tư Duy Cố Định, kết quả là thứ duy nhất có ý nghĩa. Nếu bạn thất bại, hay bạn không phải là người giỏi nhất, mọi công sức đều đổ sông đổ bể hết.
Tư Duy Phát Triển cho phép mọi người trân trọng những thứ họ đang làm dù kết quả có ra sao đi nữa. Họ giải quyết rắc rối, tạo ra hướng đi mới, tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất. Có thể họ chưa tìm ra được cách chữa ung thư, nhưng bản thân việc nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi đã là vô cùng đáng trân trọng và ý nghĩa rồi”.
Hai loại tư duy trong các lĩnh vực đời sống.
Tác giả đã dành hẳn 2/3 nội dung của cuốn sách để phân tích những kết quả khác nhau của hai loại tư duy trong từng lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục gia đình đến nhà trường, từ thể thao, kinh doanh đến các mối quan hệ xã hội như tình yêu hôn nhân, giúp người đọc có cái nhìn vừa toàn diện vừa sâu sắc.
Dù là trong lĩnh vực nào thì lối tư duy cố định cũng đều mang lại nhiều nguy hại, trong khi đó lối tư duy phát triển giúp bạn khai phá những tiềm năng không giới hạn của bản thân và giúp đỡ những người xung quanh cùng phát triển.
Ví dụ trong giáo dục con trẻ ở gia đình, trường học hay trong việc huấn luyện các ngôi sao thể thao chuyên nghiệp, lối tư duy cố định của cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên, gieo rắc vào đầu trẻ những tư duy cố định, thì không chỉ làm thui chột tài năng của các con, mà còn dẫn đến những bi kịch trong cuộc đời các em.
Trong khi đó với lối tư duy phát triển thì các em sẽ được phát huy tiềm năng không giới hạn.
Trong kinh doanh, nếu lãnh đạo có lối tư duy cố định chỉ chăm chăm củng cố địa vị và quyền lực của mình, sẽ khiến cho doanh nghiệp nhanh chóng phá sản vì không thể cạnh tranh. Nhân viên luôn sống trong căng thẳng, sợ hãi bị chỉ trích cho nên không thể sáng tạo.
Trong khi đó, với lối tư duy phát triển thì các nhà lãnh đạo luôn sẵn sàng học hỏi từ tất cả mọi người, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để phát triển nguồn nhân lực giúp vực dậy công ty đang bên bờ phá sản.
Trong các mối quan hệ, đặc biệt là tình yêu và hôn nhân, người có tư duy phát triển dễ dàng nhận ra lỗi sai của mình để sữa chữa, bao dung cho người và luôn nỗ lực vun đắp các mối quan hệ, ngược lại người có tư duy cố định thì sẽ chỉ chăm chăm lợi ích của bản thân, nếu bị từ chối hoặc bất như ý thì chỉ muốn tìm cách trả thù.
Mối quan hệ giữa những người có tư duy cố định rất dễ rơi vào xung đột và bế tắc, thậm chí còn rất nguy hiểm, kiểu “rước họa vào thân”.
Cho nên trong bất kì lĩnh vực nào thì có mối quan hệ với một người có lối tư duy cố định đều là nguy hiểm, còn mối quan hệ với người có tư duy phát triển lại là những trải nghiệm tuyệt vời.
Vậy làm thế nào để thay đổi cách tư duy?
Để thay đổi cách tư duy không phải là việc đơn giản, nhưng bạn có thể tham khảo một số cách gợi ý bên dưới, đây là đúc kết từ cuốn sách "Tâm lý học thành công".
Đầu tiên là thay đổi niềm tin
Niềm tin là thứ chi phối chúng ta rất nhiều. Chúng ta chỉ hành động khi chúng ta tin tưởng. Những niềm tin giới hạn sẽ hạn chế năng lực cũng như kết quả mà chúng ta đạt được. Khi có tư duy cố định, bạn sẽ đặt nặng sự đánh giá của người khác, vì thế thông tin thường mang tính tiêu cực.
Những người có tư duy phát triển họ cũng không ngừng quan sát, lắng nghe lời đánh giá, nhưng lại biến những điều tiêu cực hoặc tích cực đó thành cơ hội để học hỏi.
Học cách tư duy phát triển
Hiểu rằng có một lối tư duy phát triển cho chúng ta thêm một lựa chọn, chỉ cho chúng ta một con đường để có thể hoàn thành ước mơ của mình, học qua các khóa học, các buổi hội thảo, qua các ứng dụng rèn luyện.
Khi bạn học được điều gì đó mới, những kết nối rất nhỏ trong bộ não sẽ được gấp bội và trở nên chắc chắn hơn. Thử thách học tập càng lớn, tế bào não phát triển càng mạnh.
Và rồi, những thứ mà bạn từng cho là khó nhằn hay bất khả thi– như nói một ngôn ngữ khác hay làm bài số học – sẽ trở nên dễ dàng hơn. Kết quả là bộ não khỏe mạnh hơn và thông minh hơn. Khi ai đó không biết về một vấn đề gì, đơn giản là vì họ chưa học về điều đó mà thôi.
Để thay đổi tư duy cố định thành tư duy phát triển không phải là điều dễ dàng gì. Nó đòi hỏi chúng ta một sự quyết tâm và kiên trì.
Cho bản thân cơ hội để phát triển
Trong khi tư duy cố định cố tìm lý do cho thất bại của mình và kết thúc mọi chuyện ở đó, thì tư duy phát triển lại tiếp tục nghĩ về mục tiêu và những việc phải làm để đạt được mục tiêu ấy. Tiếp tục chủ động thu thập thông tin và tìm kiếm cơ hội.
Thứ hiệu quả không phải là một lời thề, mà là một kế hoạch cụ thể rõ ràng, chắc chắn. Khi gặp khó khăn, có thể tự vấn bản thân về ý nghĩa của những điều đó, rồi nghĩ cách ứng phó. Lập một kế hoạch có tính bền vững và bám sát kế hoạch đó.
Nếu tư duy cố định cho rằng cả thế giới này nợ tôi, thì tư duy phát triển sẽ thay đổi góc nhìn, đưa ra ý tưởng sáng tạo, chủ động làm việc. Khi có tư duy phát triển, bạn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, và thấy mọi người bắt đầu hỗ trợ cho sự thành công của mình.
Duy trì sự thay đổi
Chúng ta cần hiểu rằng khi đã đạt được những kết quả mong muốn, thì cần tiếp tục duy trì sự thay đổi đó, để những hành vi tốt ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen khó bỏ. Thay đổi tư duy không phải là học máy móc vài chiêu, mà là duy trì sự nỗ lực lâu dài.
Tóm lại hành trình thay đổi tư duy sẽ có các bước như sau:
Bước 1: Biết chấp nhận lối tư duy cố định của mình
Bước 2: Tìm ra những điều kích hoạt tư duy cố định
Bước 3: Đặt tên cho con người có tư duy cố định để hiểu rõ nó
Bước 4: Bắt đầu dạy dỗ, chỉ cách tư duy phát triển để hỗ trợ quá trình học hỏi và hoàn thiện hơn
Bước 5: Học và giúp đỡ người khác cùng học
Chuyển sang tư duy phát triển là một quá trình dù khó khăn, nhưng xứng đáng để bỏ công sức. Dù không thể giải quyết tất cả vấn đề, nhưng chúng giúp chúng ta sống trọn vẹn hơn, cởi mở hơn, dũng cảm hơn, cuộc sống nhờ đó sôi động hơn.
Cho nên, tác giả nhắn nhủ chúng ta, hãy luôn giữ tư duy phát triển trong tâm trí, nó sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn bất cứ lúc nào gặp khó khăn.
Mình đã thu hoạch được gì sau khi đọc xong cuốn sách này?
Thật sự là khi gấp cuốn sách lại, mình thấy thật may mắn vì đã đọc được nó. Mình ước giá như mình có thể đọc nó sớm hơn thì có lẽ đã tránh được rất nhiều sai lầm. Nhưng muộn còn hơn không. Và mình càng biết ơn người em đã giới thiệu và một người em khác đã tiếp thêm động lực cho mình đọc cuốn sách này.
Có nhiều người khi thấy nhan đề cuốn sách "Tâm lý học thành công" sẽ cho rằng nó khó đọc vì nhiều thuật ngữ chuyên môn, nhưng bản thân mình lại cảm thấy cuốn sách rất dễ đọc.
Khi đọc được cuốn sách này, mình nhìn rõ tác hại của lối tư duy cố định và lợi ích của tư duy phát triển. Đặc biệt, đối với bà mẹ bỉm toàn thời gian như mình, ứng dụng lối tư duy phát triển trong nuôi dạy con cái là điều hết sức quan trọng. Cho nên mình đã nhanh chóng ghi lại 5 bước để rèn luyện lối tư duy phát triển và nghiêm túc thực hiện.
Từ đó mình mạnh dạn quan sát lối tư duy của người thân. Nếu là lối tư duy phát triển, thì thật là may mắn, mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều thú vị. Nếu là lối tư duy cố định, thì mình sẽ xem, liệu có cách nào giúp họ nhận ra hậu quả khôn lường của nó không, và hết sức tế nhị trong giao tiếp, tránh để họ “ghi oán” trong lòng.
Thực sự trong cuốn sách không viết về chính trị, nhưng nếu bạn đọc cuốn sách này, thì bạn dễ dàng nhận ra, nếu lãnh đạo của một đất nước mà có tư duy cố định, thì chắc chắn người dân xứ đó nếu không phải sống trong lầm than chiến tranh, thì cũng sống trong đói khổ và phập phồng lo sợ, điển hình chính là Hitler, vì ghi hận lời phê bình một bức vẽ, mà hắn đã gây ra cuộc thảm sát người Do Thái chấn động toàn thế giới.
Cho nên mình thật lòng nhắn nhủ mọi người, bất kì là giáo viên, phụ huynh, huấn luyện viên, người kinh doanh, cán bộ nhà nước, hay mong muốn trở thành ngôi sao, hãy tìm đọc cuốn sách này, để nhận ra bí kíp vạn năng cho cuộc sống hạnh phúc và thành công.
Tạm kết
Với lối tư duy cố định, cuộc sống nếu không nhàm chán thì cũng sẽ đầy thất bại và khổ đau. Chỉ cần rèn được lối tư duy phát triển, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy những trải nghiệm thú vị, và những kết quả tuyệt vời, ở đó bạn phát hiện ra, năng lực của chúng ta là vô tận.
Chúc cả nhà cũng có những trải nghiệm tuyệt vời với cuốn sách "Tâm lý học thành công" nhé!
Bài viết đính kèm đường dẫn mua sách trên Tiki. Việc mua sách thông qua 3goc.vn vẫn đảm bảo về giá cả và chất lượng như khi mua trực tiếp. Chúng tôi quảng bá và nhận về khoản hoa hồng nhỏ, nhằm duy trì nội dung hữu ích cho kênh. Rất mong độc giả ủng hộ!
***
Nội dung: Mơ Hiền Hoà - Học viên Content 3 Gốc K6
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments