MỤC LỤC:
***
Bạn đã bao giờ tự hỏi, tại sao cùng một cuốn sách, có người đọc xong thấy tâm đắc, ngẫm nghĩ mãi không thôi, người lại thấy hời hợt, nhạt nhẽo? Tại sao có người đọc xong ứng dụng được rất nhiều điều vào cuộc sống, người lại chẳng thấy thay đổi gì?
Bí mật không chỉ nằm ở phương pháp mà là tâm thế đọc sách. Vậy đâu là tâm thế đọc sách giúp việc đọc trở nên hiệu quả, là hành trình khám phá thú vị và bổ ích?
Mời bạn tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Ấn tượng ban đầu đầy cảm hứng
Trước khi giở trang đầu tiên, hãy giữ cho mình tâm thái hào hứng - tò mò - cởi mở. Giống như khi bạn bước vào một khu vườn đầy những điều kì bí.
Hào hứng
Hãy đọc vì bạn muốn đọc chứ không phải vì nghĩa vụ. Giống như những đứa trẻ say sưa với câu chuyện cổ tích, chúng ta cũng dễ dàng tiếp thu khi khám phá những cuốn sách mình rất hứng thú.
Sự hào hứng không chỉ thôi thúc mình lật giở từng trang sách mà còn khiến việc ghi nhớ thông tin trở nên dễ dàng, ngay cả khi nội dung có phần phức tạp. Chưa kề, khi đọc với sự hào hứng thì việc đọc sẽ trở thành niềm vui, thành một hành trình đầy thi vị.
Tò mò
Ngay khi cầm cuốn sách lên với một hào hứng rõ rệt, bạn xác định mục tiêu, tự hỏi bản thân muốn tìm kiếm điều gì hay cuốn sách ẩn chứa điều gì mà bạn chưa từng biết…chính là bạn đang mang trong mình một sự tò mò.
Sự tò mò này giống như ngọn lửa thôi thúc bạn khám phá thế giới ẩn chứa trong từng con chữ. Thôi thúc bạn tìm một không gian yên tĩnh, gạt bỏ mọi phiền nhiễu để tập trung cao độ. Khi đó mỗi trang sách lật qua sẽ giống như một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ và lôi cuốn.
Cởi mở
Bạn đã sẵn sàng đến với sách với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón nhận những kiến thức và quan điểm mới chưa?
Hào hứng và tò mò chưa đủ, bạn cần đến với sách với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón nhận những kiến thức và quan điểm mới. Đừng để định kiến hay bảo thủ ngăn cản bạn khám phá những điều mới mẻ, thậm chí đối lập với suy nghĩ hiện tại. Có như vậy mỗi trang sách là cánh cửa mở ra những chân trời tri thức mới, thách thức những giới hạn của bạn.
Thay vì cảm giác thờ ơ và nhàm chán, bạn mở cuốn sách với đầy sự hào hứng - cởi mở - tò mò sẽ giúp việc đọc trở thành trải nghiệm tuyệt vời, mỗi trang sách là một sự khám phá, giúp bạn mở mang kiến thức và phát triển bản thân.
Tâm thế đọc sách trọn vẹn
Khi đã có đủ sự hứng khởi, bạn cần bước vào thế giới sách với một tâm thế trọn vẹn. Đọc sách không chỉ đơn thuần là việc tiếp nhận thụ động những con chữ, mà là hành trình "đối thoại" với tác giả, với chính bản thân mình. Vì vậy để tiếp thu trọn vẹn những tinh hoa, biến sách thành chất liệu bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ, ta cần tập trung - suy ngẫm và phản biện trong quá trình đọc.
Tập trung trong thư giãn
Bạn đã bao giờ thử tưởng tượng việc đọc sách như một buổi dạo chơi trong khu vườn yên tĩnh? Bạn thong dong dạo bước, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn những bông hoa khoe sắc. Bạn không gồng mình để ghi nhớ tên từng loài hoa, mà để tâm trí thư giãn, đón nhận vẻ đẹp của chúng một cách tự nhiên.
Tương tự như vậy, khi đọc sách, bạn cũng không cần cố gắng ghi nhớ từng con chữ. Hãy để tâm trí thả lỏng, tập trung vào mạch cảm xúc, để những ý tưởng len lỏi vào tâm trí một cách tự nhiên.
Khi cảm giác mệt mỏi hay mất tập trung thì sao? Đừng ngại ngần dành chút thời gian nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, nhâm nhi một tách trà hay lắng nghe tiếng chim hót. rồi quay lại cuốn sách khi đã sẵn sàng. Nếu gặp đoạn khó hiểu, đừng ngại đọc lại, giống như bạn nán lại quan sát kỹ hơn một bông hoa lạ.
Điềm tĩnh và kiên nhẫn
Giống như mặt hồ tĩnh lặng phản chiếu rõ nét cảnh vật xung quanh, sự điềm tĩnh giúp bạn tập trung vào dòng chảy của câu chuyện, nắm bắt từng chi tiết, ý tứ mà tác giả gửi gắm. Sự tĩnh tại xua tan những suy nghĩ vẩn vơ, lo toan cuộc sống, cho phép bạn hoàn toàn đắm chìm vào thế giới trong sách.
Khi tâm trí yên ả, bạn có đủ "khoảng trống" để suy ngẫm, phân tích, liên kết các thông tin trong sách với kiến thức và trải nghiệm của bản thân. Khi gặp một nội dung khó hiểu thay vì khó chịu, bạn dừng kiên nhẫn lại đọc đi đọc lại. Quá trình này giúp bạn tiếp cận nội dung một cách sâu sắc, thấu hiểu ý nghĩa ẩn chứa bên dưới từng câu chữ.
Đa chiều và phản biện
Việc đọc sách cũng như dạo bước trong một khu vườn ngập tràn hương sắc. Ta có thể không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề ngoài mà hãy chủ động khám phá những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong từng câu chữ.
Sẽ thật thú vị khi thử đặt mình vào vị trí của các nhân vật, cảm nhận suy nghĩ và hành động của họ. Liệu ta có đồng cảm với niềm vui, nỗi buồn, sự giằng xé trong tâm trí họ? Việc so sánh cuốn sách với những tác phẩm cùng thể loại cũng là một cách hay để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt.
Thậm chí, ta có thể tưởng tượng vấn đề được nhìn nhận từ góc độ của bậc minh triết, của chuyên gia, hay phản ứng của xã hội sẽ ra sao. Suy ngẫm đa chiều giúp ta thoát khỏi sự thụ động, trở thành người làm chủ hành trình đọc của chính mình.
Tuy nhiên, cũng như khu vườn ẩn chứa những loài cây độc và côn trùng nguy hiểm, không phải mọi thông tin trong sách đều đúng đắn. Việc tỉnh táo phản biện là cần thiết, ta không nên vội tin tất cả mọi điều.
Thay vào đó, hãy quan sát kỹ càng, đặt câu hỏi cho tác giả, cho chính bản thân mình: Tại sao lại như vậy? Có cách lý giải nào khác không? Liệu thông tin này có thực sự khách quan? So sánh với kiến thức, kinh nghiệm của bản thân, đồng thời tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau sẽ là những cách tiếp cận hiệu quả.
Cuối cùng, ta có thể ghi chú lại những ý tưởng, câu hỏi, cảm xúc của bản thân trong quá trình đọc. Đó như một minh chứng cho thấy ta đã tập trung, suy ngẫm, phản biện một cách chủ động, biến việc đọc thành hành trình kích thích trí tuệ và bồi dưỡng tâm hồn.
Dư âm khi gấp sách lại
Khi gấp sách lại thì điều gì còn ở lại?
Hành trình đọc chưa kết thúc mà còn tiếp nối bởi sự biết ơn, kết nối và lan tỏa.
Biết ơn
Sau khi gấp lại trang sách, hãy để lòng mình tràn đầy sự biết ơn. Bởi để cuốn sách đến được tay bạn là cả một hành trình dài đầy tâm huyết của tác giả, biên tập viên, nhà xuất bản và rất nhiều người khác.
Lòng biết ơn sẽ giúp bạn trân trọng giá trị của những trang sách hơn, vì không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận với nguồn tri thức quý giá này. Người biết ơn cũng sẽ là người sống đủ đầy và trọn vẹn hơn.
Kết nối
Đừng quên dành thời gian để kết nối những gì bạn đọc được với chính bản thân mình. Điều gì trong câu chuyện, trong những kiến thức đó khiến bạn đồng cảm, khiến bạn phải suy ngẫm? Nó tác động thế nào đến suy nghĩ, quan điểm của bạn?
Thử liên hệ nội dung sách với những vấn đề xã hội, những sự kiện đang diễn ra xung quanh bạn. Cuốn sách có giúp bạn hiểu thêm về thế giới, về con người, về những vấn đề bạn đang quan tâm hay không?
Lan tỏa
Cuối cùng, đừng để những kiến thức quý báu chỉ nằm yên trên trang sách. Hãy vận dụng chúng vào thực tế. Áp dụng những kiến thức, kỹ năng, bài học từ sách vào công việc, học tập, và cuộc sống hàng ngày. Luôn ý thức chia sẻ những điều bạn học được với người khác, lan tỏa giá trị của sách cũng là một cách để bạn khắc sâu nội dung hơn.
Lời kết
Tất cả những tâm thái đọc sách mà chúng ta vừa khám phá đều hướng đến một mục tiêu chung: khơi gợi cảm hứng, giúp bạn đọc hiệu quả hơn, thu lượm được nhiều tinh hoa từ sách hơn.
Đọc với tâm thế chủ động, tỉnh táo, không bị lôi kéo bởi cảm xúc, và luôn tìm cách áp dụng những kiến thức vào cuộc sống chính là chìa khóa để biến việc đọc thành công cụ hữu ích cho sự phát triển của bản thân.
Chúc bạn giữ cho mình một tâm thái đúng đắn để đọc ít được nhiều, đọc tới đâu hiểu sâu tới đó.
***
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments