Với hận diệt hận thù
Đời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu
-Trích Kinh Pháp Cú-
Chiến tranh dù diễn ra với bất kỳ hình thức nào, xuất phát từ nguyên nhân nào đều mang lại đau khổ. Mỗi cuộc chiến đã hay đang diễn ra đều để lại hậu quả nghiêm trọng, tước đi quyền được sống của mỗi con người.
Hoà bình, hạnh phúc là có thật từ nỗ lực của mỗi cá nhân. Hãy dừng lại và ngẫm thật kỹ thông điệp này, Blog 3 Gốc mời bạn cùng đọc bài viết dưới đây!
1. Chiến tranh là gì? Tại sao chiến tranh lại nổ ra?
Chiến tranh là mâu thuẫn, là xung đột, là khổ đau… Chiến tranh là hệ quả tất yếu của những mối xung đột không được giải quyết bằng đối thoại của hai hay nhiều quốc gia. Đây là những mối tranh chấp không có hồi kết, sự ganh đua với lòng tham vô độ, những thứ tiêu cực nhất mà con người chúng ta gây ra cho nhau.
Nguyên nhân chiến tranh nổ ra thường xuất phát từ nhiều phía, có thể là mâu thuẫn giai cấp, tôn giáo, tiền tệ, lương thực, tài nguyên…Những mâu thuẫn xuất phát từ tham vọng hay tự vệ của từng thực thể con người. Khi những tham vọng này đối chọi nhau đến mức độ căng thẳng cao độ thì chiến tranh xảy ra.
Chiến tranh cũng biểu hiện khác nhau từ hình thức thô như chiến tranh vũ trang, hay hình thức vi tế hơn là chiến tranh ngầm đánh vào những những nhu cầu cơ bản của con người như: ăn, uống, sức khỏe, giáo dục… để công kích.
Dù chiến tranh đang diễn ra theo hình thức nào thì hậu quả để lại là vô cùng to lớn. Chiến tranh là quyết định của những người đứng đầu, nhưng hứng chịu lại là những người dân vô tội.
2. Các cuộc chiến tranh và hậu quả để lại
Chúng ta cùng đi phân tích cách hình thức chiến tranh đã xảy ra từ quá khứ đến hiện tại, từ thô đến vi tế để có bức tranh tổng quan hơn về chủ đề này.
2.1 Chiến tranh vũ trang
Cuộc chiến gần nhất với dân tộc Việt Nam là chiến tranh Mỹ - Việt Nam (1954 - 1975). Thời điểm ấy mục tiêu của Mỹ là muốn chiếm hết toàn bộ vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam với nền văn minh lúa nước, nắm được Việt Nam tức là nắm trong tay nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ ở phía Bắc và toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phía Nam. Sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long đủ sức nuôi sống 50 triệu người. Nguồn động thực vật của Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng. Trung Quốc từng nhận xét Việt Nam đang nắm trong tay một kho thuốc tự nhiên khổng lồ.
Bên cạnh đó Việt Nam có vị trí "địa lợi" trong Đông Nam Á. Nó nằm ngay dưới Trung quốc là xương sống của 3 nước Đông Dương và biển Đông. Chiếm được Việt Nam sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ thống Xã hội chủ nghĩa, khống chế Trung quốc, làm bàn đạp thôn tính cả Đông Nam Á.
Quân cảng Cam Ranh - một trong những cảng quân sự tốt nhất thế giới, đã từng được Đô Đốc Mỹ Levi nhận xét là "cảng thiên nhiên tốt nhất mà ông từng gặp, ai chiếm được Cam Ranh thì biển Đông và 1/2 khu vực Thái Bình Dương nằm trong tay người đó". Bắt nguồn từ tham vọng của các nhà lãnh đạo cường quốc mà họ bất chấp tất cả, đưa nhiều người vào cuộc chiến tranh đẫm máu, phi nghĩa.
Cuộc chiến giữa Mỹ - Việt Nam đã làm mất đi hơn 2 triệu dân thường; hơn 2 triệu người mang thương tật suốt đời; khoảng 2 triệu người (gồm cả quân nhân) phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại.
Năm 1961 đến năm 1971, vì để rụng lá cây rừng nhằm “vô hiệu hoá nguỵ trang của Việt Cộng”. Quân đội Mỹ đã tiến hành chiến tranh hoá học với quy mô lớn nhất lịch sử thế giới. Đó là thải ra 80 triệu lít chất diệt cỏ và phát quang với nồng độ dioxin cao, từ 3 đến 4 mg/l, rải xuống 24,67% tổng diện tích lãnh thổ Nam Việt Nam, trong đó phần lớn là chất độc màu da cam.
Chiến tranh quả thật là vô nghĩa khi dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ con người, đồng loại với mình chỉ để thoả mãn khao khát sở hữu quyền lực.
Còn chúng ta? Là người Việt Nam, chúng ta có hiểu thấu được nguyên nhân sâu xa của cuộc chiến tranh, những nỗi đau, những mất mát và những vết sẹo chiến tranh còn sót lại ko?
Chiến tranh tại Việt Nam đã chấm dứt, nhưng không có nghĩa trên thế giới thì không. Việt Nam đang hòa bình nhưng trên thế giới mỗi ngày nhiều người vô tội vẫn đang trong trong cảnh bom rơi lửa đạn.
Hiện tại, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang vẫn đang diễn ra, dù nguyên nhân đến từ đâu thì cuộc chiến này vẫn để lại nhiều hậu quả mà con số thống kê ngày càng tăng lên.
Khoảng 6,8 triệu người đã di tản khỏi Ukraine, cùng với ít nhất 7,7 triệu người phải sơ tán đến các nơi khác ở trong nước. Người tị nạn đến định cư ở một quốc gia mới thường phải chịu phụ thuộc vào mạng lưới an sinh xã hội của quốc gia đó, ít nhất là trong một khoảng thời gian đầu. Họ phải rời xa nơi được sinh ra, nơi lưu giữ truyền thống văn hoá của gia đình, tổ tiên để xây dựng một cuộc đời mới ở nước khác.
Chiến tranh còn dẫn đến khủng hoảng lương thực cho các nước đang nhập khẩu chính lương thực từ Ukraine. Theo USDA, Ukraine chiếm 15% lượng ngô và 10% lượng lúa mì toàn cầu, sản xuất khoảng 50% lượng dầu hướng dương trên thế giới. Xung đột đã cắt đứt hoạt động xuất khẩu các mặt nói trên của quốc gia.
Tình trạng chiến tranh xảy ra kéo theo nạn đói diễn ra càng nặng nề hơn ở các nước đang nhập khẩu lúa mì của Ukraine. Hiện Kenya đang có khoảng 4,1 triệu người đối mặt với nạn đói do hạn hán kéo dài, giá lúa mỳ ở quốc gia này đã tăng hơn gấp đôi do bị giảm mạnh lượng nhập khẩu.
Từ những dẫn chứng về các cuộc chiến tranh trong quá khứ cho đến hiện tại, cũng như thông qua nhiều hình thức khác nhau, Những cuộc chiến có thể nhìn từ chiều rộng là một quốc gia, nhưng nếu nhìn sâu hơn chúng ta có thể thấy cá nhân trực tiếp là những nhà lãnh đạo, những người nắm toàn quyền quyết định đứng đầu đất nước đó. Mà đã xuất phát từcá nhân, thì nó đều đi theo tiến trình vận hành tâm giống nhau.
Tham là muốn sở hữu về mình càng nhiều càng tốt. Rốt cuộc, vẫn chỉ bắt nguồn từ tham vọng của một vài nhà lãnh đạo cường quốc! Họ chỉ vì lợi ích quốc gia hoặc tạo nên những dấu ấn trong nhiệm kì lãnh đạo của mình mà có thể bất chấp tất cả, đưa nhiều người vào cuộc chiến tranh đẫm máu, phi nghĩa!
4. Ước mơ về nền hòa bình
Hòa bình thế giới là khái niệm về một trạng thái tự do, hạnh phúc giữa tất cả mọi người và các quốc gia trên Trái Đất. Là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang, là mối quan hệ hiểu biết, tôn trọng, bình đẳng và hợp pháp giữa các quốc gia - dân tộc, giữa người với người, là khát vọng của toàn nhân loại.
Việt nam chúng ta đã mơ về ngày hoà bình, ngày độc lập hoàn toàn. Cách đây 112 năm, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương dân tộc sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Và kết quả hào hùng là ngày 30/4/1975 đã giải phóng miền Nam Việt Nam, thống nhất hai miền Nam Bắc. Đây là cột mốc có ý nghĩa lịch sử đối với người dân Việt Nam.
Do đó, mỗi cá nhân khi hiểu được sâu sắc về hai từ hoà bình, chúng ta mới cảm nhận hết được những gì mình đang được thụ hưởng hiện nay là thành quả của biết bao nhiêu anh hùng liệt sỹ đã hy sinh thân mình để bảo vệ đất nước.
Nhiệm vụ của những người trẻ - đang được sống trong nền hoà bình Việt Nam như hiện nay không chỉ nên dừng lại ở việc thụ hưởng mà cần phải vun bồi cho mình nền tảng cốt lõi của 3 gốc.
Vì sao 3 gốc lại quan trọng?
Vì muốn hạn chế hay loại bỏ chiến tranh từ tận gốc, chúng ta phải hiểu rằng nó xuất phát từ những mâu thuẫn nội tâm của con người, xung đột giữa con người với nhau, rồi sau đó mới tiến dần đến các quốc gia trên thế giới.
Do đó, để chấm dứt chiến tranh mang lại hoà bình hoàn toàn, chúng ta phải chuyển hoá được tâm 3 độc (tham - sân - si) trong mỗi con người. Và để làm điều đó, giáo dục là con đường giúp chuyển hoá mạnh mẽ nhất.
Nhìn thấy bức tranh vĩ mô chúng ta sẽ lo sợ, nghĩ rằng mình quá nhỏ bé để làm được. Nhưng nếu nhìn về bài toán vi mô là “Tu tâm mỗi con người”, chắc hẳn hoà bình thế giới là điều ai cũng có thể làm được.
5. Từ cá nhân đến hoà bình thế giới
Mỗi con người cần vun bồi tâm thức để tránh xung đột về lợi ích giữa người với người; biết nhường nhịn sẻ chia quan tâm đến người khác; khi tất cả mọi người đều mong muốn hòa bình thì tất yếu chiến tranh sẽ rất khó xảy ra!
Hiểu được tâm gì vận hành khi mình tức giận với những điều bất như ý thì mình cũng hiểu được bên trong mình cũng là một cuộc chiến tranh, nếu mình có thể tu tập để giảm thiểu những độc tính trong người, thì mình cũng là một con người mang đến thông điệp hoà bình.
Và đặc biệt, gia đình, nhà trường là một tế bào nhỏ của xã hội. Nếu cha mẹ nào cũng ý thức được điều này, chúng ta sẽ ưu tiên cho việc giáo dục con nhỏ từ trong chính gia đình. Và thầy cô sẽ tạo nên môi trường giáo dục hạnh phúc cho các con từ trong trường học.
Chúng ta không thể thay đổi hoặc rất khó thay đổi người lớn, nhưng ta có thể làm được với những đứa trẻ, mầm non tương lai. Hãy đưa giáo dục nhân cách vào nhà trường, dạy chúng luôn biết yêu thương và chia sẻ với nhau thì 10 đến 20 năm nữa chúng sẽ là thế hệ tiếp nối, tạo nên thế giới tràn ngập hòa bình và yêu thương.
Bạn nhận được gì từ bài viết này, hãy bình luận bên dưới cho chúng tôi biết nhé!
Nội dung: Vũ Trung - Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Thành Trung
Comments