Cuộc sống của mỗi người giống như một bức tranh khiếm khuyết. Khiếm khuyết đó có thể là những đau khổ trong các mối quan hệ; khó khăn trong hoàn cảnh gia đình; tổn thương, mặc cảm về bản thân; hoặc là những biến cố về sức khỏe...
Cuộc đời chị Thu Hường cũng chất chứa không ít những khiếm khuyết nhưng chị đã lựa chọn thành công để trả thù những khiếm khuyết đó, và rồi bất ngờ nhận thêm thật nhiều khiếm khuyết.
Vậy đâu là cách trả thù "tận gốc" mang đến hạnh phúc cho cả hai?
1. Lấp đầy khiếm khuyết cuộc đời bằng thành công để trả thù
Sự khiếm khuyết trong bức tranh cuộc đời tôi bắt đầu từ những khó khăn trong hoàn cảnh gia đình. Tôi sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc. Gia đình ông nội tôi từng bị quy vào giai cấp tư sản nên bố tôi không được làm việc trong bất kỳ một công ty, tổ chức nào vì lý lịch. Bố tôi bất đắc chí, gần như không thể trở thành trụ cột cho gia đình. Mẹ đã phải bươn chải thật nhiều để cáng đáng nuôi 5 người trong gia đình khi 3 đứa con lần lượt ra đời. Suốt quãng thời gian tuổi thơ, tôi luôn chứng kiến cảnh cha mẹ mình cãi vã, đánh mắng nhau. Thậm chí, có những lúc chị em chúng tôi rất nhiều lần lại trở thành nơi trút giận của họ.
Bố tôi kỳ vọng ở tôi vô cùng lớn. Tuy là con gái, nhưng bố tôi luôn rèn tôi như một đứa con trai, đặc biệt là việc học của tôi. Chỉ cần tôi bị điểm bảy các môn tự nhiên là có thể đã bị ăn đòn hoặc bị nhiếc mắng. Điều đó ám ảnh tôi đến mức, tôi chỉ biết học, không chơi với bạn bè xung quanh. Tuy vậy, tôi lại không thật sự nổi bật và xuất sắc như sự kỳ vọng của bố. Liên tục được giáo dục bằng những trận đòn khiến trong tôi hình thành bản tính nhút nhát, tự ti nên lại thường hay bị các bạn cùng trường lớp bắt nạt.
Thế là, cùng lúc chịu hai sự bạo lực từ bố mình và các bạn, tôi lại thêm tính cầu toàn, không bao giờ dám thể hiện mình ở chỗ đông người. Tôi vẫn nhớ, để trốn chạy những cảm xúc tủi thân và tuyệt vọng, tôi luôn tìm đến sách làm bạn, vùi mình vào những cuốn truyện cổ tích và AQ chính truyện để mong chờ một phép màu nào đó sẽ có thật, cứu mình ra cảm giác tuyệt vọng ngay lúc này
Lên cấp ba, những buổi sáng mưa phùn lạnh giá, từ ba bốn giờ sáng tôi đã phải dậy theo mẹ đi chở những xe hàng nặng về chợ để mẹ kịp bán sớm. Những ngày không đi học, tôi bị bủa vây quanh mùi "xú uế" của đám gà vịt mẹ bán, không dám nhận bạn bè nếu tình cờ đụng mặt ở ngoài chợ. Điều đó làm cho tôi càng tự ti hơn bao giờ hết về mọi thứ mình có. Những lúc ấy, đọc sách và viết ra những suy nghĩ bên trong là cách để tôi tạo nên những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống.
Tôi còn nhớ câu danh ngôn của Amiel: “Bạn đừng khinh chê hoàn cảnh của bạn, đó là nơi bạn hành động, đau khổ và chiến thắng”.
Đứng trước ngưỡng cửa chọn hướng đi cho mình bằng việc chọn trường thi vào Đại Học, tôi hoang mang vô cùng khi hiện tại bản thân chỉ đang học tại một trường cấp 3 bình thường. Nhưng cảm xúc đó chợt tan biến ngay khi có 2 cảm xúc mới ồ ập đến.
Một là cảm xúc tham lam khi nghĩ đến sự mong cầu và áp đặt của bố dành cho tôi vì chỉ được lựa chọn thi 2 trường Học viện Quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại thương Hà Nội để có cơ hội được đi du học và thay đổi cuộc đời mình và gia đình.
Hai là cảm xúc nóng giận khi nhớ lại ánh mắt coi thường của người chị họ dành cho tôi khi tôi chia sẻ ý định sẽ thi vào 2 trường ấy.
Dường như 3 trạng thái hoang mang, tham lam và giận dữ ấy đã hợp lực với nhau tạo nên 1 sức mạnh khổng lồ giúp tôi cày ngày cày đêm để ôn thi Đại Học. Cuối cùng, thật may mắn vì số điểm của tôi vừa đủ điểm tiêu chuẩn đậu (vì tôi không có bất kỳ ưu tiên nào cho khu vực thành thị KV3). Thế là, tôi đã nhập học luôn cả hai trường ĐH được coi là danh giá bậc nhất ở nửa cuối thập kỷ chín mươi ấy.
Tuy vậy, vì áp lực tài chính của gia đình, dù mẹ không muốn, tôi đã bắt đầu đi làm thêm. Việc cứ phân thân chạy qua chạy lại học hai nơi, luôn sẵn sàng cúp học để đi dạy thêm trong suốt bốn năm rưỡi đại học của mình, nên tôi chỉ tốt nghiệp với bằng Trung bình khá. Lúc đó, trong đầu tôi chỉ nghĩ duy nhất mỗi một việc: PHẢI THOÁT NGHÈO!
Tôi lao vào đi làm từ năm cuối cùng đại học, phiên dịch cho các ông chủ trong ngành may với hai thứ tiếng Anh và Trung, nên rất nhanh chóng học được nghề từ họ. Chỉ sau nửa năm tốt nghiệp, tôi đã có được vị trí trưởng phòng kế hoạch tại một tập đoàn may mặc Hong Kong lớn nhất châu Á (bây giờ họ vẫn giữ vị trí này).
Tôi cảm thấy rất tự tin và vui vẻ xây dựng cho mình hình ảnh một người trẻ tuổi, sớm thành công, lấp đầy cảm giác tự ti ngày nào bằng cảm giác hưởng thụ những khoản tiền lớn kiếm được từ cả công việc chính và những hợp đồng môi giới đơn hàng béo bở cách đây hơn hai mươi năm. Tôi cảm giác mình đã có thể “ngẩng rất cao đầu” với tất cả những ai từng khinh thường chúng tôi khi xưa. Lúc ấy, tôi còn muốn ném trả cho cuộc đời câu trả lời của tôi: sự kiêu ngạo và hãnh tiến.
Tới khi chấp nhận thử thách mới qua Hong Kong sống và làm việc tại văn phòng đại diện, chỉ với một trăm đô la trong túi, những trải nghiệm trong thời gian ngắn sống ở xứ người đã làm cho tôi nhận ra, mình chẳng là gì trong thế giới phát triển này. Tôi lại tham vọng làm giàu kiến thức bằng việc tiếp tục học lên cao học. Sau khi tốt nghiệp, từ người nhút nhát không dám nói ở đám đông, tôi đã tự đặt mình vào những thử thách buộc phải tiến lên phía trước, khi bước chân vào làm giảng viên thỉnh giảng của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM. Từ đây, tôi dần dần mạnh dạn thể hiện đúng bản chất một đại bàng trong con người mình ở trong các tập thể mình tham gia, dễ kết nối và thu hút sự chú ý của nhiều người khác.
Tôi trở thành chỗ dựa cả vật chất lẫn tinh thần cho mẹ, cho các em ngay sau khi tốt nghiệp. Sau này, bố mẹ không ở cùng nhau nữa. Tôi chỉ lập gia đình riêng khi cảm thấy đã báo hiếu được cho mẹ phần nào. Tuy vậy, tôi vốn dĩ là người ôm đồm, cứ quay cuồng với những áp lực tạo ra tham vọng trong công việc và cuộc sống. Tôi đặt ra cho bản thân mình rất nhiều mục tiêu. Hầu như cứ thực hiện xong mục tiêu này, là ngay lập tức một mục tiêu khác lại được đặt ra, kéo tôi trượt theo như không bao giờ biết ngừng lại. Tôi "say" trong những thứ mình cho đó là thành công: những vị trí quản lý trong các tập đoàn lớn với những thu nhập vô cùng tốt, nhà đẹp, con học trường tốt, có tài chính dự phòng. Tôi không bao giờ cho phép bản thân mình thỏa mãn với những gì đã có, bởi trong đầu tôi luôn ám ảnh về nỗi khổ của thời kỳ nghèo đói.
Mối quan hệ với mẹ, với em và với gia đình nhỏ của tôi, với chồng và con tôi mỗi ngày lại đi xuống dần theo những nấc thang danh vọng mà tôi đạt được. Tôi thường tự cho mình là tài giỏi, là đã cáng đáng hết mọi thứ trong cả gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ, cảm thấy mình đã tiến bộ rất xa so với người thân. Điều này đem cho tôi rất nhiều áp lực, bất an mỗi khi tâm trạng bị ảnh hưởng tiêu cực từ những bất như ý. Tôi áp đặt, tôi đòi hỏi sự đền đáp từ ghi nhận của mọi người cho những gì mình đã làm.
Nếu không thỏa mãn, tôi sẽ nổi tâm sân hận. Những khi như vậy, tôi hành động như một con nhím nạn nhân, điên cuồng chĩa mũi bắn tên vào người khác quanh mình bất kể ai, với suy nghĩ là tự bảo vệ bản thân. Nhưng sau đó, tất cả đều trở nên vô cùng mệt mỏi vì những năng lượng tiêu cực tác động qua lại lẫn nhau. Cuộc sống tâm lý đi vào bế tắc.
2. Lấp đầy khiếm khuyết cuộc đời bằng sự trưởng thành trong tâm hồn
Rất lâu trước đây, khi còn là phụ huynh của trường Tuệ Đức, tôi đã nghe rất nhiều buổi chia sẻ của thày Quân, cô Kim Sơn nhưng hầu như không đọng lại gì vì tâm tham đang chi phối mọi suy nghĩ hành động của tôi, nên dù có duyên, cũng không thể nở trái ngọt.
Khi bế tắc ở các mối quan hệ với người thân, tôi cho phép mình dần chậm lại suy nghĩ tất cả mọi thứ trong giai đoạn đại dịch Covid. Cơ duyên đã tới, đầu 2022, tôi biết tới tổ chức Seroto của thầy Dương Quang Minh và BKE của thầy Trần Việt Quân. Lúc này tôi mới cảm thấy tâm hồn khô hạn của mình được tưới đẫm bằng những cơn mưa rào.
Sau lớp học Sờ cái bụng, lớp làm cha mẹ tỉnh thức, lớp Chánh kiến…. và nhiều các lớp học phát triển bản thân khác của cả hai thầy, dần dần, tôi mới nhận ra những gì mình thể hiện và theo đuổi, đều phản ánh những tổn thương tâm lý từ bé của tôi. Những gì đã trải qua, đều từng chút, từng chút một, khắc vào trái tim tôi những vết khắc hằn sâu đau đớn. Theo tháng năm, tôi cứ nghĩ rằng mình đã vượt qua được nó.
Đối diện với những cảm xúc hả hê vui sướng khi đứng trước những người đã từng coi thường và xúc phạm tôi, tôi mới biết, hóa ra những vết khắc năm xưa luôn cựa mình trỗi dậy, làm trái tim tôi lại thêm rỉ máu đau đớn. Nhiều lần tôi muốn trả lại cho những người ấy, sự tổn thương mà họ gây ra cho tôi, nhưng thật “lỗ vốn” cho tôi, họ đã chẳng còn nhớ gì cả. Vậy mà vài chục năm, tôi vẫn cứ khư khư ôm mãi ở trong lòng. Vết thương xưa cứ nép mình vào một góc và luôn thả từng tí độc tố vào các mối quan hệ của tôi mỗi ngày. Tôi thấy, mình thật là ngốc nghếch, khờ dại hủy hoại năng lượng tích cực của bản thân. Tất cả mọi nỗi khổ tâm đều tại tôi tự mang lại mà thôi.
Nhờ thầy Minh, thầy Quân và nhiều bạn tốt trong các khóa học phát triển bản thân, nhờ đọc các cuốn sách tinh hoa, tôi đã biết tìm về lại với chiều sâu của bản thể. Tôi hiểu những cái mình gặt hái cũng chính là quả của những hành động tôi đã làm trong quá khứ. Tôi cứ ôm mãi sự tổn thương trong lòng, choán hết chỗ không cho sự bình an được gieo hạt, nảy mầm. Trong lòng tôi, chỉ có chỗ của những hạt hận thù, hạt tham lam và đau khổ suốt hơn bốn mươi năm, nên quả tôi nhận về không thể nào ngọt ngào được.
Tôi bình tâm học cách của con hổ, tự lui về ở ẩn để phẫu thuật các vết thương cho mình. Tôi như choàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài u mê. Tôi vô minh mới chỉ hiểu câu danh ngôn của Amiel ở bề nổi. Tôi hay so sánh với những người khác tôi gặp, lấy những thứ họ có làm mục tiêu phấn đấu, bằng mọi giá tạo nên những hình ảnh không thật về mình, uống say sự ca tụng, ngưỡng mộ của người khác. Tôi áp lực cho tôi, dằn vặt tâm hồn để những nỗi đau cứ choán hết tâm trí đi cả vào những giấc mơ, chỉ lối dẫn đường lệch lạc đến những thứ hào nhoáng xa vời. Ngày vết thương khô miệng, cũng là ngày tôi đã tự giải thoát cho mình ra khỏi những vùng đen tối tổn thương tâm lý.
Tôi thấu hiểu câu nói của Amiel ở một góc độ hoàn thiện hơn: “Bạn đừng khinh chê hoàn cảnh của mình, đó là nơi bạn học lòng biết ơn, nơi hoàn thiện bản thân mình với trí tuệ, đạo đức và nghị lực, để đi đến cái đích xứng đáng trong sự bình an.” Trong tâm hồn mình, tôi thanh tẩy những độc tố do vết thương để lại, làm giàu mảnh đất tâm hồn để gieo hạt mầm yêu thương, hạt mầm của tâm cho đi thuần khiết, hạt mầm cho hạnh phúc nở hoa. Tôi thấy lúc này mình mới thật sự có chiều sâu, chiều rộng để là một người trưởng thành đúng nghĩa.
Con người ta có hai ngày sinh ra trên đời, ngày thứ nhất là ngày được cha mẹ sinh ra, ngày thứ hai là ngày hiểu được mình là ai, mình đến với thế giới này với sứ mệnh gì? Những thử thách đã trải qua, đều giống như những bài thi mà mình phải tốt nghiệp ở mỗi một giai đoạn, nếu đón nhận với thế chủ động an nhiên thì mình sẽ luôn bình an. Đừng để mình cứ phải ôm mãi trong lòng những tổn thương, những dính mắc mà lãng phí cơ hội cho phép bản thân được hạnh phúc, trong khi thời gian là hữu hạn!
Với lòng biết ơn những bước ngoặt cuộc đời, tôi nguyện dấn thân trên con đường phụng sự, chia sẻ lại những trải nghiệm của bản thân vượt qua những hố đen của mình, lan tỏa con đường khai sáng đúng đắn.
3. Kết luận
Sở dĩ cuộc đời luôn là một bức tranh không hoàn hảo để giúp mỗi chúng ta tự mình lấp đầy những khiếm khuyết đó
Và cách để trả thù "tận gốc" đó chính là học cách trưởng thành trong tâm hồn và tha thứ cho chính mình và những hành đồng làm tổn thương ta
Tôi mong có nhiều người sẽ sớm nhận ra, dù cho có bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu khiếm khuyết mà cuộc đời trao đi nữa, thì cũng đừng bao giờ dùng tâm tham sân si để san bằng, lấp đầy nó. Hãy lấp đầy nó bằng sự trưởng thành sâu sắc do vun bồi trí tuệ, đạo đức và nghị lực. Có như vậy, bạn mới có thể yêu thương bản thân mình, yêu thương mọi người và yêu thương thế gian này!
Bạn có nhận diện được ĐỘNG LỰC tiềm ẩn bên trong khao khát muốn thành công của mình không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngại ngùng comment bên dưới bài viết nhé!
Tác giả: Thu Hường
Biên tập: Liên Thanh
Commentaires