MỤC LỤC:
***
Bản chất của thế gian là khổ, vô thường và vô ngã. Con người vì vô minh - thiếu hiểu biết nên thường dính mắc vào tham sân si. Họ truy cầu đủ thứ: tiền tài, vật chất, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp…
Và để có được những điều đó thì bản thân phải phát huy hết công suất của trí não, để có sự hiểu biết hơn người, giành giật mọi thứ về mình.
Thông minh và trí tuệ là thuật ngữ thường đc hiểu là giống nhau. Vì nó đều là từ chỉ về sự khôn ngoan, biết thu nạp kiến thức kinh nghiệm, có sự sáng tạo linh hoạt và vận dụng được trí não vào để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Vậy theo bạn thông minh và trí tuệ có phải là một? Đây là một câu hỏi khó. Và tất chúng ta ai cũng muốn đi tìm để hiểu, để vận dụng và có được mọi điều mà mình mong muốn.
Với cá nhân tôi, tôi cũng từng có sự bối rối vì không phân biệt được giữa hai khái niệm THÔNG MINH và TRÍ TUỆ. Vậy nên để hiểu được bản chất vấn đề, tôi đang tìm hiểu và đọc rất nhiều tài liệu liên quan về chủ đề thú vị này.
Ở đây, tôi không dám đưa ra lời khẳng định là tất cả những điều tôi tìm hiểu là đúng hoàn toàn. Nó chỉ dựa trên những kiến thức, tài liệu mà tôi tham khảo, và thông qua những trải nghiệm mà tôi được học, được rèn luyện và chia sẻ ra đây.
Đầu tiên chúng ta cần hiểu 2 khái niệm: Thông minh và Trí Tuệ.
Thông minh là gì?
Khái niệm
Thông minh là từ dùng để chỉ những người có khả năng hiểu nhanh, tiếp thu nhanh hơn người khác. Người có trí thông minh thường khôn khéo, có khả năng nhạy bén, ứng phó nhanh trước các tình huống bất ngờ xảy ra.
Người thông minh biểu hiện ở chỉ số IQ, họ có tính logic, suy luận, cho nên khi có vấn đề thường sẽ tìm ra giải pháp nhanh chóng, họ cũng là người có bộ nhớ rất tốt. Người thông minh có thể là một người trí tuệ hoặc không tuỳ thuộc vào thái độ của họ với cuộc sống.
"Tri bất tri thượng - cái biết không biết mới là cái biết cao nhất” - Lão Tử. Ngụ ý nói rằng nhiều người có tố chất thông minh tưởng mình biết nhiều, nhưng thực ra đó chỉ là tục đế (chân lý tương đối) nhưng không biết gì về chân đế (chân lý tuyệt đối) cả.
Và cái thông minh được người phương Tây chỉ ra rất cụ thể thành 8 loại hình thông minh.
8 loại hình thông minh
Trí thông minh tự nhiên: Những người có trí thông minh tự nhiên thường là những người có sự nhạy cảm với tự nhiên. Họ yêu thích thiên nhiên, tận hưởng cảm giác với cây cỏ, chim chóc…Họ thường làm các công việc như nhà sinh vật học, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp…
Trí thông minh về âm nhạc: Họ là những người có khả năng cảm nhận âm nhạc, dễ dàng ghi nhớ giai điệu bài hát. Họ thường học nhạc cụ rất dễ dàng. Những người này họ có thể làm ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công…
Trí thông minh về toán học: Những người có trí thông minh về toán học là những người có khả năng suy luận và tư duy logic. Họ luôn rất nhạy cảm với các con số. Những người này họ có thiên hướng làm các công việc như nhà toán học, lập trình viên…
Trí thông minh về triết học: Những người có trí thông minh về triết học thường là những người muốn tìm hiểu những vấn đề trong cuộc sống. Họ thường làm các công việc như chuyên gia tâm lý, nhà triết học…
Trí thông minh trong tương tác, giao tiếp: Họ là những người có khả năng hòa nhập nhanh và tương tác tốt trước đám đông, có khả năng phán đoán được suy nghĩ của người khác. Họ thường làm các công việc như nhân viên tư vấn, nhà tâm lý học…
Trí thông minh về thể chất: Họ là những người có sự khéo léo trong những công việc, những hoạt động liên quan đến thể chất. Họ thường là những người làm vận động viên, vũ công…
Trí thông minh về ngôn ngữ: Những người có trí thông minh về ngôn ngữ là những người có khả năng truyền tải mọi thứ thông qua ngôn ngữ một cách dễ dàng. Họ thường làm những công việc như MC, diễn giả, nhà văn…
Trí thông minh về nội tâm: Đây là những người có khả năng nhìn nhận bản thân một cách toàn diện và chính xác. Họ có thể nhìn thấy điểm yếu và điểm mạnh của mình. Họ thường phù hợp với các công việc như diễn giả, nhà văn…
Trí thông minh không gian: Những người có trí thông minh không gian thường là những người có khả năng xem xét các sự vật hiện tượng ở góc nhìn đa chiều. Họ là những người có trí tưởng tượng phong phú. Những người có có trí thông minh không gian thường làm những công việc trong lĩnh vực như hội họa, kiến trúc…
Mỗi loại hình này đều có ưu và nhược điểm riêng. Để phát huy được chúng, mỗi chúng ta phải không ngừng học hỏi, trau dồi để giúp bản thân trở nên minh triết và giúp ích cho xã hội.
Trí tuệ là gì?
Khái niệm
Trí tuệ là khả năng nhận thức về sự vật, sự việc đang diễn ra theo đúng như sự thật - truy tìm về bản chất hơn là bị ảo tưởng bởi sự si mê. Trí tuệ không thể đo lường bởi kiến thức, hay kinh nghiệm mà nó thuộc phạm trụ sâu hơn nhìn thấy được chân lý.
Người có trí tuệ khi nhìn một sự vật/hiện tượng họ không khẳng định mà truy tìm về Nhân - Duyên - Quả, học hiểu rõ để có được những giá trị này thì phải đánh đổi cụ thể những gì, ví dụ như thời gian, vật chất hay tinh thần… Để được như vậy họ phải có sự sáng suốt để quan sát và đánh giá mọi vật, mọi việc một cách khách quan. Mà để sáng suốt trong nội tại người trí tuệ có sự bình an, sự vững chắc của nội tâm.
Những loại hình trí tuệ
Trí tuệ bên ngoài:
Trí Tuệ bên ngoài thoáng qua có vẻ giống với thông minh, nhưng điểm khác biệt là nó có thêm xuất phát từ tâm tham. Họ là người học cao hiểu rộng, nhưng lại luôn thấy mình là trung tâm của vũ trụ. Vì thấy mình như vậy nên thường họ dùng trí tuệ này để thao túng người khác.
Trí tuệ này chỉ giúp con người tăng trưởng thêm lòng tham. Thế cho nên, nếu ai là người tài giỏi thì cần phải học hỏi và trau dồi đạo đức để nâng cao sự hiểu biết, giúp nhân loại bằng tình thương yêu chân thật. Nhờ có tu tập chúng ta mới biết được giá trị thật giả của cuộc đời, do đó dễ cảm thông, chia sẻ, bao dung và tha thứ để không làm tổn hại cho nhau.
Trí tuệ bên trong:
Đây là những hiểu biết đúng đắn có liên quan đến thế gian, như tin hiểu nhân quả, nhân duyên. Chúng ta tin Nhân quả chi phối thế gian này, nắm được nhân nào cho ra quả nào v.v… rồi ứng dụng nó vào đời sống của mình, là mình đang sở hữu phần trí tuệ này.
Trí tuệ của Phật giáo:
Đây là trí tuệ của các bậc thánh, do siêng năng rèn luyện, quán chiếu, tu tập, không phải do học hỏi, hiểu biết mà được nên nói là trí tuệ rộng lớn.
Trí tuệ rộng lớn là trí tuệ thấy biết đúng như thật, tuy sống giữa dòng đời ô nhiễm mà không bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ kỹ chi phối; luôn sống vì mọi người, phục vụ chúng sinh không biết mệt mỏi, không biết nhàm chán; sống vì tha nhân chứ không vì lợi ích riêng tư, lấy niềm vui nhân loại làm niềm vui chính mình.
Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé!
Tư duy người thông minh và trí tuệ
Tư duy của người thông minh
Họ là người tự tin, thích thể hiện ưu điểm của bản thân: Người thông minh tập trung vào học hỏi, tiếp thu kiến thức nhiều nhất có thể và thể hiện ra cho người khác thấy bản thân có thể làm được gì. Họ thường xuyên phóng đại sự hiểu biết của bản thân, chính vì vậy họ thường là người có nhiều phiền não vì tính toán quá nhiều.
Họ nhanh nhạy trong cách nắm bắt vấn đề và chú ý vào chi tiết: Trong một cuộc tranh cãi, họ có xu hướng muốn thay đổi người khác và khiến cho người khác đầu quân về phía mình.
Ví dụ: Khi xảy ra xung đột, họ có xu hướng xuống nước và tỏ ra đáng thương để người khác tưởng là họ đã biết lỗi. Sau đó, họ mới nói lên quan điểm của mình và mong người khác sẽ hiểu cho lý do tại sao họ lại làm vậy.
Họ là người linh hoạt trong xử lý vấn đề: Khi xảy ra tranh chấp với người khác, họ có thể nhanh chóng xuống nước và nhận sai (nhưng chưa chắc là sẽ hiểu ra vấn đề mà chỉ là linh hoạt để lấy lòng người khác).
Họ là người thù lâu, nhớ dai: Khi xảy ra vấn đề với người khác, khi chưa đủ nguồn lực họ thường có xu hướng giả vờ chịu thiệt. Nhưng thường ghi nhớ rất lâu, khi có cơ hội thì tìm cách trả đũa.
Họ là người đầu tư có mục đích: Khi giao dịch với người khác, họ luôn có thể duy trì tỉnh táo để bảo vệ lợi ích của bản thân.
Ví dụ khi làm kinh doanh, họ luôn có thể đảm bảo kiếm ra lợi nhuận.
Tất nhiên, một người thông minh có thể trở thành một người trí tuệ nếu họ sẵn sàng bỏ ra chút nỗ lực thay đổi.
Tư duy của người trí tuệ
Thỏa hiệp để cùng thắng: họ hiểu là một người không thể lúc nào cũng chỉ dựa vào bản thân để làm mọi thứ. Cho nên phương án hiệu quả là thỏa hiệp đi về cùng một mục tiêu cao cả để ai cũng được lợi ích, rộng hơn nữa là lợi ích cho xã hội.
Hợp thời điều chỉnh: trong cuộc sống có rất nhiều kế hoạch là không thể thuận theo ý mình. Kế hoạch ban đầu có thể là tốt nhất nhưng theo sự biến hóa của thời gian, địa điểm, điều kiện sẽ làm phát sinh nhiều tình huống mới, nhiều vấn đề mới. Có thể phát hiện nhanh chóng và kịp thời điều chỉnh đúng lúc mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Tôn trọng đối phương: người tôn trọng đối phương là người hiểu được tầm quan trọng của sự hợp tác, của sự phối hợp trong cuộc sống. Người luôn khăng khăng bảo thủ ý kiến của mình thì đến cuối cùng sẽ trở thành người cô đơn. Người thực sự có trí tuệ từ xưa đến nay đều là người thấu hiểu và tôn trọng người khác như chính mình.
Giữ vững nguyên tắc: nguyên tắc cao nhất chính là giữ vững giá trị sống của mình đã đề ra, người trí tuệ họ ít phô trương điều này ra bên ngoài, nhưng mọi việc làm của họ ẩn ý bên dưới đều hướng đến những giá trị cốt lõi của bản thân.
Kiên trì bền bỉ: trí tuệ phải đi liền với nghị lực, dù tài năng đến mấy mà nửa đường chưa thành đã bỏ cuộc thì cũng không thể đạt được thành tựu. Một khi cứ nỗ lực, kiên trì đi từng bước chậm thì dù đi theo hướng nào cũng sẽ tới đích.
Lấy lễ nghĩa làm trọng, xem trọng chữ tín: họ càng thành công càng coi trọng lễ nghĩa, kính trọng bề trên, không ức hiêp kẻ yếu, không khinh mạn người nghèo hèn. Lời nói ra chắc như đinh đóng cột, không dễ gì lay chuyển, đã hứa với ai thì không thất tín. Do đó, người khác khi nhờ cậy đều tuyệt đối an tâm vì chữ tín này.
Không bị oán thù trói buộc: người thực sự có trí huệ sẽ không để bản thân bị oán thù ràng buộc, không xử trí sự tình theo cảm tính. Họ luôn dùng lý trí khách quan, luân lý đạo đức để suy xét vấn đề, vì vậy họ cũng dễ làm thành được việc lớn.
Cách rèn luyện để đạt được Thông minh và trí tuệ
Đây là 2 cách tu tập để có được Thông minh và Trí tuệ.
Văn, Tư, Tu
Thay vì luôn đặt ra những câu hỏi trí tuệ là gì, bạn nên tìm hiểu cách tu tập để đạt được cảnh giới này. Trong đó, Văn, Tư, Tu là cách mà Phật luôn răn dạy chúng ta để tu tập hàng ngày, nâng cao trí tuệ để sớm đạt cảnh giới giác ngộ.
Văn Tuệ là Tuệ do chúng ta sử dụng đôi tai để nghe âm thanh, mắt thấy âm tự của Đức Phật. Tư Tuệ là Tuệ do bạn dùng ý chí để suy nghĩ, tìm tòi, đọc thêm nhiều tài liệu mà từ đó thông ra nhiều lý lẽ trên cõi đời này. Tu Tuệ là Tuệ do tu hành thể nghiệm và thể nhập chân lý mà đạt đến cảnh giới giác ngộ.
Văn, Tư, Tu có mối liên quan mật thiết đến nhau. Bạn cần tu tập đầy đủ cả 3, không nên coi trọng hay xem nhẹ bất kỳ một yếu tố nào.
Giới, Định, Tuệ
Tương tự như “Văn, Tư, Tu”, “Giới, Định, Tuệ” chính là Bát Chánh Đạo con đường chân lý dẫn đến hạnh phúc.
Bát chánh đạo gồm Giới-Định-Tuệ với 8 chi phần: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, Chánh kiến, Chánh tư duy.
Cả 8 yếu tố này phải đồng thời cùng nhau thì ánh sáng trí tuệ mới sinh khởi. Tuy nhiên khi luyện tập không thể mong cầu có trí tuệ liền được mà phải thực tập theo tuần tự.
Rèn luyện đạo đức làm nền tảng cho định
Định làm nền tảng cho tuệ
Tuệ là phương thức trực tiếp để đưa đến giải thoát
Giới, Định, Tuệ cũng gắn kết với nhau vô cùng mật thiết, không thể tách rời.
Sau khi hiểu rõ về Thông minh và Trí Tuệ như chia sẻ ở trên, mình hy vọng mỗi người sẽ có thông tin để soi chiếu lại bản thân, cũng như cách thức để rèn luyện cho mỗi người.
Bạn nhận được giá trị từ bài viết đừng quên để lại lời nhắn bên dưới nhé!
***
Trang Thư Viện 3 Gốc, nơi bạn có thể tìm được bất cứ thông tin xoay quanh chủ đề 3 Gốc (Đạo Đức - Trí Tuệ - Nghị Lực). Ủng hộ tại đây!
Nội dung: Phương Lê Mạnh Mẽ - Học viên Content 3 Gốc K3
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Comments