MỤC LỤC:
***
"Bố - trong ký ức tuổi thơ của tôi là hình ảnh những lần ít ỏi về thăm nhà rồi lại rời đi. Tuổi thơ của tôi được ở bên mẹ nhiều hơn, mẹ tần tảo nuôi chị em chúng tôi bằng tình yêu thương trong sự vất vả. Mặc dù tuổi thơ vắng bố, nhưng khi trưởng thành tôi được bù đắp bằng sự đồng hành của bố trong những bước đường tương lai.
Tôi chẳng thể nào quên hình ảnh hai bố đèo tôi gần 50km từ quê lên thành phố nhập học, rồi lại một mình từ thành phố về nhà ngay sau đó. Ngày ấy, Hà Nội là một ngày tháng 7 trời nắng nóng, bố gồng mình trên chiếc xe Dream cũ kỹ, vượt dòng xe đông đúc của phố thị để che chở cho tôi. Đến khi viết lại những dòng chia sẻ này, tôi mới hiểu được tình yêu thương của bố không thể hiện bằng lời, mà qua hành động."
3goc.vn mời bạn lắng tâm cùng đọc chia sẻ "Tình yêu thương của bố" của chị Bình Hoàng dưới dây nhé!
Tuổi thơ vắng bố
Tuổi thơ của tôi gắn liền với căn nhà tập thể cũ trong cơ quan của mẹ. Căn phòng nhỏ thật nóng vào mùa hè và cũng không đủ ấm áp cho mùa đông. Từ khi tôi còn nhỏ xíu, bố đã đi làm xa tận thành phố, một năm bố chỉ về nhà một vài lần mang theo chút quà bánh cho chúng tôi, như một vị khách thỉnh thoảng ghé thăm.
Cũng bởi vậy mà hình ảnh trong ký ức tuổi thơ của tôi chỉ có mẹ. Thuở ấy, tôi chỉ biết thương yêu mẹ nhất vì mẹ đã vất vả để nuôi dạy chị em tôi. Còn bố thì dường như tròn trĩnh là con số 0. Bởi bố tôi không phải người giỏi kiếm tiền, cũng chẳng học cao và cũng không phải người tình cảm khi chẳng bao giờ nói lời ngọt ngào hay tặng mẹ hoa quà vào những dịp đặc biệt; cũng chẳng khi nào ôm ấp, thể hiện tình yêu thương với chị em tôi.
Chính vì thế mà trong tôi mờ nhạt tình cảm với bố cũng phải lẽ. Nhìn bố tôi, nhìn bố của những người bạn xung quanh, tôi đã từng mơ ước có một người bố thành đạt, giỏi giang, kiếm được nhiều tiền, biết quan tâm và sống tình cảm hơn.
Tôi tự hỏi bố có thực sự yêu thương gia đình không?
Khi lên cấp 2 bố tôi chuyển công tác về cùng cơ quan với mẹ. Ngôi nhà nhỏ lúc này có nhiều giông bão hơn khi những tranh luận, bất hòa của bố và con gái nảy sinh. Ở cái tuổi dậy thì, đây là lứa tuổi mà bản thân tôi luôn muốn được thể hiện bản thân; chính vì thế mà tôi trở nên hay cáu gắt hơn, hay cãi mẹ và dĩ nhiên là cả bố.
Thậm chí, có nhiều khi tôi còn nặng lời với bố nhất là khi sáng sớm bị bố gọi dậy đi học, hay bị bố la mắng vì làm điều gì sai. Sau những lần ấy, tôi sẽ giận bố rồi im lặng không nói tiếng nào. Cứ như thể giữa tôi mà bố là hai ngọn lửa luôn chực chờ để bùng cháy mỗi khi đưa ra quan điểm. Mẹ bảo, tôi với bố ý như tính nhau nên là chẳng hợp nhau tẹo nào.
Mặc dù vậy, dù tôi có giận, có hờn, có không nói chuyện với bố nhưng ngày nào cũng vậy, bố vẫn dậy thật sớm nấu cho chị em tôi ăn trước khi đi học. Món ăn bố làm nhiều nhất là cơm rang, cơm từ gạo khang dân (loại gạo vừa khô, vừa cứng), đây là cơm nguội của bữa tối hôm trước được bố rang với mỡ lợn và hành khô phi thơm. Cho nên khi ăn phải nhai thật lâu mới nuốt được, nhưng chị em tôi vẫn ăn ngon lành.
Cho đến tận bây giờ đối với tôi đó vẫn là món cơm rang ngon nhất mà tôi được ăn, nó không chỉ là một món ăn sáng đơn thuần, nó chứa cả tình yêu thương thầm lặng của bố dành cho tôi.
Chúng tôi ngày càng lớn, lương của bố mẹ không được tăng như tốc độ lớn của hai chị em tôi. Nên để kiếm thêm thu nhập cho gia đình bố mẹ đã bàn nhau bán thêm mì gói để tăng thu nhập cho gia đình. Và thế là cứ mỗi chiều đi làm cơ quan về bố lại chở những thùng mì lớn (loại 100 gói 1 thùng) đi giao cho người ta. Chiếc xe nhỏ chằng theo 4-5 thùng mì cao ngất nhìn từ phía sau chẳng thấy bố, vẫn đều đặn hàng ngày sau giờ tan ca.
Mùa hè miền bắc dù 5-6h chiều nhưng trời vẫn nắng nóng, oi bức, mặt bố đỏ bừng bừng, áo ướt đẫm mồ hôi. Mỗi khi trở về nhà trông bố thật mệt mỏi nhưng chẳng bao giờ quên mua kem cho chúng tôi mỗi khi được người ta trả tiền hàng.
Dường như ông trời vô tình với sự chịu thương, chịu khó của bố mẹ tôi, khi người ta lấy hàng nhưng nợ tiền, nợ lâu, nợ không đòi được. Kinh tế gia đình trở nên khó khăn khi bố mẹ chẳng đủ vốn xoay vòng. Không lâu sau đó, bố lại làm mất một khoản tiền lớn, bởi thế niềm tin trong lòng mẹ với bố mất đi, mẹ thất vọng về bố bao nhiêu thì không khí gia đình ngột ngạt bấy nhiêu.
Tuy còn nhỏ, nhưng mẹ cũng có chia sẻ với tôi về những sai lầm của bố, với đứa trẻ suy nghĩ chưa sâu sắc tôi cũng cảm thấy thật thất vọng về bố. Có lần tôi đã viết trong cuốn nhật ký: “Tại sao bố lại làm như thế, tôi ghét bố”
Sau này tôi mới biết bố đã đọc được những dòng đó. Chắc hẳn lúc đó bố buồn lắm. Tôi cảm thấy hối hận vô cùng vì đã làm tổn thương bố.
Người chắp cánh ước mơ con bay xa
Lúc tôi học cấp 3 cũng là lúc nhà tôi xảy ra nhiều chuyện buồn khiến mẹ suy sụp đến ốm nặng cả tháng trời. Mọi gánh nặng lúc này dồn lên vai một người đàn ông duy nhất trong gia đình, bố vừa đi làm cơ quan, vừa chăm sóc mẹ, chăm sóc cả chị em tôi.
Một ngày của bố bắt đầu từ sáng sớm dậy nấu đồ ăn sáng cho chị em tôi, cho mẹ tôi và chuẩn bị đi làm. Đến trưa lại tất tả về nấu cơm cho mẹ, cho hai chị em đi học về muộn. Bố thậm chí còn giành cả việc giặt quần áo với tôi vì thương con gái vất vả phải giặt chậu quần áo to giữa trời mùa đông lạnh cóng, bố bảo: “Để bố làm, con tập trung học đi”. Bố giành làm hết mọi việc chỉ để chị em tôi có thời gian học tập, là bố lo cho tương lai của hai chị em tôi.
Ngày tôi đi thi đại học, ngày tôi nhập học lúc nào cũng là hình ảnh của bố bên cạnh, chiếc xe Dream cũ kỹ bố chở tôi vượt quãng đường hơn 50km từ nhà đến thành phố và trở về luôn trong ngày. Trời Hà Nội những ngày nắng tháng 6, tháng 7 trên chiếc xe dream cũ kỹ có hai bố con hòa mình vào dòng người đông đúc của phố thị, vượt nắng, vượt nắng, vượt tắc đường mang theo tình thương yêu vô bờ của bố chở ước mơ và hoài bão của tôi tới giảng đường đại học.
Tôi xa nhà lên Hà Nội học, mang theo ước mơ, kỳ vọng của bố mẹ và cũng mang theo sự lo lắng của bố mẹ khi đứa con gái chưa bao giờ sống xa nhà lần đầu sống một mình giữa thành phố xa lạ. Bố lúc nào cũng lo con gái xa nhà sống khổ, không có tiền tiêu, lần nào trước lúc đi bố cũng hỏi “Có tiền tiêu không con, bố đưa tiền cho”.
Ngay cả khi tôi ra trường, đi làm bố vẫn nói câu ấy. Với bố, lúc nào tôi cũng giống như cô con gái nhỏ ngày nào lúp sau lưng bố, được bố che chở. Mỗi lần nghe được tin tôi ốm nặng hay khi tôi gặp chuyện là bố lại tất tả từ quê xuống thăm tôi, dù là mùa đông lạnh giá hay mùa hè oi ả, bố chẳng ngại xa xôi xuống thăm tôi như muốn an ủi "Có bố đây rồi”.
Chẳng biết tự khi nào, với tôi bố là người đàn ông tuyệt vời nhất, tôi yêu bố chẳng kém tình yêu với mẹ.
Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim.
Bố tôi - đã dùng trái tim, tình yêu thương của người cha để cảm hóa cái sự ương ngạnh, bướng bỉnh, gắt gỏng của một đứa con gái như tôi.
Bố tôi - người chẳng bao giờ nói lời yêu thương, ngọt ngào với mẹ tôi, với chúng tôi nhưng lại có một tình yêu thương vô bờ với gia đình.
Bố tôi - người chẳng giỏi giang, chẳng kiếm được nhiều tiền, chẳng tài cao học rộng nhưng lại có một trái tim thiện lành và chẳng bao giờ ngại ngần khi giúp đỡ mọi người.
Bố tôi - Người luôn đợi tôi ở bến xe mỗi khi tôi trở về và cũng là người luôn tiễn tôi ở bến xe, chờ tôi lên xe mới yên tâm ra về.
Tình yêu thương của bố tôi lạ lắm. Bố chẳng bao giờ nói yêu thương tôi, nhưng luôn âm thầm dõi theo những bước đường tương lai của tôi, luôn là người đàn ông phía sau che chở, động viên và mang tới những điều tốt đẹp nhất cho tôi, để mỗi khi mệt mỏi tôi nghe được câu “Bố đợi con ở bến xe rồi”.
Khi trưởng thành hơn, đủ suy nghĩ hơn tôi mới cảm nhận được điều này. Tình yêu thương của bố dành cho gia đình, cho chúng tôi từ trước đến giờ chưa bao giờ thay đổi. Chỉ là do tôi - một trái tim non nớt chưa đủ để hiểu. Nhưng giờ đây, tôi đã thực sự cảm nhận được tình yêu thương đó, mỗi một năm trôi đi tóc bố thêm bạc, tôi lại càng thêm yêu thương và trân trọng hơn những khoảnh khắc được ở bên ông.
Bố ơi, con thương bố nhiều lắm!
Bạn nghĩ sao về câu chuyện của chị Bình - Học viên Content 3 Gốc K7? Đừng ngần ngại chia sẻ cảm xúc hoặc câu chuyện cá nhân của bạn dưới phần bình luận nhé!
***
Cùng CHUNG TAY đóng góp trí lực và vật lực để giúp 3goc.vn sản xuất thêm nhiều nội dung hay trong thời gian tới, bạn nhé!
Nội dung: Bình Hoàng - Học viên Content 3 Gốc K7
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh:
Commentaires