Giữa dòng đời ngược xuôi, nhiều lần ta tự nhủ sống trung thực để người người tôn trọng - ngày ngày bình an nhưng chợt hoang mang khi đối diện với mình là “Thẳng thắn thật thà thường thua thiệt, lươn lẹo luồn lách lại leo lên”.
Giữa dòng đời hối hả, nhiều lần ta băn khoăn khi những người luôn nhắc ta sống trung thực nhưng chính họ đôi khi lại chưa thành thực.
Ngược xuôi hay hối hả ta cảm thấy thật khó để vượt qua những cám dỗ, sự lôi kéo đầy ma lực, sự dễ dãi của bản thân để đi theo con đường đúng đắn. Ta tự hỏi mình có còn nên trung thực với mọi người và thành thực với chính mình?
Đừng phiền não bởi những trở ngại, ngay bây giờ blog 3 gốc sẽ giúp bạn nhận ra giá trị của sự trung thực và cách để sống TRUNG THỰC ĐẾN TẬN CÙNG, bạn nhé!
MỤC LỤC
—
1. Bạn có đang trung thực với chính mình?
“Ta có thể luôn luôn lừa dối một số người, và thỉnh thoảng lừa dối tất cả mọi người, nhưng ta không thể nào lừa dối mọi người mãi mãi” - đó là câu nói để đời của vị tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln. Một trong những đức tính quý để Lincoln trở thành người lãnh đạo vĩ đại trong lòng mọi người đó là sự trung thực đến tận cùng.
Ngay từ khi còn làm việc trong cửa hàng ở New Salem, cậu bé Lincoln đã luôn có hành động trả lại tiền thừa cho bất kỳ vị khách nào dù họ không phát hiện ra. Điều khiến người ta kinh ngạc là cậu sẵn sàng đóng cửa hàng, thậm chí phải đi bộ rất xa trong đêm lạnh giá chỉ để trả lại mấy đồng xu rất nhỏ.
Vượt qua sự cám dỗ của vật chất đã khó, thành thực ngay cả khi không có ai nhìn, liệu chúng ta có thể làm được như tổng thống Lincoln ?
Để trả lời câu hỏi này, trước tiên ta cần hiểu “trung thực là gì?” và nhận diện xem mình có đang trung thực với chính mình không, bạn nhé!
1.1 Trung thực là gì?
Hiểu một cách đơn giản: Trung thực là không nói dối, nói đúng sự thật, luôn ngay thẳng, thật thà trong mọi hoàn cảnh. Điều này sẽ khiến mọi người tin yêu và tôn trọng ta.
Nhưng hiểu như vậy mới chỉ thấy từ “thực”, chưa thể hiện trọn vẹn từ “trung”. Trung có nghĩa là ở giữa, ở bên trong. Vì vậy trung thực hiểu đầy đủ là sự thành thực xuất phát từ bên trong ta (không hẳn chỉ là những biểu hiện bên ngoài). Để đạt được trạng thái “trung thực từ bên trong” thì ta phải trung thực với chính mình. Điều này rất khó để “đo lường” bởi ta có thành thực hay không chỉ có chính ta mới biết.
1.2 Trung thực với chính mình - ta đang ở cấp độ nào?
Blog 3 gốc tạm chia sự trung thực thành 2 cấp độ, để bạn soi xem mình đang ở đâu nhé!
Trung thực kỹ năng
Nghĩa là khi ta hành động theo lẽ phải là do có người “giám sát”, do sợ bị phán xét, chê bai nên ta hành động mà chưa có sự trọn vẹn với tâm ý bên trong. Ở hoàn cảnh này ta đang trung thực trong một tình thế khá là ép buộc hoặc chỉ là một thói quen (dựa theo đám đông, vì mọi người làm vậy nên mình cũng phải làm vậy).
Giả dụ ta làm một chuyện tổn thương ai đó, ta được người khác khuyên rằng mình cần phải xin lỗi người kia. Ta xin lỗi để cho xong chuyện chứ thực tâm mình chưa sám hối. Hay ngược lại, ai đó mang đến lỗi lầm cho ta, họ xin ta tha thứ, miệng ta nói bỏ qua nhưng lòng vẫn đầy sân giận. Nói bỏ qua vì sợ rằng người khác nghĩ mình nhỏ nhen, ích kỷ. Vậy là ta đang không thành thực với chính mình.
Hay cụ thể hơn là khi ta làm vỡ 1 chiếc ly. Ta định bụng giấu nhẹm đi nhưng vì lỡ có người khác nhìn thấy nên ta đành đứng ra nhận lỗi. Sự thành thật ở đây chỉ có được khi ta biết có người “giám sát” mình, còn khi không thì ta “sống để dạ, chết mang theo”. Hoặc nếu có nói chỉ dám nói một nửa sự thật nhưng “một nửa sự thật thì không phải là sự thật”.
So với sự dối trá thì sự trung thực kỹ năng cũng mang lại nhiều lợi lạc. Ít nhất khiến bản thân không rơi vào tình thế khó xử, trước mắt những người xung quanh luôn tôn trọng mình nhưng về lâu dài thì cần phải suy ngẫm thêm.
Tại sao cần phải suy ngẫm thêm?
Trung thực kỹ năng giống như việc ta đang phải mang lên mình những chiếc mặt nạ cuộc đời. Những chiếc mặt nạ này khiến cho người giàu cũng khóc - người nghèo đầy mệt mỏi. Ban ngày ta thể hiện mình như thế này thế kia, tròn vai diễn này vị thế nọ, nhưng khi chỉ còn một mình thì tất cả “hào quang rực rỡ” chẳng còn ý nghĩa gì. Bởi tâm ta không an.
Giống như một người đàn ông ngoại tình, luôn phải gồng mình để thể hiện rằng mình mẫu mực với mọi người, có thể có những khoảnh khắc hạnh phúc bên người tình nhưng sẽ luôn sống trong trạng thái bất an, sợ người khác phát hiện. Đó là cảm giác của 1 người sale, ngày đi làm đầy nhiệt huyết nhưng có những đêm trằn trọc bởi mình chỉ tư vấn cho khách điểm tốt của sản phẩm mà giấu nhẹm đi những hạn chế hay tác dụng phụ. Lợi trước mắt rõ ràng hiển hiện nhưng sâu thẳm bên trong là những chuỗi ngày không bình yên.
Trung thực từ tâm
Khác với trung thực kỹ năng, trung thực tận cùng là khi ta không còn quá chú trọng vào ngoại cảnh, sự phán xét của ai đó mà ta thành thực vì tâm ý ta nhận thấy đó là điều mình cần thực hiện. Đây là sự trung thực trọn vẹn đến từ bên trong - sự trung thực đến tận cùng. Không sợ ai phán xét, cũng chẳng vì ai “giám sát” mà ta thực thi.
Cũng là câu chuyện làm bể ly nhưng ta thành thực thú nhận dù không ai nhìn thấy. Cũng vẫn là nhận lỗi nhưng ta thành tâm sám hối chứ không phải vì nếu không xin lỗi thì người khác bàn tán không hay về mình. Dù không có ai biết nhưng ta vẫn hành động đúng như lời hứa từ tâm. Trung thực như Dương Chấn (người Đông Hán) năm ấy, khi được Vương Mật tặng vàng kèm câu nói “đêm khuya không ai biết” đã khẳng khái đáp lại “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao nói rằng không ai biết?” khiến cho người học giả dâng vàng hổ thẹn mà dừng lại.
Trung thực đến tận cùng đáng trân quý nhưng để làm được điều đó cần bản lĩnh và sự can đảm. Bởi người đời vẫn nói “thẳng thắn thật thà thường thua thiệt”. Đôi khi vì lợi ích trước mắt mà ta đánh mất chính mình; cũng đôi khi vì cảm thấy “sự thật mất lòng” mà ta tặc lưỡi “thôi kệ”. Nhưng nếu vượt qua chướng ngại đó ta sẽ cực kì uy tín và luôn sống trong bình an. Bởi trung thực ngay cả khi không có ai nhìn thấy - đó là nền tảng đầu tiên của ngôi nhà đạo đức.
2. 3 phần thưởng khi ta sống trung thực
“Hãy luôn trung thực với chính mình, nói và làm những việc đúng với lòng mình nghĩ. Điều này làm cho một số người không hài lòng, nhưng phần đông những người còn lại sẽ thán phục và quý trọng bạn”. Câu nói của nhà văn Mark Twain cho ta thấy: có thể ta sẽ có những mất mát khi sống trung thực nhưng điều đó chẳng là gì so với những điều ta được ban tặng. Đó chính là ba phần thưởng ta nhận được dưới đây.
2.1 Bền vững trong mọi mối quan hệ
Dương Chấn đã không có được số vàng của Vương Mật. Cậu bé 9 tuổi Lincoln cũng không sở hữu 12 xu của người phụ nữ mua găng tay đen dù lúc đó gia đình cậu rất nghèo. Nhưng thứ họ nhận được đó là sự tôn trọng, trân quý vô hạn không chỉ những người cùng thời mà mãi tận sau này - khi chúng ta đọc lại câu chuyện đó vẫn cảm phục và tin yêu.
Khi trở thành một người trung thực, ta sẽ có nhiều mối quan hệ chất lượng. Ta dễ dàng nhận được giúp đỡ của người khác khi cần. Ta mở rộng các mối quan hệ, dễ dàng có được sự thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Bởi mấy ai không yêu quý, tin tưởng một người sống “khiêm tốn - thật thà - dũng cảm”.
Khi trở thành người trung thực, ta không chỉ dễ dàng có được tình cảm đặc biệt của người khác mà sẽ vô tình lan tỏa đức tính tử tế này đến với mọi người. Cậu bé Rahula thủa nhỏ tưởng lời dối của mình là vô hại nên đã làm điều đó mà không hổ thẹn, nhưng vì thân cận và được Đức Phật chỉ dạy mà cậu thay đổi, về sau này chứng Thánh quả Alahán.
Sự thật thà của ta trong từng việc nhỏ, có thể chỉ giống như một cánh én nhỏ. Một cánh én nhỏ chưa thể làm nên mùa xuân nhưng báo hiệu mùa xuân về. Từ những điều nhỏ bé sẽ góp phần tạo nên lớn lớn hơn, rồi trở nên vĩ đại từ khi nào không biết.
Trung thực là nền tảng tạo dựng mọi mối quan hệ. Khi là một người trung thực giữa thế giới thật giả lẫn lộn này, ta đã mang thêm cho mọi người niềm tin tích cực về cuộc sống. Vậy thì tại sao ta không chọn sống trung thực?
2.2 Thành công dễ dàng - thành tựu đủ đầy
Khi trở thành một người trung thực, ta hoàn toàn xóa bỏ đi chướng ngại của sự nghi ngờ. Ta đường đường chính chính được mọi người gửi trọn niềm tin. Trong khi người khác loay hoay thuyết phục, giải thích, chứng minh sự minh bạch hay đúng đắn của vấn đề thì nhờ phẩm chất đáng quý này ta đã rút gọn thời gian để có được sự tín nhiệm của mọi người.
Nhờ có tín nhiệm của mọi người xung quanh, nhờ sức nặng lời nói của một người uy tín, ta làm gì cũng thuận buồm xuôi gió, ta xin việc hay hợp tác ở đâu cũng dễ dàng. Thậm chí nhiều nơi còn tuyển chọn nhân sự hay ưu tiên hợp tác với những người sẵn có đức tính trung thực. Vì họ hiểu rằng chuyên môn có thể đào tạo nhưng đạo đức thì phải tự thân.
Thành thực sẽ mang đến thành tựu, rất nhiều thành tựu góp nhặt lại thành công trọn vẹn và đủ đầy.
2.3 Sống một đời bình an
Ta không phải hối tiếc về những điều mình đã làm, dù cho đôi khi sự thật đó khiến một vài người bất như ý. Như một người nào đó từng chia sẻ trên mạng rằng “Vì trung thực, vì người khác mà trong sự nghiệp mình đã gặp bao nhiêu kẻ chèn ép, ganh ghét vì ko nhắm mắt làm ngơ trước cái ác. Nhưng mình chưa bao giờ hối tiếc dù đã nhận nhiều thiệt thòi về cho bản thân mình. Mình tin nhân quả rồi sẽ có kết cục tốt đẹp cho người hướng Thiện”.
Khi ta trốn tránh sự thật hoặc không nhận ra sự thật ta sẽ luôn phải sống trong đau khổ. Ta có thể lừa người khác nhưng không thể lừa bản thân mình. Ta có thể che đậy sự thật khéo léo nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Ta có thể không để ai phát hiện nhưng tâm ta sẽ đầy sợ hãi, bất an và âu lo. Chưa kể một lần nói dối thì sẽ mãi mãi cứ phải tìm cách lấp liếm. Ta sẽ chìm trong nghi ngờ, đố kị, mệt mỏi, stress. Ta sẽ vô cùng khổ đau khi mang trên mình mặt nạ giả dối quá dày.
Có thể lời nói thật sẽ mất lòng. Có thể sự thẳng thắn đôi khi mang lại đổ vỡ nhưng giống như một người trước khi từ giã cõi đời đã thổ lộ hết tâm can, kể cả điều bí mật, thì ta sẽ cảm thấy thanh thản, trút đi mọi gánh nặng. Bởi vì “người nào nếu có được cả thiên hạ mà mất đi linh hồn mình, thì có ích gì?” (Chúa Giesu)
Tâm niệm sống trung thực sẽ giúp ta sống mà không oán trách hay đổ lỗi. Luôn chịu trách nhiệm hoàn toàn và coi tất cả chỉ là chướng ngại đến để trao cho ta bài học sẽ khiến hành trình của ta luôn ngay thẳng, vững chãi. Hoặc dẫu có đoạn cong vẹo thì ta cũng không bao giờ phải hổ thẹn với lương tâm vì mình đã trung thực đến tận cùng.
Ta có thể được - có thể mất khi sống trung thực với chính mình. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ta tạo được niềm tin sống tử tế cho con người và sự bình an của bản thân trước mọi biến động, nghịch cảnh.
3. 4 cách rèn luyện sự trung thực đến tận cùng
Để xây dựng được đức tính trung thực - nền tảng đạo đức đầu tiên của con người - đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc. Dẫu mất mát, dẫu thất bại, dẫu thua thiệt cũng không khiến ta đánh mất đi lời hứa từ tâm. Bởi chỉ khi trung thực với chính mình ta mới có thể trung thực với mọi người. Đó là điều vô cùng khó nhưng ta hoàn toàn có thể thực hiện được bằng những cách dưới đây.
3.1 Viết nhật ký tâm
Cách dễ dàng nhất để thực hiện quan sát tâm đó là viết nhật ký tâm hàng ngày hoặc thời điểm ta cảm thấy cần thổ lộ. Khi viết nhật ký ta có thể thoải mái chia sẻ những điều riêng tư thầm kín mà không cần khoác lên mình những chiếc mặt nạ muôn màu, muôn hình, muôn vẻ. Ta sẽ được sống thật với chính mình bằng những cảm xúc buồn vui mà không cần gồng mình một cách mỏi mệt. Ta dám đối diện với con người thật trong sự trần trụi nhất.
Đây là cách mà bất kì ai cũng đều dễ dàng làm được. Nhưng đôi khi ta vẫn tồn tại một nỗi sợ vô hình: sợ ai đó đọc được những dòng tâm tư của mình rồi phán xét; sợ những chia sẻ rất thật của mình vô tình tạo nên những muộn phiền. Chính vì vậy có những khoảnh khắc ta vẫn dè chừng việc chia sẻ hết những nỗi lòng từ tâm can.
3.2 Mọi việc đều có “trời biết, đất biết”
Bởi vì ta dễ dàng sống thật, gạt bỏ mọi điều dối trá nếu biết có ai đó đang “giám sát” mình. Vì vậy cách dễ dàng nhất đó là hãy luôn tâm niệm “chỉ cần mình sống tốt - trời xanh sẽ an bài”. Quy luật nhân quả sẽ giúp ta có thước đo để điều chỉnh hành vi trong lúc ta còn bị xáo trộn bởi những câu hỏi “Tại sao thật thà thường bị kẻ xấu lợi dụng và ganh tỵ?”, “Tại sao sự thật lại dễ mất lòng?”. Hiểu nhân quả rồi ta sẽ chẳng băn khoăn hay cảm thấy bất công khi “thật thà thường thua thiệt”.
Tin vào sự “giám sát” của nhân quả sẽ giúp ta ý thức sống ngay thẳng trong từng suy nghĩ. Bởi ta hiểu rằng khi tâm ý mình bất thiện - hành vi mình bất thiện ta sẽ luôn sống trong bất an vì sợ có ngày người khác biết. Ta sẽ luôn đau khổ trong “nghi ngờ”, trong đề phòng vì nghĩ rằng người khác có thể đối xử với mình như vậy. Quả bất thiện trổ ngay trong tâm ta chưa cần người khác phán xét. Ngược lại khi tâm ý ta thiện - hành vi thiện, tâm ta sẽ đi qua mọi ngày tháng rất trong lành.
Tin vào nhân quả để điều chỉnh hành vi là cách dựa vào yếu tố bên ngoài để kỷ luật chính mình một cách có trí tuệ. Samuel Johnson từng nói rằng “Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật nguy hiểm và đáng sợ. Những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình”. Trước một hành động phải lựa chọn giữa nói thật - nói dối, nếu ta luôn giữ vững niềm tin thì ta sẽ luôn hướng được hành vi của mình về lẽ phải.
3.3 Thiền Vipassana
Đây là cách để ta nhìn sâu vào bên trong, lắng nghe trọn vẹn những xúc cảm từ thô đến vi tế mà chỉ có mình ta cảm nhận được. Bởi hành động bên ngoài có thể không thể hiện hết tất cả những suy nghĩ - nhận thức bên trong nhưng bằng cách quan sát tâm này chính ta sẽ được “du ngoạn” để gọi đúng tên và nhận thức rõ mọi thứ như nó đang là một cách khách quan mà không tồn tại nỗi sợ bị đánh giá.
Không ai biết ta đang dối trá hay thành thật, cũng không ai có thể biết ta đang che đậy hay thẳng thừng, chỉ có ta - người giám sát là tâm mình biết được điều đó. Chỉ có ta biết ta đang hổ thẹn hay đang hoan hỉ, chỉ có ta biết ta đang dằn vặt hay an yên, cũng chỉ có ta biết ta thực sự khổ đau hay hạnh phúc.
Quan sát tâm để hướng đến lối sống trung thực không có nghĩa là ta luôn “thẳng như ruột ngựa” trong mọi vấn đề, dù cho việc nói thật mang lại nhiều tổn hại cho người khác. Quan sát tâm để biết rằng mình cần sống trung thực, nhưng đôi khi vì hoàn cảnh không thể nói thật thì ta cũng nhận biết được điều đó.
Khi ta có năng lực sống tỉnh thức, ta sẽ biết cách sống trung thực với chính mình. Ta biết cách gọt rũa sự thô nhám trong tâm ý để sống thật một cách lợi mình - hài hòa với tất cả mọi người.
3.4 Tác ý “trung thực đến tận cùng”
Đây là 1 trong những lời hứa từ tâm trong các lớp học của thầy Trần Việt Quân. Bởi vì để dám nói thật - sống thật ta sẽ phải cực kỳ can đảm và dũng cảm, vượt qua mọi sự phán xét và đánh giá. Có rất nhiều người thiện lương vì không đủ dũng - nhẫn - tĩnh mà bị vùi lấp trong thế giới bất chấp giả dối để tư lợi về mình. Có rất nhiều người vì không thể chờ đến ngày sự thật được phơi bày mà chấp nhận thành người bình thường giữa muôn người tầm thường. Chấp nhận thỏa hiệp với dối trá để THÂN lành lặn, nguyên vẹn nhưng trong TÂM đầy tội lỗi và day dứt.
Vì vậy, trước mọi hoàn cảnh, dù có “hiểm nghèo” thế nào đi nữa, cũng hãy luôn nhắc tâm “trung thực đến tận cùng”.
Nếu bắt buộc phải lựa chọn nói lời không đúng nhưng là để cứu người, làm điều tốt cho muôn loài thì tâm cũng hãy nhận biết điều đó. Khi có lỗi hãy thành tâm tâm sám hối; hứa với lòng mình thì cũng hãy giữ trọn lời thề dù cho điều đó chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”.
“Con xin nguyện luôn sống ngay thẳng và làm việc chăm chỉ”
“Cho dù người khác có phỉ báng hay chỉ trích, con vẫn luôn đường hoàng chọn con đường chân thật”
108 lạy và lời khấn nguyện
Ngôi nhà đạo đức vững chãi có tên là trung thực với chính mình cần rất nhiều nguyên liệu là trí tuệ và nghị lực. Nhưng khi thành tâm xây được rồi ta sẽ sở hữu một di sản vô cùng quý giá mà không vật chất - địa vị nào đánh đổi được.
4. Lời nhắn nhủ
“Hãy trung thực với chính bản thân mình, ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, mọi điều tốt đẹp rồi sẽ đến!”
Trung thực với chính mình là nền tảng để ta trung thực với mọi người. Đây cũng là cách để mỗi ngày trôi qua ta sống trọn vẹn bình an, gạt đi những muộn phiền bởi ta chẳng có điều gì cần che giấu. Vì vậy đừng ngần ngại thực hành sống trung thực với chính mình từ những điều nhỏ nhất, không phải vì ai đó đang “giám sát” mình mà vì chính bản thân mình thôi.
Bạn sẽ thực hành sống trung thực với chính mình như thế nào? Hãy chia sẻ cùng blog 3 gốc và mong bạn sẽ trung thực đến tận cùng góp ý cho bài viết của tụi mình, bạn nhé!
Nội dung: Nhàn Lý
Biên tập: Liên Thanh
Hình ảnh: Trúc Phương
Comments