MỤC LỤC:
***
Thế giới ngày càng hiện đại.
Dưới ánh đèn sáng lấp lánh của tiến bộ công nghệ và sự phát triển kinh tế. Ta không thể không nhận ra có một thế giới khác chập chùng đang tồn tại ở đâu đó. Nơi mà mặt trái của sự tiến bộ đang nổi lên như những bóng tối không thể phủ nhận.
Mặc dù công nghệ đưa ta đến gần nhau hơn nhưng cũng tạo ra khoảng cách giữa người với người trong xã hội 4.0. Sự quá tải thông tin và áp lực công việc có thể dẫn đến căng thẳng và cảm giác cô đơn, mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới liên kết.
Một khoảng cách lớn đang diễn ra…
Khoảng cách lớn giữa giàu và nghèo, giữa những người có quyền lực và những người thấp cổ bé họng.
Trong khi một số người đang tận hưởng cuộc sống với mọi tiện nghi và thoải mái, có những người khác phải đối mặt với nghèo đói, bất công xã hội, và thiếu hụt những cơ hội. Nhưng rồi, bạn có tin. Dù là người giàu kẻ nghèo, người thành đạt kẻ thất nghiệp, người sang kẻ thấp hèn,… vẫn có những bất an và không tìm thấy hạnh phúc thực sự.
Dường như trong thế giới đầy đủ về vật chất này chúng ta lại đang thiếu thứ gì đó, thứ làm cho chúng ta không niềm thấy niềm an vui, hạnh phúc.
Do mải mê đuổi theo vật chất, nên ta cứ mãi chìm đắm trong biển lửa của sân giận, độc ác, bạo tàn, ganh ghét và dính mắc; mà không nhận ra kho báu của bình an và hạnh phúc nằm ngay trong chính mỗi chúng ta, đó là TỨ VÔ LƯỢNG TÂM: Từ, bi, hỷ, xả.
Tứ vô lượng tâm là gì?
Vô lượng tâm còn gọi là đẳng tâm: là tâm bình đẳng, tự nhiên, không so đo cao thấp, hơn kém, phổ biến mọi lúc mọi nơi không giới hạn. Con người bình đẳng như nhau, đối xử như nhau từ vật đến người, vượt thoát mọi tà kiến chứ không phải hẹp hòi, yêu thương cạn cợt.
Vô lượng bao hàm nhiều nghĩa.
- Vô lượng nhân lành: đem lại nhân lành cho mọi người, không mang lại nhân ác. Ví dụ khi người ta chửi rủa mình, thì mình không chửi lại họ mà trái lại còn giúp họ hết giận.
- Vô lượng quả đẹp: luôn luôn mang đến cuộc sống tốt đẹp, không bao giờ có phiền toái, đến đâu mang lại an vui đến đó.
- Vô lượng chúng sanh: chúng sanh nào cũng được an lành, cũng tốt đẹp chứ không phải chỉ con người.
- Vô lượng thế giới: cả thế giới trùng trùng điệp.
- Vô lượng đời kiếp: kiếp nào đời nào cũng tốt đẹp, đem đến mọi người, mọi sinh vật đều được an lành, tốt đẹp.
Tứ vô lượng tâm là bốn tâm rộng lớn bao trùm tất cả, không thể lường tính được, đó chính là Từ, bi, hỷ, xả. Nó thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của mọi tâm lý tình cảm thương ghét, giận hờn, tị hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn,... của phàm phu, phá vỡ tà kiến, thân kiến, chấp kiến trước mọi mê mờ, lầm lạc.
Tứ tâm vô lượng một khi đã được trau dồi, thì không những mang lại cho cuộc sống con người an lành hạnh phúc; mà còn mang lại cho mọi nhà, mọi đất nước, mọi loài bình an, không chiến tranh.
Tứ vô lượng tâm: Tâm TỪ vô lượng
Từ tâm suối ngọt trong lành
Từ Tâm gió mát trăng thanh đầy lòng
Từ tâm rưới khắp cõi hồng
Trời người an lạc mênh mông thái hòa
TỪ là lòng lành giúp ích cho người, là lòng thương yêu, đem vui cho tất cả chúng sinh.
Tâm Từ là cái gì làm cho lòng êm dịu, là lòng mong ước cho tất cả chúng sinh đều được an lành vui vẻ, là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.
Tâm Từ không phải là sự yêu thương thiên về thể xác, cũng không phải là lòng trìu mến vị kỷ, luyến ái.
Tâm Từ không phân biệt kẻ thân người sơ, không dành riêng cho tình đồng chí, đồng hương hay đồng đạo.
Hơn nữa, tâm Từ cũng không chỉ có giữa người và người mà bao trùm tất cả chúng sinh, bởi vì loài cầm thú cũng cần đến sự giúp đỡ và tình thương.
Như vậy, tâm Từ là tình thương quảng đại, bao la rộng lớn, bao trùm lên tất cả thiên nhiên, con người và vạn vật. Tâm từ làm cho ta và chúng sanh cùng êm dịu mát mẻ, là năng lượng từ hòa thấm nhuần cả không gian, vạn vật, cỏ cây…
Nó bao trùm đồng đẳng chứ không riêng biệt cho một ai, nó bao la mênh mông với chân thành ước mong cho tất cả chúng sanh đều được yên vui, mạnh khỏe, trường thọ và hạnh phúc.
Khi tâm Từ xuất hiện thì lòng sân hận, ác ý, thù oán,... không thể phát sinh. Đức Phật dạy chỉ có tâm Từ mới dập tắt được lòng sân. Không những dập tắt được lòng sân, tâm Từ còn diệt được các mầm tư tưởng bất thiện.
Người thực hiện từ tâm đến tiệm cận tuyệt đối sẽ thấy mình đồng hóa với tất cả chúng sinh, không còn sự khác biệt giữa mình và người. Cái gọi là "ta" không còn nữa, mọi sự chia rẽ đều biến mất như đám sương mù tan trong nắng sáng. Vạn vật trở thành một, đồng thể, đồng nhất.
Tứ vô lượng tâm: Tâm BI vô lượng
BI là lòng thương xót cứu khổ, dứt trừ đau khổ cho hết thảy chúng sinh; là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác. Đặc tính của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi cảnh khổ.
Tâm bi là vị thuốc có thể tiêu trừ bệnh hung bạo. Lòng của người có tâm Bi thật là mềm dịu. Lắm khi người có tâm Bi không ngần ngại hy sinh đến cả tính mạng. Nhờ tâm Bi mà con người có thể hoàn toàn vị tha trong khi phục vụ kẻ khác, giúp mà không bao giờ mong đền ơn, đáp nghĩa.
Tâm Bi phải bao trùm tất cả chúng sinh đau khổ, rất bao la và bình đẳng.
Tâm Bi thương xót những kẻ nghèo đói, túng thiếu, đau ốm, cô đơn, dốt nát, hư hèn.
Tâm Bi thương xót những kẻ đắm say bã vinh hoa, quyền thế, danh vọng, địa vị - sớm còn tối mất trên trần thế, rồi một mai kia khi phủi tay hết cuộc đời sẽ gánh chịu hết hậu quả đắng cay.
Tâm Bi thương xót những kẻ lắm bạc nhiều tiền, vẫn còn mãi mê trăm phương nghìn cách thâu góp của cải tài sản, mà đâu biết rằng tội báo ác nghiệp và tử thần với lưỡi hái lạnh lùng sẽ không tha thứ cho một ai.
Tâm Bi rung động xót thương cả những người không biết gì về thiện ác, nhân quả nghiệp báo, mãi sống trong bóng tối của hư vô và tà kiến, biết bao giờ ánh sáng sự thật mới soi chiếu đến họ.
Quả thật, nếu Từ tâm có năng lượng mát mẻ, từ hòa, là dòng suối ngọt cho nhân sinh thì Tâm Bi chính là trái tim dễ cảm ứng, không những với sự đau khổ của người khác trong hiện tại mà cả hậu quả họ sẽ gánh chịu trong tương lai mà hiện tại họ nghĩ là họ đang sung sướng hạnh phúc.
Tâm Từ với năng lực quảng đại bao trùm đồng đẳng thì Tâm Bi không phân biệt giai cấp tôn giáo, chủng tộc, nam nữ, trẻ già, huyết thống. Người quần rách áo ôm hay bậc vương giả vinh hoa xa xỉ; hễ đâu có đau khổ, ở đó Tâm Bi có mặt và sẵn sàng cứu giúp, chia sẻ với tâm rộng lớn.
Có thể nói, trái tim và đôi mắt xanh của Tâm Bi thường rung động và nhìn thấu suốt miền khổ đế của trần gian.
Tứ vô lượng tâm: Tâm HỶ vô lượng
Hỷ hoan khóm trúc reo ngàn gió
Hoan hỷ hoa cười nụ tiếu tâm
Vô lượng hỷ tâm tâm đại lượng
Tình này cao cả nhất thiên nhân
HỶ là lòng vui, tự mình vui và mừng giùm cho người được điều thiện.
Hay muốn nói cho đủ là tùy hỷ: vui theo, cùng vui với người khác. Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải là cảm tình riêng đối với một người nào.
Hỷ là lòng cùng vui thích với người khác khi họ có hạnh phúc hay họ được thành công, nhất là khi sự thành công ấy tiến về nẻo thiện, hướng đến mục đích giải thoát.
Hiểu một cách đơn giản, Hỷ là mừng vui, nhưng đó không là những mừng vui quá thô lậu và trần tục, mà nó là mừng vui nhẹ nhàng thanh khiết, vắng bóng của tư kỷ, vị kỷ, tham sân; vắng mặt của các yếu tố điều kiện thế giới vật dục lắm bụi bặm và nhiều phiền não bên ngoài.
Hỷ vô lượng là năng lực tự có từ bên trong, không nương nhờ các điều kiện phụ, điều kiện từ thế giới vật chất bên ngoài, nó là một năng lượng mát mẻ tuôn tràn từ một nội tâm có tu tập, một nội tâm đã làm cho lắng dịu mọi tham dục, sân hận, bất bình, oán ghét, ganh tị.
Nó là kết quả của tinh thần do trải qua công phu thiền định lâu dài, do sự kiên trì không mệt mỏi, do sự bền gan không nản chí. Tuy nhiên nếu đã thành tựu Từ và Bi vô lượng thì Hỷ vô lượng cũng dễ dàng an trú.
Trong khi, “Từ” nhìn cuộc đời khía cạnh đáng yêu, và cầu mong cho tất cả cuộc sống được an vui tốt đẹp; “Bi” nhìn cuộc đời khía cạnh đáng thương, cầu mong được chia sẻ ủi an tất cả nỗi khổ của cuộc sống, thì “Hỷ” nhìn cuộc đời khía cạnh đáng mừng trước sự thành công, thành đạt hoặc an vui, sức khỏe, may mắn hạnh phúc của người khác.
Trái tim của tâm Hỷ luôn đập một nhịp với tất cả chúng sanh hữu phước. Đôi mắt xanh của tâm Hỷ luôn thấy khía cạnh vui tươi xinh đẹp của cuộc đời.
Người có tâm Hỷ sẽ trực tiếp hưởng nhiều lợi ích do tâm ấy đem lại cho mình hơn cả người khác.
Nếu so sánh với tâm Từ và tâm Bi, tâm Hỷ lại càng khó thực hiện.
Lòng "ganh tị" là kẻ thù trực tiếp của Hỷ. Nhiều người lấy làm bực tức khi thấy người khác thành công hay vui khi thấy người khác thất bại. Chính tâm Hỷ làm tiêu tan lòng ganh tị đó.
Muốn có tâm Hỷ, phải có ý chí mạnh mẽ và hết sức cố gắng. Nỗ lực để tạo sự an vui, hạnh phúc trong đời sống cá nhân cũng như tập thể và vươn mình lên sống đời trong sạch, cao thượng. Cho nên tất cả mọi người nên thực hành tâm Hỷ.
Tứ vô lượng tâm: Tâm XẢ vô lượng
Lá sen chẳng giữ giọt mưa
Đất kia dơ sạch ghét ưa thản ngoài
Xả tâm tịnh định tuyệt vời
Trạm nhiên thanh thoát nụ cười nhẹ không
XẢ là lòng buông xả ra mọi vật của mình cho tất cả chúng sinh không phân biệt kẻ oán, người thân.
Xả là bố thí, bỏ đi, không chấp, không ghi giữ trong lòng. Xả là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính, suy luận vô tư, tức là không ghét bỏ cũng không luyến ái; không ưa thích cũng không bất mãn.
Xả là tâm thản nhiên trước nghịch cảnh, trước phỉ báng, nguyền rủa, khinh rẻ, chỉ trích của người khác. Và nó cũng bình thản điềm nhiên trước hạnh phúc, may mắn, tán dương khen ngợi của mọi người đối với chính mình.
Xả là điềm nhiên và bình lặng như mặt đất trước những thành bại, được mất, hơn thua, khen chê, vui khổ, … nó vững chắc và an định như cây đa sừng.
Xả không có sự kỳ thị, phân biệt nào giữa tên tội đồ và bậc thánh nhân, người giàu và kẻ khổ, … tất cả đều vô tư bình thản như nhau, như nước của trăm con sông đều hòa mình giữa biển lớn.
Điều chúng ta cần lưu ý, Xả là trạng thái tâm quân bình tuyệt vời nhưng nó cũng dễ nhầm lẫn, đồng tướng với thờ ơ lạnh lùng, dửng dưng, nguội lạnh, vô tình, vô cảm, lãnh đạm. Chúng là kẻ thù gián tiếp của Xả vô lượng.
Còn kẻ thù trực tiếp, trực diện chính là luyến ái. Do luyến ái mà phát sinh yêu ghét, phá vỡ sự bình ổn của tâm. Nơi nào có luyến ái, nơi đó không có Xả vô lượng, nơi nào có lạnh lùng vô cảm, nơi ấy cũng không có Xả vô lượng.
XẢ có bốn loại:
Tài xả: đem cho người ta đồ vật, của cải
Pháp xả: đem giáo pháp, giáo lý cho người
Vô úy xả: đem đức không sợ hãi cho người
Phiền não xả: tự mình xả bỏ tất cả các mối phiền não
Có thể thấy, Hỷ và Xả là hai hạnh lành, có tương quan mật thiết, làm nhân làm quả cho nhau.
Xả làm nhân cho Hỷ, nghĩa là muốn vui theo với người, muốn làm cho người vui, thì trước tiên mình phải đừng chấp, phải xả bỏ những điều ngang trái, những điều thiệt thòi sỉ nhục mà người khác đã làm cho ta.
Xả mà còn buồn rầu tiếc nuối cho những cái mình đã bỏ đi thì xả như thế không có ích gì. Xả phải đi đôi với Hỷ, Xả với vẻ mặt hân hoan vui mừng như người tù gỡ bỏ xiềng xích.
Tứ Vô Lượng Tâm như dòng nước mát lành tưới tẩm tâm hồn chính mình, và người khác. Bạn đừng cho rằng sự cho đi là phải bằng một hành động cụ thể nào đó. Sự cho đi sâu thẳm nhất là xuất phát từ tâm hồn - dù bạn đang lặng im. Khi những hạt giống của Từ, Bi, Hỷ, Xả được nuôi dưỡng bên trong bạn, thì sự hiện diện của bạn với mọi người, với cuộc sống đã là một phép màu.
***
Nội dung: Phan Dừa K5 + Tuyết Tĩnh Tâm K1 - Khoá Content 3 Gốc
Biên tập: Khánh Vi
Hình ảnh: Phạm Liên
Nguồn tham khảo:
Коментари