Nếu một ngày bạn hay người thân của bạn bị ung thư ghé thăm, bạn sẽ làm gì?
Ung thư có phải là dấu chấm hết cho cuộc sống? Ung thư có phải là bản án tử hình khiến ta hoảng loạn, bất an?
Hãy cùng blog 3 gốc đọc bài viết của chị Phú Điềm Tĩnh - người từng đối diện với căn bệnh hiểm nghèo này để học được tâm thái vững chãi từ chị nhé!
Mục lục
Khi tôi đứng ngoài lề
Cuối tuần, tôi nhận được tin một người chú họ bị ung thư thực quản giai đoạn 2, mẹ của một người em thân thiết bị ung thư dạ dày giai đoạn 4. Vậy là, riêng họ hàng và bạn bè thân thiết trong 2 năm gần đây đã có 8 người bị ung thư, trong đó có một người em trẻ tuổi đã chết vì ung thư giai đoạn cuối.
Tôi buồn, thảng thốt nhưng vẫn có đôi chút bàng quan dù biết: Ung thư đã gần như là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam đang đứng ở tốp đầu những quốc gia có số ca nhiễm ung thư hàng năm cao nhất.
Khi tôi đột ngột trở thành người trong cuộc
Hai năm trước, khi đang làm việc tại nhà do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tôi phát hiện mình bị ung thư dạ dày. Do một lần ăn đồ muối chua bị ợ hơi, nóng ran vùng thượng vị, tôi vào viện nội soi kiểm tra thì được bác sĩ kết luận “Có khối u dạ dày, không loại trừ khả năng K hóa”. Tôi chết điếng! Mặc dù bác sĩ dặn đợi kết quả sinh thiết trong 3 ngày nữa, nhưng lòng tôi đã nóng như lửa đốt, như linh tính rằng “đã đến lúc TRỜI gọi tôi phải dạ rồi”.
Trong 3 ngày đợi kết quả, tôi luôn nghĩ đến khả năng xấu nhất là mình bị ung thư, vậy thì thiên thần nhỏ mới 3 tuổi của tôi kia sẽ như thế nào? Bố mẹ nông dân không có lương hưu sẽ như thế nào? Tôi đã chuẩn bị được gì cho con, cho bố mẹ nếu như mình đột ngột rời khỏi cuộc sống này?
Tôi kiểm tra các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của bản thân, của con, của bố mẹ; kiểm tra tài khoản, sổ tiết kiệm… Sau khi đã biết rõ những gì mình có, tôi bắt đầu ngồi liệt kê những việc cần làm, từ kế hoạch xa 5 năm đến kế hoạch gần trong 6 tháng, 1 năm… để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Xong!
Và đợi…
Đến khi nghe kết quả chính thức “em bị K dạ dày, giai đoạn 3”, tôi không còn quá suy sụp như 3 ngày trước nữa. “Chữa thôi”, bác sĩ bảo tôi. Và tôi mỉm cười, gật đầu.
Sau đó là các cuộc xét nghiệm, chụp chiếu, truyền máu, phẫu thuật, và truyền hóa chất cứ 3 tuần 1 lần. Bệnh viện trở thành căn nhà thứ 2 của tôi.
Vào viện điều trị mới biết người bị ung thư nhiều vô kể, đủ mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh: Từ em bé 8 tuổi đến cụ già hơn 80 tuổi. Các bệnh nhân đa số chỉ có một mình, không người nhà chăm sóc do bệnh viện hạn chế người vào để hạn chế lây lan dịch Covid-19. Vậy là các bệnh nhân tự giúp đỡ lẫn nhau, trở thành người nhà của nhau.
Có một điều kì lạ là ở ngoài bệnh viện, mọi người nghe về bệnh ung thư kinh khủng bao nhiêu thì trong khoa ung bướu - chuyên điều trị ung thư của viện, các bệnh nhân lại thấy nhẹ nhàng, vui vẻ, tích cực bấy nhiêu. Có chú hơn 70 tuổi mỗi lần vào viện là lại đi khắp các phòng chào và tìm người quen các lần điều trị trước, hỏi han tình hình. Có cô mỗi ngày đều tập Pháp Luân Công và dạy cho mọi người động tác cơ bản để cùng tập, cùng cười. Mọi người đều coi nhau như người nhà, quen thân biết mặt từng bác sĩ, điều dưỡng, cho đến cô lao công. Tôi may mắn trải qua 7 tháng điều trị một cách nhẹ nhàng như thế.
Thay đổi thói quen - nhận ra món quà cuộc sống
Trong thời gian điều trị, tôi tự tìm hiểu và biết được nguồn gốc của căn bệnh ung thư dạ dày hầu hết đến từ thói quen xấu: thức khuya, ăn tối muộn, suy nghĩ nhiều… (Thời gian trước khi phát hiện bệnh, vì dãn cách xã hội, tôi mang máy tính và công việc về nhà và thường xuyên làm việc khuya).
Sau khi điều trị xong, ra viện, tôi bắt đầu thay đổi thói quen sống. Đầu tiên là ngủ sớm, dậy sớm. May quá tôi tình cờ biết đến hành trình kiến tạo Văn Hóa đọc của Trí Tuệ Việt Nam, và khung giờ học tập của hành trình từ 4:30 - 06:00, lại đúng là thứ tôi đang cần rèn luyện.
Kết thúc hành trình, tôi đã hoàn toàn rèn luyện được thói quen ngủ sớm - dậy sớm. Cũng nhờ hành trình, tôi có suy nghĩ tích cực hơn, sống biết đủ, biết cống hiến và biết cho đi đúng cách. Tôi thường xuyên cho con đi chơi, đi về quê thăm bố mẹ, đi gặp bạn bè. Tôi trọn vẹn trong tất cả cuộc hẹn với những người thân thiết.
Trước kia tôi có rất nhiều lý do để từ chối, còn giờ tôi tận dụng mọi dịp để chuyện trò. Trước kia tôi sẽ chỉ ngày đi làm, tối về nhà, hối hả đến quên bản thân, còn giờ mỗi tối tôi cùng bạn bè đi dạo quanh phố, chào hỏi cả những người không quen biết. Tôi mỉm cười nhiều hơn, quan sát cuộc sống nhiều hơn, tôi biết con đường đi làm có gì nổi bật, xung quanh mình có gì đẹp và mới…Mọi thứ xung quanh thay đổi theo tâm hồn rộng mở của tôi.
Trên hành trình này, còn có một nhân duyên khiến tôi đổi thay, đó là tham gia khóa thiền Vipassana. Trong 10 ngày thực hành thiền, tôi học được cách quay vào bên trong mình, nhìn nhận mọi nhân duyên với tinh thần huyền không, với tâm tĩnh lặng không phán xét, không mong cầu. Nhờ đó tôi đón nhận bệnh tật và mọi việc bất như ý bằng sự bình thản, chấp nhận.
Nhờ những thay đổi tích cực, tôi thấy mình như được sinh ra lần nữa, được bắt đầu lại cuộc sống một lần nữa. Ung thư đến với tôi lúc đầu giống như 1 bản án tử hình, nhưng rất nhanh tôi đã nhận ra đó là một món quà, một lời cảnh tỉnh mà vũ trụ đã trao cho tôi, giúp tôi sắp xếp lại cuộc sống và bắt đầu sống một cách ý nghĩa, trọn vẹn hơn, để tôi không phải “chết từ năm 20 tuổi mà tới năm 70 tuổi mới đem chôn”.
Tôi đã đón nhận món quà này và tôi sẽ sử dụng nó thật tốt để sống thật ra sống những năm tháng tiếp theo.
Lời nhắn gửi đến bạn đọc
Bạn có thể tưởng tượng bất kỳ cấp độ vui sướng, hạnh phúc nào diễn ra trong cuộc đời mình, nhưng lại không thể biết trước điều bất như ý nào sẽ xảy ra cho bạn trong tương lai. Vì thế hãy đón nhận mọi điều đến với mình như đón nhận những món quà của cuộc sống, giúp ta học hỏi và trưởng thành hơn.
Nội dung: Phú Điềm Tĩnh - Học viên Content 3 gốc Khóa 4
Biên tập: Khánh Vi - Nhàn Lý
Hình ảnh:
Em rất dũng cảm và sáng suốt, chúc mừng em đã vượt sóng thành công
Thương lắm bạn tôi!
Cảm ơn tác giả. Bài viết rất chân thực và ý nghĩa. Rất mừng vì bạn đã vượt qua, chúc bạn luôn khỏe! - Từ Hân